;
Theo Từ điển Phật học, NXB Tôn Giáo do Ban biên dịch Đạo Uyển Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu giải nghĩa từ "Trụ trì" hay "Trú trì" như sau:
1: Duy trì, nắm giữ. Đặc biệt trong nghĩa "Hộ trì Phật pháp"
2: Nơi cư trú, sự lưu trú. Lập trường, quan điểm, cơ sở Phật tính
3: Đồng nghĩa với Gia trì
4: Thường an nhiên, thanh thản
5: Vị tăng đứng đầu tu viện, hộ trì và truyền bá Phật pháp
6: Trong câu "như hà trú trì" thì nó có nghĩa là "điều kiên (phương pháp)...như thế nào?
7: Lệ thuộc vào cơ sở, quy chế. Được định nghĩa là sự hệ thuộc vào đức Phật, người truyền năng lực của mình đến mọi chúng sinh cũng như hỗ trợ chúng
Còn theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, thì trụ trì và bổ nhiệm trụ trì được ghi như sau:
ĐIỀU 41: Tại mỗi đơn vị cơ sở tự viện có tăng, ni cư trú, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh bổ nhiệm trụ trì. Trụ trì là người thay mặt Giáo hội quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở tự viện theo đúng Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước. Về mặt luật pháp, trụ trì chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động phật sự tại cơ sở tự viện.
ĐIỀU 42: Cơ sở tự viện tại các địa phương do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh và Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện quản lý theo quy định tại điều 16, 17, 18 chương V của Nội quy này.
Các hoạt động phật sự tại tự viện, trụ trì phải tuân thủ sự hướng dẫn của GHPGVN cấp tỉnh, cấp huyện và Pháp luật Nhà nước.
Các cơ sở chưa có trụ trì, GHPGVN cấp huyện thực hiện việc đăng ký bổ nhiệm trụ trì với GHPGVN cấp tỉnh và cơ quan Nhà nước cùng cấp.
Những cơ sở đã có trụ trì nhưng chưa có quyết định bổ nhiệm trụ trì, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh ra quyết định hợp thức hóa trụ trì cho cơ sở đó.
ĐIỀU 43: Những cơ sở tự viện khuyết nhiệm trụ trì, tùy theo tình hình cơ sở đó, được giải quyết theo các trường hợp:
1. Trường hợp Giáo hội có đủ nhân sự là tăng hay ni để bổ nhiệm trụ trì thì sẽ bổ nhiệm tăng hay ni (có hộ khẩu thường trú) trong địa phương thuộc phạm vi tỉnh, thành phố liên hệ cơ sở đó.
Chỉ có Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh mới có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm trụ trì, thông qua ý kiến đề xuất của Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện sau khi tham khảo ý kiến nội bộ cơ sở Tự viện đó; nếu có liên quan các Hệ phái, thì phải được sự thống nhất của chư vị Giáo phẩm Hệ phái.
Quá trình tiến hành thủ tục bổ nhiệm trụ trì phải đăng ký với chính quyền ở cấp tỉnh (nếu bổ nhiệm ra khỏi quận, huyện cư trú); hoặc chính quyền quận, huyện (nếu bổ nhiệm trong cùng quận, huyện). Sau khi được sự thống nhất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh sẽ ban hành quyết định bổ nhiệm trụ trì.
Việc bổ nhiệm trụ trì cần có sự lựa chọn những tăng, ni với những tiêu chuẩn như sau: Về Phật học, có trình độ Tốt nghiệp Trung cấp Phật học trở lên; về thế học, tốt nghiệp Phổ thông Trung học (tú tài) trở lên; về mặt đạo, đã thọ giới Tỳ kheo ít nhất là 5 năm (hoặc có hạ lạp từ 5 năm) trở lên, có tăng phong phẩm hạnh và đơn phát nguyện trụ trì.
2. Trong trường hợp cần thiết phải bổ nhiệm nhân sự tăng hay ni từ tỉnh, thành phố này đến trụ trì cơ sở tự viện thuộc tỉnh, thành phố khác phải có sự trao đổi nhất trí giữa Ban Thường trực Hội đồng Trị sự với Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, các cơ quan chức năng chính quyền tỉnh, thành phố liên hệ (nơi đi và nơi đến); Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh nơi đến ký quyết định bổ nhiệm trụ trì.
