nguoiphattu.com Nội dung buổi pháp thoại nhằm giúp thính chúng ôn lại những cống hiến to lớn của Phật giáo đối với nhân loại. Tóm tắt pháp thoại:
Lời dạy của Đức Phật giúp xã hội Ấn Độ nói riêng thế giới nói chung phát triển nhiều mặt, từ tôn giáo, triết học, đạo đức…
Ngày Mùng 7/4/Đinh Dậu (nhằm ngày 2/5/2017), nhân mùa Phật đản PL2561 - DL2017, nhận lời thỉnh mời của Ni sư trụ trì, TT. Thích Giác Hiệp - Ủy viên HĐTS, Ủy viên Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, giảng viên Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã quang lâm và có buổi pháp thoại tại chùa Tương Mai - quận Hoàng Mai - HN với chủ đề “Ý nghĩa Phật Đản” tới toàn thể đại chúng.
Nội dung buổi pháp thoại nhằm giúp thính chúng ôn lại những cống hiến to lớn của Phật giáo đối với nhân loại. Tóm tắt pháp thoại:
Lời dạy của Đức Phật giúp xã hội Ấn Độ nói riêng thế giới nói chung phát triển nhiều mặt, từ tôn giáo, triết học, đạo đức…
Ngày Phật đản đánh dấu ngày bậc vĩ nhân, bậc đại giác xuất thế. Đức Phật là một vĩ nhân, một bậc đại giác. Ngài thị hiện ở thế gian, nơi đầy những khổ đau, với tâm đại bi Ngài chỉ ra phương cách thoát khỏi hệ lụy, trói buộc. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện có nêu đại nguyện của Phật: “Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”.
Sự xuất hiện của Đức Phật đem lại hạnh phúc, an lạc cho số đông, cho nhiều người, như kinh Tăng Chi ghi: "Một người, này các Tỳ-kheo khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc,an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên, và loài người. Người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán. Chánh đẳng giác."
Xã hội Ấn Độ thời Đức Phật đầy những khổ đau, bất hạnh về tinh thần và thể xác. Xã hội phân chia giai cấp, nhiều học thuyết phi lý ra đời.
Phật giáo là điểm tựa tinh thần của người dân Ấn Độ nói riêng và của thế giới nói chung. Số đông thực hành lời dạy của Đức Phật. Nhân loại bớt đi những khổ đau của kiếp nhân sinh. Lời dạy của Đức Phật có công năng diệt trừ những trạng thái tâm bất thiện, phiền não, phát triển trạng thái tâm thiện, đạt được an lạc, hạnh phúc, giúp con người vượt khỏi khổ đau. Phật giáo đem lại những thành tựu:
1. Nới lỏng hệ thống giai cấp:
Qua lời dạy về nghiệp, bình đẳng Phật giáo giúp con người hiểu và sống không phân biệt giai cấp. Chủ trương của Phật giáo được xem là một sự cải cách, cách tân xã hội Ấn độ đánh thẳng vào truyền thống hủ hóa, quan niệm sai lầm của Bà-la-môn giáo. Phật giáo phê phán, phá bỏ những quan điểm, chủ trương phi lý của Bà-la-môn giáo. Bà-la-môn giáo quan niệm về vũ trụ mang tính siêu hình, về xã hội mang tính phân biệt nhằm đạt được những lợi ích giai cấp. Cánh cửa Tăng đoàn Phật giáo mở rộng tiếp nhận mọi thành phần gia nhập, miễn là thành viên đó không phạm pháp hay trốn nợ.
2. Giải thoát khỏi những hệ lụy:
Con người luôn ước mơ thoát khỏi những ràng buộc nên tìm kiếm sự tự tại, giải thoát. Giáo lý Phật giáo giúp mọi người giải thoát:
1) Về vật chất: Giải thoát con người khỏi khổ đau do đắm say vật chất
2) Về tinh thần: giúp con người thoát khỏi những trạng thái phiền muộn do tham, sân, si gây nên.
