;
Trại Tỉnh Thức: Một thử nghiệm mở đầu
Trại Tỉnh Thức (Retreat of Awakening) là một hình thức họp bạn, hội thảo và tu học do một số chư Tăng, Ni và anh chị em Phật tử người Việt tại Hoa Kỳ đứng ra tổ chức. Mục đích của Trại là tạo một môi trường tiếp cận giữa những thành viên tuổi trẻ và quan tâm đến tuổi trẻ rất đa dạng từ nhiều hoàn cảnh xuất thân của cộng đồng người Việt trong xã hội các nước ngoài mà đặc biệt là Hoa Kỳ. Nội dung trại bao gồm các hình thức hoạt động thanh niên, sinh hoạt cộng đồng, trình bày và thảo luận những kinh nghiệm sống thực, cũng như những trãi nghiệm về mặt tri thức, tâm linh. Các thành viên tham dự Trại có cơ hội và điều kiện thuận lợi trao đổi qua nhiều hình thức ứng hợp như: Thuyết trình, thảo luận, phân tích, tổng hợp, chia sẻ… về những kinh nghiệm sống, những tâm tình và ước vọng trong một môi trường xã hội, kinh tế và tâm linh đầy thách đố thời hiện đại. Từ đó, hy vọng cùng nhau tìm ra một phương hướng mới cho sinh hoạt đời thường cùng nếp sống tâm linh với khả năng tham khảo và ứng dụng tinh thần từ bi, trí tuệ, dũng mãnh của đạo Phật.
Đã có nhiều tu sĩ Phật giáo thuộc hàng tôn đức giáo phẩm, tăng ni thường nhiệm, cư sĩ, thiện trí thức và Phật tử thuần thành nhận diện được vấn đề cấp thiết cần có một hướng khai thông cho thế hệ trẻ hướng Phật tương lai. Tấm lòng chung ai cũng có nhưng tất cả đều gặp nhau ở điểm “vạn sự khởi đầu nan”. Một khởi điểm thích nghi và hợp thời phải bắt đầu lúc nào, hình thái ra sao, xuất phát từ đâu và do ai khởi xướng? Giới Phật tử và thân hữu hướng Phật thường được nghe “Ánh Đạo Vàng chói lọi muôn phương”; thế nhưng, trong một số hoàn cảnh bức thiết, sự quang minh vẫn còn chưa đủ cơ duyên giúp anh chị em đồng đạo, đồng tâm đang đứng từ những góc khuất nhìn rõ mặt nhau.
Trước một thực trạng “mờ mờ nhân ảnh” như thế, quý thầy Thích Nguyên Hạnh, Thích Đạo Quảng, Thích Hạnh Tuấn, Thích Từ Lực, Thích Tịnh Mãn đã phát tâm cùng đứng ra chủ trì và phối hợp với những Phật tử có chung niềm tin và tấm lòng để tổ chức Trại Tỉnh Thức.
Qua thực tế, Thiên An, viết trên báo Người Việt ở miền Nam California, Hoa Kỳ, đã tường thuật nội dung đầy linh hoạt về Trại Tỉnh Thức, xin được trích dẫn lời tường thuật và hình ảnh như sau:
Cộng
đồng Phật Giáo Việt
tổ chức “Trại Tỉnh Thức” đặc biệt dành cho thanh niên. (Hình: Nguyên Việt/ Người Việt)
“Bất kể tôn giáo, mọi người từ 18 tuổi trở lên đều có thể tham dự,” ông Nguyễn Hữu Dũng, một thành viên của ban tổ chức, nhấn mạnh điểm đặc biệt của chương trình. “Tất cả các sinh hoạt trong chương trình sẽ bằng hai thứ tiếng, Anh ngữ và Việt ngữ.”
Bên cạnh một số sinh hoạt thuần túy tôn giáo, như thuyết giảng về đạo lý nhà Phật do các vị đại đức phụ trách, hay thảo luận về cách ứng dụng Phật giáo để hóa giải phiền muộn cuộc sống, thì Trại Tỉnh Thức không khác gì một buổi dã ngoại của giới trẻ với vô vàn các hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.
