;
Từ lúc biết đòi theo chân người lớn đi núi viếng chùa, tôi đã từng ghé qua nơi đây. Xin mượn hai dòng dẫn trích trong tư tưởng của hoàng triều Trần để làm một cuộc hội ngộ qua nội dung bài viết.
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”
Nhóm bạn từ thiện có một chuyến về miền Tây trao học bổng, sẵn gợi ý với tôi cho nhóm ghé thăm ngôi chùa có cái tên hấp dẫn liên quan chủ đề ẩm thực: “chùa bánh xèo”. Trong kí ức của mình, tôi thường nghĩ đến những ngôi chùa gắn liền với núi. Có lẽ vì ngôi chùa đầu tiên tôi đến là Thiền viện Đông Lai, phía sau chùa có con đường dẫn lên núi Cậu. Một ngọn núi nhỏ thu hút bước chân chinh phục của bọn trẻ chúng tôi vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, rằm tháng Bảy, rằm tháng Giêng...
Núi cao tầm 250 m; có “sân tiên” là tảng đá tương đối bằng phẳng và rộng; có bàn “chân tiên” khổng lồ to gấp mười lần chân người bình thường vẫn còn in rõ trên phiến đá; có hàng chục “giếng tiên” lớn nhỏ nằm rải rác; có vài am miếu thờ những vị thần linh ngự trị trên núi.
Tích xưa kể rằng, có hai chàng trai hào hoa, phong nhã tên là Tài và Quí (vốn là con cháu thần tiên), thường trốn xuống trần gian chơi. Một hôm, Ngọc Hoàng biết chuyện, nổi giận quở trách sơn thần, thổ địa nơi đây bao che không báo cáo việc ấy lên thiên đình. Thế là hai cậu bị Ngọc Hoàng đày ở lại hạ giới, cấm ra khỏi phạm vi ngọn núi này. Từ đó, núi có tên là núi Cậu.
Cũng chính ngọn núi này, vị trụ trì thứ nhất của Thiền viện Đông Lai từ Long An tìm đến vùng Thất Sơn tu tập trong một hang đá. Năm 1959, được người dân hiến đất xây chùa, hòa thượng Thích Thiện Đạo là người thay mặt bà con phật tử địa phương khai sơn tạo tự. Ban đầu, ngôi chùa chỉ gồm chánh điện và nhà tổ được xây cất đơn sơ.
Ba năm sau, trụ trì cho xây thêm tượng Phật niết bàn (tên gọi “chùa Phật Nằm” cũng được hình thành dựa theo công trình đặc thù này). Những năm chống Mĩ, chùa là nơi tiếp tế lương thực (gạo, muối…) và còn là nơi dân làng lui tới hốt thuốc Nam trị bệnh cho người nghèo. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, bọn Pôn-pốt tấn công và giết hại dân lành dã man gây cảnh đau thương tang tóc. Hòa thượng Thích Thiện Đạo cùng một số phật tử chạy lên núi nhưng bị giặc thảm sát, thầy viên tịch năm 1978.
Nhà Tổ bị đốt phá, nhưng chánh điện vẫn giữ nguyên kiến trúc tương đối vững trãi. Những năm vắng tiếng chuông mõ, bộ đội địa phương tận dụng lập trạm xá và cùng cả nước khôi phục lại những vết thương mà chiến tranh để lại. Nước nhà còn trong gian khó, mãi đến năm 1988, hòa thượng Thích Thiện Huệ (là người trong xã) đến trông coi và tu bổ lại chùa. Vị trụ trì thứ hai viên tịch năm 1997. Hai năm sau đó, chùa có hai vị đệ tử trông coi.
Năm 1999, đại đức Thích Thiện Chí (từ chùa Phú Thạnh, phường Vĩnh Mỹ, Tp Châu Đốc) được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang bổ nhiệm đến trụ trì Thiền viện Đông Lai. Lần này trở lại, tôi may mắn được gặp vị trụ trì – đại đức Thích Thiện Chí – giữa lúc thầy đang chăm lo cho nhà chùa và cả bá tánh trong vùng.
