;
Quây quần bên bếp lửa trong sân chùa
Năm nay miền Bắc đón Tết trong tiết trời mưa phùn, rét đậm. Dù thời tiết không ủng hộ nhưng ngay từ chiều tối, rất nhiều người dân xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã đến chùa làng Linh Viên để chờ thời khắc giao thừa.
Người dân xã Gia Hưng quây quần bên bếp lửa đón giao thừa tại chùa làng Linh Viên |
Ai cũng nhiều cảm xúc trước thời khắc chuyển giao của đất trời. Vì trời rét nên mọi người quây quần bên đống lửa hồng, ngồi bên nhau thăm hỏi về những câu chuyện làng, xóm, chuyện sắm sửa đồ Tết, việc cấy hái vụ mùa...
Bà Nguyễn Thị Khính (70 tuổi) cùng con, cháu ra chùa đón giao thừa tâm sự: “Tôi thích đến chùa lúc này vì sẽ trút bỏ được những lo âu và phiền muộn của năm cũ, nguyện cầu chư Phật, chư Tổ gia hộ cho một năm mới đạt được nhiều niềm vui, hạnh phúc và một vụ mùa bội thu”.
“Thời khắc giao thừa là thiêng liêng nhất nên tôi tới chùa để cầu xin những điều tốt đẹp nhất cho gia đình. Cầu mong sức khỏe, làm ăn phát đạt, con cháu hạnh phúc” - bà Khính cười nói.
Đi lễ chùa trong thời khắc này không đơn giản chỉ để ước nguyện mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh thường ngày.
Hòa vào dòng người lên chùa đón giao thừa, mỗi người sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời, đất. Mùi hương trầm, mùi nến, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn thiền môn sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.
Lên chùa đón Tết cùng người thân đã khuất
Trái với thời tiết rét đậm ở miền Bắc, khí hậu miền Nam rất mát mẻ, chính vì thế hàng nghìn người dân TPHCM, từ cụ già cho đến em nhỏ, đã chọn cách đến chùa đón giao thừa. Ai cũng nô nức tay cầm cành vàng lá ngọc, tim sen, hương lộc, cây phát tài, hương lớn... đổ về các chùa cầu an.
Một gia đình ở quận Tân Bình chọn đến chùa đón giao thừa. |
Tại những ngôi chùa lớn cổ kính như chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), chùa Phước Hải (Bình Thạnh), Giác Hải, Xá Lợi… lượng người tìm đến cầu an nhiều nhất. Ai cũng mong đến chùa sớm nhất trong những giờ phút đầu tiên của năm mới.
Anh Phan Trí Toàn (quận 10) tâm sự: “Năm nay cả gia đình chọn đến chùa Vĩnh Nghiêm đón giao thừa để cùng đón tết với bà nội vừa mới mất. Tôi nghĩ bà mới mất nên rất cần người thân trong những thời khắc thế này. Đến chùa đón tết cũng là một điều thú vị”.
Không chỉ vì người thân, nhiều người dân Sài thành cho rằng, đến chùa ngày sau thời khắc giao thừa là điều rất may mắn. Thời điểm này đất trời giao hòa sẽ có nhiều điểu tốt lành cho mọi người. Chính vì thế ai cũng háo hức đến chùa hái lộc đầu năm.
Khói hương nghi ngút làm cho không gian chùa trở nên hư ảo, tất cả hòa quyện làm tăng thêm sự linh thiêng, huyền bí nơi cửa Phật.
Hoài Lương - Thu Hiền - Theo KTO