;
Để thực hiện đề tài: “Tín Ngưỡng Trong thờ tự, Nghi thức và lễ hội chùa Khánh Ngọc”. Đây là đề tài hay nên chúng tôi chọn phương pháp khảo cứu lịch sử, quan sát trực tiếp. Giới hạn của bài viết này là về cách an trí tôn tượng, nghi thức tụng niệm và lễ hội tại chùa Khánh Ngọc chúng tối cố giắng làm sáng về tín ngưỡng của nhân dân Phật tử nơi đây.
Với mong muốn được cung cấp cái nhìn chân thật, cái được và cái chưa được, điều chỉnh tín ngưỡng cho bà con nhân dân nơi đây, phát triển một ngôi chùa có tín ngưỡng, văn hóa và tâm linh đặc sắc của vùng.
1. Bối cảnh tái lập chùa Khánh Ngọc
So với nhiều ngôi chùa mới tái lập ở Hà Tĩnh, chùa Khánh Ngọc[2] là một trong số ít các ngôi chùa mới tái lập được ba năm lại đây mà vẫn duy trì các nhóm tượng thờ theo phong tục tín ngưỡng thờ tự của Phật giáo thời nhà Nguyễn xứ Đàng trong. Đó là tín ngưỡng thờ tự các tượng: Quán Âm, Dược Sư, Địa Tạng, Di Lặc, Hộ pháp. Ngoài ra chùa Khánh Ngọc còn thờ bài vị của các hương linh…
Điều đó thể hiện rất rõ vai trò của tín ngưỡng dân gian trong Phật giáo ở vùng miền Trung trước đây. Đó cũng là đặc điểm của chùa tuy rằng chùa mới tái lập nhưng cũng phỏng theo cánh bài trí xưa khi nghe các cụ gần 100 tuổi kể lại, dù cho các vị trụ trì có sắp xếp thay đổi chút ít nhưng cơ bản vấn giống xưa. Hiện nay chùa chưa có trụ trì, do Ban hộ tự đứng ra quản lý.
2.Cách an trí tôn tượng ở chùa Khánh Ngọc
Trong chánh điện chùa Khánh Ngọc đã được an trí 24 pho tượng bao gồm 15 pho tượng Phật bao gồm: 1. (Bảy đức Phật Từ Phật Tùy Bà Thi đến đức Phật Thích Ca) – (Bảy đức Phật Dược Sư) và (đức Phật A – Di – Đà); 2. 5 pho tượng Bồ Tát gồm: (Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, Bồ tát Địa Tạng Vương, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Phổ Hiền); 3. 2 pho tượng Hộ pháp gồm: (Hộ pháp Vi Đà Tôn Thiên và Hộ pháp Diện Nhiên Đại Sĩ; 4.1. tôn tượng Phật Đản sinh). Ngoài ra trước chánh điện nhìn ra cổng còn có một tôn tượng Bồ tát Di Lặc được an trí cách cánh cửa chánh điện gian giữa hai mét. Tất cả các tượng đều được tạo bằng chất liệu polime, phủ sơn, bài trí theo cấu trúc chánh điện chùa Khánh Ngọc như sau:
3. An trí tôn tượng Tam Thánh Tây Phương.
Chính giữa (gian giữa) chánh điện chùa Khánh Ngọc nhìn từ ngoài cửa vào, gian giữa từ trên tòa cao, chúng ta có thể nhìn từ trên cao xuống như sau: Trên cùng là thờ Tam Thánh Tây Phương: Phật A Di Đà đứng ở giữa, một tay cầm đài sen nâng ngang ngực, một tay thòng xuống như muốn cứu với chúng sinh. Khuôn mặt phúc hậu, cân đối, đầu tròn đẹp, tóc xoán ốc, trên đỉnh đầu nhô lên một cục mà ta thường gọi là “Nhục kế”, trước ngực có chứ “Vạn”, y của Phật sơn phủ màu vàng chân đứng trên đài sen...v.v. khá giống với trong kinh kể:
“Đầu tỏa ánh dương, mày như nguyệt,
Tóc xoáy xám xanh, đảnh nhục kế.
Mắt sáng như gương, chiếu trên dưới,
Mi, mày dài đẹp, miệng vuông vắn.
Môi, lưỡi đỏ tươi như trái chín,
Răng trắng như ngọc, đủ bôn mươi.
Trán rộng, mũi cao, khuôn mặt lớn,
Ngực hiện chữ vạn, ức sư tử,
Tay chân mềm mại, đủ luân tướng
Hai nách đầy đặn, tay uyên chuyên.
Cánh tay dài đẹp, ngón thon nhỏ.
Da mềm, lông xoay về bên phải…”[3].
Hai bên đức Phật A Di Đà, thì bên phải ngoài nhìn vào là Bồ tát Quán Thế Âm tay trái cầm tịnh bình, tay phải bắt ấn chú cam, đầu đội mũ thiên quan có hình một đức Phật, mình mặc thiên y, đứng trên tòa sen nhỏ hơn đức Phật A Di Đà một tí. Bên trái là Bồ tát Đại Thế Chí, hai tay cầm cành sen một bông, một nụ, đầu đội mũ thiên quan, có hình chiếc tịnh bình, mình mặc thiên y, đứng trên đài sen như Bồ tát Quán Thế Âm. Cả hai vị Bồ tát đều sắp làm Phật nên đầy đủ thân tướng và hạnh nguyện:
Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ ghi rằng: “Ngoài ra những hình khác như người đời thường nhận thấy, đều là thân ứng hiện theo cơ cảm của chúng sanh thôi. Thân của Quan Thế Âm Bồ Tát cao tám mươi muôn ức na-do-tha do tuần, da màu vàng tử kim. Trên đỉnh đầu có nhục kế. Có vầng sáng tròn mỗi phía rộng trăm nghìn do tuần. Trong vầng sáng tròn ấy có năm trăm vị hóa Phật, mỗi vị hóa Phật tướng tốt như Phật Thích Ca Mâu Ni và có năm trăm vị hóa Bồ Tát chầu chực.