3. Niềm tin chân chính:
Bà-la-môn giáo hợp nhất quyền lực chính trị vào tôn giáo, họ chủ trương tế tự, phân tầng xã hội, chia xã hội ra làm 4 giai cấp khác nhau và cho rằng 4 giai cấp là do thần tạo, Bà-la-môn là cao hơn hết trong các giai cấp. Khác giai cấp không được cưới nhau, hành lễ hay ăn chung bàn. Người giai cấp thấp không được đọc tụng Thánh điển Vệ-đà. Giai cấp thấp bị hành hạ khinh miệt, xã hội bất công. Giai cấp Thủ-đà-la, giai cấp thấp nhất, phải phục vụ các giai cấp cao.
Đức Phật ra đời đã thay đổi tích cực về lối sống tâm linh. Thời Ðức Phật có 2 phương pháp tu tập thịnh hành ở Ấn độ.
1) Tu sĩ Bà-la-môn tìm cầu công đức và giải thoát bằng cách áp dụng những cuộc tế lễ đẫm máu
2) Một số người thay vì tế lễ họ tu theo phương pháp khổ hạnh ép xác với ước vọng có được kết quả trong tương lai. Ðức Phật xem hai cách thực hành trên là không hoàn thiện, không đem lại lợi ích cho người thực hành. Do đó, Ðức Phật đã loại bỏ hai phương pháp trên và Ngài nhấn mạnh vào lối đạo đức và làm gương cho mọi người bằng cuộc sống đạo đức.
4. Kiến trúc nghệ thuật:
Qua sự kiến tạo, xây dựng tự viện, chùa tháp, điêu khắc họa vẽ tượng Phật, Bồ Tát… Phật giáo đã để lại cho nhân loại những công trình, tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, hoàn hảo. Nghệ thuật và kiến trúc của Phật giáo đã ảnh hưởng sâu rộng. Những hang động, những bảo tháp do các nhà khảo cổ phát hiện hay khai quật ở khắp nơi trên thế giới cho chúng ta thấy được giá trị về mặt nghệ thuật của những công trình này.
5. Lối sống trung đạo:
Phật dạy các đệ từ xa lìa những cực đoan, như: quá đắm say hưởng thọ dục lạc hay quá khổ hạnh ép xác. Chính Đức Phật đã trải qua, Ngài từng tu tập khổ hạnh 6 năm để rồi sức cạn kiệt, không đạt được kết quả tâm linh. Ngài từng có đời sống cung vàng điện ngọc đầy đủ vật chất, đầy các thú vui. Những vật chất, thú vui đó không thật sự là hạnh phúc. Ngài đã bỏ hoàng cung và lối tu khổ hạnh nhờ vậy mà đạt được giác ngộ, giải thoát.
6. Kiến tạo hòa bình:
Lời dạy về cảm thông tha thứ, không hận thù giúp nhân loại vơi đi những khổ đau do thù hận, chiến tranh gây nên. Quan điểm của Phật giáo muốn cảm hóa người khác phải dùng từ bi, cảm thông, tha thứ không nên dùng bạo lực.
Chiến tranh thù hận xuất phát từ tâm thù hận. Đức Phật dạy không thể giải quyết hận thù bằng hận thù mà chỉ có từ bi mới diệt được hận thù:
"Hận thù diệt hận thù,
Đời này không có được
Từ Bi diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu." (PC.5)
Kinh Trường Thọ Vương, Kinh Trung A Hàm, nói rõ về quan điểm này.
Cuối thời pháp, Thượng tọa dành thời gian 30 phút trả lời các câu hỏi từ thính chúng.
Thời pháp thoại đầy ý nghĩa của Thượng tọa Thích Giác Hiệp đã kết thúc trong niềm hỷ lạc của nhân dân Phật tử Đạo tràng chùa Tương Mai.