1. Dẫn nhập
Phật giáo chúng ta được người thế gian xem như là một tôn giáo, nhưng Phật giáo lại không hoàn toàn giống với những tôn giáo bình thường đang có mặt trong xã hội chúng ta. Phật giáo không chỉ cần mọi người đặt niềm tin vào mình, mà quan trọng hơn hết là sự hướng dẫn cho mọi người tu học, để chuyển hóa thân và tâm, là một hệ thống giáo dục hướng thiện cho mọi người.
Vì vậy, khi chúng ta tin theo Phật, nương theo sự chỉ dạy của Phật để tu học, đó cũng được gọi là “Học Phật”. Phật giáo đặc biệt chú trọng về s ự tu học, về ứng dụng thực tiễn vào đời sống thực tại. Nói một cách khoa học và hiện đại hơn, thì Phật giáo cũng là một loại hình thức giáo dục, có đầy đủ cả một hệ thống giáo dục hoàn thiện, với những hình thức tổ chức chặt chẽ và nghiêm mật.
Vì vậy, chúng ta nên đứng trên phương diện giáo dục, để đi nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, từ đó đi sâu vào nghiên cứu tìm hiểu những phương pháp giáo dục mang tính đặc thù của hệ thống giáo dục Phật giáo.
2. Tí nh đặc thù của phương pháp giáo dục Phật giáo
Phật giáo là một hệ thống giáo dục, vậy thì sự giáo dục của Đức Phật là gì? Chúng ta cần phải tu học những nội dung gì? Mục tiêu đạt đến của giáo dục Phật giáo là gì? Những phương pháp giáo dục mang tính đặc thù của giáo dục Phật giáo?
Nền tảng căn bản quan trọng nhất của Phật giáo đó là ba món học Giới, Định, Tuệ. Ba món học này có ý nghĩa giống như ba món giáo dục của xã hội là Đức dục, Thể dục và Trí dục. Cho nên, trong quá trình học Phật cũng được gọi là học nhân cách làm người, mục tiêu là thành Phật. Quá trình tu và học này được tiến hành cho đến khi đạt đến kết quả cuối cùng, là trở thành một con người có nhân cách hoàn thiện, được gọi là chứng đắc thánh quả, và cũng được chứng nhận “tốt nghiệp” là “Vô Học”. Điều đặc biệt là, đức Phật được tôn xưng là Thiên Nhân Sư (thầy của trời, người), Đạo sư (người thầy hướng dẫn); còn những con người tin theo Phật và tu học theo sự hướng dẫn của Phật, được gọi là Phật tử (đệ tử Phật).
Trong hàng đệ tử Phật cũng được chia ra nhiều cấp bậc có trình độ và nhận thức khác nhau. Cấp tiểu học, trung học thì có chúng đệ tử Thanh Văn, Duyên giác, cấp đại học thì có chúng đệ tử Bồ Tát. Nếu đứng trên phương diện hình thức để phân biệt thì có chúng xuất gia và chúng tại gia; chúng xuất gia thì có Tỳ Khưu và Tỳ Khưu Ni, chúng tại gia thì có Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di.
Có thể thấy mối quan hệ giữa đức Phật và hàng đệ tử của ngài là mối quan hệ giữa Thầy và Trò, mà không phải như những mối quan hệ chủ và tớ, hoặc đấng bề trên và bề tôi của các tôn giáo khác. Như vậy, có thể nói rằng Phật giáo là một loại hình giáo dục, có hệ thống giáo dục đào tạo chặt chẽ với những phương pháp giáo dục nhân cách con người có tính đặc thù và mang tính giáo dục xã hội cao.
1) Mục tiêu giáo dục của Phật giáo
Nếu nói một cách bao quát rộng lớn, thì tất cả các pháp thế gian đều là Phật pháp. Có thể nói rằng, tất cả mọi kỷ năng, đức tính, tri thức, đạo đức v.v… những vấn đề hướng đến sự tốt đẹp, hoàn thiện của thế gian đều nằm trọn trong phạm vi giáo dục của đức Phật. Mục đích thiết yếu quan trọng mà đức Phật hướng dẫn cho học trò của mình hướng đến, đó là sự giác ngộ hoàn toàn, tức là đạt đến cảnh giới hoàn thiện về nhân cách, hướng đến sự hoàn hảo không khiếm khuyết và hoàn toàn trọn vẹn.