Còn đó tượng Phật niết bàn dưới gốc cây nhãn cổ thụ do trụ trì Thích Thiện Đạo tự tay trồng phía bên trái góc sân. Giờ đây thiền viện Đông Lai có nhiều hạng mục được trang hoàng giản dị mà thoáng đãng, trang nghiêm. Phía bên phải góc sân là cụm ngũ hành có dòng thác chảy nâng tượng Phật Quan Âm thanh thoát. Vị trí gian chánh điện vẫn không thay đổi so với bố cục cổ tự được sắp xếp gọn gàng mà nét lộng lẫy, uy nghi vẫn hào quang chiếu tỏa.
Ấn tượng nhất là các cặp câu đối Hán ngữ: tiền điện ghi "Hoằng pháp vi gia vụ/Lợi sanh vi bổn hoài" còn nội điện ghi "Đông độ Tây Thiên trụ đại pháp/Lai nhân duyên hữu thoát trần ai". Dọc hai bên tường là những bức phù điêu liên tiếp được chạm khắc tinh xảo. Phía sau chánh điện là nhà bếp với 3 khu chính đặt khoảng 25 bàn ăn, phục vụ một lượt trên 1000 người; nhà nghỉ 3 tầng chia làm 8 gian…phục vụ khách phương xa.
Theo lời cô Lâm Thị Phương – một người phụ nữ làm công quả ở chùa – thì chỉ cần báo trước thời gian và số người, cô sẽ được trụ trì cho phép dọn dẹp đón tiếp phật tử đến viếng chùa.
Hiện nhà chùa đang xây dựng thêm giảng đường để lập đạo tràng, tụng niệm, nghe giảng giáo lý, chiêu sinh các khóa tu ngắn hạn…; sửa chữa nhà ăn, di dời địa điểm nhà vệ sinh. Bên cạnh đó, nhà chùa dự kiến sẽ xây thêm khu Đức Phật Đản Sanh – Thành Đạo –, Chuyển Pháp Luân trong khuôn viên nhằm tạo sự thống nhất và hài hòa với tượng Phật Nhập Niết Bàn.
Từ xa nhìn lên, ngôi chùa quen quen một dáng ngói đỏ mái đao nhọn nóc tựa lưng vào núi hướng mặt nhìn ra dòng kênh Vĩnh Tế dịu nắng những chiều buông.
Không một chính sách thu hút nào, nét đặc trưng của ngôi chùa là mối duyên lành giữa nhà chùa với phật tử muôn phương.
Đại đức Thích Thiện Chí chia sẻ, “xây dựng chùa là bổn phận, trách nhiệm của người tu, làm cho ngôi chùa khang trang cũng là để báo công với thầy, với Phật”. Người tu cần siêng năng thiện đạo, nhân duyên nhiều kiếp, phước báo của người tu hạnh, niệm đủ thời kinh … để hướng đến thực hiện những công trình cao quý.
Nhiều phật tử nhớ rất kĩ những ngày cúng lớn: kỵ giỗ cố hòa thượng Thích Thiện Đạo (được người dân kính trọng gọi là thầy Đông Lai) vào ngày 13/3 ÂL; vu lan báo hiếu các ngày 27, 28/ 7 ÂL; rằm tháng Giêng; rằm tháng Bảy… Sau khi viếng chùa, cúng bái, dòng người tiếp tục di chuyển ra nhà ăn thưởng thức món bánh xèo. Nhà khói gồm bếp lớn và 3 giàn chảo, mỗi giàn từ 10 đến 20 lò. Cao điểm nhất vào mùa vía Bà, những ngày cúng lớn hay cuối tuần, khách đến rất đông. Thực khách đứng xếp hàng vòng quanh các giàn chảo chờ bánh chín rồi tự bưng lên bàn ăn kèm theo một ly sữa đậu nành hoặc cà phê đá.
