;
Thân phụ của Ngài là Đề Xá và là một luận sư nổi tiếng trong giáo đoàn Bà La Môn. Ngay cả thân mẫu của Ngài cũng là người có trí tuệ vượt xa hơn những phụ nữ bình thường lúc bấy giờ.
Khi Xá Lợi Phất vừa lên 8 tuổi thì trí thông minh của Ngài đã phát triển một cách nhanh chóng. Một hôm, trong nước Ma Kiệt Đà, có hai anh em ông trưởng giả là Cát Lợi và A Già La, mở tiệc đãi đằng vua quan, các nhà quyền quý và các vị luận sư để thưởng thức ca vũ nhạc kịch và cùng nhau bàn luận về chuyện cổ kim.
Theo quy định của đại hội thì mọi người được ngồi theo chỗ đã định sẳn chỉ riêng có cậu bé Xá Lợi Phất thì nhảy phóc lên ngồi ở ghế chủ tọa. Ban đầu thì mọi người không chú ý mấy đến cậu bé ngổ nghịch nầy, nhưng về sau khi nghe Xá Lợi Phất với lời lẽ hùng hồn, nghĩa lý tinh thông, chẳng những làm kinh ngạc những vị luận sư Bà La Môn đương thời mà còn làm cho quốc vương Ma Kiệt Đà sửng sốt. Để tỏ lòng quý mến, quốc vương Ma Kiệt Đà đã đem một thôn trang phong tặng cho cậu bé Xá Lợi Phất.
Tượng tôn giả Xá Lợi Phất - ảnh Quảng Tánh
Khi lớn lên thì Ngài có dáng người cao lớn, dung mạo thanh tú, mắt sáng như sao và tay dài quá gối. Vì được thừa hưởng truyền thống học giả của cha mẹ và với phong độ trí thức sẵn có nên tên tuổi của Ngài vang dội nhanh chóng cả xứ Ma kiệt Đà nầy.
Lúc vừa 20 tuổi, Ngài từ giã quê hương và gia đình để lên đường tìm sư học đạo. Ban đầu, Ngài tìm đến bái kiến vị Bà La Môn nổi danh đương thời là San Xà Dạ làm thầy. Nơi đây Ngài kết bạn với người đồng học tên là Mục Kiền Liên. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên tuổi tác thì ngang nhau và trí thức cũng như tư tưởng thì rất tương đồng. Thêm vào đó cả hai đều cùng chí nguyện tầm sư học đạo để tìm chân lý tối thượng của cuộc sống nên tình cảm rất hòa hợp.
Khi Xá Lợi Phất tâm sự cho Mục Kiền Liên về kiến thức giới hạn của thầy mình thì cả hai quyết định ly khai San Xà Dạ. Họ nghĩ rằng trên đời nầy không có người trí thức nào sánh kịp với họ và cũng chẳng có ai đủ tư cách làm thầy của họ cả. Họ thành lập một học đoàn riêng biệt và bắt đầu thâu nhận đệ tử. Tôn chỉ của họ là tự tu và truyền dạy những điều họ khám phá được cho hơn 200 đệ tử của họ. Dưới ánh mắt của họ thì những học giả trên toàn nước Ấn Độ lúc bấy giờ quá tầm thường, không có gì đáng kính nể.
Một ngày nọ, trên đường đi vào kinh đô Vương Xá, Ngài Xá Lợi Phất gặp một nhóm đệ tử của Phật. Họ là năm vị đệ tử đầu tiên mà Đức Phật đã quy y tại vườn Lộc Uyển. Đó là các ông Kiều Trần Như, Ác Bê, Thập Lực, Ma Ha Nam và Bạc Đề và đây là những người tu khổ hạnh với Đức Phật khi xưa trên núi Tuyết sơn.
Xá Lợi Phất hỏi với khẩu khí của một trưởng giả:
- Thầy của Ngài là ai? Và bình thường dạy Ngài đạo lý gì?
Vị Tỳ kheo chậm rãi trả lời:
Thầy tôi là bậc đại thánh Thích Ca Mâu Ni, xuất thân từ dòng họ Thích Ca. Ngài dạy về chân lý của vũ trụ nhơn sanh. Kẻ ít học như tôi không thể lãnh hội trọn vẹn, nhưng tôi còn nhớ đạo lý Ngài thường giảng là:
Các pháp do nhân duyên sanh
Các pháp do nhân duyên diệt.
Đức Phật cũng dạy rằng: “ Các hạnh vô thường là pháp sanh diệt, sanh diệt diệt rồi tịch diệt là vui”. Đối với lời dạy của bậc đạo sư, thật khó diễn tả được hết cảm kích của chúng tôi.