Trường hợp tăng hay ni là giáo phẩm của Giáo hội thuyên chuyển vùng sinh hoạt tôn giáo hoặc bổ nhiệm công tác, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ tham khảo ý kiến Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh và đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương.
Đối với việc bổ nhiệm trụ trì hoặc giới thiệu đương sự chuyển vùng sinh hoạt tôn giáo được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định của Chính phủ.
3. Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có quyền ra quyết định bãi miễn và thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì đối với cơ sở tự viện, khi vị trụ trì cơ sở đó gây mất đoàn kết nội bộ, vi phạm Giới luật, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật Nhà nước. Việc cư trú của đương sự bị bãi miễn và thu hồi quyết định trụ trì được giải quyết theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp không có nhân sự là tăng hay ni để bổ nhiệm trụ trì, Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện nơi đó triệu tập phiên họp, lập các thủ tục theo luật định, đăng ký với cơ quan Nhà nước cùng cấp để thực hiện việc quản lý điều hành cơ sở tự viện, theo hai trường hợp:
a) Nếu cơ sở tự viện có đông tín đồ thì công cử một Ban Hộ tự gồm 05 thành viên: Một Trưởng ban, một Phó ban, một Thư ký, một Thủ quỹ và một Kiểm soát cho đến khi GHPGVN cấp tỉnh bổ nhiệm tăng hay ni làm trụ trì.
Chức năng của Ban Hộ tự là đại diện cho tín đồ Phật giáo, đảm nhận vai trò quản lý, điều hành sinh hoạt tín ngưỡng tại cơ sở tự viện theo đúng đường lối, chủ trương, Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chịu trách nhiệm về các sinh hoạt tại cơ sở tự viện trước Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh và pháp luật Nhà nước.
b) Nếu xét thấy không cần lập Ban Hộ tự, thì thành lập Ban Trụ trì lâm thời do Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện quản lý và hỗ trợ về mặt tín ngưỡng cho đến khi GHPGVN cấp tỉnh bổ nhiệm Trụ trì.
5. Những cơ sở Tự viện đã có trụ trì được giải quyết theo các trường hợp:
a) Không lập Ban Hộ tự.
b) Nếu trước đây đã thành lập Ban Hộ tự do chưa có Trụ trì, sau khi bổ nhiệm trụ trì thì Ban Hộ tự kết thúc chức năng và nhiệm vụ đã được phân công; hoặc có thể chuyển thành Ban Hộ trì Tam bảo, do Trụ trì quyết định tùy theo nhu cầu.
c) Đối với các chùa Phật giáo Nam tông (Nam tông Khmer và Nam tông Kinh), theo truyền thống của Hệ phái thì Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh ban hành quyết định công nhận Ban Quản trị chùa.
6. Đối với các Tổ đình hay cơ sở lớn của các Tổ chức, Hệ phái thì có thể bổ nhiệm 01 Ban Quản trị gồm Viện chủ, Trụ trì, Phó Trụ trì v.v...
7. Tăng, Ni thuyên chuyển hoạt động tôn giáo từ địa phương này đến địa phương khác, thực hiện theo Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo, phải được chính quyền cấp huyện châp thuận việc đăng ký hoạt động tôn giáo đương sự mới thực hiện việc đăng ký cư trú. Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện phải báo cáo bằng văn bản với Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh để thống nhất trong quản lý.
ĐIỀU 44: Bất động sản của cơ sở tự viện là tài sản của Giáo hội theo quy định tại điều 63 chương XI Hiến chương GHPGVN và được Pháp luật bảo hộ.
Nguồn: http://phatgiao.org.vn/ung-dung/201401/Tru-tri-va-nhiem-vu-cua-vi-tru-tri-la-gi-13290/
______________________________________________________
Hướng dẫn thủ tục hồ sơ xuất gia - bổ nhiệm kiêm nhiệm trụ trì
Căn cứ Quy định Ban Tăng sự Thành hội Phật giáo Hà Nội về việc xuất gia, bổ nhiệm, kiêm nhiệm trụ trì, thuyên chuyển sinh hoạt của Tăng Ni trên địa bàn Thành phố, Văn phòng Ban Trị sự hướng dẫn thủ tục hồ sơ cụ thể như sau:
A. XUẤT GIA.
I. ĐIỀU KIỆN XUẤT GIA.
1. Người xin xuất gia phải là công dân tốt, không vi phạm pháp luật. Có Đơn xin xuất gia.
2. Tuổi đời từ 10 tuổi đến 60 tuổi, tính theo Giấy khai sinh. Đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh không mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần..vv.