Ý nghĩa của chử Phật là bậc giác ngộ, tức là tôn xưng con người khi đã đạt đến sự thông hiểu hoàn toàn, rốt ráo về thật tướng của các pháp, liểu ngộ về chân đế của vạn pháp nhân sinh và vũ trụ. Do đó, sự giáo dục của đức Phật cũng không nằm ngoài mục tiêu của sự giác ngộ rốt ráo. Ngài đã dùng nhiều phương tiện quyền xảo, thích ứng với mọi căn cơ của hết thảy chúng sanh, để thực thi phương pháp giáo dục của mình, nhằm hướng dẫn chỉ dạy cho mọi người tu và học, để đạt đến mục đích cuối cùng của sự giác ngộ thành Phật.
Do vậy, mục đích giáo dục mà Phật giáo hướng đến là sự t hông hiểu hoàn toàn (giác ngộ). Dùng thuật ngữ của giáo dục hiện đại mà nói, thì có thể bảo rằng Phật giáo là sự giáo dục nhân cách hoàn thiện; thành Phật chính là sự hoàn thành rốt ráo nhất của nhân cách con người.
2) Nội dung giáo dục của Phật giáo
Học Phật chính là học tập theo sự hướng dẫn của Phật, và Phật cũng chính là biểu tượng mô phạm cao nhất của chúng ta. Tin hiểu hoàn toàn về nhân cách đạo đức của Phật, thì mới có thể tôn Phật làm thầy chỉ dạy và tiếp nhận những sự giáo dục, chỉ dạy của ngài.
Nói đến nhân cách đạo đức của Phật, từ xưa đến nay trong nhiều kinh điển thường ca tụng Phật là “Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi”, hay là “Trí đức, Ân đức, Đoạn đức” v.v… với những cách nói và xưng tụng khác nhau. Đại sư Thái Hư thì hợp chung lại có cách nói r õ ràng đầy đủ hơn là “Đại bi, Đại trí, Đại hùng lực”. Cách nói này có thể phân ra diễn giãi như sau:
a.Thứ nhất là “Đại bi” tức là đại từ bi, là tấm lòng yêu thương rộng lớn, bình đẳng không phân biệt, thương yêu hết thảy mọi loài, khiến cho chúng sanh lì a khổ được an vui, xa lìa mê vọng chứng được chơn như, chuyển hóa phiền não nhơ nhớp thành thanh tịnh niết bàn.
Khi chúng sanh đang chìm đắm trong vô minh điên đảo, chưa tiếp nhận được sự hóa độ của Phật, thì ngài không từ nan mà hóa độ bất cứ chúng sanh nào, chỉ cần họ có nhân duyên được hóa độ, thì sớm muộn gì cũng được Phật giáo hóa mà tu tập chuyển hóa thân tâm. Cho nên, tình thương và sự hóa độ của Phật là luôn bình đẳng, luôn xem mọi chúng sanh như con của mình vậy.
b. Thứ hai là “Đại trí” tức là đại trí tuệ, là trí tuệ lớn của Phật, hay còn gọi là Đại giác, là sự nhìn nhận sáng suốt, rốt ráo về thật tướng các Pháp, về thể tánh chơn như; sự liểu ngộ về chơn nghĩa của cuộc đời, sự thông đạt về hết thảy sự lý của vũ trụ; không lìa thế gian mà thành chánh giác, rốt ráo cùng tận, cho nên trí tuệ này hoàn toàn khác xa với tri thức tầm thường của người đời.
c. Thứ ba là “Đại hùng lực” tức là sức mạnh vô cùng lớn, đại hùng là lý tưởng chung cao nhất của các tôn giáo tại Ấn Độ, duy chỉ có Phật mới có thể biểu hiện sức mạnh này một cách toàn vẹn. Bởi do đại bi, đại trí của Phật thâm sâu rộng lớn, thì mới có thể hiển bày được sức mạnh vô cùng đó, như nói Phật có “Thập lực” hay “Tứ vô sở úy” v.v…
Đứng từ phương diện giáo pháp và sự tu chứng của Phật mà nói, thì sự giác ngộ và dứt trừ mọi lậu hoặc phiền não, được gọi là pháp Thánh đạo và pháp chướng đạo; mà Phật là bậc giác ngộ viên mãn, và không một chút do dự đem giáo lý truyền bá cho cuộc đời. Do đó, Tứ vô sở úy, tức là bốn loại niềm tin tuyệt đối vào chính mình, không một chút lo lắng sợ sệt. Vì vậy, đức Phật được tôn xưng là “Nhân trung sư tử”, và lời Phật thuyết pháp là “tiếng sư tử hống”.