Sau khi nghe danh hiệu Phật Đà và những giáo pháp của Đức Phật thì Xá Lợi Phất như người vừa thức mộng. Trước mắt Ngài là ánh sáng mặt trời vừa xóa đi những đám mây đen bao trùm trong tâm khảm bấy lâu nay. Tất cả những mối nghi ngờ về vũ trụ nhân sinh đều biến mất. Ngài đứng bên đường đàm đạo với các vị Tỳ kheo như là bạn tri kỷ trăm năm và sau đó ước hẹn để yết kiến Đức Phật.
Xá Lợi Phất về đến nơi, Mục Kiền Liên thấy dáng vui tươi của bạn, liền hỏi thăm:
- Hôm nay có việc gì mà trông bạn hân hoan đến thế?
Xá Lợi Phất trả lời:
- Mục Kiền Liên, đây là dịp cao hứng đệ nhất trong đời tôi. Thật hoan hỷ, tôi báo cho bạn biết, tôi đã gặp vị lão sư của chúng ta.
Mục Kiền Liên hỏi lại:
- Bạn nói gì thế, ai là người có thể làm thầy chúng ta?
Xá Lợi Phất trả lời:
- Phật Đà! Đó chính là Đức Phật Đà.
Sau đó, Xá Lợi Phất liền đem những lời giáo pháp của vị Tỳ kheo kể lại cho Mục Kiền Liên nghe. Kẻ nghe, người kể đều không ngăn được xúc động và cả hai đều rơi lệ.
Đối với pháp nhân duyên thì người bình thường sau khi nghe chưa chắc đã lãnh hội được. Nhưng cả hai càng nghe thì càng thích thú bởi vì nếu không thể thấu hiểu được pháp nhân duyên thì khó lòng mà nhận thức được Phật pháp.
Ngày hôm sau, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đem toàn bộ đệ tử đến Tịnh xá Trúc Lâm xin quy y theo Phật. Đức Phật thâu nhập hai ông vào Tăng đoàn với câu nói đơn giản:” Hãy đến đây! Các Tỳ Kheo”.
Từ khi thành đạo đến nay, Đức Phật đã thu nhập rất nhiều đệ tử. Nhưng đến khi hai Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên gia nhập tăng đoàn thì Đức Phật mới tin rằng chân lý mình chứng ngộ đã gặp đúng người có thể tiếp thọ. Chính Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cũng cảm thấy mình đã gặp đúng bậc minh sư.
Thiết lập tu viện Kỳ Viên:
Sau khi Xá Lợi Phất quy y theo Phật thì lực lượng tăng đoàn bắt đầu tăng thêm. Lúc ban đầu Đức Phật hoằng dương đạo pháp phần lớn các nơi ở miền Nam xứ Ấn Độ đặc biệt là tại nước Ma Kiệt Đà. Ngài lưu lại tịnh xá Trúc lâm trong 6 mùa an cư kiết hạ. Nhưng hai năm đầu, ở phương Bắc chưa có một tu viện căn bản nào để dùng cho việc thuyết pháp. Do nhân duyên kỳ ngộ, một ngày nọ có ông trưởng giả Cấp Cô Độc là vị đại thần của vua Ba-Tư-Nặc mà kinh đô là thành Vương Xá của nước Kiều Tát La, nhân đến phương Nam thăm người quen và được dịp gặp gỡ Đức Phật.
Sau khi nghe Phật thuyết giảng về đạo lý cứu khổ, ông phát tâm quy y và nguyện xây một tịnh xá nơi quê hương của ông để cung thỉnh Đức Phật cùng chư tăng đến để truyền pháp ngỏ hầu dìu dắt chúng sinh ra khỏi đường mê lối vọng. Đức Phật bèn sai Ngài Xá Lợi Phất là người đệ tử đầu tiên nhận lãnh sứ mạng của Đức Thế Tôn lên phương Bắc để lo hoằng pháp và trông coi việc xây cất tu viện Kỳ Viên.
Công việc xây cất tịnh xá thì không phải là dễ, nhưng đối diện với ngoại đạo thì vạn phần khó hơn và ngoài Xá Lợi Phất ra không ai có thể gánh vác nổi trách nhiệm nặng nề nầy. Sau khi tìm được mảnh đất của Thái tử Kỳ Đà thì ông Tu Đạt Đa dùng vàng rồng trải khắp mặt đất để mua vườn hoa làm nơi kiến tạo tịnh xá.
Quả như lời tiên đoán của Đức Phật, Tịnh xá vừa khởi công không bao lâu thì ma nạn khởi lên. Nhiều nhóm ngoại đạo ganh ghét sự phát triển của Phật giáo, đến yêu cầu ông Tu Đạt Đa từ bỏ ý định xây cất tịnh xá và chúng khuyên ông đừng nên tin theo tín ngưỡng của Phật Đà.
Cho dù bọn ngoại đạo dùng áp lực nhưng ông Tu