3. Được cha mẹ, hoặc người giám hộ đồng ý có đơn đảm bảo. Trường hợp những người đã có gia thất, muốn xuất gia phải có Giấy ly hôn do Toà án cấp.
4. Được Tăng – Ni trụ trì các cơ sở Tự viện nơi người xin xuất gia đến cư
trú, tu hành bảo lãnh.
5. Tăng Ni trụ trì các cơ sở Tự viện khi tiếp nhận người xuất gia phải đăng ký với Chính quyền địa phương ( UBND phường, xã, thị trấn ).
6. Thông qua ý kiến chấp thuận của Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện nơi người xin xuất gia đến tu hành.
II. THỦ TỤC HỒ SƠ.
1. Một bản Sơ yếu lý lịch tự thuật ( có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và xác nhận của UBND xã, phường nơi đi )
2. Một Đơn xin xuất gia (của bản thân người xin xuất gia. Theo mẫu; có xác nhận của UBND xã nơi đi )
3. Một Đơn đảm bảo của gia đình (của cha mẹ hoặc người giám hộ. Theo mẫu; có xác nhận của UBND xã nơi đi )
4. Một Đơn xin nuôi độ đệ tử (Theo mẫu; có xác nhận chấp thuận của Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện)
5. Một Giấy khám sức khỏe.(Do bệnh viện cấp Huyện trở lên cấp)
6. Một Bản đăng ký người vào tu ( Theo mẫu; Do UBND phường, xã nơi đến tu hành cấp )
7. Một bản sao Giấy khai sinh.(có công chứng)
8. Một bản sao Bằng văn hóa ( Bằng cấp cao nhất, có công chứng ).
Riêng đối với trường hợp những người đã thành lập gia đình thì phải kèm theo Giấy ly hôn do Tòa án cấp.
Các giấy tờ trên để trong một túi đựng hồ sơ và gửi về Văn phòng Ban Trị sự Thành hội. Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ban Tăng sự Thành hội sẽ cấp Giấy chứng nhận xuất gia.
B. THỤ GIỚI:
I. THỤ GIỚI SA DI – SA DI NI:
1. Điều kiện thụ giới:
1.1. Tiêu chuẩn của Nghiệp sư:
a. Là thành viên chính thức của Thành hội Phật giáo Thành phố Hà Nội, đang sinh hoạt hợp pháp tại các cơ sở Tự viện thuộc các đơn vị quận, huyện, thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
b. Nghiệp sư Tăng đủ từ 08 Hạ lạp; Nghiệp sư Ni đủ từ 10 Hạ lạp trở lên, có tham gia An cư kết hạ ( Trừ trường hợp đặc biệt như ốm đau, cao tuổi .. ) được thụ giới Sa di, Sa di ni cho đệ tử.
c. Mỗi vị Nghiệp sư một năm được thụ giới Sa di, Sa di ni cho 01 hoặc 02 đệ tử.
1.2. Tiêu chuẩn của giới tử:
a. Tuổi đời từ 16 đến 60 tuổi tính theo Giấy khai sinh. Không vi phạm giới luật của Phật và pháp luật Nhà nước.
b. Đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh không tàn tật, không mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần..vv.
c. Đã tu học ít nhất là 01 năm, tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận xuất gia.
d. Có trình độ văn hoá ít nhất là tốt nghiệp Phổ thông cơ sở hoặc tương đương.
đ. Phải thuộc lòng các nghi thức tụng niệm tuỳ theo từng Hệ phái.
e. Trúng tuyển kỳ khảo hạch của Đàn giới.