Chiều Thứ Năm, 6 Tháng Sáu, là ngày khai mạc chương trình cũng là lúc trại sinh làm quen qua các sinh hoạt nhẹ nhàng. Sang Thứ Sáu, hai khách mời đặc biệt là ông Noah Levine và ông Ramon Lopez sẽ chia sẻ về “tỉnh thức” và “con đường đến hạnh phúc” từ những kinh nghiệm của bản thân và các kiến thức khoa học. Thứ Bảy là ngày trại sinh được tìm hiểu về mối liên hệ giữa Phật giáo và đời sống hằng ngày, qua phần thuyết giảng của Đại Đức Thích Đạo Quảng, Tiến sĩ Sumner Davis, Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn, Thượng Tọa Thích Từ Lực, và Đại Đức Thích Tịnh Mãn. Khách mời cho phần nói chuyện hôm Chủ Nhật là bà Quyên Vương và ông John Bell, những nhân vật nổi tiếng qua các đóng góp vô vị lợi dành cho cộng đồng. Các nhà giảng thuyết thuộc đủ lứa tuổi, thành phần, tăng sĩ có, Phật tử có, và cả những người không phải Phật tử, sẽ chia sẻ với trại sinh những bài học quý báu từ chính cuộc sống bản thân.
từ chiều Thứ Năm, 6 Tháng Sáu đến chiều Chủ Nhật, 9 Tháng Sáu, 2013. (Hình: Lions Camp at Teresita Pines)
Song song với việc tìm hiểu tâm linh, khi đến với trại, người tham dự sẽ hòa vào thiên nhiên, đồng thời vui chơi với bạn bè đồng lứa trong các trò chơi, thi đố. Nếu như buổi sáng là thời gian để trại sinh hít thở khí trời trong lành qua buổi tập thái cực quyền nhẹ nhàng hay nhảy múa với điệu nhạc zumba sôi động, thì trong ngày họ sẽ cùng chèo xuồng canoe, leo đèo vượt suối tại những nơi cảnh trí đẹp nhất của Teresita Pines. Tối đến, mọi người lại được chia thành nhóm để cùng sinh hoạt quanh hồ nước rộng, bên ngọn lửa trại ấm áp cháy bập bùng dưới bầu trời đầy sao.
Bên cạnh những trò chơi thể thao đánh bóng chuyền, leo núi... để thanh niên trai tráng thỏa lòng thử sức, thì những phút thiền, đi bộ dọc những đường mòn khúc khuỷu sẽ là lúc trại sinh có thể thinh lặng, lắng nghe tiếng nói trong tâm cảm, tìm lại hạnh phúc, bình an cho bản thân.
Đại đức Thích Đạo Quảng, một thành viên của ban tổ chức, cho biết: “Trại Tỉnh Thức tạo môi trường sinh hoạt cho người Phật tử trẻ để gặp gỡ, cùng trao đổi tâm tình và ước vọng, xây dựng niềm tin để quân bình cuộc sống.”
Từ những kiến thức về Tâm Lý Học mà ông có được trong bộ môn chuyên ngành ở đại học, đại đức cho biết “nhiều nghiên cứu của Hoa Kỳ cho thấy con người ở đây quá đầy đủ về vật chất, nhưng lại thiếu thốn về tinh thần. Họ có mọi thứ nhưng không có hạnh phúc.”
Đại Đức Thích Đạo Quảng, từ Lousiana sẽ đến giúp
“Đặc biệt là thanh niên ở lứa tuổi mới vào đời, bắt đầu phải đối diện với sức ép công việc, với cuộc sống bon chen, hay phải lo lắng cho gia đình nhỏ vừa thành lập,” ông nói.
Và vì thế, “tỉnh thức” để tìm lại hạnh phúc, bình an, để “Sống Trọn Vẹn,” chính là chủ đề của Trại Tỉnh Thức, một sinh hoạt dành đặc biệt cho thanh niên.
“Các anh chị em đã trưởng thành và đang làm việc trong các ngành nghề của xã hội Hoa Kỳ hoặc đang đi học tại Đại Học quả là hiếm hoi trong các sinh hoạt của Phật giáo,” Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh, cố vấn tinh thần của chương trình, viết trong thư gửi đến các phật tử. Hòa thượng đề cập đến những sinh hoạt mạnh mẽ của các Phật tử cao niên và thiếu nhi, để đưa ra nhận xét tương phản, rằng giới trẻ “đang đứng bên lề các sinh hoạt Phật giáo.”