Đồng thời, như thân, khẩu, ý tam nghiệp của Phật bất luận ở thời gian nào, không gian nào, trong hội chúng nào đều luôn mẫu mực, không có sai lầm. Cho nên, không cần phải che dấu hay lo lắng về khả năng phạm phải những sai sót, mà quá chú ý mình để sửa đổi mình, còn được gọi là “Tam bất hộ”. Đây chính là sự tự tin tuyệt đối vào sự chân, thiện, mỹ; dù như thế nào cũng không thể làm cho lung lay, thay đổi.
Nếu đứng từ góc độ từ bi và sự lợi lạc quần sanh của Phật mà nói, thì Phật có đủ mười sức mạnh (thập lực), có thể đẩy lui và diệt trừ tất cả mọi tà ma làm chướng ngại, để hoàn thành đại nghiệp vì lợi lạc cho chúng sanh. Đức Phật có vô lượng Bi nguyện, ngày đêm tinh tấn không ngừng, đây đều là sự biểu hiện của tinh thần Đại hùng lực.
Tóm lại, công đức của Phật là vô lượng và không thể nói hết được. Như đối với các pháp thế gian mà nói, Đại trí có thể là trí tuệ chân thực nhất, Đại từ bi là là nhân cách đạo đức đúng đắn nhất, còn Đại hùng lực lại là năng lực sức mạnh vĩ đại nhất. Cũng có thể nói rằng, đây là những phương diện trí tuệ, tình cảm và ý chí rốt ráo viên mãn nhất. Tuy nhiên trong công đức của Phật, ba loại đó cũng tức là một loại mà thôi, không có ngăn ngại nào. Chẳng qua từ ba góc độ khác nhau mà nói cho rõ, để dễ dàng hiểu rõ một cách đúng đắn nhất, toàn diện nhất về nhân cách đạo đức của Phật.
3) Phương pháp giáo dục của Phật giáo
Như trên đã trình bày, học Phật chính là nương theo nhân cách đạo đức toàn diện của Phật để tu học. Nên học tập theo ba nội dung đạo đức của Phật, chính là ba phương hướng tu tập của đức Phật là Tín nguyện, Từ Bi và Trí huệ. Nhưng ba phương diện này lại y cứ vào ba loại đặc tính thù thắng vốn có của bản tánh chúng sanh là ức niệm, phạm hạnh và kiên nhẫn, mà khiến cho chúng được trở nên thanh tịnh và an lạc, cũng như những thăng tiến phát triển trong cuộc đời.Chúng ta thử tìm hiểu sơ lược xem ba đặc tính thù thắng đó như thế nào:
a. Bản tính con người vốn có sự thù thắng của Ức niệm (đây là cái quan trọng nhất, trong tiếng phạn thì con người nương dựa vào đây để mà có cái tên gọi), tức là con người trải qua sự tích lũy kinh nghiệm, mà có thể khiến cho tri thức phát triển ngày càng cao. Nhưng tr i thức của con người từ khi sinh ra đã mang nặng nhiều chấp kiến. Con người luôn chấp vào cái tri thức của mình, dù đó là những tri thức học được từ thầy cô hay bạn bè, hoặc tự mình gặt hái được cũng đều là những sự sai lầm.