2. Thủ tục hồ sơ.
a. Một Đơn xin cầu giới Sa di, Sa di ni của giới tử (Theo mẫu; có xác nhận của Nghiệp sư và có ý kiến chấp thuận của Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện )
b. Hai bản Lý lịch tăng ni ( Theo mẫu; có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và xác nhận của UBND phường, xã nơi giới tử cư trú hoặc tu hành )
c. Một bản sao Giấy đăng ký hộ khẩu (Thường trú hoặc tạm trú, có công chứng)
d. Một bản sao Bằng tốt nghiệp văn hoá ( Từ Phổ thông cơ sở trở lên, có công chứng )
đ. Một bản Giấy chứng nhận xuất gia.
e. Bốn ảnh 2x3 chụp thẳng. ( ảnh chứng minh thư, không đội mũ, khăn và ghi rõ họ tên, pháp danh, ngày tháng năm sinh ở mặt sau ).
II. THỤ GIỚI THỨC XOA MA NA NI
1. Tiêu chuẩn thụ giới.
1.1. Tiêu chuẩn của Nghiệp sư:
a.Là thành viên chính thức của Thành hội Phật giáo Thành phố Hà Nội, đang sinh hoạt hợp pháp tại các cơ sở Tự viện thuộc các đơn vị quận, huyện, thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội
b. Đủ từ 10 Hạ lạp trở lên, có tham gia An cư kết hạ ( Trừ trường hợp đặc
biệt như ốm đau, cao tuổi ..vv. ) được thụ giới Thức xoa ma na ni cho đệ tử.
c. Mỗi vị Nghiệp sư một năm được thụ giới Thức xoa ma na ni cho 01 hoặc 02 đệ tử.
1.2. Tiêu chuẩn của giới tử:
a. Tuổi đời từ 18 đến 40 tuổi tính theo Giấy khai sinh. Không vi phạm giới luật của Phật và pháp luật Nhà nước.
b. Đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh không tàn tật, không mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần..vv.
c. Đã được thụ giới Sa Di Ni ít nhất là 02 năm.
d. Có trình độ văn hoá ít nhất là tốt nghiệp Phổ thông cơ sở hoặc tương đương.
đ. Phải thuộc lòng các nghi thức tụng niệm tuỳ theo từng Hệ phái.
e. Trúng tuyển kỳ khảo hạch của Đàn giới.
f. Bắt buộc phải đi tòng hạ an cư.
2. Thủ tục hồ sơ.
a. Một đơn xin cầu giới Thức xoa của giới tử ( Theo mẫu; có xác nhận của Nghiệp sư và ý kiến chấp thuận của Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện ).
b. Một bản sao Chứng điệp thụ giới Sa di ni.
c. Bốn ảnh 2x3 ( ảnh chứng minh thư, không đội mũ, khăn và ghi rõ họ tên, pháp danh, ngày tháng năm sinh ở mặt sau ).
III. THỤ GIỚI THANH VĂN
1. Tiêu chuẩn thụ giới.
1.1. Tiêu chuẩn của Nghiệp sư:
a. Là thành viên chính thức của Thành hội Phật giáo Thành phố Hà Nội, đang sinh hoạt hợp pháp tại các cơ sở Tự viện thuộc các đơn vị quận, huyện, thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
b. Nghiệp sư tăng đủ từ 10 Hạ lạp; Nghiệp sư ni đủ từ 12 Hạ lạp trở lên, có tham gia An cư kết hạ ( Trừ trường hợp đặc biệt như ốm đau, cao tuổi .. ) được thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni cho đệ tử.
c. Mỗi vị Nghiệp sư một năm được thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni cho 01 hoặc 02 đệ tử.
1.2. Tiêu chuẩn của giới tử:
a. Tuổi đời từ 20 đến 45 tuổi tính theo Giấy khai sinh. Không vi phạm giới luật của Phật và pháp luật Nhà nước.
b. Đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh không tàn tật, không mắc các bệnh nan y, bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần..vv.
c. Đã được thụ giới Sa di (Tăng), Thức xoa ma na (Ni) ít nhất là 02 năm.
d. Có trình độ tốt nghiệp Trung cấp Phật học hoặc tương đương.