Có thể nói, Trại Tỉnh Thức, một hoạt động dành riêng để nuôi dưỡng tinh thần và đức tin của giới trẻ tại Hoa Kỳ, trước đây chưa bao giờ có trong cộng đồng Phật giáo người Việt. Năm 2013 là năm đầu tiên chương trình được tổ chức, để thử nghiệm và mở đầu cho một sinh hoạt thường niên hoàn toàn mới của giới Phật tử trẻ.(Hết trích dẫn)
Thực tế và thử nghiệm
Khi nói đến giới trẻ người Việt tại Mỹ, cần hình dung một tập thể không thuần nhất. Có ít nhất là ba “tuyến thế hệ” khác nhau: (1) Giới trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ và chỉ nói tiếng Anh, sinh hoạt như người Mỹ bản xứ; (2) giới trẻ sinh ra tại Việt Nam nhưng theo gia đình sang định cư tại Mỹ vào lứa tuổi vị thành niên nhưng đã biết nói tiếng Việt cũng như tiếp cận với văn hóa Việt nên có khả năng về hai ngôn ngữ và hai văn hóa Việt, Mỹ; (3) giới trẻ mới nhập cư vào đất Mỹ trong vòng dăm ba năm trở lại, còn bị trở ngại về văn hóa Mỹ và tiếng Anh.
Hầu như mọi đoàn thể tuổi trẻ người Việt ở hải ngoại đều có sự hiện diện của cả ba tuyến thế hệ nầy. Thoạt nhìn từ bên ngoài, ba nhóm trẻ nầy xuất hiện như một thể thuần nhất về nhân dáng Việt, nhưng lại khác nhau về khả năng ngôn ngữ, nếp suy nghĩ, kinh nghiệm sống và cách ứng xử khác nhau giữa “ta với người”. Nhưng nếu khảo sát một cách cẩn trọng và thực tiễn thì mỗi nhóm trẻ nầy đều có sự phát triển, khả năng và nhu cầu tâm, sinh lý rất khác nhau. Do đó, lớp đàn anh, đàn chị ở vị thế lãnh đạo hay làm công tác điều khiển sinh hoạt với tuổi trẻ Việt như GĐPT, trường Việt Ngữ, các nhóm Thanh thiếu niên học Phật, các nhóm Tu Học… đều có những nhận định khác nhau về một hình thức sinh hoạt tuổi trẻ mới như Trại Tỉnh Thức.
Một tuần sau ngày Trại Tỉnh Thức, chúng tôi gồm một nhóm anh chị em cựu huynh trưởng GĐPT và thầy cô giáo về hưu đã có cuộc hội ý và phân công nhau để tìm hiểu ý kiến của những vị hằng quan tâm đến tuổi trẻ Phật tử Việt Nam. Kết quả đúc kết tạm thời làm chúng tôi vừa ưu tư, vừa hy vọng vào khả năng tổ chức, chấn chỉnh và hiện đại hóa phong trào sinh hoạt của tuổi trẻ Phật tử mà nòng cốt là Gia đình Phật tử trong một tương lai gần. Lý do thất vọng và hy vọng có thể tóm tắt như vầy:
Thất vọng, bởi vì đã nhiều năm qua, sinh hoạt của GĐPT Việt Nam trong cũng như ngoài nước tuy vẫn tồn tại nhưng hầu như chỉ giới hạn trong cái khung truyền thống cũ kể từ ngày thành lập hơn 60 năm về trước. Tuy đã có nhiều cố gắng từ phía chư Tôn Đức, Tăng Ni và quý anh chị Huynh Trưởng nhưng vẫn chưa tạo được những bước tiến nào khả quan để giải quyết vấn đề nội tình phân hóa và đổi mới sinh hoạt. Riêng Trại Tỉnh Thức thì trong số một trăm thành viên tuổi trẻ tham dự, có 80 đoàn sinh GĐPT; trong đó, cũng có một số anh chị em huynh trưởng. Nhưng thiếu sự phối hợp giữa quý Thầy chủ trương tổ chức và GĐPT để “giúp tỉnh thức nhằm khai phá một hướng sinh hoạt mới…” Ngoài ra, một vài anh chị huynh trưởng cấp Hướng dẫn Trung ương còn suy diễn để đưa vấn nạn hồ nghi xa hơn và đôi bị vướng tính thị phi rằng, phải chăng nhóm chủ trương tổ chức Trại Tỉnh Thức muốn tạo ra màn “phế lập” GĐPT để tạo ra một phong trào Tuổi trẻ Phật tử mới!
