;
Chùa Tập Phúc những năm 1930
“Mục đích cốt yếu là lập ra một nghĩa trang rộng chừng 40, 50 mẫu, để phòng khi trong thành phố có ai mệnh một thì có nơi đem ký táng, lại phòng khi có những kẻ bần cùng chết không ai thu nhận, thì hội chúng tôi cũng cho đem táng ở đấy làm phúc”.
Để thực hiện tôn chỉ mục đích nói trên, Hội Tập Phúc cũng xác định có bốn việc lớn cần làm: “Hội chúng tôi có dự trù các việc thiết yếu như tậu đất làm nghĩa trang, sắm đồ đưa đám, lập chùa và làm hội quán”.
Trước hết Hội lo việc tậu đất lập nghĩa trang. “Trong vòng một năm đầu tiên chúng tôi thu góp gửi ngân hàng Pháp Hoa được số tiền ngót 6.000 đồng bạc”. “Đến năm 1929 mới tậu xong được khoảng đất rộng 40 mẫu của làng Yên Dũng Thượng, vì việc phúc mà để lại”. Đến thời điểm khánh thành nghĩa trang ngày 8/2/1931, Hội mới xây dựng được cổng nghĩa trang và mấy gian nhà kho bằng gạch cũng như sắm được một số đồ phục vụ tang lễ.
Đến năm 1934, Chùa Tập Phúc mới được xây dựng xong. Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn số ra ngày 9/3/1934 đăng bài “Hội Tập Phúc Vinh được ân tứ một tấm biển”.
Theo bài báo này, chùa Tập Phúc được khánh thành vào ngày 25 tháng 2 năm 1934, tức ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tuất. Vào dịp đó vua Bảo Đại đã ban tặng chùa tấm biển “Sắc tứ Tập Phúc tự” và ban tặng Hội Tập Phúc tấm biển “Sắc tứ Phúc thiện khả gia”. Hội Tập Phúc đã tổ chức rước hai tấm biển này từ Dinh Tổng đốc về chùa để làm lễ khánh hạ. Đương thời, Tập Phúc được đánh giá là ngôi chùa to và đẹp nhất khu vực. Chùa nổi bật với tháp chuông 9 tầng, cao 12 mét.
Chùa Tập Phúc bị phá hoại trong chiến tranh
Chùa Tập Phúc và nghĩa trang Tập Phúc là địa điểm gắn liền với sự kiện nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nhà chùa Tập Phúc đã tổ chức nhiều đợt phát chẩn cứu dân. Rất nhiều thi hài các nạn nhân chết đói được qui tập về mai táng tại nghĩa trang của chùa. Trong thời kì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chùa đã bị oanh tạc và hư hỏng nặng. Hạng mục cuối cùng sót lại là ngọn tháp cao, đẹp và độc đáo của chùa Tập Phúc, cũng đã bị phá sập vào năm 1975.
Trong các hiện vật và đồ tế khí của chùa Tập Phúc, có hai tấm bia đá và một biển sắc được đưa đến đền Trường Tạ (còn gọi là đền Tiên Cảnh) ở phường Hưng Bình. Mười năm trước vẫn có nhà báo chụp được ảnh hai tấm bia. Thế nhưng, chiều hôm qua (14/3/2024) khi chúng tôi đến thì không thấy hai tấm bia ở đâu nữa, hỏi thì cũng chưa ai biết.
Tấm biển sắc Vua Bảo Đại ban cho Hội Tập Phúc, năm 1932
May mắn là tấm biển sắc vẫn còn được treo trang trọng trong đền. Đây chính là một trong hai tấm biển sắc mà Vua Bảo Đại đã ban tặng. Tấm bia này nhà vua ban tặng cho Hội Tập Phúc. Tấm biển sắc bằng gỗ, sơn son thếp vàng, chữ khắc nổi.
Nội dung tấm biển sắc là: “Sắc tứ Vinh thành Tập Phúc hội – PHÚC THIỆN KHẢ GIA – Bảo Đại bát niên, lục nguyệt, sơ thất nhật”. Nghĩa là Sắc tứ cho Hội Tập Phúc, thành phố Vinh “Phúc Thiện Khả Gia”.Ngày 7 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 8 (1932).
Cho đến nay, mới biết ở Vinh và Nghệ An có hai ngôi chùa được nhà vua ban Sắc tứ, đó là Chùa Diệc (Sắc tứ Diệc cổ tự) và Chùa Tập Phúc (Sắc tứ Tập Phúc tự).
Phạm Xuân Cần