đ. Có trình độ văn hoá ít nhất là tốt nghiệp phổ thông Trung học hoặc tương đương đối với giới tử có tuổi đời từ 30 tuổi trở xuống.
e. Đã đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi tu hành với Nghiệp sư.
f. Trúng tuyển kỳ khảo hạch của Đàn giới.
g. Bắt buộc phải đi tòng hạ an cư.
2. Thủ tục hồ sơ.
a. Một Đơn xin cầu giới Thanh văn của giới tử ( Theo mẫu; có xác nhận của Nghiệp sư và ý kiến chấp thuận của Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện ).
b. Hai bản Lý lịch Tăng ni ( Theo mẫu; có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và xác nhận của UBND phường, xã nơi giới tử tu hành )
c. Một bản sao Chứng điệp thụ giới Sa di, Thức xoa ma na ni. ( có công chứng )
d. Một bản sao Bằng tốt nghiệp Trung cấp Phật học ( có công chứng. Đối với người đang theo học có Giấy xác nhận của nhà trường ).
đ. Đối với các giới tử từ 30 tuổi trở xuống tính theo giấy khai sinh có một bản sao Bằng tốt nghiệp Phổ thông trung học trở lên hoặc tương đương ( có công chứng ); Đối với các giới tử từ 31 tuổi trở lên tính theo giấy khai sinh có một bản sao Bằng tốt nghiệp Phổ thông cơ sở trở lên hoặc tương đương ( có công chứng ).
e. Một bản sao Giấy đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi tu hành với thầy Nghiệp sư ( có công chứng )
f. Bốn ảnh 2x3 ( ảnh chứng minh thư, có ghi rõ họ tên, pháp danh, ngày tháng năm sinh ở mặt sau )
* LƯU Ý:
- Hàng năm khi Thành hội tổ chức giới đàn sẽ có thông báo rộng rãi đến Tăng Ni trên toàn Thành phố và phát hành Hồ sơ thụ giới tại Văn phòng Ban Trị sự.
- Tất cả các giới tử xin cầu thụ giới từ Sa di, Sa di ni trở lên không cho phép y chỉ. Ngoại trừ trường hợp thầy Nghiệp sư đã viên tịch.
- Thủ tục hồ sơ thụ giới gửi về Văn phòng Ban Trị sự Thành hội. Khi Văn phòng nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ sẽ gửi Giấy báo khảo hạch đến các Giới tử. Khi các giới tử đã trúng tuyển kỳ khảo hạch của đàn giới Văn phòng sẽ gửi Giấy báo thụ giới đến các giới tử.
C. THUYÊN CHUYỂN – BỔ NHIỆM TRỤ TRÌ.
I. TIÊU CHUẨN ĐỂ THUYÊN CHUYỂN – BỔ NHIỆM.
1. Là thành viên chính thức của Thành hội Phật giáo Thành phố Hà Nội đang tu học, sinh hoạt hợp pháp tại các cơ sở Tự viện thuộc các quận, huyện, thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2. Đã tốt nghiệp từ Trung cấp Phật học trở lên.
3. Đã đủ từ 05 hạ lạp trở lên, có phẩm hạnh đạo đức tốt. Không vi phạm giới luật của Phật và pháp luật Nhà nước.
4. Được nhân dân – Phật tử tại cơ sở Tự viện chưa có Tăng Ni trụ trì đồng ý thỉnh mời.
5. Được Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện chấp thuận. Đối với trường hợp bổ nhiệm từ quận, huyện này sang quận, huyện các phải được Ban Đại diện Phật giáo cấp Huyện nơi đi và nơi đến chấp thuận.
6. Mỗi vị Tăng Ni là thành viên chính thức của Thành hội Phật giáo Thành phố Hà Nội khi có nhu cầu, được bổ nhiệm trụ trì chính thức 01 ngôi chùa và kiêm nhiệm 02 ngôi chùa. Tuyệt đối nghiêm cấm việc nhận chùa hộ.
7. Mỗi vị Tăng Ni đủ 10 Hạ lạp trở lên mới được phép kiêm nhiệm trụ trì, mỗi lần bổ nhiệm phải cách nhau ít nhất là 02 năm.
