;
PGS-TS Nông Văn Hải, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Việt Nam, cho biết trường hợp cháu T. cần được các nhà khoa học, bác sĩ vào cuộc tiến hành thực nghiệm kiểm tra thì mới có thể xác định được chính xác nguyên nhân của vấn đề.
Về mặt sinh học cũng như khoa học, hiện tượng con người có khả năng gây cháy các đồ vật xung quanh rất khó xảy ra. Trước đây, cũng xuất hiện một số trường hợp tương tự nhưng chưa có nghiên cứu nào kết luận nguyên nhân chính xác nhất.
Theo PGS-TS Nông Văn Hải, chỉ cần đưa bé vào phòng, cất hết các đồ vật có khả năng tạo ra lửa, gây cháy trong phòng như hộp quẹt chẳng hạn và quan sát xem bé có thể tự gây cháy các vật dụng trong phòng hay không là có thể xác định được nguyên nhân chính xác nhất.
Nhà cảm xạ Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm Cảm xạ Địa sinh học, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết trên thế giới đã ghi nhận trường hợp người bốc cháy. Tuy nhiên, cháu T. không cháy trên cơ thể mà có khả năng gây cháy các đồ vật xung quanh.
Theo ông Châu, những trường hợp trên đều có các nguyên nhân từ môi trường sống như ảnh hưởng của điện từ trường, hệ thống sinh học của hệ tuần hoàn, ăn uống. Trung tâm đã kiểm tra điện từ trường tại nhà cho bé T. nhưng không thấy dấu hiệu bất thường. Do vậy, vấn đề còn lại là do bán cầu não phải bị kích thích quá mức. Trung tâm đã đưa ra cho phương pháp tập luyện cho cháu bé để nhằm điều chỉnh và cân bằng hệ thống sinh học đó.
Dự kiến Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng sẽ tổ chức một đoàn gồm các nhà khoa học đến nhà cháu T. để tìm nguyên nhân và cách giải quyết.
Trong khi đó, GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng cho biết về mặt khoa học, các hiện tượng này thường liên quan đến trường năng lượng sinh học nhưng cũng chưa thể kết luận chính xác về khả năng tác động của các trường năng lượng này.
Theo ông Hưng, hiện nay không nên quan tâm quá mức đến cháu T. vì như vậy dễ làm xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của bé.
Gia đình có thể mời các nhà khoa học, các bác sĩ quan sát, sử dụng các máy móc có liên quan để đo đạc một cách nhẹ nhàng, tự nhiên mà không làm ảnh hưởng đến bé. Dựa trên các kết quả, số liệu đo đạc được, nếu nhận ra có các bất thường thì mới có thể tiếp tục tìm hiểu sâu hơn để làm rõ nguyên nhân.
TS Đoàn Văn Bình, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng Việt Nam, cho biết hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể, chính xác, rõ ràng nhất về hiện tượng này, mặc dù trước đây đã có một số báo cáo về các hiện tượng tương tự. Về việc đeo vòng đá thạch anh để hạn chế khả năng gây cháy, khoa học chưa có kết luận chính xác về khả năng này.
Viện Khoa học Năng lượng Việt Nam có biết về hiện tượng bé gái gây cháy này nhưng hiện tại chưa nghiên cứu, vì vậy cần phải tiến hành thực nghiệm cụ thể mới có kết luận rõ ràng.
Còn theo GS-TS Nguyễn Đại Hưng, Viện trưởng Viện Vật lý Việt Nam, nếu gia đình cháu V. chấp nhận có thể đưa cháu T. đến Văn phòng Viện Vật lý Việt Nam khu vực phía Nam (số 1, Mạc Đĩnh Chi, phường Bến Nghé, quận 1-TPHCM) để được các nhà khoa học tại đây tư vấn, hỗ trợ tìm hiểu về hiện tượng này.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải - ông già Ozon cho biết: " Mọi thông tin trên báo chí đưa về cô bé có khả năng đặc biệt làm cho đồ vật bốc cháy đều thiếu, chưa đủ.
Trên đời này không có ai nhìn vào đồ vật, đi lại gần đồ vật mà gây ra cháy được. Chuyện này là không bao giờ có", Tiến sĩ Khải khẳng định.
"Cùng một câu hỏi thôi, có ai ngồi cùng đứa bé không, có ai nhìn thấy nó đi qua cháy hay nó nhìn là cháy? Ví dụ như trước đây có đứa bé ở Quảng Nam đi đến đâu thì các vật xung quanh bị cháy, thực tế không ai chứng kiến rằng đứa bé gây ra sự cháy mà cháy chỉ xảy ra khi nó ở nhà một mình. Cuối cùng, đứa bé đã nhận rằng chính đó đốt.
Có ai chứng kiến lúc cháy là đứa bé gây ra không, không một ai nhìn thấy cả. Trường hợp nhà không có ai thì nó cháy và việc cháy đó là do nó tự đốt", TS.Khải nói thêm.
