;
Trong không khí trang nghiêm của hạ trường, hơn 800 Tăng Ni sinh đã lắng nghe thời pháp thoại của HT. Thích Bảo Nghiêm. Hòa thượng đã nêu lên một số nội dung trọng tâm mà chư hành giả cần quan tâm thực hành trong ba tháng an cư, đồng thời khuyến tấn các Tăng Ni sinh cần cố gắng tu học hơn nữa, nâng cao chất lượng đời sống phạm hạnh, để xứng tầm với cơ sở của Phật giáo đương đại trong sự hoạt động, sự phát triển của Phật giáo Việt Nam và ngành Giáo dục Phật giáo Việt Nam đương đại.
Hòa thượng chia sẻ “Nhìn quý Tăng ni sinh, chúng tôi lại liên tưởng cách đây đúng 30 năm, khi tôi còn là 1 tăng sinh,cũng là một người học trò của GHPGVN, là một tăng sinh của học viện.
Lúc đó cả nước mới có một học viện, với tên là trường Cao cấp Phật học Việt Nam, mà chúng tôi là những người học trò đầu tiên của trường Cao cấp Phật học Việt Nam khóa 1 tại TP. Hà Nội, niên khóa 1981-1986. Trải qua 30 năm GHPGVN phát triển không ngừng mọi mặt, nhưng đặc biệt nhất trong các kỳ đại hội, phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ tới, cũng như nghị quyết của đại hội đều nhấn mạnh tới việc đào tạo tăng tài là nhiệm vụ trọng yếu, cấp thiết và quan trọng nhất của GHPGVN.
Đúng quả thật như vậy, vào năm 1981 tới nay, Phật giáo VN không ngừng phát triển, từ bước đầu có hơn 40 tăng ni sinh trường Cao cấp Phật học VN, mở đầu tiên tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Tới bây giờ đã có 3 học viện ở 3 miền đất nước: Tại TP. Hà Nội, cố đô Huế và TP. HCM. Số lượng tăng ni đã được đào tạo hàng chục ngàn vị trải qua các khóa.
Đặc biệt nhất TP. HCM, bắt đầu khóa thứ 2 trường Cao cấp Phật học VN, dưới sự hướng dẫn dạy bảo của Đức cố Trưởng lão Hòa thượng thượng Minh hạ Châu, Ngài cũng là người Viện trưởng đầu tiên của Học Viện Phật giáo VN – Trường Cao cấp Phật học VN, lúc đó ở tại chùa Quán Sứ. Khi thấy sự tiếp nối đó, chúng tôi nhớ lại lời tán thán của một vị cao tăng nước ngoài, nhìn nhận, nhận xét Phật giáo VN 4 điểm:
Thứ nhất, Phật Giáo VN là nước phát triển so với các nước Phật giáo trên thế giới. Nhưng đặc biệt Phật giáo VN có số người trẻ đi xuất gia và được đào tạo cơ bản trong các trường của Phật giáo từ sơ cấp, trung cấp cho tới học viện với số lượng nhiều nhất trên thế giới.
Thứ 2: Phật giáo VN là một thành viên của Phật giáo thế giới với số lượng chùa chiền được phục hưng lại và xây dựng trùng tu mạnh, cơ sở hoằng pháp giáo dục hành đạo của các tự viện Phật giáo VN lớn nhất trên thế giới.
Thứ 3: Các vị Hòa thượng tiền bối đã nhận xét rằng GHPGVN có sự thống nhất xuyên suốt trong toàn quốc đứng đầu và duy nhất chỉ có GHPGVN. Với sự lãnh đạo của 2 Hội đồng: (Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN) mà các nước Phật giáo trên thế giới chưa có nước nào thống nhất được như Phật giáo VN.
Thứ 4: Vị Hòa thượng nhận xét rằng Phật giáo VN hành đạo trong 1 đất nước thanh bình, phát triển và được sự quan tâm của nhà nước với chính sách tôn giáo nhất quán. Trong đó Phật giáo cũng là 1 tôn giáo chủ đạo, được quan tâm, góp phần trong lịch sử và hiện tại bởi những đóng góp của Phật giáo VN”.
Qua đây, Hòa thượng sách tấn Tăng ni sinh trẻ tuổi cần tinh tiến tu học, nghiêm trì giới luật, đặc biệt “Đã làm việc gì hãy lấy lợi ích của Giáo hội lên hàng đầu, lấy danh dự của Phật giáo làm quan trọng. Tăng Ni không nên nói xấu nhau, vì như thế là làm ảnh hưởng cho Giáo hội. Hãy sống bằng sự bao dung tha thứ, bằng sự nhìn nhận chính kiến, và đặc biệt nhất là tấm lòng hỷ xả, đừng vì sự thù hằn oán giận của bản thân ảnh hưởng tới Phật giáo Việt Nam, tới Phật giáo toàn cầu của chúng ta… Ngày nay chúng ta lấy việc Hoằng pháp làm quan trọng….”
Trước khi kết thúc thời pháp thoại, Hòa thượng cũng chia sẻ về tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp, GHPGVN đã ra công văn đề nghị ngưng hoạt động các khóa tu, các dịp lễ… Vì lẽ đó, cũng phải tạm hoãn lại chuyến đi thăm trường hạ các tỉnh khu vực Tây nguyên đến toàn bộ Tăng, Ni. Hòa thượng nhấn mạnh: “chúng ta là công dân phải thực hiện theo pháp luật, trên tinh thần như Kinh Hoa Nghiêm đã dạy: tùy duyên mà bất biến.
Trong hoạt động từ thiện xã hội hoạt động thật tốt nhưng không được biến đổi cái chất của mình, không được thay đổi tâm Bồ đề của mình, không được biến hình thức của mình là 1 tu sĩ, đặc biệt là tu sĩ Phật giáo Việt Nam. Như vậy thì trong nhiệm kỳ tới, do các vị lãnh đạo, do các vị gìn giữ, do các vị duy trì. Tuy chúng ta không được gặp Phật nhưng ở nơi nào ta làm việc Phật, ở nơi nào Bồ đề tâm ta trong sáng thì Phật hiện tọa nơi đó”.
Buổi thuyết giảng khép lại trong không khí hoan hỷ của Tăng Ni sinh Học viện.
Tin, ảnh: Phúc Hậu, Công tây, Dương Tài