8. Để đảm bảo ổn định tình hình quản lý Tăng Ni – Tự viện trên địa bàn Thành phố tạm thời không tiếp nhận Tăng Ni từ các Tỉnh – Thành hội Phật giáo khác xin thuyên chuyển sinh Phật giáo, bổ nhiệm, kiêm nhiệm trụ trì các chùa trên địa bàn Thành phố.
Đối với trường hợp Tăng Ni ở tỉnh ngoài đã đến nhận chùa trên địa bàn Thành phố từ trước năm 2005 thì không bổ nhiệm trụ trì mà chỉ cho nhận kiêm nhiệm 01 ngôi chùa duy nhất. ( nếu không chuyển hẳn sinh hoạt về Thành phố mà vẫn sinh hoạt, trụ trì chùa ở tỉnh ngoài ).
II. THỦ TỤC HỒ SƠ THUYÊN CHUYỂN – BỔ NHIỆM.
1. Bổ nhiệm trụ trì
1. Một Đơn xin thỉnh sư của nhân dân – Phật tử (Theo mẫu, có xác nhận của chính quyền phường, xã. Trường hợp chùa do Nghiệp sư nhận đã lâu, nay giao cho đệ tử trụ trì thì phải có Giấy ủy quyền của Nghiệp sư, được chính quyền phường xã xác nhận).
2. Một bản Lý lịch Tăng ni ( Theo mẫu; có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và xác nhận của chính quyền phường, xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ).
3. Một Đơn xin phát nguyện trụ trì. (Theo mẫu. Đối với trường hợp đang ở với Thầy mà xin đi trụ trì thì phải có xác nhận của Nghiệp sư; Có ý kiến chấp thuận của Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện, thị. Đối với trường hợp bổ nhiệm, thuyên chuyển từ quận, huyện, thị này sang quận, huyện, thị khác thì phải có ý kiến chấp thuận của Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện, thị nơi đi và nơi đến).
4. Một bản sao Bằng tốt nghiệp Trung cấp Phật học trở lên (có công chứng)
5. Một bản sao Chứng điệp An cư ( có công chứng )
6. Một bản sao Giấy chứng nhận thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu Ni ( có công chứng ).
2. Kiêm nhiệm trụ trì (Đối với Tăng Ni đã trụ trì chính thức một ngôi chùa, đã có quyết định bổ nhiệm trụ trì và đủ 10 hạ lạp trở lên)
1. Một Đơn xin thỉnh sư của nhân dân – Phật tử (Theo mẫu, có xác nhận của chính quyền phường, xã ).
2. Một bản Lý lịch Tăng ni ( Theo mẫu; có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và xác nhận của chính quyền phường, xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ).
3. Một Đơn xin kiêm nhiệm trụ trì. (Theo mẫu. Đối với trường hợp kiêm nhiệm chùa các quận, huyện, thị khác nơi trụ trì thì phải có ý kiến chấp thuận của Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện, thị nơi đi và nơi đến).
4. Một bản sao Bằng tốt nghiệp Trung cấp Phật học trở lên (có công chứng )
5. Một bản sao Chứng điệp An cư (công chứng)
6. Một bản sao Quyết định bổ nhiệm trụ trì (có công chứng).
3. Công nhận trụ trì (Đối với Tăng Ni đã trụ trì một ngôi chùa từ năm 1995 trở về trước mà chưa có quyết định bổ nhiệm trụ trì. Hoặc trường hợp với Nghiệp sư, nay Nghiệp sư đã viên tịch)
1. Một bản Lý lịch Tăng ni ( Theo mẫu; có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và xác nhận của chính quyền phường, xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ).
2. Một Đơn xin công nhận trụ trì trụ trì.(Theo mẫu, có xác nhận của Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện, thị)
3. Một bản sao Bằng tốt nghiệp Trung cấp Phật học trở lên (có công chứng. Trường hợp Tăng Ni thụ giới Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni từ năm 1995 trở về trước không có điều kiện đi học thì không cần Bằng tốt nghiệp Trung cấp )
5. Một bản sao Chứng điệp An cư (công chứng)
Hồ sơ nộp tại Văn phòng Ban Trị sự Thành hội. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban Trị sự Thành hội sẽ ra quyết định thuyên chuyển sinh hoạt, bổ nhiệm, kiêm nhiệm trụ trì.
VĂN PHÒNG BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO HÀ NỘI