Toàn thân ánh sáng chiếu suốt mười phương, hình tướng của tất cả chúng sanh trong lục đạo đều hiện rõ bóng trong ánh sáng ấy. Trên đầu Bồ Tát có thiên quan. Trong thiên quan có một vị Hóa Phật cao hai mươi lăm do tuần. Mặt Bồ Tát sắc vàng diêm phù đàn. Lông trắng giữa đôi mày đủ bảy màu báu đẹp, chiếu ra tám muôn bốn nghìn thứ tia sáng thấu khắp mười phương. Trong mỗi tia sáng có vô số vị Hóa Phật và vô số Hóa Bồ Tát. Cánh tay của Bồ Tát màu như hoa sen hồng, tám mươi ức tia sáng đẹp kết thành chuỗi ngọc. Bàn tay năm trăm ức màu hoa sen hồng. Đầu ngón tay có tám muôn bốn nghìn lằn chỉ. Mỗi lằn chỉ, có tám muôn bốn nghìn màu…”[4]
“Bồ Tát dùng ánh sáng trí huệ chiếu khắp mọi loài, làm cho chúng sanh thoát khỏi tam đồ đặng thành vô thượng lực nên lại hiệu là Đại Thế Chí. Thiên quan của Bồ Tát có năm trăm bảo hoa. Mỗi bảo hoa có năm trăm bảo đài. Hình tướng những thế giới tịnh diệu của chư Phật ở mười phương đều hiện rõ bóng trong mỗi bảo đài. Trên đỉnh đầu, nhục kế hình như hoa sen hồng. Trên nhục kế có một chiếc bình báu đầy ánh sáng. Ánh sáng trong bình chiếu ra thành những Phật sự. Ngoài ra những tướng hảo khác đều giống như đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Lúc Đại Thế Chí Bồ Tát đi thời chấn động cả thập phương thế giới.
Chính chỗ đất động đó có năm trăm ức bảo hoa. Mỗi bảo hoa cao đẹp trang nghiêm như Cực Lạc thế giới. Lúc Bồ Tát ngồi, toàn cõi Cực Lạc đồng thời lay động. Từ thế giới của Đức Kim Cương Phật ở Hạ phương đến thế giới của Đức Quang Minh Vương Phật ở Thượng phương, trong đó vô lượng trần số phân thân của Vô Lượng Thọ Phật, phân thâ n của Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí tất cả đều vân tập nơi Tây phương cực lạc thế giới đầy chật cả hư không”[5]. Nếu muốn hiểu đầy đủ về Tam Thánh Tây Phương, các vị nên xem Tịnh độ ngũ kinh: “Năm bộ kinh là Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Hoa Nghiêm và Lăng Nghiêm”[6], kinh Pháp Hoa[7], Đại Bảo Tích[8]. Ngoài ra quý vị còn phải xem thêm các bản kinh trên giảng giải hoặc chú giải để biết thêm.
4. An trí tôn tượng Phật Thích Ca và Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền
Cấp an trí thứ hai là tượng “Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” an trí chính giữa, đức Bổn sư Thích Ca ngồi kiết già, hai tay chồng lên nhau trong tư thế thiền định, đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật có 32 tướng tốt được đề cập trong khá nhiều kinh, cả Nam tạng cũng như Bắc tạng.
Bồ tát Văn Thù Sơ Lợi: Nói về sự tín ngưỡng, tôn trí, thờ phụng ở những ngôi chùa Việt Nam, chúng ta thường thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đứng hầu phía tay trái đức Bổn Sư Phật Thích Ca Mâu Ni, tay cầm kiếm và ngồi trên lưng con sư tử xanh. (Bồ tát Văn Thù Sư Lợi)[9] là bậc đại trí tuệ (pràjnà) thấu triệt tường tận chân lý tuyệt đối. Trí này có khả năng soi rọi, chuyển hóa vô minh, phiền não, dục ái, nhiễm ô thành thanh tịnh, đưa nhận thức vượt lên mọi phạm trù đối đãi, đạt giải thoát toàn diện. Các nhà cựu dịch gọi là Văn Thù Thất Lợi, gọi tắt là Văn Thù.
Còn nếu dựa trên cơ sở các kinh Đại Thừa, Căn cứ vào kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn, thì Bồ tát này đã sinh vào nhà Bà La Môn Phạm Đức, ở tụ lạc thuộc nước Xá Vệ. Khi Bồ tát thị hiện, ngôi nhà bỗng hóa thành hoa sen. Điều đặc biệt là Bồ tát cũng sanh từ hông phải. Và sau đó đã xuất gia, học đạo với đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, kinh này không nói rõ thời gian và niên đại xuất hiện của Bồ tát nên cũng khó xác chứng cụ thể. Vì vậy, nhân vật trên có phải là Bồ tát Văn Thù được giới thiệu trong các kinh Đại Thừa hay không vẫn đang được tìm hiểu. Trong Phật giáo Đại thừa, những nhân vật và hình tượng, ngoài ý nghĩa lịch sử, truyền thuyết, nó còn mang tư tưởng triết học, ẩn dụ và biểu trưng. Người học Phật chúng ta nếu không nắm bắt được tinh thần này, thì chắc chắn sự nhận thức sẽ dễ rơi vào định kiến, cực đoan và bị các quan niệm tôn giáo hữu thần đồng hóa.
Ở đây Bồ tát Văn Thù Sư Lợi[10] ngồi trên con sư tử xanh đều có tính cách ẩn dụ và biểu trưng. Ngài thành tựu Đại Trí Tuệ:“Căn bản trí (hay vô phân biệt trí là loại trí tuệ do đoạn tận các hoặc chướng mà trực tiếp chứng nhập lí thể chân như, thấy rõ nhân không và pháp không, không còn niệm phân biệt nào đối với vạn pháp) và hậu đắc trí (do đã thành tựu căn bản trí mà có được hậu đắc trí, là loại trí tuệ có phân biệt, là các loại phương tiện thiện xảo mà chư Phật dùng để hóa độ chúng sinh)”[11].
