;
Ta sẽ dạy, Ta sẽ thuyết pháp. Nếu vị ấy thực hành đúng như điều ta đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và ngay trong hiện tại chứng ngộ phạm hạnh và mục tiêu vô thượng mà vì lý tưởng này, các Thiện nam tử đã gia đình, xuất gia tu đạo, vị ấy chỉ cần có bảy ngày.” (Tôi gạch dưới – MC)
Đoạn văn trên ghi lại lời Phật có một số điểm rất đáng chú ý:
Một người có trí, trung thực, không lừa đảo, chân chất.
Đó chính là yêu cầu cơ bản của người muốn sống cuộc sống tôn giáo đích thực, hướng tới giác ngộ và giải thoát, dù có xuất gia hay không.
Con người đó sẽ thực hành đúng như là được giảng dạy, để tự biết mình và thành tựu mục đích tối thượng của tôn giáo.
Đức Phật vào Niết Bàn từ hơn hai nghìn năm nay rồi, nhưng những lời vàng ngọc của Phật vẫn còn đó, được ghi lại trong kinh điển, và được thuyết giảng bởi nhiều vị đạo sư Tăng sĩ hay cư sĩ.
Tất cả vấn đề chỉ là chỗ chúng ta, những lời Phật tử Việt Nam trung thực, thẳng thắn, chân chất, có trí, có thường xuyên suy ngẫm và thực hành những lời của Phật hay không. Những lời dạy vàng ngọc đó có thật sự hướng dẫn cuộc sống hàng ngày của chúng ta hay không. Tu tập nghĩa là thực nghiệm, là sống. Tu tập không phải đơn giản là vào chùa hay lên rừng. Tu tập là thực nghiệm những lời dạy của Phật trong cuộc sống. Và chính qua thực nghiệm, qua tu tập, chúng ta nhận chân được giá trị của lời Phật dạy đối với cuộc sống chúng ta, càng tự biết mình hơn, con người thực của mình hơn. Đó chính là thiết thực tu tập.
Mục đích tối thượng của cuộc sống tôn giáo, trong thời Phật tại thế là quả Thánh A La Hán, thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, trở thành bất tử, bậc Thánh đã chứng được ba minh, tức là ba sáng suốt, biết rõ những kiếp sống trước của mình, không gì không thấy, không biết, và trong tâm đã đoạn trừ sạch mọi phiền não và khuyết điểm, không còn dư tàn.
Và để thành tựu quả Thánh tuyệt vời đó, Phật nói chỉ cần bảy ngày…
Thậm chí, đối với một số người, cũng không cần tới bảy ngày. Một ví dụ nổi bật và điển hình là ông già Subhada, 120 tuổi, vốn theo ngoại đạo, có duyên lành gặp Phật ở Kusinagara, trước khi Phật nhập Niết Bàn trước Phật. Như vậy là đối với Subhada, không cần tới 7 ngày, thậm chí chỉ có vài giờ!
Hai ví dụ điển hình nữa mà chúng ta đều biết là dâm nữ Ampapali và tướng cướp Angulimala, sau khi quy y Phật và xuất gia đều chứng quả A La Hán.
Chúng ta là những người Phật tử Việt Nam, tuy về thời gian cách xa Phật tới hơn hai nghìn rưỡi năm lịch sử, nhưng vẫn tự hào là con Phật, học trò Phật. Vậy chúng ta hãy sống và hành xử như thế nào để xứng đáng với niềm tự hào đó? Tất nhiên, cuộc sống ồn ào, rộn ràng của xã hội hiện đại, dù là ở một nước đang phát triển như nước ta, hình như không thuận lợi mấy cho sự tu tập hằng ngày của chúng ta. Tôi nói hình như, vì tôi suy nghĩ theo chiều khác. Tôi nghĩ rằng, xã hội hiện đại với bao nhiêu nét tiêu cực của nó, có thể cung cấp bấy nhiêu bài học phản diện, rất sống động, đáng lẽ phải cảnh tỉnh chúng ta, hướng chúng ta tới chân, thiện, mỹ mới phải chứ?
Tôi thường đặt câu hỏi: Nếu cuộc sống hiện tại là đáng vui, đáng thích thì sao lại có nhiều người nghiện ma túy, nghiện rượu để quên cuộc sống ấy đi?