Theo lời gia đình bé Th. kể, ổ điện bị cháy, bị hỏng trong khi chiếc ổ cắm điện vẫn bình thường, không bị chập điện, dây điện vẫn nguyên vẹn. Nhưng mặt bên ngoài ổ cắm điện lại bị nung chảy với một sức nóng rất lớn gây ra. Đây là hiện tượng vô cùng lạ, giống như ai đó dùng hàn xì phun lửa vào ổ cắm vậy.
"Những trường hợp như vậy, nếu như không có dòng điện chạy qua thì không thể cháy được cho nên, việc cháy các ổ điện của gia đình cũng như người thân của cháu bé chỉ là “trùng lặp” mà các ổ điện cháy. Nếu cô bé này nhìn vào ổ điện mà ổ điện cháy thì tôi sẵn sàng vào để tận mắt chứng kiến “khả năng đặc biệt” của cô bé này”, T.S Nguyễn Văn Khải cho biết.
TS Khải nói thêm, còn chuyện cháy một trăm lần hay một nghìn lần là chuyện gia đình, chuyện của đứa bé, có ai nhìn thấy không? Nếu như nó đã xảy ra cháy một vài lần thì kiểu gì cũng có rất nhiều lần nữa. Bởi vì nếu cô bé có khả năng đó thì luôn có khả năng ấy.
Theo TS.Khải thì năng lượng ở bên trong con người chỉ có thể tạo ra sóng điện từ có năng lượng vô cùng bé, không thể làm vật nào cháy được. Người đang sống luôn tỏa nhiệt nhưng nhiệt độ đó chỉ bằng mắt, bằng thổi… không thể làm đồ vật nóng lên đến mức cháy được.
Ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng cho hay, ông có theo dõi sự việc cô bé có khả năng làm đồ vật tự bốc cháy tại TPHCM.
Ông cho rằng, Việt Nam từ trước đến nay chưa có hiện tượng lạ theo kiểu từ làm phát cháy tương tự nhưng người tập khí công có năng lượng thì có rất nhiều như khả năng làm nhiễu sóng ti vi, hút vật nặng...
Để xác định năng lượng trong người cô bé này cần có hàng loạt thí nghiệm với nhiều vị trí, gia đình khác nhau. Quá trình thí nghiệm này nhằm mục đích xác nhân đó là cháy giả hay cháy thật. Vì thế, cần có sự giám sát, quay phim chụp ảnh cụ thể. Nếu thực cần đưa ra các hội thảo khoa học xác minh nguyên nhân...
Về việc, hiện nay nhiều người lo lắng khả năng khó xác định năng lượng của cô bé đó là năng lượng âm hay năng lượng dương, theo ông Khanh, không quá khó, chưa nói là dễ.
Bên cạnh xác định đó cũng là một phương pháp khoa học theo cách loại trừ để khử dần các yếu tố liên quan. Cụ thể, để xác định năng lượng do cảm ứng điện từ hay năng lượng vô hình có thể dùng máy móc.
Với năng lượng do cảm ứng điện từ hay còn gọi là năng lượng dương, chúng ta cần có cách nghĩ cũng phải khoa học tránh suy diễn. Con người vốn dĩ là một cấu thể với gen, tế bào.
Trong những con người khác nhau có thể có những khả năng đặc biệt, hay còn gọi đó là những trường hợp đột biến gen. Đây cũng là lý do lý giải vì sao có những người có khối u lên đến hàng tạ trên cơ thể hay hút được nam châm, vật lạ hay sờ vào điện không bị giật...
Với trường hợp năng lượng dương có khả năng làm cháy có thể tương tự hiện tượng năng lượng sét hòn. Tức khi năng lượng này đến vào đâu sẽ phát sinh hiệu ứng gây cháy nổ.
Để xác định năng lượng dương có thể dựa vào các máy móc khoa học. Cụ thể, để làm dây điện cháy cần có lượng nhiệt, điện thế lớn mới có khả năng làm cháy. Với máy đo vạn năng, các nhà khoa học có thể đo được điện năng, von kế, ampe kế...
Các kim giây ở đây rất nhạy, máy được đưa từ xa lại gần. Chỉ cần có điện năng, máy sẽ báo ngay lập tức. Trường hợp máy này không chạy tức không có sự tác động vào hệ thống điện. Nếu dòng điện lớn, máy sẽ tự ngắt nên rất an toàn...
Khi đã xác định được năng lượng dương thì sẽ nghiên cứu sâu hơn nhằm đưa ra lời giải thích đáng tin cậy. Nhưng cũng cần tính bài toán, nếu không có năng lượng dương, đồng nghĩa đó là năng lượng âm thì cần mời các nhà nghiên cứu ngoại cảm để phân tích...
Theo NLD- GDVN - KTO