;
Hình minh họa
Chuyện kể rằng, ngày xưa có một nhà sư lên núi, được thí chủ cúng cho con bò cái để vắt sữa uống. Nghe cũng xuôi tai, nên nhà sư giữ lại, nhưng một duyên sanh là các pháp sanh, để nuôi bò, nhà sư phải đi cắt cỏ cho nó ăn, nhưng muốn có sữa thì phải tìm thêm cho nó một con bò đực làm bạn. Đến khi bò đẻ ra bê, phải tìm người lên núi vắt sữa.
Sau đó đàn bê con nảy nở trưởng thành, nhà sư phải thuê công nhân làm việc. Cuối cùng, ngôi chùa biến thành trang trại và dân làng lên đỉnh núi sống. Nhìn lại cả đời chỉ lo vắt sữa cho bò, chứ chả tu được gì. Nếu như nhà sư biết đoạn những chướng ngại ấy ngay từ ban đầu, thì có lẽ không còn phiền não nối tiếp.
Ngày còn sinh tiền, HT. Viên Giác dạy chúng tôi rằng: “Tiền thân đức Phật là con Nai chúa, chỗ nào có mồi ngon mà thợ săn gài bẫy thì không ăn. Người tu mình cũng như vậy”. Cho nên, dù nhận sự cúng dường, thì quyết cũng không để dây mơ rễ má mọc về sau, khiến cho bệnh công thần chi phối.
Người xuất gia đã tam thường bất túc, thì mọi tiện nghi sinh hoạt tuỳ duyên. Chủ yếu có thời gian phản quan tự kỷ, vừa phóng tâm ra bên ngoài, bất giác thành lỗi. Huống chi vọng ngoại truy cầu! Khom lưng quỵ lụy, chẳng chút trượng phu.
Nên chúng ta không khéo, cũng giống như nhà sư đó, trọn đời loay hoay với những điều không đáng bận tâm. Nhất là mãi lo cầu danh lợi. Trong khi, kiến lập đạo tràng vì lợi ích chúng sanh. Chứ không phải xây dựng và tô vẽ cho tự ngã. Mà nay lòng người tráo trở, hiếu nghĩa chẳng là gì!
Đâu phải mới đây! Nhìn kia Đề Bà Đạt Đa vì muốn tranh ngôi giáo chủ, cấu kết với Thái Tử A Xà Thế, rắp tâm lập mưu giết hại Phật. Nào dùng voi say, nào lăn đá đè Phật, làm thân Phật chảy máu. Toàn tội ngũ nghịch. Dù Đức Phật có thọ ký cho thành Phật, như kinh Pháp Hoa, nhưng vẫn phải rơi vào địa ngục. Chẳng thể nói không có nhân duyên quả báo.
Vậy mà, ngày nay, lắm kẻ thầy tổ vừa khuất, mẹ cha qua đời, đầu chưa kịp chít khăn tang, đã lo mưu tính lợi riêng, khom lưng bán đứng bình hương, huynh đệ phân chia bỉ thử, cốt vì lợi nào lo siêu thoát vong linh. Nên cõng giặc vào nhà, trái cả môn phong quy cũ, lấp liếm nghĩa nhân, giả dối trang hoàng, cầu danh hiếu tử, đều vì chút mật đầu dao. Than ôi, đó là cái họa, tuyệt dứt môn phong vì nếp xưa gãy đổ; cũng là mầm mống chia ly, vì độc bá xưng hùng. Lòng tham con người tráo trở. Không còn liêm sĩ nghĩa nhân!
Thật xót xa cho người học! Hoặc lên núi vắt sữa bò, hoặc lo đếm những đồng bạc rủng rỉnh từ việc làm thuê, hoặc mãi đam mê cái danh của nhà sư ấy, mà chẳng thiết đến việc tử sanh. Đó là do sơ phát tâm lệch lạc mà thành. Nói chung chỉ vì cầu danh, lợi nơi vị thầy mà đến, thì làm gì để ý đến tông phong. Tiếc thay, cả đời trôi qua như kẻ chăn bò thuê cho người. Hoặc chỉ bảo vệ trang trại ấy, chứ nào biết mục đích của sự tu hành.
“Thiên kinh, vạn quyển, hiếu hạnh vi tiên”. “ Bất hiếu là bất nhân, bất nhân là bất nghĩa”. “Hiếu tâm tức thị Phật tâm, hiếu hạnh vô phi Phật hạnh”. Làm người lấy hiếu làm gốc, thì nói chi đến hạnh Thích tử Sa Môn. Nên Phật tử chính là hiếu tử.
Không những lúc thầy tổ, cha mẹ hiện tiền, mà ngay lúc lâm chung, nếu chẳng lo cho các bậc sanh thành siêu thoát, mà mãi hơn tranh thì đó là lỗi lớn về sau. Trong khi, di nguyện tiền nhân vẫn còn. Thật đau đớn nào hơn! Không chỉ tủi cho tiên linh mà còn làm trò cười cho thức giả, thẹn với hậu lai. Nên đạo hiếu tức là đạo lớn. Từ bậc nho sĩ, thường dân đến bậc thượng sĩ xuất trần đều kính tin gìn giữ.
Người xuất gia, đã không vì cơm ăn áo mặc, chỉ lo phụng sự Tam bảo, báo đáp ân sâu cốt nhục, thì đâu có tâm tư để danh lợi xen vào. Theo đó mà xét, mạt pháp nơi lòng người. Nếu hàng Phật tử mà xem thường chữ hiếu, thì đó là chánh pháp suy vi vậy.
Có thể lên núi cao, lánh mình nơi sơn dã, nhưng lục căn khi tiếp xúc với lục trần chưa thanh tịnh, thì đó chẳng phải là đạo vậy. Huống chi, vị lợi mà để muôn duyên ngàn chướng phát sanh. Đem danh Lan Nhã Hạnh đổi chút cơm cháo thường tình, đều là trí trá. Dù có cõng cha mẹ vào rừng sâu, để phụng thờ mà lòng còn tư lợi, thì đối với đạo bất trung. Nên giữ cho mình trong sạch, chẳng phải là chuyện dễ làm.
Người xưa lên núi cao là buông hết. Buông cả thân mạng mới bảo toàn. Ngày nay, mảy bụi nào chúng ta cũng cắm sào trên đấy, thì làm sao tự tại thong dong. Nghĩ đến nhà sư chăn bò kia mà quá xót, nhìn lại việc nhân nghĩa thế thường ngày nay lại xót xa hơn.
Nhưng có lẽ ta nên tự biết thương mình mà cầu nguyện vãng sanh. Chỉ có độ mẹ cha vãng sanh tịnh độ là báo hiếu chân thật nhất. Còn hậu lai lên núi tìm trầm, đổi lấy gánh củi khô, cám cảnh nuôi bò thuê đều do bất minh vậy. Danh với lợi, tai hại vô cùng. Đã vướng vào thì bất hiếu, bất trung!