Nếu những đức hạnh truyền thống như hy sinh, thương người, nhẫn nhục là lỗi thời thì sao những bộ phim với những nhân vật tiêu biểu cho những đức hạnh ấy lại được quần chúng đông đảo hoan nghênh đến như vậy? Tất nhiên, ở đây còn có các yếu tố khác như tài diễn xuất của nghệ sĩ, kịch bản hay, đạo diễn tài ba… Nhưng phải chăng vì những nhân vật tiêu biểu cho những đức hạnh ấy ngày càng vắng bóng trong cuộc sống xã hội thực tế, cho nên quần chúng có xu hướng đi tìm họ trên màn ảnh, trong sách truyện?
Cách đây khoảng một tuần, tôi có tiếp chuyện Giáo sư Top Miller thuộc trường Đại học Maryland ở Mỹ. Trong cuộc nói chuyện thân mật, tôi đã hỏi thẳng ông là có phải ở Mỹ, có tỉ lệ vụ ly dị, vụ phạm tội hình sự, và số bệnh nhân tâm thần cao nhất thế giới hay không. Ông trả lời là đúng như vậy. Nhưng cũng theo ông, ở Mỹ số người tin theo các tôn giáo phương Đông, trong đó có đạo Phật, nhất là đạo Phật Tây Tạng cũng tăng lên rất nhanh chóng. Tôi nghĩ rằng, chính những bài học phản diện của cuộc sống hiện đại đã xô đẩy một bộ phận dân chúng Mỹ đến với Phật giáo và các tôn giáo phương Đông khác.
Việt Nam còn lâu mới đạt tới trình độ một xã hội hậu công nghiệp và tiêu thụ như Mỹ. Thế nhưng phản ứng đối với lối sống vật chất và tiêu thụ đã bắt đầu chớm nở. Phản ứng đó, hoặc chóng, hoặc chầy sẽ dẫn đến phục hồi những nếp sống đạo đức truyền thống, trong đó có sinh hoạt tôn giáo. Tất nhiên, đây là một sự phục hồi có phê phán và chọn lọc, sáng tạo. Sinh hoạt tôn giáo cũng được phục hồi theo tinh thần như vậy. Ở đây, tôi xin góp ý về sự phục hồi nếp sống tôn giáo của đạo Phật.
a/ Trước hết, chúng ta dù là tu sĩ hay cư sĩ, đều phải là những người trung thực, thẳng thắn, chân chất. Vì đó là những đức hạnh cơ bản cho những ai muốn sống cuộc sống tôn giáo đích thực, là cuộc sống hướng thượng về mặt đạo đức, là cuộc sống đề cao giá trị tâm linh như là giá trị hàng đầu, số một. Hiện nay trong cuộc sống hiện đại rất giả tạo, mọi người hầu như là đóng kịch và che dấu con người thật của mình. Còn chúng ta là Phật tử, chúng ta không như thế. Chúng ta không biết và cũng không thể sống giả vờ. Chúng ta sống trung thực với bản thân mình, cũng như với mọi người. Tuy rằng có những sự thật không nên nói ra, nhưng chúng ta tuyệt đối không nói dối. Bởi vì, theo như lời Phật răn dạy trong bài kinh “Giáo giới La-hầu-la” (Trung bộ II) thì một người nói dối mà cố ý, thì sẽ không có việc gì ác mà không làm. Đồng thời chúng ta phải là người có trí. Trí tuệ chúng ta không phải hướng tới tìm hiểu, giải quyết những vấn đề siêu hình, và phải được dùng để phân biệt đúng sai, thiện ác, hư thực, điều nên làm với điều không nên làm.
b/ Với một văn bản đạo đức như vậy, chúng ta sẽ thiết thực tu tập theo con đường đạm Tám nhánh (Bát chánh đạo), mà cốt lõi được thâu tóm trong ba mục:
Định, tức là định tâm, không để tâm tán loạn.
Tuệ, tức là mở mang trí tuệ, kể cả văn tuệ là trí tuệ do học tập mà có, tu tuệ, tức là do tu tập, thực nghiệm mà có.
Sống theo tám con đường đạo của Phật dạy chính là lối tu tập thiết thực nhất, thường xuyên nhất. Cần nhớ rằng, khi Phật còn tại thế, Ngài thường khuyên học trò là sống đạo đức theo Bát chánh đạo, và luôn quan sát tâm mình.
c/ Thường xuyên quan sát tâm mình, đó là yêu cầu thứ ba đối với nếp sống Phật giáo. Tất nhiên, Phật khuyên chúng ta, khi hành thiền, phải đồng thời quan sát cả thân và tâm, nhưng rõ ràng trong hai công phu quán thân và tâm thì quán tâm là chủ yếu. Vì tâm là cái làm chủ trong mọi hoạt động của con người. Làm chủ được tâm, tức là làm chủ được mình, không bị dục vọng điều khiển, không bị ngoại cảnh chi phối. Đó chính là giải thoát.