Nhưng có vẻ chùa đang vắng khách. Vài người ngó quanh không thấy có cái bánh nào cũng không thấy có lò bếp nào nổi lửa, chỉ thấy bàn ghế được lau bóng loáng và xếp ngay ngắn trong nhà ăn. Cũng nhờ lực lượng làm công quả mà mọi thứ tươm tất hơn. Và rồi như đã hẹn, một người đàn ông trung tuổi bước vô bếp, nhanh tay nhóm củi. Chú tên là Bùi Văn Tâm, khoe với chúng tôi, một đầu bếp có thể chiên tối đa khoảng 2.000 cái/ ngày. Chẳng mấy chốc chảo nóng đều lên.
Người đầu bếp ra tay khuấy bột, đổ bột, thêm nhân và xoay chảo liên tục để cho ra những chiếc bánh nóng giòn màu vàng bắt mắt. Không dày như bánh mặn ở quán có giá 15 ngàn/ 1 cái, bánh được đổ mỏng, chắc là để ăn không thấy ngán. Bánh xèo là sản vật được nhiều người biết đến ở vùng Bảy Núi. Tự nhiên thôi, ban đầu vào những ngày lễ lớn, phật tử không biết nấu món chay nhiều.
Họ nghĩ ra những món ăn gần gũi trong dân gian như bánh xèo, bánh tét, kiểm… cho gọn và cũng là để dễ hợp với khẩu vị của đại đa số bà con trong vùng. Trong khi đó, các chùa khác ít làm bánh xèo, thế là món bánh xèo chay của chùa có mặt như một thương hiệu không thể thiếu trong chuyến hành hương về với xứ núi Tịnh Biên.
Những nghệ nhân làm bánh có tay nghề lâu năm, ngày ngày ngồi giữa hàng chục lò củi chất xung quanh. Họ không phải là người làm thuê nên không hề có bất cứ đòi hỏi nào, nhà chùa và bà con phật tử thấy thương cho công sức của họ nên bồi dưỡng giúp họ phần nào chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Có người thắc mắc, chi phí đâu ra để nhà chùa có thể duy trì bếp bánh xèo lâu dài như vậy? Anh Ngô Văn Vũ bộc bạch: “Ban đầu, nhà chùa dùng tiền cúng dường của khách thập phương làm bánh trước là dâng cúng sau là đãi phật tử đến viếng chùa. Tiếng lành đồn xa, lượt khách đến viếng chùa ngày càng tăng, họ ăn bánh xèo không ngớt lời khen ngợi. Có người mong muốn cúng dường chút ít cho nhà chùa để trang trải việc nấu nướng. Thế là nhà chùa có thể xoay vòng bằng nguồn chi phí đó”.
Một số hộ tiểu thương có điều kiện hơn thì mang dầu ăn, nguyên liệu, củi, rau… đến đóng góp cho nhà chùa. Nhìn dĩa rau rừng non tươi những đọt ngành ngạnh, kim thất, bứa, lá sung, cát lồi… mà cảm nhận được sức vất vả của chị Trương Thị Kim Thùy vừa hái mang về từ buổi sớm mai.
Không chỉ có những người đi viếng chùa mà cả những anh công nhân, những cụ già bán vé số, những em bé bán hàng rong... dù có hay không đóng góp cho chùa cũng được đãi món bánh xèo miễn phí.
Chúng tôi được thầy Trơn Pháp mời dùng trà ở sân vườn nép sau chánh điện. Trên vách cao, bức phù điêu màu đồng đóng khung bốn dòng thơ của Trần Nhân Tông hoàng đế:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mục vấn thiền.
(Cư trần lạc đạo hãy tùy duyên.
Đói cứ ăn no, mệt ngủ yên.