Vì thế cho nên, đứng trên phương diện thế gian mà nói, thì tri thức con người tất nhiên rất cần và có ích cho nhân loại, nhưng khi bị vướng vào sự chấp kiến, thiên kiến và biên kiến, thì lại trở thành những tư tưởng xấu xa và sai lầm. Những tư tường này không ngừng dẫn dắt chúng ta (cá nhân con người hay toàn xã hội) ngày càng lún sâu vào cái xấu ác và sự thối nát, mục rửa về nhân cách đạo đức. Do đó, cần phải tu học để đạt đến cái trí tuệ chân chánh của đại thừa, từ đó làm cho tri thức được gột rửa trong sạch, và có thể thu nhận được những tri kiến đúng đắn với chân lý tuyệt đối.
b. Bản tính con người luôn tồn tại sự thù thắng của Đức Hạnh trong sạch, tức là có thể khắc chế được những ham muốn cá nhân, và cũng kiềm chế được những đòi hỏi về những dục vọng tầm thường của con người; hoặc hình thành nhân cách đạo đức có thể hy sinh những lợi ích của cá nhân, mà sống vì mọi người, mọi loài. Nhưng trí tuệ con người thì quá nông cạn, thói hư tật xấu và sự mê muội thì nhiều, nên thế gian mới có những con người với nhân cách thấp hèn, thậm chí là có một cuộc sống đạo đức giả dối. Vì vậy, chỉ có học tập lòng từ bi, vô ngã, vị tha của Phật, đồng thời thực hiện tinh thần từ bi đối với mọi loài, làm vơi bớt đi nổi khổ đau tăng thêm niềm vui hạnh phúc cho mọi người, thì đó mới được gọi là nhân cách đ ạo đức hoàn thiện.
c. Bản tính con người vốn có sự thù thắng của lòng kiên nhẫn và nghị lực. Con người không những chịu đựng được gian khổ, khó khăn và vất vả, mà còn có tinh thần bác ái, cò thể hy sinh vì sự thanh bình, yên ổn chung của cả nhân loại. Nhưng do đường lối tư tưởng, tri thức cá nhân nhiều sai lầm, cộng với những định kiến bảo thủ chấp chặt, dẫn đến đã có những hành động sai trái, khiến cho lòng kiên nhẫn và nghị lực đó biến thành nguyên nhân dẫn đến những khổ nạn mà loài người đang phải đối mặt, như bùng nổ chiến tranh chết chóc, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng v.v...
Như khi chúng ta học tập sự tín nguyện của Đại thừa là Phát tâm bồ đề. Vì Phật pháp, vì chúng sanh mà khởi lên tín nguyện lớn lao vô cùng vô tận. Do đó, nương theo niềm tin ki ên cố, mà khởi lên sự mong cầu giác ngộ; nương theo sự mong cầu giác ngộ, mà siêng năng tinh tiến tu học không lùi bước, đấy cũng chính là nguồn gốc sức mạnh của hạnh nguyện tự giác giác tha. Vì thế, học Phật không phải là chuyện khó, chỉ cần nương theo ba đặc tính thù thắng của bản tánh con người, thì có thể đi vào ba cánh cửa trọng yếu của Phật pháp, mà hoàn thành được nhân cách toàn diện như đức Phật.
Phật tức là sự vắng lặng, thanh tịnh của bản tánh con người khi tiến triển đến mức độ rốt ráo và hoàn toàn viên mãn. Đây cũng chính là phương hướng giáo dục hoàn thiện nhân cách từ con người đến quả vị Phật. Trong Nho giáo tương tợ cũng có ba đặc tính, là Tam đạt đức của Trung Dung như: Trí, Nhân và Dũng, ba loại này gần với tư tưởng của ba đặc tính Phật giáo nói trên. Ba pháp môn trọng yếu cần tu học của Phật giáo cũng tương tự với tư tưởng tam cương của Nho giáo, nhưng mức độ để đạt đến giác ngộ hoàn toàn, vắng lặng, tịch tịnh rốt ráo, thì duy nhất chỉ có trong Phật giáo. Toàn bộ quá trình tu học để đạt đế n tự giác giác tha được Phật giáo trình bày một cách đầy đủ và rõ ràng nhất.