Nếu không làm chủ được tâm, để cho tâm nghĩ bậy, rồi miệng cũng nói bậy và thân làm bậy, thì đau khổ sẽ đến với mình một cách tất yếu như cái bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe vậy. Đây là một ảnh dụ được dùng trong bài kệ mở đầu Kinh Pháp Cú (Kệ I, Bản dịch Thích Minh Châu):
“Kẻ thù hại kẻ thù,
Oan gia hại oan gia,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân.”
(Kinh Pháp Cú – Bản dịch Thích Minh Châu)
Giáo chủ Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma ví cái tâm mình không làm chủ được giống như một ngọn núi lửa, bùng nổ lúc nào không biết. Có người hỏi: Vì sao trong vụ án Tân Trường Sanh, có quá nhiều cán bộ và Đảng viên dính vào thế? Xin trả lời theo quan điểm Phật giáo: Họ đều là người tốt cả, nhưng họ không chế ngự được cái tâm của họ, khi của hối lộ đưa đến thì núi lửa tâm của họ phát nổ, những ngọn lửa tham, sân, si bùng lên, không những đốt cháy họ mà cả những người xung quanh họ nữa!
Trong số báo Tuổi Trẻ ra ngày thứ năm ngày 15/4, có đăng bài phỏng vấn những người có trách nhiệm của Cục Hải Quan Cần Thơ và Cục Hải Quan Thừa Thiên-Huế, và họ trả lời “Quản lý con người là bài học đầu tiên.”
Còn chúng tôi, theo quan niệm Phật giáo thì cho rằng, tất cả mọi người đều phải tự mình quản lý mình, chứ không ai có thể quản lý ai được cả. Tâm là cái gần gũi nhất, mà cũng là sâu kín nhất trong mỗi con người thì làm sao một người khác, dù là một người lãnh đạo Cộng sản tài ba lại có thể quản lý tâm của mình được. Đó là ảo tưởng.
Hãy để cho các tôn giáo lớn, trong đó có Phật giáo xây dựng và phát triển môn tâm học của mình, đồng thời cũng khuyến khích các nhà khoa học khác, không phải tôn giáo nghiên cứu theo chiều sâu và phát triển môn tâm lý học của họ.
Chỉ trên cơ sở một sự phát triển hoàn diện và toàn bộ như vậy của môn tâm lý học Việt Nam thì con người Việt Nam sẽ hiểu rõ tâm của mình hơn, tiến tớí biết quản lý cái tâm của mình, điều phục cái tâm của mình, khiến nó tránh ác, hướng thiện.
Tâm lý học hay tâm học không phải là độc quyền của Phật giáo, nhưng theo chỗ chúng tôi biết thì Phật giáo, nhất là thiền học Phật giáo có rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm về môn học này. Mọi người chúng ta, chứ không riêng Phật tử, hãy làm một công cuộc thám hiểm mới, tức là thám hiểm cái tâm của mình. Cuộc thám hiểm này hứa hẹn cũng thú vị và đầy bất ngờ như thám hiểm vũ trụ vậy, vì sao? Vì tâm người cũng bao la vô tận như vũ trụ.
Có tác giả đề nghị thay từ nhà thám hiểm vũ trụ bằng từ nhà thám hiểm tâm (psychonauts thay vì cosmonauts) (Xem cuốn “Breath by breath”, tác giả Larry Rosenberg, giám đốc trung tâm hành Thiền Cambridge ở Massachussets Mỹ)
Trích dẫn tác giả này (một người Mỹ gốc Do Thái), tôi muốn nhấn mạnh là môn tâm lý học, vốn bị Tây phương vật chất xem nhẹ, hiện nay đang là môn học thời thượng của các nước phương Tây, nhất là ở Mỹ. Là một phật tử Việt Nam, tôi hy vọng nước ta sẽ không tuột hậu, không là học trò mà sẽ là người thầy trong môn học này. Viết bài này nhân dịp lễ Phật đản, tôi rất mong hy vọng của tôi sớm thành hiện thực.
Tâm chúng ta không những là đối tượng quán sát thường xuyên, mà còn la đối tượng thực nghiệm và tu tập thường xuyên của chúng ta. Tôi gọi đó là thiết thực tu tập.
Có tu tâm, mới tích đức được. Đó cũng là truyền thống đạo đức của nhân dân Việt Nam chúng ta.
Trích Tập San Suối Nguồn 15
MC. (Học Viện Phật Giáo Việt Nam)