Báu sắn trong nhà, thôi khỏi kiếm
Vô tâm trước cảnh, hỏi chi thiền).
Bài thơ phản ánh lý tưởng sống – đạo làm người của một vị vua. Theo ông, ta cần đơn giản hóa cuộc sống, phức tạp hóa tính tự nhiên vốn có của nó thì chỉ là người không hiểu bản chất đích thực của con người. Châm ngôn của nhà chùa là đây. Muốn đắc đạo, người tu hành phải hòa đồng bản thể và tâm tính của mình cùng nhân quần, vạn vật.
“Dĩ chúng tâm, vi kỷ tâm”.
Lúc cùng nhóm bạn vãn cảnh khuôn viên chùa, trong đầu tôi cứ níu vào những dòng thơ ấy. Trông tượng Phật Niết Bàn dưới bóng râm mà thèm cảm giác an nhiên. Niết bàn có trong trần tục hay niết bàn chỉ có khi ta nhắm mắt lìa khỏi đời.
Thôi thì con người hãy đi bằng con đường trần tục (như những việc nhỏ nhặt thường ngày đáp ứng nhu cầu cuộc sống) để đạt đến Niết bàn tốt đẹp vậy. Cuộc sống luôn vội vã, và tâm hồn cũng có thể chứa một góc an yên. Nhưng nếu lấy thế giới quan làm chuẩn, thì tâm hồn càng rộng lượng. Thầy Trơn Pháp kể cho chúng tôi nghe về vị vua khác trong triều Trần.
Trần Thái Tông – ông là một thi sĩ trữ tình thanh tịnh, một triết gia sâu sắc, một thiền gia lỗi lạc. Một ngày kia ông muốn lên núi tu thành Phật và được Trúc Lâm đến cầm tay khuyên rằng: “Phàm làm đấng vương quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn bệ hạ về bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên, ngoài chính trị, bệ hạ chớ quên nghiên cứu nội điển và tham thiền”.
Lời của thiền sư đã khiến nhà vua cất bỏ mọi sự phiền não trong tâm. Vua vừa lo trị nước an dân cũng có thể vừa lo tu thành Phật. Bằng hành động thiết thực cụ thể, khi đất nước lâm nguy, vua Trần Thái Tông đã trực tiếp lãnh đạo binh đoàn ra chinh chiến. Một vị vua tích cực dung hòa Đạo – Đời với tinh thần vô ngã vị tha, dành hết tâm huyết cho công cuộc giải phóng dân tộc mà vẫn trọn đường tu hạnh. Đó cũng là tư tưởng “Dĩ chúng tâm, vi kỷ tâm”. Con người hướng thiện bằng việc phục vụ quần chúng nhân dân. Tôi càng nhận thức rõ hơn, Phật Giáo có vai trò ý nghĩa lớn đối với xã hội.
Với 03 vị tỳ kheo (thọ đại giới), một vị mới xuất gia và bà con phật tự địa phương đến làm công hỏa, Thiền viện Động Lai có những con người luôn cố gắng thực hiện nhiệm vụ phương châm “Tốt đời đẹp đạo”.
Đó là đại đức Thích Thiện Chí, thầy là người cha đã dạy dỗ các vị đệ tử nên người. Từ việc mong sao họ sống tròn hiếu đạo đến việc quan tâm việc chống lãng phí trong nhà chùa, dù ở đâu hay vị thế nào cũng giúp người được.
Đó là thầy Trơn Pháp, là vị đệ tử thứ hai của đại đức Thích Thiện Chí, được làng xóm cứu và đưa vào chùa năm 7 tuổi khi bị người mẹ tâm thần bất chợt dùng lưỡi lam gây thương tổn trên khuôn mặt. Luôn nhiệt tâm với những câu chuyện về hoàng triều Trần, thầy cho rằng, cuộc đời vui hay buồn là do trong tâm của mỗi người. Đã từ lâu thầy tìm cõi an lạc để tự tại đi ngược chiều thế gian vì ngoài kia đầy những luân hồi: sân si, tiền tài, danh vọng, quyền lực.