Phương thức giáo dục hoàn thiện nhân cách của Phật giáo là sự tự mình giác ngộ và giúp người khác cùng giác ngộ, cũng chính là sự giáo dục bản thân và giáo dục người khác. Phương pháp tự giáo dục mình và giáo dục người khác đều không phải chỉ đơn thuần là truyền đạt tri thức, mà quan trọng sự giáo dục bản thân, và đưa tri thức đi vào thực tiễn trong đời sống hằng ngày của con người. Sự giáo dục và học tập đơn thuần của xã hội, chỉ là sự truyền trao và thu nhận một số tri thức nào đó, hoặc là học tập những kĩ năng để phát triển và duy trì cuộc sống bình thường, để đáp ứng những nhu cầu hưởng thụ và ham muốn vật chất mà thôi, chứ không có liên quan gì đến việc chuyển hóa thân tâm của mình ngày càng hướng thiện, trong sạch. Đó không phải là ý nghĩa và mục đích chân chính của sự giáo dục.
Quan điểm này, cả Phật giáo và Nho giáo đều có sự chung nhất, cách nhìn nhận không khác nhau. Vì vậy, Ý nghĩa quan trọng và đích thực nhất của Phật giáo chính là sự giác ngộ cuộc đời, khiến cho bản thân từ trong sự mê muội của sóng gió điên đảo của đời người mà tỉnh ngộ ra. Chỉ có duy nhất sự giác ngộ bản thân, mới có thể trở thành là nguồn suối trí tuệ ngọt ngào, lòng bi nguyện tuôn chảy vô tận, và tinh thần dũng mãnh tinh tiến không ngừng hướng thiện.
Trọng tâm của giáo dục Phật giáo là sự giác ngộ bản thân, chuyển hóa thân tâm của mỗi con người, và chú trọng quá trình thực tiễn. Nếu như giáo dục rời xa thực tiễn, thì đó không còn phù hợp với tinh thần của Phật giáo. Vì vậy, những trước tác học thuật hay nghiên cứu giáo lý phật học, đều là một mảng lớn của Phật giáo, nhưng quá đặt nặng về nghiên cứu và lý thuyết học thuật, thì lại không được Phật giáo chú trọng và cổ súy. Đứng trên phương diện lý thuyế t và thực hành, thì Phật giáo thường đứng từ lập trường thực tiễn, để xác định mức độ của trí tuệ.
Như quá trình tu tập Bát Chánh Đạo, thì trước tiên phải tu tập Chánh kiến và Chánh tư duy.
Quá trính giáo dục xuyên suốt của Phật giáo là lấy trí tuệ để dẫn lối đi vào thực tiễn, và lấy thực tiễn để khiến trí tuệ phát sinh; nương vào trí tuệ để dẫn lối cho những hành động của mình, cũng giống như mắt chúng ta nhìn rõ được đường đi, thì mới có thể cất bước di chuyển về phía trước. Đồng thời, nương vào thực hành để phát sinh trí tuệ, cũng giống như khi chúng ta đi về phía trước, thì mới có thể phát hiện và nhìn rõ được mọi sự vật hiện tượng trước mặt mình. Có trí tuệ mới có hành động và việc làm đúng đắn, và ngược lại có hành động, việc làm đúng đắn thì mới khiế n trí tuệ phát sinh.
Khi càng có trí tuệ thì hành động, việc làm của chúng ta càng đúng đắn chuẩn mực, và khi có hành động, việc làm càng đúng đắn chuẩn mực thì càng phát sinh nhiều trí tuệ. Vì vậy, Trong qua trình tu học này, mục đích cuối cùng là đạt đế n trí tuệ rốt ráo nhất, và y theo sự dẫn dắt của trí tuệ mà tu học. Như đức Phật được tôn xưng là “Minh Hạnh túc”, tức là đã đạt đến sự rốt ráo và viên mãn của Trí tuệ và Công hạnh.
Như vậy, có thể thấy nền tảng giáo dục của Phật giáo là lấy thực tiễn làm trọng, mà thực tiễn trước tiên cũng cần phải có trí tuệ trước. Cho nên, những người học Phật phải có lập trường vững vàng này, để đi tìm cầu cái trí tuệ xuất thế gian, trí tuệ của Phật.