Theo đó, hình ảnh con sư tử xanh là biểu thị cho uy lực của trí tuệ. Vì con sư tử xanh là loài thú chúa ở rừng xanh, có sức mạnh và uy lực hơn tất cả các loài thú khác. Cho nên, lấy con sư tử để biểu trưng cho năng lực vô cùng của trí tuệ. Đó cũng là trí của Phật. Bồ tát Văn Thù nhờ trí này nên đã chuyển hóa những vô minh, phiền não, những ý niệm chấp ngã, pháp trở về vô lậu và chứng chân thật tính. Chính vì thế, để xây dựng một xã hội ổn định và phát triển, hơn bao giờ hết tất cả chúng ta phải tự hóa thân mình thành những vị Bồ tát Văn Thù để dẫn đạo tình thương, trí tuệ làm cho xã hội hướng đến đời sống an lạc và hạnh phúc.
Bên phải đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là Bồ tát Phổ Hiền[12]: Có thể nói Bồ tát Phổ Hiền trợ duyên giáo hóa đắc lực nhất và có nhân duyên sâu nặng đối với tất cả chúng sanh, thể hiện qua tâm nguyện thủ hộ Chánh pháp và hộ trì người tu tập của Ngài. Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật Thích Ca.
Phổ Hiền, tiếng Phạn Sàmantabhadra, dịch âm là Tam mạn đà bạt đà la, hoặc Tam mạn đà bạt đà. Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng giác Bồ tát, Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ.
Căn cứ vào tranh tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng hầu bên phải, còn Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử hầu bên trái của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na. Bồ tát Phổ Hiền biểu thị Đại hạnh, Bồ tát Văn Thù biểu thị Đại trí, hai vị dùng trí tuệ và hạnh nguyện đồng trợ hóa cùng Đức Tỳ Lô Giá Na hóa độ chúng sanh. Bồ tát ngồi trên lưng voi trắng sáu ngà, biểu thị hạnh nguyện rộng lớn.
Voi là loài có sức mạnh, kham nhẫn, có thể chuyên chở người và vật từ chỗ này sang chỗ khác. Bồ tát Phổ Hiền cũng thế, dùng Đại hạnh hóa độ chúng sanh, đưa họ từ bờ mê sang bến giác. Voi trắng biểu thị Bồ tát tuy lăn lộn trong trần thế hóa độ chúng sanh nhưng Ngài không vướng nhiễm bụi trần, tâm hoàn toàn trong sạch. Sáu ngà trượng trưng cho Lục độ, sáu công hạnh tu tập của chư vị Bồ tát.
Theo kinh Bi Hoa, tiền thân của Bồ tát Phổ Hiền là thái tử con vua Vô Tránh Niệm. Nhờ phụ vương khuyên bảo, thái tử đã phát tâm cúng dường Đức Phật Bảo Tạng và chư Tăng trong ba tháng an cư, đồng thời đối trước Phật và đại chúng phát đại nguyện độ sanh. Sau khi thấy sự phát nguyện rộng lớn và kiên cố của thái tử, Đức Phật Bảo Tạng vô cùng hoan hỷ và thọ ký cho Ngài về sau thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai. Hạnh Nguyện[13] của Phổ Hiền Bồ tát: “Nhất giả lễ kính chư Phật,
Nhị giả xưng tán Như Lai.
Tam giả quảng tu cúng dường,
Tứ giả sám hối nghiệp chướng.
Ngũ giả tùy hỷ công đức,
Lục giả thỉnh chuyển pháp luân.
Thất giả thỉnh Phật trụ thế,
Bát giả thường tùy Phật học.
Cửu giả hằng thuận chúng sanh,
Thập giả phổ giai hồi hướng[14]
5. An trí thất Phật Dược Sư Lưu Ly
Bậc thứ 3 của tam cấp gian giữa chánh điện chùa Khánh Ngọc thờ bày vị Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, bay vị Phật Dược Sư này nhỏ, mỗi vị Phật Dược Sư chỉ cao và lớn bằng một nửa Phật Thích Ca mà thôi, an trí bảy vị thẳng hàng: (vị ở giữa màu vàng, kiết ấn ngồi Thiền; vị bên trái màu trắng cũng ngồi thiền nhưng trên tay giao ấn có biểu tưởng cuốn kinh trên tay; vị bên phải mặc y màu đỏ, ngồi kiết già, tay phải đỡ bảo tháp, tay phải bắt ấn quán đảnh; Vị thứ ba tính từ giữa ra phía bên phải là vị mặc y màu xanh nhạt, tay trái cầm bánh xe Pháp luân, tay phải hướng xuống tiếp dẫn chúng sinh; vị thứ ba phía bên phải y màu hơi vàng, tay phải bắt chú cam lồ, tay phải nâng bình bát; vị thứ tư phía bên phải mặc y mày xanh đậm, ngồi kiết già thiền định, tay trái nâng đài sen, tay phải kiết ấn tiếp dẫn, vị tứ tư bên trái ngồi kiết già, y màu xanh ngọc, tay trái cầm hạt châu Mani, tay phải úp xuống như thể hiện sự an định, chói sáng.
Thất bảo Lưu Ly Như Lai hạnh nguyên sâu xa: “nếu nghe tên đức Phật Dược Sư tức thì bỏ các hạnh xấu ác mà tu theo chánh pháp, cho đến chúng sinh muốn sanh cõi trời, sanh làm chuyển luân thánh vương để đem thập thiện dạy đời, muốn tiêu trừ bệnh tật, thọ mạng lâu dài, nếu nghe danh hiệu đức Dược Sư, chuyên tâm trì niệm kinh chú hoặc tạo tượng Dược Sư, dâng cúng hoa hương tươi tốt tịnh tâm trì tụng kinh chú, đốt 49 ngọn đèn, hoặc để tâm chú nguyện vào trong vật uống ăn của người bệnh, tụng chú Dược Sư Quán đảnh chơn ngôn 108 lần để cho họ dùng, nhất là trong 49 ngày ấy phải nhất tâm thọ trì 8 điều giới trai, thân thường sạch sẽ, tâm thường vui vẻ, đối với các loài”[15]. Chúng sinh phát nguyện sinh về cõi “Phật Dược Sư”[16] thì được bất thối chuyển, các điều lợi ích khác và mười hai lời nguyện của Phật Dược Sư có thể xem trong kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức[17].
6.An trí tôn tượng Hộ pháp
Hai bên tả hữu chánh điện chùa Khánh Ngọc có an trí tôn tượng Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên và Diện Nhiên Đại Sĩ.
Bên phải từ chánh điện nhìn vào an trí tôn tượng Hộ pháp Vi Đà Tôn Thiên: Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên là vị thiên tướng hộ Pháp của Phật giáo. Ngài là một trong 8 vị đại thần tướng của Nam phương Tăng Trưởng Đại Thiên Vương, một trong bốn Đại Thiên Vương., và là người đứng đầu 32 vị thần tướng thuộc quyền của bốn Đại Thiên Vương. Vi Đà là một vị thiên tướng hộ Pháp của Phật giáo. Tương truyền rằng ngài là một trong 8 vị đại thần tướng của Nam phương Tăng Trưởng Đại Thiên Vương, một trong bốn Đại Thiên Vương
Tượng của ngài thường ở dưới dạng một người trai trẻ, thân mang áo giáp mũ sắt, hoặc một tay án chày kim cương, hoặc hai tay nâng chày lên, đứng trong điện Thiên Vương hầu sau lưng Phật Thích Ca Mâu Ni.
Trong kinh nói Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên là: “Mật Tích Lực sĩ 密跡力士, Pl.: vajirapāṇī yakkho, Kim cang thủ Dạ-xoa, Dạ-xoa cầm chày Kim cang”[18]. Nhưng trên thực tế thì không thể tô n trí như trong kinh nói mà chỉ tôn trí một bên. Trong tin ngưỡng dân gian hay nói đây là (ông Thiện).
An trí tôn tượng Diện Nhiên Đại Sĩ hay Tiêu Diện Đại Sĩ là vị chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sanh. Hóa thân của ngài Bồ Tát Quan Thế Âm, là một vị thần có dáng vẻ oai nghiêm, trang phục võ tướng nhiều màu sắc sặc sỡ, tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị hung dữ với 3 cái sừng nhọn trên đầu và trán, hai mắt lồi to trợn ngược dữ tợn, sáng hoắc, cái miệng rộng nhe răng lởm chởm, khạc ra lửa khói, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài xuống tới ngực. Chiếc lưỡi là biểu tượng uy quyền, đặc trưng nhất của ông Tiêu. Trong cái thế giới bóng tối dày đặc của ma quỷ, ông Tiêu xuất hiện với gương mặt hung dữ, dễ sợ để xua đuổi ma quỷ, ma quỷ tránh né ông bằng cách chạy về phía có ánh sáng, nơi đó ma quỷ sẽ được cứu vớt ra khỏi ác đạo.
7.An trí nhà Cửu huyền
An trí Chính giữa tôn tượng Địa Tạng Vương Bồ tát. Ngài ở tư thế đứng, đầu đội mũ thất Phật, vẻ mặt từ bi, đôi tai dài, tay phải cầm cây gậy tích trượng, tay trái cầm viên ngọc quí, đứng trên đài sen: Bồ-tát Địa Tạng là một trong những vị đại Bồ-tát với hạnh nguyện to lớn, nguyện cứu hết chúng sanh đau khổ trong địa ngục thì Ngài mới thành Phật “Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề, Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật”[19]. Nhưng chúng sanh vốn dĩ tạo nghiệp vô lượng vô biên nên công nghiệp cứu độ của Ngài cũng miệt mài đến vô biên vô lượng. Thị hiện làm giáo chủ cõi U minh, Bồ-tát Địa Tạng luôn khuyến hóa những chúng sanh bị đọa lạc biết tỉnh thức để chuyển hóa những mê lầm, thành tâm ăn năn hối cải, bỏ ác làm lành để thoát khỏi cảnh khổ ác đạo. Tuy vậy, đó cũng chỉ là một trong vô vàn hạnh nguyện độ sanh, lợi lạc hữu tình của những bậc đại Bồ tát nhằm trang nghiêm quả vị Vô thượng Bồ đề.
Theo kinh Địa Tạng, ngoài hạnh nguyện vĩ đại cứu độ hết thảy chúng sanh trong địa ngục, danh hiệu của Bồ tát Địa Tạng còn mang một ý nghĩa sâu xa, đó chính là biểu tượng cho tâm địa hay bản tâm của chúng ta. Như mặt đất có thể thâu nhiếp và dung chứa tất cả mọi vật. Tâm của chúng ta cũng vậy, dung chứa đầy đủ các hạt giống thiện ác. Bồ tát Địa Tạng nguyện cứu độ hết chúng sanh trong địa ngục mới thành Phật, đối với người tu cũng nguyện chuyển hóa tất cả những hạt giống xấu ác trong tâm,ngay đó cũng thành Phật. Đây chính là hai mặt sự và lý trong hạnh nguyện của Bồ tát.
Như vậy, Bồ tát Địa Tạng[20] không chỉ cứu độ chúng sanh trong địa ngục mà gồm thâu nhiều công hạnh, nhất là hạnh cứu độ chúng sanh tâm (chủng tử xấu ác) làm hiển lộ bản tâm sáng suốt và thanh tịnh.
Tín ngưỡng Địa Tạng là một đặc trưng lâu đời ở các chùa Việt Nam.
Gian bên trái ngoài nhìn vào an trí hoa sen, thờ các hương linh nữ và cho để bài vị thờ. Gian bên phải ngoài nhìn vào an trí hoa sen và thờ hương linh nam cũng cho để bài vị thơ.
8. Nghi thức tụng niệm tại chùa Khánh Ngọc
Hàng ngày chùa Khánh Ngọc có sáu thời tụng niệm: (sáng sớm 4 – 5h bắt đầu tụng kinh cầu an và Phẩm Phổ Môn, trưa 11 - 12h cúng ngọ thời, chiều 15 - 16h tụng kinh bộ ví dụ như kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Đại Bảo Tích.v.v. Tụng hết bộ này đến bộ khác, 17 - 18h cúng mông sơn thí thực, 20 - 21h tụng kinh nhật tụng như kinh cầu an, cầu siêu, kinh Vu Lan, kinh Dược Sư.v.v. đến ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng thì hành trì pháp sám hối và sám hối hồng danh).
Những ngày sám hối xong thường có giảng kinh, thuyết pháp mặc dù chùa chưa có thầy trụ trì, Phật tử cũng không nhiều, chúng tôi về đây đã gần một tháng thì thấy nếu ngày sám hối chỉ khoảng 30 người, còn ngày thường chỉ khoảng 12 đến 20 người. Nhưng được cái mưa hay nắng vẫn đi tụng kinh, sám hối, Phật tử tự cùng nhau tụng kinh lễ sám, dù có các quý vị Tăng, ni hay không vẫn thế, đó cũng là điều đặc biệt, họ tự bầu một ban 3 người gọi là Ban hộ tự, nhưng theo chúng tôi thì phải gọi là ban Quản chùa thì phù hợp hơn, vì chức năng và công việc hiện tại của họ là như thế.
Nghi thức công phu sáng
Hàng ngày chùa Khánh Ngọc có các Phật tử lớn tuổi ở trong chùa luôn (trẻ nhất là 60 tuổi lớn nhất khoảng 86 tuổi) 4 giờ sáng các cụ già này lên chánh điện tung kinh cầu an và kinh Phẩm Phổ Môn theo nghi thức nhật tụng.
Nghi thức cúng ngọ thời
Mặc dù là Phật tử tại gia ở chùa nhưng các vị này ăn cơm trong tô, có nắp đậy, họ ngồi trên bàn ngay ngắn niệm Phật 3 lần trước khi ăn. Sau khi ăn cơm xong họ còn đọc thêm các bài kệ của đức Phật hay kệ ngôn và niêm Phật trước khi rời khỏi bàn ăn.
Nghi thức cúng Mông sơn thí thực (cúng cô hồn)
Sau khi làm xong phần nghi lễ dâng hương, niệm hồng danh xong thì bài chính của nghi lễ. Về tín ngưỡng cúng cô hồn “tức là các vong linh, hương linh chưa siêu thoát mà vướng trong vòng ngạ quỷ”[21]. Cúng cô hồn này có nguồn gốc xuất phát từ nhiều bài kinh rải rác trong các bài kinh thuộc hệ thống Nikaya của Nam truyền Phật giáo, đặc biệt có hẳn một phẩm Ngã Quỷ sự trong kinh Tiểu bộ, chuyên kể về chuyện đói khổ của những hương linh, vong linh bị đọa lạc trong đường Ngã Quỷ. Nhưng mục đích chính của tín ngưỡng cúng cô hồn là mong cho chúng sinh làm lành lánh dữ, xã bỏ vị kỷ, cứu giúp người khó khăn, bố thí tu phước và đặc biệt biệt đối với sám chủ (người cúng) phải có đủ tâm tư với chúng sinh đau khổ.
Nghi thức tụng kinh buổi tối
Buổi tối thời công phu ở chùa Khánh Ngọc khác với các chùa khác. Các chùa khác tụng kinh vào lúc 19 giờ, nếu có giảng pháp thì nghỉ tụng kinh hay tụng sớm hơn để nghe giảng, nhưng chùa Khánh Ngọc thì cứ tụng kinh xong rồi mới nghe giảng và bắt đầu tự lúc 20 giờ mới bắt đầu vào khóa lễ kéo dài một tiếng, sau đó nghe giảng khoảng 30 phút nữa, Phật tử ra về thường là 22 giờ kém nhưng ai cũng vui vẽ và đều đặn đến tụng kinh, mưa nắng gì họ cũng kiên trì, một điều mà chúng tôi rất khâm phục, khó có một ngôi chùa nào trong khu vực có được điều đó. Các bạn kinh ở đây tung gồm có: Từ ngày mồng 2 âm lịch đến ngày 14 tụng kinh cầu siêu với kinh A Di Đà[22], từ ngày 16 đến 29 âm lịch hàng tháng tụng kinh Dược Sư.
Đó là các tháng 1, tháng 3 và tháng 5 âm lịch hàng năm. Còn tháng 2, tháng 6 và tháng 9 âm lịch hàng năm. Chùa tụng kinh Phước Đức từ ngày 2 đến ngà 10, kinh Phổ Môn, tụng từ ngày 11 đến ngày 20 âm lịch và kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt[23] được tụng từ ngày 21 đến ngày 29 âm lịch. Tháng 4 hàng năm chùa tụng kệ nhớ ơn Phật và kệ Phật đản suốt tháng; Tháng 7 tụng kinh Vu Lan Bồn Và Báo Hiếu Phụ Mẫu Trong Ân[24], tụng suốt tháng 7 âm lịch hàng năm; Tháng 11 âm lịch hàng năm đều tụng “Tịnh độ Ngũ Kinh”[25]. Còn tháng 8, tháng 10 và tháng 12 âm lịch hàng năm tung kinh bộ như: Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Đại Bảo Tích, Kim Quang Minh.v.v. tụng hết bộ này sang bộ khác. Tháng 12 âm lịch hàng năm chùa tụng kinh Địa Tạng[26] suốt tháng. Và cuối cùng là các ngày 30, mồng 1 và ngày 14,15 tụng nghi thức sám hối hồng danh. Đó là toàn bộ nghi thức mà chùa đã duy trì liên tục được 2 năm nay.
Nghi thức cầu an, cầu siêu
Khi các gia đình có nhu cầu an hay cầu siêu thì các Phật tử tụ họp lại đi đến nhà bày lễ, trang trí tượng Phật Dược Sư hay Quán Âm cho cầu an, Di Đà hay Địa Tang cho cầu siêu. Tụng cầu an thì kinh Dược Sư nếu an trí tôn tương đức Dược Sư, tụng kinh Phổ Môn nếu tôn trí Quán Âm; Nếu an trí tôn tương nào thì tụng kinh đó. Sau khi hoàn tất thời tụng kinh thì vị chủ lễ có trách nhiệm khuyên theo bài giảng ăn chay, phóng sinh và dặn dò ggia đình gần giống với: “khi cầu siêu, chúng ta nên niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà, Bồ tát Quán thế âm, Bồ tát Đại thế chí, Bồ tát Địa tạng...khi cầu an thì niệm danh hiệu đức Phật Dược sư, Bồ-tát Quán thế âm...chúng ta nên niệm Tam thế Phật, tức là nên niệm Phật Thích-ca-mâu-ni, Phật A-di-đà và Phật Di-lặc”[27]. Đó cũng là một dạng tín ngưỡng rất đặc trưng của chùa trong nghi lễ cầu an cầu siêu này.
4. Lễ hội hàng năm của Chùa Khánh Ngọc
Gồm có các lễ hội sau:
Lễ Hội đầu Xuân (tín ngưỡng xuân Di Lặc)
Đây là một nghi lễ hội chung nên chùa nào cũng tổ chức, nghi lễ này nặng về hình thức tín ngưỡng hơn là thực tế: “Lễ cầu an là truyền thống của dân tộc Việt Nam bắt đầu từ ngày mùng một Tết vía Đức Di Lặc kéo dài suốt tháng giêng, Phật tử thường đi hành hương trẩy hội. Tuy nhiên, muốn cho lễ cầu an được thể hiện đúng ý nghĩa, mang lại kết quả tốt đẹp”[28]. Chùa chỉ treo vài câu khẩu hiệu rồi, tổ chức cho tham quan các di tích quanh vùng mà thôi, lễ hội không có gì đặc biệt, chỉ ghi sớ cầu an đầu năm thôi. Đây cũng là tình hình chung của các chùa trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tín ngưỡng qua lễ hội Phật đản
Hàng năm vào ngày 8 đến ngày 15 tháng 4 âm lịch, thì những người con Phật đều vui mừng lo lắng sắp xếp trang nghiêm lễ đài để thực hiện nghi thức tắm Phật, Chùa Khánh Ngọc cũng không ngoại lệ, sau khi trang nghiêm lễ đài thiết tôn tượng Đản sinh, có chương trình hành chính, thành phần tham dự gồm có các sư, đại diện chính quyền địa phương lần lượt nên lên múc ba ca nước tắm cho tương sơ sinh. Trong lễ hội này cũng xuất hiện tín ngưỡng, nhưng đôi khi chúng tôi cảm thấy không phù hợp lắm.
Dân chúng dành giựt lấy nước tắm Phật để về uống và tắm cho con, cho cháu. Chỗ này là hiểu biết sai lầm, do ảnh hưởng lối cho uống nước Thánh để chữa bệnh. Cần có hiểu biết đúng cho nên đức Phật dạy rằng cần phải thấy đúng như thật mới thấy được việc đáng làm, điều đáng nói, người đáng gặp, mới làm lợi ích cho người được. Phải trải qua vô số kiếp hành Bồ tát đạo, mới tạo được phước đức trí tuệ chân thật và sử dụng phước đức trí tuệ này để phục vụ mọi người. Trong kinh Pháp Hoa, nổi bật yếu nghĩa “Thế gian tướng thường trụ”[29].
Theo tinh thần Pháp Hoa có thể khẳng định rằng ý nghĩa Phật đản sanh ở thế gian này nghĩa là Phật tâm, Phật huệ, Phật đức đã sanh vào trong thân phàm của thái tử Sĩ Đạt Ta, tác động cho thái tử khởi ý niệm xuất gia, tu hành, thành Phật, giáo hóa độ sanh, thành tựu những việc làm kỳ diệu mà kinh gọi là thần biến. Ngày nay chúng ta làm lễ Phật đản chính là để tưởng nhớ ngàn xưa đã xuất hiện một bậc siêu thế trên cõi đời này, tưởng như đức hạnh và trì tuệ của Ngài, để rồi hôm nay sống và học tập theo lời Ngài dạy, mong có ngày đầy đủ phước đức nhân duyên, trí tuệ để tiếp nối hạnh nguyện cao thượng của Ngài thì lại bị tín ngưỡng thái hóa biến chất làm cho lễ trở thành mê tín và không còn ý nghĩa của nó nữa.
Tín ngưỡng trong lễ hội Vía Quán Thế Âm
Tín ngưỡng lễ hội Bồ tát Quán Thế Âm được chùa Khánh Ngọc tổ chức gồm có ba hội:
Ngày 19/02 là vía Quán thế Âm Đản Sanh.
Ngày 19/06 là vía Quán thế Âm Xuất Gia.
Ngày 19/09 là vía Quán thế Âm Thành Đạo. Ở chùa Khánh Ngọc tháng 2, 6, 9 vào ngày 18 và 19 âm lịch hàng năm là ngày Xuất gia, Thành đạo của đức Quán Thế âm Bồ tát. Riêng ngày 18 tháng 2 âm lịch hàng năm thì toàn bộ Phật tử cũng như nhân dân quanh chùa tập trung về chùa Hương Tích cách chùa Khánh Ngọc 7km ( Chùa Hương Tích là đệ Nhất thắng cảnh Hoan Châu thời Lê – Trịnh cho đến nay) để dự lễ: “Theo truyền thuyết nơi đây thờ công chúa Diệu Thiện, con vua Trang vương nước Sở”[30].
Chùa Hương ở Phú Thọ hiện nay là bản sao của chùa Hương Tích (Hà Tĩnh). Chùa Khánh Ngọc tổ chức thiết lễ Quán Âm trang nghiêm, tụng kinh Phổ môn hàng ngày lễ bái cầu nguyện đức Quán âm gia hộ cho bình an cát tường. Trong kinh Pháp Hoa có đoạn: “Bạch đức Thế Tôn, con nhớ vô số kiếp về trước, có đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm, con từ nơi đức Phật ấy mà phát tâm Bồ-đề, Ngài dạy con từ nghe, suy nghĩ và tu tập mà vào Tam-ma-địa. Con vâng lời Phật dạy, ban đầu từ trong cái nghe để tâm quán nhập, vào dòng tánh nghe viên thông, xả bỏ ngoại trần. Trần sở nhập đã vắng lặng thì hai tướng động tịnh rõ thật không phát sanh”[31].
Như vậy thì Quán Thế Âm nhờ nhĩ căn viên thông mà thành tựu hạnh cứu khổ độ sanh nơi cõi nước mười phương và rất có duyên với chúng sinh Ta Bà này. Tín ngưỡng ở lễ hội này là mong cầu sự che chở, cứu khổ cứu nạn của Bồ tát Quán Thế Âm rất được nhân dân địa phương khát ngưỡng và tham gia lễ hội đông đúc, cầu nguyện, bà con và nhân dân còn xin tượng Bồ tát nhỏ đeo nơi cổ xem như lá bùa hộ mạng cho bản thân.
Tín ngưỡng trong lễ hội Vu Lan của chùa Khánh Ngọc
Vào ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ Vu Lan thắng hội của chùa Khánh Ngọc để tín đồ và nhân dân quanh vùng, tập trung về chùa để tổ chức lễ báo hiếu, cho những người thân đã mất, vì họ quan niệm rằng chư Tăng an cư kiết hạ giới đức thanh tịnh, đạo lực cao thâm sẽ siêu độ người thân của họ thoát khỏi cảnh giới U Minh: “Thật vậy, trong hình hài của chúng ta đã có "gene” của ông bà cha mẹ; vì thế, mối tương quan giữa ta và ông bà cha mẹ rất gần gũi và dễ dàng tác động cho nhau, từ đó việc cầu nguyện đương nhiên có kết quả”[32].
Nếu không nương nhờ ơn cha mẹ thì làm gì có ngày hôm nay công thành danh toại, lại chỉ biết có mình chứ không đoái hoài gì đến cha mẹ, dù cha mẹ đã mất hay tại thế thì người con như thế dĩ nhiên gọi là người con bất hiếu, đã trốn tránh một bổn phận thiêng liêng vậy. Sự đền ơn, trả nghĩa cho cha mẹ có rất nhiều cách, nó không thể giống nhau theo một quy tắc, thể thức nhất định làm cho cha mẹ nhẹ bớt muộn phiền thống khổ, thêm an vui, sống lành mạnh, biết quy kính ngôi Tam Bảo cũng là một cánh nhưng hay nhất vẫn là: “Có người báo ơn cha mẹ bằng cách làm cho cha mẹ an hưởng thú vui vật chất dồi dào, có người làm cho cha mẹ an hưởng thú vui tinh thần khoan khoái hoặc hưởng cái vui ngắn ngủi, vui lâu dài, vui nặng nề hay vui siêu thoát”[33].
Khi thời đại khó khăn đã đi xa, học hành cũng đã thấm đượm tinh thần đền ơn đáp nghĩa, hiếu thuận nên học nỗ lực đọc kinh và sắm sửa lễ vật như trong kinh Vu Lan Bồn dạy. Dù chưa được chứng kiến lễ hội nhưng trong chuyến đi viết bài này chúng tôi cũng đã được mời dự lễ vào mùa vu lan 2018 này. Nhưng nghe kể thì chùa làm rất đông vui và trang nghiêm.
Lễ hội Phật A Di Đà mới chỉ được tổ chức mạnh ở Việt Nam từ khoảng 5 năm trở lại đây mà thôi, mà chủ yếu là miền Nam, còn miền Bắc và miền Trung thì hầu như không thấy. Nhưng bắt đầu từ năm 2017 chùa Khánh Ngọc đã tổ chức lễ vía Phật A Di Đà đầu tiên vào ngày 17 tháng 11 âm lịch. Chúng tôi nghe kể thì vì là lần đầu tổ chức nên cũng không thành tựu lắm, nhưng cũng đã thu hút được một số tín đồ tư theo tịnh độ về tham dự với mong muốn vãng sanh như trong kinh nói: “Nếu người chuyên niệm Tây phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, bao nhiêu thiện căn công đức của mình tu tập đều hồi hướng nguyện cầu về thế giới ấy, thời bèn đặng vãng sanh. Khi được sanh về Cực Lạc Tịnh Độ rồi, vì thường được thấy Phật nên vĩnh viễn không còn bị thoái chuyển”[34].
Thực sự thì một vùng quê mới khôi phục lại đạo pháp như Hà Tĩnh, thì nhu cầu về bình an và cầu phước, cầu lộc, cầu tự, cầu siêu thì nhu cầu lớn hơn tín ngưỡng cầu nguyện vãng sinh vì họ còn nghi ngờ không biết có Tây Phương Cực Lạc hay không, hơn nữa ảnh hưởng củatư tưởng “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”[35], còn khá nặng nề trên quê hương cách mạng Xô Viết nói chung và nhân dân xung quanh chùa Khánh Ngọc nói riêng. (Cũng phải nói thêm: Marx nói ở bên Châu Âu, mà tôn giáo của các nước Châu Âu thời đó thì cơ bản vẫn là truyền bá mê tín là chính, còn Đông Á chúng ta, mà đặc biệt là Phật giáo đã đồng hành với dân tộc cả ngàn năm với vai trò Hộ quốc An dân, lại phải bị hiểu sai trong cuộc cách mạng văn hóa). Thật đáng tiếc cho di sản văn hóa ngàn năm ở miền Bắc và miền Trung tiêu tan.
Nên việc hiểu sai về lễ hội A Di Đà là cầu cho người chết chứ không phải cho người sống, chỉ có tín đồ tịnh độ và Phật tử thuần thành mới dự lễ mà thôi: “Tây phương thế giới cõi an lành - Người vật nơi đây thảy hóa sanh - Bảy báu trang nghiêm đầy đất nước - A Di Đà Phật nguyện viên thành”[36]. Theo nghiên cứu của chúng tôi thì một số lời và đoạn trong kinh cần phải thay đổi để cho phù hợp với bối cảnh thời đại. Sở dĩ vậy là vì bản kinh ra đời vào thời kỳ đó dĩ nhiên là ngôn ngữ và đặc tính nó như vậy mới phù hợp với tín ngưỡng và văn hóa lúc đó, giờ đây bối cảnh đã khác, ngôn ngữ phải uyên áo hơn, thực tế và gần với đời sống hơn, khi tri thức con người ngày càng cao. Tuy nhiên đó chỉ là ý kiến cá nhân, lời Phật dạy thì không lỗi với thời gian và không gian, vấn đề là ta dịch và uyển chuyển sao cho phù hợp để cho lợi lạc chúng sinh mà thôi: “Đức Thế Tôn xuất hiện ở đời là vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người! Giáo pháp và tâm bi mẫn của Ngài”[37]. Cho nên phải dịch thế nào cho uyên áo và có giá trị nhất với đời sống nhân sinh hiện tại.
Kết Luận
Với tín ngưỡng trong cách thờ tự và nghi lễ cũng như lễ hội tại chùa Khánh Ngọc, thôn Quần Ngọc, xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã cho ta thấy được phong tục tập quán văn hóa và tín ngưỡng dân gian đi vào đời sống Phật giáo nơi đây có những nét rất riêng.