Hy vọng, bởi vì Trại Tỉnh Thức là một thử nghiệm tiên phong về một cách sinh hoạt tuổi trẻ khác với lối mòn xưa cũ, đánh động được sự chú ý của lớp người tuổi trẻ. Họ vốn đã từng một thời gắn bó với sinh hoạt chùa chiền, GĐPT; nhưng nay đã xa chùa và ngưng sinh hoạt GĐPT vì tâm lý xa cách, hoàn cảnh thừa sức trì mà thiếu sức kéo và công việc làm ăn không còn thích hợp để tiếp tục. Khi tiếp xúc với một số thành viên cựu huynh trường và đoàn sinh GĐPT đã tham dự trại Tỉnh Thức thì đa số cho rằng, Trại TT là một hình thức sinh hoạt thanh niên khá cuốn hút tuổi trẻ thanh niên. Cụ thể là về mặt tri thức, trại bao gồm nội dung thuyết trình và thảo luận chung quanh những vấn đề thiết thực về Phật pháp và cách ứng dụng vào đời thường hợp với khuynh hướng tìm tòi và khai phóng của tuổi trẻ trong thời đại mới. Về mặt thể mỹ và hoạt động thanh niên, những hình thức sinh hoạt ngoại khóa như thể thao, văn nghệ, dã ngoại, tịnh tâm… đã giúp cho không khí ba ngày trại thoải mái và thích thú về thể chất lẫn tinh thần. Yếu tính của tinh thần đạo Phật là Trung Đạo. Một phương hướng sinh hoạt tuổi trẻ lấy truyền thống làm gốc để vươn lên những cải tiến mới mẽ, sinh động hợp với thời đại và tâm sinh lý của độ tuổi là hướng “trung đạo” cho tuổi trẻ hướng Phật trước mắt và trong tương lại gần.
Lịch sử Phật giáo Việt
Từ một
nét nhìn và một ý kiến dè dặt
Trong dịp Tết Nguyên Đán 2013, suốt ba tháng ở lại Việt Nam, tôi có dịp viếng những chùa xưa, thăm thầy cũ và tham gia sinh hoạt với các Gia đình Phật tử tại Huế. Qua thực tế, tôi thấy được rằng, nội dung và hình thức hoạt động của GĐPT tuy giữ được nếp cũ theo truyền thống nhưng thiếu sức hút vì thiếu hẳn một cơ chế nhân sự lãnh đạo trẻ trung, có khả năng và đầy sức sống sáng tạo.
Bước đi tiệm tiến dè chừng, không theo kịp đà tiến hóa của xả hội và thời đại xung quanh là do đâu? Câu trả lời có thể có nhiều góc cạnh lý giải khác nhau. Nhưng động cơ trung tâm vẫn là đường hướng căn bản phát xuất từ chùa viện Phật giáo, từ chư Phật tử xuất gia và tại gia còn tại thế; từ hàng tôn đức đến những đạo hữu vô danh có tâm thành và tri kiến.
Trên bước đường hoằng pháp dày đặc những lý thuyết trừu tượng và luận giải mông lung ngày nay, điều quan trọng nhất giúp trí giả và hành giả khỏi lạc đường là sự xác định tương đối chính xác mình đang ở đâu. Là một huynh trưởng Phật tử một thời nay đang về già, tôi rất hoan hỷ đi cầu thị những người đồng đạo trẻ tuổi đang ở nhiều vị thế khác nhau…
Thầy Tâm An chia sẻ cảm nghĩ rất thật thông qua sự trải nghiệm của chính mình rằng, đạo Phật Huế thịnh nhất là vào thời kỳ mấy năm đầu sau năm 1975. Đó là thời kỳ trong một hoàn cảnh mới, sự khó khăn về kinh tế dẫn đến sự kham khổ về cuộc sống cá nhân và suy giảm tinh thần tu học. Những người xuất gia thiếu tâm bồ đề kiên cố thì rất dễ bị chao đảo. Đây là thời kỳ thử thách cam go nhất của người xuất gia. Đời sống chùa viện quá thiếu thốn, không làm thì không có ăn, nên đây là thời điểm dễ đưa đến tình hình “cởi áo hoàn tục” nhất. Vì vậy, những người còn kham nhẫn tiếp tục tu hành đều là những người nghiêm trì an trú trong giới luật. Chư tôn đức trong hàng giáo phẩm, trụ trì thì chí tâm chí thành thương kính, dìu dắt, bưng hộ nhau trên con đường tu học và hoằng pháp. Thuở ấy, khi có một vịm chè, nồi cháo do Phật tử cúng dường thì quý Thầy sai đệ tử băng đồng chỉ sá đến vấn an quý ôn chia nhau mỗi người một chén. Phương tiện xung quanh người tu hành tịnh giảm tới mức ăn tạm no, mặc tạm ấm để dồn hết tâm lực vào công hạnh hành trì Phật đạo. Con đường đạo vốn thanh tịnh và tinh tấn ấy theo thời gian cùng tình hình kinh tế và xã hội mà biến thiên theo hướng đời phàm. Vật chất càng ở thế mạnh thì tinh thần càng ở thế yếu. Đây là hậu quả khó tránh khỏi mà người Phật tử đã học được từ thời A Dục Vương ở Ấn Độ, Lương Vũ Đế ở Trung Hoa và đời Trần ở Việt Nam. Vật chất và tâm linh, hình tướng và ngã chấp thường vẫn thường xuyên là hệ quả của nhau. Nhất là khi tình thế càng ngày càng trở nên nghịch duyên cho công hạnh tu trì vì giới đại gia và quan chức mang tiền tài, vật chất, quyền lực đến làm bất tịnh cửa thiền. Đúng là tiền tài và danh sắc sinh bất tịnh.
Huế thường được mệnh danh là “kinh đô Phật giáo” quả thật không ngoa. Chỉ riêng một phường Thủy Xuân (xã Thủy Xuân trước đây) không thôi cũng đã có tới sáu bảy chục ngôi chùa cổ với những phương danh quen thuộc như Tường Vân, Trúc Lâm, Từ Hiếu, Châu Lâm, Tây Thiên, Thiền Lâm, Linh Sơn, Thiên Hưng… Huế vẫn còn nhiều ngôi chùa, tuổi trên cả trăm năm hay đến 5 thế kỷ như Thiên Mụ (1601), Báo Quốc (1674), Từ Ðàm (1683), Thuyền Tôn (1709), Từ Hiếu (1843), Diệu Ðế (1844), Phước Thọ Am (1831), Trúc Lâm (1909)... vẫn còn có nếp sinh hoạt nội tự và đại chúng sinh động thường xuyên. Tôi đã được về thăm lại chùa cũ, thầy xưa và tiếp cận với Gia đình Phật tử Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn…
Hệ thống Gia đình Phật tử trực thuộc Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên Huế lên tới con số khoảng 250 đơn vị. Tôi về Làng, sinh hoạt với GĐPT Liễu Hạ mà tôi đã từng làm liên đoàn trưởng từ năm 1962 đến 1967. Có dịp quan sát và tìm hiểu kỹ hiện trạng sinh hoạt của khá nhiều đơn vị tôi nhận ra những vấn đề khá tương tự về hệ thống GĐPT trong cũng như ngoài nước, đặc biệt ở Mỹ là nơi tôi đang trực tiếp sinh sống và sinh hoạt với chùa viện:
- Vấn đề lớn nhất trước mắt là sinh
hoạt GĐPT Việt
- Thành phần ban Huynh Trưởng ở cấp lãnh đạo đa số đã quá lớn tuổi. Tôi lặng lẽ xin tuổi ban huynh trưởng của 20 đơn vị GĐPT nửa ở vùng nông thôn, nửa ở thành thị để thử tính toán độ tuổi trung bình (cho vui thôi) thì số thành là 57! Tuy tuổi tác không hẳn là thước đo đáng tin cậy của tinh thần trẻ trung và năng động trong các hoạt động đoàn thể thanh niên. Tuy nhiên, tác dụng tiêu cực nhất của quý anh chị em lớn tuổi ở quê nhà là khả năng thiếu cập nhật, nặng tinh thần bảo thủ, vụ quyền lực nên dẫn đến tình trạng giáo điều, cứng nhắc, không tự giác phân bổ để sẵn sàng giao trách nhiệm cho thế hệ kế thừa.
- Nội dung sinh hoạt có ba phần chính là hoạt động thanh niên, trau dồi Phật Pháp và tham gia công tác cộng đồng, xã hội, từ thiện. Hai đối tượng nhân sự chính của GĐPT là thiếu niên (ngành Oanh) và thanh niên (ngành Thiếu). Đây là lứa tuổi năng động, sáng tạo, tự do và ưa chuộng sự đổi mới. Trong lúc sức hút của môi trường xã hội quá đa dạng với sự xuất hiện và thay hình đổi dạng liên tục của các phương tiện máy móc và các mặt hàng điện tử như games, vi tính, mạng lưới internet; các sản phẩm ngày càng hấp dẫn trong thể thao, âm nhạc, thiên nhiên… thì phương tiện hoạt động của GĐPT lại chẳng có gì thay đổi tích cực về mặt tổ chức, nhân sự, phương pháp và nội dung. Hệ quả tất nhiên là tuổi trẻ xa dần hấp lực của đoàn thể và thiếu tinh thần tự nguyện ở lại trong các chùa chiền tự viện và lễ nghi tôn giáo.
- Theo anh NVK, một thành viên lãnh đạo của Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên Huế thì số đơn vị GĐPT tạm duy trì sinh hoạt thường xuyên và ổn định ở tại địa phương chỉ đạt 10% trên tổng số 250 đơn vị! Tình trạng thiếu khích lệ nầy có mẫu số chung cả trong nước cũng như ngoài nước. Và, nếu quan tâm khảo sát sâu rộng hơn thì đây cũng là tình trạng khủng hoảng chung của các đoàn thể thanh niên tôn giáo và xã hội trên toàn thế giới đang đối diện với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, truyền thông đại chúng và giao thông vận tải toàn cầu đang tác động tận gốc rễ của những giá trị truyền thống cũ.
Trong trại Tỉnh Thức, những tham luận viên Mỹ cũng như Việt đã trình bày thế mạnh và thế yếu của công cuộc hoằng dương đạo Phật Việt Nam khi hướng về tương lai. Chị Vương Quyên, một trí thức Việt Nam thành đạt thuộc thế hệ “bắc cầu” làm việc bên cạnh tổng thống Mỹ Obama, đã thẳng thắn nói lên thực trạng rằng, dường như có những “đạo Phật” khác nhau, tách biệt nhau phục vụ cho từng đối tượng khác nhau, chẳng hạn như:
- Đạo Phật của giới tu sĩ thiên trọng về lễ nghi tán tụng kinh văn, nặng nề “ngôn ngữ” Hán tự, chủ yếu giúp giải quyết việc lễ sự, tang tế xẩy ra thường xuyên trước mắt nhiều hơn là giúp giải thoát con người.
- Đạo Phật của giới tu sĩ uyên bác và cư sĩ trí thức thiên về thế giới tư tưởng. Sinh hoạt của họ tách biệt về phía… hình nhi thượng. Những vấn đề đặt ra thường cao vời và thuần lý như tánh không, duyên khởi, kiến tánh, chân thường, tục đế, tam tạng kinh điển
- Và, đạo Phật của giới bình dân, của người già thường đơn giản dựa vào tha lực là chính, thiếu vận dụng tự lực. Sinh hoạt tâm linh, tôn giáo chủ yếu của họ là tin tưởng cầu nguyện, nương tựa đợi chờ bàn tay “hóa độ” của đối tượng họ một lòng tin kính mà trực tiếp là quý tăng ni ở chùa và cao sâu hơn nữa là chư Phật, chư bồ tát. Phật sự chủ yếu là niệm Phật, lễ bái, tụng kinh, nghe giảng pháp; thiên về sự cầu xin, cứu khổ, ước nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc khi nhắm mắt lìa đời.
Theo diễn giả vừa nêu, một đạo Phật
mang tính phổ quát và đại chúng thích hợp với tầng lớp trung niên, có căn bản học
thức và tay nghề muốn theo đạo Phật nhưng phải bận rộn với công ăn việc làm hằng
ngày như chị, thì hầu như vắng bóng trong các chùa viện Việt
Nhân sự chủ lực của tổ chức GĐPT là ngành Thiếu. Tuổi trẻ thanh niên GĐPT là rường cột của đất nước và giáo hội khi hướng về tương lai cũng gặp phải những tình huống tương tự. Sau một cuộc bể dâu, tôn giáo thường hồi sinh và phát triển theo hướng “duy sở hữu vật chất”. Hư danh, ngã sở và giả tướng phát triển tự phát như rừng cây hoang che lấp vườn hoa đạo. Những hình thức lễ nghi tôn giáo nặng tính phô trương và trình diễn chỉ có tác dụng rất giới hạn trong xã hội chuộng thực dụng và đang chuyển biến với tốc độ chớp giật ngày nay
Trước sự thách thức toàn diện của
thời đại mới, chỉ có sự khác nhau quan trọng và cấp thiết nhất là tinh thần cập
nhật, nghĩa là đổi mới. Nhu cầu đổi mới cần phải thể hiện toàn triệt; nếu không
thì sẽ lâm vào bế tắc của sự đổi mới danh từ hời hợt như một tác giả Việt
Ôn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam, bước đầu thành lập Gia đình Phật tử Việt Nam thời 1949 đã quy tụ được những tăng sĩ trẻ, đầy năng lực và xông xáo như quý thầy: Thích Minh Châu, Thích Thiên Ân, Thích Đức Tâm, Thích Chân Trí, Thích Trí Không… cùng với các nhân sĩ, thiện tri thức, văn nghệ sĩ trẻ, uy tín, tài danh và năng động như Lê Cao Phan,Võ Đình Cường, Hoàng Thị Kim Cúc, Phan Cảnh Tuân, Văn Đình Hy, Cao Chánh Hựu... đã tạo được một sức bật mới cho cả một thế hệ trẻ hướng Phật trong cả nước.
Con tàu tiền phong đó đã kéo cả một đoàn tàu thế hệ trẻ hướng Phật qua một hành trình 65 năm. Tinh thần chuyển hóa cơ bản của đạo Phật là vạn sự đều sinh diệt, đổi thay trong từng nháy mắt mới có được sự hiện hữu như chính nó. Tổ chức tuổi trẻ như GĐPT cần đến một sự đổi mới, chấn chỉnh và cập nhật vì đó là một tiến trình tự nhiên cần phải có. Như phần đầu của bài viết nầy đã nêu lên vấn đề đâu là khởi điểm của một quá trình chuyển biến. Vậy nên, những hình thức thử nghiệm dò dẫm bước đầu như “Trại Tỉnh Thức” là một câu trả lời dè dặt mang tính thăm dò nhưng thiết yếu phải đặt ra. Và thực tế đã diễn ra với thành quả đầy khích lệ.
Công cuộc chấn hưng nào cũng bắt đầu bằng một chuỗi dò dẫm và thể nghiệm. Ước mong các bậc tôn túc, các vị cư sĩ, thiện tri thức và nhất là các đơn vị Gia đình Phật tử đầu tư thêm tâm lực để gióng lên những tiếng nói góp phần xây dựng, cải cách mang lợi lạc đến cho thế hệ kế thừa tương lai. Không có đoàn thể lạc hậu mà chỉ có nội dung và đường lối lạc hậu. Chỉ có một sự sai lầm nghiêm trọng nhất là không biết mình sai lầm để chấn chỉnh và sửa đổi. Ước mong, sau lần thử nghiệm mở đầu, sẽ có những tấm lòng chung tay mở ra nhiều cách cửa thử nghiệm tiếp theo.