Tuy nói rằng, Phật giáo chú trọng thực tiễn, không chỉ là sự truyền đạt tri thức suông. Nhưng trên phương diện giáo hóa, truyền đạt và tu học Phật học, thì không thể không dùng đến ngôn ngữ văn tự, vì ngôn ngữ và văn tự chính là công cụ chủ yếu để tiến hành quá trình dạy và học. Trình độ học vấn không thể rời ngôn ngữ văn tự được. Từ xưa, bồ tát Di Lặc đã tóm lược quá trình tu học bao gồm: “Bồ tát cầu pháp, không thể không cần đến Ngũ minh”. Ngũ minh chính là năm loại học thuật mà một người đệ tử Phật cần phải tu học. Năm loại học thuật này bao gồm:
- Thanh minh: chính là ngôn ngữ văn tự học, bao gồm ngôn ngữ, chữ viết, âm vận, âm nhạc, ngữ pháp v.v…
- Nhân minh: Nhân là nguyên nhân, lý do. Đây chính là dựa vào cái đã biết để tìm cầu cái chưa biết, nâng cao trình độ và khả năng phân tích và biện luận. Về phương diện ngôn ngữ là thuật hùng biện; về phương diện tư tưởng là lô rích học và lý luận học.
- Y phương minh: đây chính là những khả năng về y dược, thuốc men, sinh học, sinh lý học, hóa học v.v…
- Công xảo minh: là những bô môn toán học, khoa học, vật lý học và những tay nghề kĩ thuật công việc ứng dụng trong cuộc sống.
- Nội minh: bốn loại trên được gọi là ngoại minh của thế gian; còn giáo dục Phật giáo là trên cả bốn loại học thuật trên, đó là Phật học, cho nên được gọi là nội minh.
Hai học thuật Thanh minh và Nhân minh là trình độ tri thức chuẩn bị cho tiến trình tu tập để tự giác và giác tha. Thanh minh là ngôn ngữ văn tự, còn Nhân minh là Phương pháp hùng biện, lý luận. Nếu không có hai loại học thuật này, sẽ khiến cho tư tưởng con người bị xáo trộn lộn xộn, không phân rõ đúng sai, chân đế hay tục đế. Không những thiếu đi khả năng giáo dục người khác, mà còn tự cho mình là phải, nhưng chưa chắc đã hoàn toàn chính xác. Do đó, muốn Phật giáo phát triển thì phải hướng những con người học Phật rèn luyện học tập hai học thuật này một cách vững chắc, không được xem nhẹ.
Về loại học thuật Y phương minh, là có thể khiến cho thân và tâm được tiêu trừ các bệnh khổ, những đau đớn về thể xác và tinh thần, mà được an lạc, thảnh thơi. Công xảo minh là tận dụng các tiến bộ về kĩ thuật, để phát triển xã hội đem đến hạnh phúc vật chất cho con người. Vì vậy, cho nên Y phương minh và Công xảo minh chính là khả năng thực tiễn của một vị Bồ tát làm lợi lạc cho chúng sanh. Tiêu biểu là ngài Thiện Tài Đồng Tử, Trong quá trình tham cứu học hỏi với các bậc Đại thiện tri thức, ngài đều đến học hỏi với các nhà toán học, kiến trúc sư, bác sĩ, kĩ sư, nhà hóa học v.v…Như Bồ Tát Long Thọ là một nhà hóa học nổi tiếng, chuyên chế tác các loại hương thơm và luyện kim, được sự hướng dẫn của ngài có biết bao ngôi chùa và thạch động hùng tràng với quy mô lớn được xây dựng nên, và ngài được mệnh danh là “Đệ nhất kiến trúc sư” của Ấn Độ.
Như thế có thể thấy, nội dung giáo dục phật giáo, không chỉ là Nhân quả, nguyên lý Tánh Không v.v… mà còn có Ngũ minh. Chẳng qua từ trước đến nay, những người đệ tử Phật như chúng ta, đã ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng Tiểu thừa, nên thường cho rằng bốn loại minh trước là những pháp của thế gian, còn Nội minh mới chính là pháp xuất thế. Nhưng không biết rằng, trong tư tưởng giáo lý Đại thừa thì thế gian và xuất thế gian là không phân biệt, thế gian và xuất thế gian tuy hai mà một, không có sự phân chia riêng lẻ như Thanh minh, hay Nhân minh v.v…, đều là việc tu học xuất thế chung của thế gian mà thôi. Chân đế và tục đế đ ều dung thông, không chướng ngại, đều chung là một nội dung giáo dục của Phật giáo.