Đó là cô Lâm Thị Phương, chú Bùi Văn Tâm, anh Ngô Văn Vũ, chị Trương Thị Kim Thùy, … cùng có hơn 10 năm tình nguyện làm công quả trong chùa, có người đồng thời là người đầu tiên xung phong làm nhiệm vụ chiên bánh xèo phục vụ khách nhà chùa.
Thông qua việc góp sức và vận động tín đồ phật tử tích cực tự nguyện đóng góp ủng hộ quỹ xã hội từ thiện, nhà chùa đã giúp đỡ kịp thời cho nhũng hộ nghèo, khó khăn, gặp thiên tai, hoạn nạn.
Thấy nhiều hộ nghèo đa số mượn tạm nền nhà của người khác, không được xét cất nhà theo diện chính sách, đại đức Thích Thiện Chí đã mua 500m2 đất phân nền hỗ trợ cất nhà cho các hộ nghèo có nơi ăn chốn ở ổn định.
Ngoài ra, nhà chùa còn hỗ trợ sửa nhà cho hộ người già neo đơn thuộc khóm Xuân Phú; thường xuyên trợ cấp gạo và quà bánh cho các hộ nghèo trong và ngoài địa bàn; tặng sách vở cho học sinh và đóng góp quỹ xã hội hóa cho trường học tu sửa, bổ sung trang thiết bị dạy học; đóng góp kinh phí góp phần hỗ trợ chính quyền địa phương mua sắm cơ sở vật chất phục vụ đời sống nhân dân như lặp đặt camera an ninh, mua xe chuyển bệnh…
Đại đức Thích Thiện Chí xem xét theo điều kiện của nhà chùa, dân cần gì thì giúp đó. Thầy đứng ra vận động mạnh thường quân và các phật tử. Đây còn thể hiện quan niệm “sống đâu lo đó” của nhà chùa.
Thời gian qua, trụ trì Thiền viện Đông Lai cùng với toàn dân thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững, bộ mặt văn hóa địa phương ngày càng khởi sắc.
Cá nhân đại đức Thích Thiện Chí đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực đóng góp trong việc thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng, tôn giáo năm 2013; tích cực đóng góp bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo của tỉnh; xuất sắc trong phong trào Khuyến học, khuyến tài.
Giai đoạn 2011 – 2016, đại đức Thích Thiện Chí được Tỉnh ủy – HĐND – UBMTTQVN tỉnh An Giang tuyên dương điển hình tiên tiến lĩnh vực xã hội hóa và an sinh xã hội; Huyện ủy HĐND – UBMTTQVN huyện Tịnh Biên tuyên dương vì đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội huyện…
Thiền viện Đông Lai còn là nơi nuôi dạy trên 20 trẻ mồ côi từ Tiểu học đến Đại học. Phần lớn các em được gia đình đón về sau khi đã có cuộc sống ổn định hơn trước, hiện 01 em đang học lớp 6 trường THCS Lương Thế Vinh (thị trấn Tịnh Biên) và 01 em đang là sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Tp.HCM). Các em khi đến đây đều khỏi phải xét điều kiện gì, miễn là thấy khó khăn không thể lo đầy đủ cho con em họ đến trường thì trụ trì nhận vào nuôi dạy tại chùa.
Nhà chùa không bắt buộc các em phải tu, nhiệm vụ chính là đi học ở trường và được mặc đạo phục. Mỗi ngày, các em cùng với các thầy trong chùa tụng sáu thời kinh. Ngoài ra, các em còn được các sư thầy giáo huấn thêm những gì không có trong các môn học.
“Dĩ chúng tâm, vi kỷ tâm” – tư tưởng ấy của Phật giáo càng rõ ràng hơn trong tình cảm của chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.