Nơi đây họ chủ yếu nặng về cầu an và cầu siêu, các lễ hội có từ lâu mới thâm nhập được vào tín ngưỡng của người dân, họ còn quá kỳ thị về tôn giáo, chỉ có một bộ phận con em đi làm ăn xa khi về thăm quê tham gia và ủng hộ chùa, bởi họ tiếp nhận tín ngưỡng trong lúc ở nơi xa, còn nhân dân chủ yếu thấy vui vẻ, văn nghệ, chứ tín ngưỡng theo truyền thống đã bị đánh mất. Vai trò của ngôi chùa bị các tín ngưỡng dân gian thôi thúc làm cho biến thể với các lễ hội, cầu nguyện mà đánh mất giá trị truyền bá giáo pháp của Phật và là nơi tu hành thanh tịnh của các bậc xuất gia.
Chùa Khánh Ngọc các sư về cũng không ở được lâu dài vì bị thế tục hóa, hiện tại do Ban hộ tự giữ quyền điều hành, mà Ban hộ tự chưa có ai trong ban là Phật tử thuận thành, nên họ an trí tôn tượng và tổ chức lễ hội theo cảm hứng…nên rất khó phát triển về mặt tâm linh và đưa tín đồ, nhân dân vào các tín ngưỡng chân chính. Muốn ngôi chùa phát triển đúng quỹ đạo của nó thì phải có một vị Tăng có đủ tri thức và đạo đức xứng tầm mới có thể hoạch định cho chùa phát triển và thu hút được tín đồ tu tập và tín ngưỡng trong sáng được.
Thích Giác Minh Hữu
Chú Thích:
1. Thái Kim Đỉnh (2017). Chùa Cổ Hà Tĩnh. Nxb Đại Học Vinh. Thành Phố Vinh. Nghệ An.tr.138.
2. Theo sách chùa Cổ Hà Tĩnh thì, chùa Khánh Ngọc vốn nằm trên đất của chùa cổ có tên Quần Ngọc.
3. Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến việt dịch và chú giải (2010). Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa, Phần Dịch Nghĩa. Phẩm Thứ Nhất: Đức Hạnh, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 71.
4. Hòa Thượng: Thích Trí Tịnh (2014). Đường Về Cực Lạc, Chương Thứ Tư: Thân Tướng, Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, tr.61.
5. Hòa Thượng: Thích Trí Tịnh (2014). .... Thân Tướng, Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, tr.61-63.
6. Hòa thượng Thích Trí Quảng (2008). Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển (Quyển II), Vãng sanh Cực Lạc, Tôn Giáo, Hà Nội, tr.168.
7. Thích Trí Tịnh (2007). Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
8. Thích Trí Tịnh Việt dịch (1999). Kinh Đại Bảo Tích, Ban văn hóa Thành hội TP. Hồ Chí Minh ấn hành.
9. Nói cho đủ theo âm Hán là Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát. dịch âm từ tiếng Phạn Manjusri
10. Xem thêm kinh Đại Bảo Tích, Phẩm Văn Thù, kinh Pháp Hoa, Kinh Văn Thù Sư lợi.
11. Hạnh Cơ (2009). Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản, Hai trí tuệ, Nxb Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr.59.
12. Samantabhadra.
13. Hòa thượng Thích Trí Quảng (2011). Khai Thị-2008, Hạnh nguyện Phổ Hiền, Nxb Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr.17.
14. Xem thêm kinh Phổ Hiền, kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm.v.v.
15. Thích Thiện Siêu (2002). Thức biến, Đại Ý Kinh Dược Sư, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr.132.
16. Đoàn Trung Còn-Hiệu đính Hán văn: Nguyễn Minh Hiển-Hiệu đính Việt văn: Nguyễn Minh Tiến (2010) . Chư Kinh Tập Yếu, Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức (Phần Dịch Nghĩa), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.137.
17. Thích Thiện Siêu (1998). Trăng Rọi Rừng Thiền, 11. Đại Ý Kinh Dược Sư, Học Viện Phật Giáo Việt Nam Tại Huế ân hành, Thừa Thiên Huế. tr.185.
18. Hán Dịch: Phật Đà Da Xá Trúc Phật Niệm, Việt Dịch: Tuệ Sỹ (2007). Kinh Trường A - Hàm Tập 1, 20 Kinh A- Ma - Trú, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.405.
19. HT: Thích Phước Sơn (2009). Phật Học Khái Yếu, Tính chất hòa bình của Phật giáo, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, tr. 247.
20. Hòa thượng Thích Trí Quang dịch (1999). Kinh Địa Tạng, Ghi Về Địa Tạng Đại Sĩ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.28.
21. Xem phẩm Ngã Quỷ sự trong kinh tiểu bộ.
22. Thích Nhật Từ soạn dịch (2014). Kinh A Di Đà, Nxb Hồng Đức. Hà Nôi.
23. Kinh Phổ Môn, Phước Đức và Tiểu Nghiệp Phân Biệt đều do thầy Minh Hữu biên tập lại cho chùa.
24. HT Thích Huệ Đăng dịch (2016). Kinh Vu Lan và Báo Hiếu, Nxb Tôn Giáo. Hà Nội.
25. HT. Thích Trí Tịnh (2017). Tịnh Độ Ngũ Kinh, Tu Viện Quảng Đức ấn hành. TP. Hồ Chí Minh.
26. Hán dịch Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng, Việt Dịch HT Thích Trí Tịnh (2004). Kinh Địa Tạng Bổn Nguyên Công Đức, Nxb Tôn Giáo. Hà Nội.
27. Tỷ-kheo Thích Quang Nhuận (2004). Phật học khái lược 1, 9. Tụng Kinh, Trì Chú, Niệm Phật, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 114.
28. Hòa thượng Thích Trí Quảng (2011). Khai Thị-2008, Ý nghĩa cầu an, Nxb Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, tr.5.
29. Hòa thượng Thích Trí Quảng (2008) Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển (Quyển I), Ý nghĩa Phật đản theo kinh Pháp Hoa, NxbTôn Giáo, Hà Nội, tr. 226.