Trọng tâm của Phật giáo là chuyển hóa những con người từ phàm phu, mê muội trở thành người giác ngộ, tức là sự giáo dục khiến con người đạt đến nhân cách hoàn thiện nhất. Phương pháp chủ yếu là giáo dục thực tiễn, nội dung giáo dục là Ngũ minh như đã trình bày sơ lược ở trên.
Nếu đứng trên thời gian hiện tại mà nói, thì hình thức thuyết pháp, khai thị, cũng như những tác phẩm Phật học của Phật giáo; hoặc là những hình thức nghệ thuật âm nhạc; hay là những hình thức nghiên cứu, thu thập, phiên dịch kinh điển v.v… chung quy đều là những hoạt động văn hóa của Phật giáo. Nhưng đã là những hoạt động giáo dục Phật giáo, thì không thể hạn hẹp trong những phạm vi như vừa nêu trên. Trong kinh điển thường nói về vấn đề đức Phật hay tán thán, khen ngợi sự bố thí Pháp. Vì Pháp là những học thuyết, giáo lý mang tính chơn lý, đức hạnh, lương thiện, lễ nghi v.v… Nói một cách khác hơn, thì Pháp là hết thảy các pháp của thế gian và xuất thế gian. Đệ tử Phật cần phải tu học các pháp này, và hoằng dương Phật pháp, đó chính là việc bố thí Pháp.
Bố thí Pháp thì có thể phân làm hai loại:
- Một là bố thí Pháp xuất thế, như việc truyền bá, hoằng dương Nội minh, đem Phật pháp đi vào thực tiễn.
- Hai là bố thí Pháp thế gian, như việc giáo dục, truyền bá nội dung của Thanh minh, Nhân minh, Y phương minh hay công xảo minh v.v…
Như vậy có thể thấy, hình thức bố thí pháp thế gian, chính là quá trình giáo dục của thế gian. Từ góc độ Chân và Tục không phân biệt của tư tưởng Đại thừa mà nói, thì việc giáo dục của thế gian cũng là một phần của các pháp Đại thừa, đó cũng là nền tảng cơ sở để đưa con người đi vào con đường tu học tư tưởng Đại thừa. Vì vậy, cho nên khi tiến hành các hoạt động giáo dục Phật giáo, thì không nên xem chúng như là những hình thức để thích ứng với thời đại, với xã hội, mà là Phật giáo mang tính giáo dục, và những hoạt động dạy và học, đều trở thành một trong những hình thức tu học quan trọng của giáo dục Phật giáo.
3. Kết luận
Những nội dung và phương pháp giáo dục Phật giáo đã trình bày ở trên, trong Phật giáo đều gọi chung là bố thí Pháp. Vì bố thí pháp là có công đức vô lượng, cho nên chúng ta phải không ngừng nổ lực để truyền bá, hoằng hóa các pháp thế gian và xuất thế gian. Bất l uận là đối với cá nhân hay tổ chức nào cũng đều có công đức. Nhưng nếu như pháp bố thí một cách chân chánh, thì phải giúp con người diệt trừ khổ đau, phiền não, để tăng thêm niềm an lạc hạnh phúc.
Bố thí pháp mà vô cầu không vụ lợi, không có điều kiện, cũng như không vì tâm niệm nhận được quả báo tốt lành mà làm việc giáo hóa. Vì thế, việc lựa chọn theo con đường giáo dục Phật giáo, không những không nên vì những danh lợi, chức vụ, địa vị của bản thân; mà cũng không nên quá vì muốn phát triển mở rộng tổ chức giáo hội mà làm giáo dục. chúng ta hãy nên vì Chánh pháp, vì lợi ích của nhân loại, mà phát tâm tinh tấn đi theo con đường đem chánh pháp đến với mọi người, để họ được bớt khổ thêm vui, và tiến dần về quả vị giải thoát, hoàn thiện về nhân cách đạo đức . Đây mới chính là nhiệm vụ giáo dục đích thực của Phật giáo, và là tinh thần của những người làm công tác giáo dục Phật giáo cần phải có.
THÍCH TÍN HÒA
Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh