;
Muốn được tịnh tu thúc liễm mình
Thắng
duyên nhập Hạ Chùa Quang Minh
Tiếp
nối Tăng Đoàn thời Đức Phật
Góp
nhặt tư lương bước đăng trình.
Mùa hè năm nay, tôi có đủ duyên trở lại Chùa Quang Minh cùng với 30 chư Tăng đến từ nhiều Tiểu Bang khác nhau của Hoa Kỳ tham dự Trường Hạ. Chicago là điểm đến lý tưởng vào thời điểm này, tôi thoát khỏi cái nóng oi bức của vùng San Bernardino, Cali về hòa mình với không khí thiên nhiên, mát mẻ tại đây. Chicago là một thành phố nổi tiếng, có tiềm năng về nhiều mặt. Nhân dịp này tôi cũng được thăm lại Chùa Quang Minh thân thương, nơi tôi có thời gian tham dự Đại Lễ Vu Lan và sinh hoạt hơn 7 năm trước. Ở nơi hải ngoại, tu sỹ thường thì một mình cáng đáng bao nhiêu việc, ít có điều kiện sống chung, sinh hoạt chung với chúng, Tăng đoàn. Sau bao nhiêu ngày tháng ứng cơ tiếp vật, tùy duyên phương tiện độ sanh, đây là dịp để những Tu Sỹ thu thúc tu tập, bồi dưỡng công lực, trở về nếp sống Thiền Môn, Giáo đoàn với những người đồng Phạm Hạnh.
Chương trình tu học của một ngày an cư bắt
đầu bằng việc thức chúng vào lúc 5 giờ sáng. Với cái tiết trời hơi lạnh của
Chicago vào đêm, giờ khuya chính là lúc ngủ yên say nhất. Thế nhưng hồi chuông “bảo chúng” rung lên đánh thức và mọi
người phải thức dậy. Quả thật “chiến thắng
vẻ vang nhất là chiến thắng bản thân”, ngũ dục ngày đêm thường lôi cuốn
chúng ta. Hành giả Phật Giáo nhiều trường hợp phải đi ngược dòng thế gian và là
một chiến sĩ âm thầm trong một chiến trường cam go, dài dẳng : chiến đấu với ma
quân, dục vọng, tập khí phiền não tham sân si,…Người tu thì thực tập xả ly,
không dính mắc, thiểu dục tri túc và “tam
thường bất túc” (việc ăn, việc mặc, việc ở không đủ đầy, dư dật). Có nhiều
vị phải khắc phục giờ giấc khác nhau và điều chỉnh đồng hồ sinh học của mình
cho thích ứng với nhịp điệu sinh hoạt vùng địa phương và Trường Hạ. Giờ khuya,
khi nghe hiệu lệnh thì rời khỏi chăn ấm và phòng mình để lên chánh điện hành
Thiền.
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp được ngồi thiền
thời khóa nửa giờ với một Đại chúng Tăng 30 người như vậy. Đại chúng ngồi an
nhiên trong sự thanh tịnh hòa hợp, vững chãi và thảnh thơi, bắt đầu một ngày mới
tinh khôi với những thời khắc quý giá thanh tịnh, sáng soi. Đó là thời điểm để
quán sát thân tâm, niệm tưởng Tứ Trọng Ân, rải tâm Từ khắp cả chúng sanh và
nguyện sống một ngày xứng đáng, trọn vẹn :
“Thức dậy miệng mỉm cười
Hai bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời”
Điều quan trọng cho mỗi hành giả là sống với chánh niệm tỉnh giác, không truy tìm
quá khứ không ước vọng tương lai, hãy trở về với hơi thở thực tại nhiệm mầu. Năng
lực đầu ngày đó góp phần cung cấp cho sinh hoạt trong ngày và điều tiết các
công việc cũng như cách thức tiến hành, thực hiện và lối sống trong cuộc đời.
Thói quen phàm phu là những tiến trình dong ruổi tìm kiếm nối kết nhau, phút
giây ngồi xuống, buông xả, tĩnh lặng sáng soi sẽ mang đến nguồn bình an, hạnh
phúc chân thực. Mỗi hành giả đều phải thúc liễm trưởng dưỡng Giới-Định-Tuệ. Từ
năng lực tu tập thấm nhuần này sẽ khiến cho hành giả chánh niệm tỉnh giác, chế
ngự điều phục được chính mình trong mỗi hành vi cử chỉ sinh hoạt cuộc sống của
mình hợp theo Chánh Đạo.
Pháp thân tỏa sáng buổi ban mai
Tĩnh tọa lòng an
miệng mỉm cười
Ngày mới nguyện đi
trong tỉnh thức
Mặt trời trí tuệ rạng
muôn nơi
Sau thời Thiền Hành 30 phút là thời công phu khuya– Lăng Nghiêm. Xưa kia, để cứu thoát Ngài A Nan ra khỏi tà thuật, dục vọng và sự quấy phá của Ma Đăng Già, Đức Phật đã cho Ngài Văn Thù Sư Lợi mang Chú Lăng Nghiêm đến đọc cho Ngài A Nan nghe. Sau đó Đức Phật giảng Kinh Lăng Nghiêm, Ngài A Nan tỏ ngộ chơn tâm và phát Bồ Đề Tâm cao thượng. Mỗi ngày Chư Tăng trì tụng Chú Lăng Nghiêm để tăng trưởng định lực, dứt trừ tà tâm, giữ được bản thể trong sáng thanh tịnh của người tu. Trong hương trầm quyện toả, chuông mõ ngân vang, hòa âm trầm bỗng, tôi thấm thía với ý nghĩa bài Sám Quy Mạng :
Đại chúng cùng đi kinh hành với danh hiệu
: “ Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật”
trong thời công phu khuya giúp mỗi hành giả thay đổi thể nghi trong tu tập, tu
trong cả 4 oai nghi : đi đứng nằm ngồi, từng bước nở hoa sen, từng bước chân đi
vào Tịnh Độ. Đó là phương pháp điều hòa thân tâm. Hôm nay chúng con niệm tưởng
công đức Phật, nguyện theo dấu chân Phật, như những bước chân tượng vương, từng
bước đi vào đất Phật và đi đến muôn nẻo cuộc đời vì an lạc hạnh phúc cho trời,
người, chúng sanh, “trụ vô sở trụ”, “tức
nhập tức ly”.
Vị chủ lễ xướng “Tán Lễ Thích Tôn” ngân nga đưa tâm mỗi hành giả suy niệm và tôn
kính Bậc Đạo Sư, Đấng Cha Lành. Công đức của Ngài tìm tòi khai mở ra con đường
giải thoát thật vô lượng vô biên, đệ tử của Phật thường tán dương, phúng tụng,
đảnh lễ quy y Ngài để cần chuyên tu hành, phụng hành theo và “Phụng sự chúng sanh là cúng dường tối thượng
đến Như Lai”.
Mùa an cư là mùa
dành cho sự tu tập cho nên cho nên mỗi ngày có 4 thời khoá công phu : khuya,
sáng, chiều và tối. Buổi sáng thọ trì Lương Hoàng Sám để nhắc nhở, răn dè đại
chúng về nghiệp báo, nhân quả báo ứng, cẩn thận khi gieo nhân, an nhiên chấp nhận
khi thọ quả. Ngài Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông có dạy : “Phản
quang tự kỷ bổn phận sự”, việc chính của người tu là soi chiếu lại
chính mình. Ngài Trần Thái Tông soạn và thực hành : “Lục thời Sám Hối Khoa
Nghi”, mỗi ngày Sám Hối 6 lần. Ngài Phổ
Hiển Bồ tát là Trưởng tử của Phật trên Hội Hoa Nghiêm còn phải phát đại nguyện.
Ngài nguyện sám hối mãi cho đến cùng tận đời vị lai. Nếu phiền não và nghiệp
chướng của chúng sanh không cùng tận thì sự sám hối của Ngài cũng không bao giờ
cùng tận. Trong kinh Viên Giác, Phật dạy: “Các
vị đại Bồ tát lúc lập đạo tràng an cư từ 7 ngày cho đến 21 ngày đầu, sám hối
nghiệp chướng”. Trong kinh Bảo Tích, Phật dạy: “Hàng ngày nên đảnh lễ danh hiệu 35 vị Phật trong kinh ấy mà sám hối
nghiệp chướng”. Kinh sách dùng để sám hối có rất nhiều: Như bộ Vạn Phật, bộ
Tam Thiên Phật, bộ Thủy Sám, Hồng Danh sám, Chuẩn Ðề sám và Dược Sư sám v.v...Tu là quá trình
sửa đổi, nhận thấy cái sai của mình và thành khẩn khắc phục, có sám hối mới
tiêu trừ nghiệp chướng, thăng hoa, hường đến hoàn thiện và giải thoát.
Khoá công phu chiều, đại chúng hành trì
Kinh Pháp Hoa, đây là vua của các loại kinh, sau bao nhiêu năm thuyết Pháp khai
mở tùy duyên, căn cơ, phương tiện, đến kinh này thì Đức Phật quy về nhất thừa
và khai thị ngộ nhập tri kiến cho những ai đủ duyên. Do đó, hành giả Pháp Hoa
miên mật sẽ có công lực nhiệm mầu, hành xử tự tại thong dong trong cuộc sống :
Hồng trần nhẹ gánh chơi ba cõi
Mỗi niệm tùy duyên độ chúng sanh.
Kế sau phần thọ trì Kinh Pháp Hoa là
Khóa Mông Sơn Thí Thực để cho âm siêu dương thới, pháp giới chúng sinh đồng lợi
lạc. Công phu cuối ngày là Khóa Thiền Quán từ 9 giờ đến 9 giờ 30 tối. Có 5 Ban
Nghi Lễ, 5 vị hô canh, giọng hô canh của vị nào cũng ngân nga trầm bỗng đưa
hành giả về cõi Tịnh :
Sơ canh dĩ đáo thượng thiền sàng,
Tam nghiệp tịnh trừ
đổ thánh nhan.
Thâm tín Phật ngôn
hằng niệm Phật,
Chỉ tu nhứt hướng
vãng Tây Phương
Nếu như 30 phút đầu ngày Thiền Quán trải
từ tâm và nguyện sống tỉnh thức trọn vẹn từng phút giây có được thì 30 phút Thiền
Quán cuối ngày xem xét lại cử chỉ, hành vi, oai nghi của mình suốt trong ngày
có gì thất thồ, bất thiện, phạm giới luật, gây tổn hại đến mình và người hay
không. Hành giả buông xả vạn duyên, trừ bỏ tham sân si, quán soi thực tánh vạn
Pháp, nhận ra bản lai diện mục của mình, chẳng
còn bận lòng vướng víu ghét với thương, lúc ấy Cực Lạc hiện tiền, nhân gian
Tịnh Độ.
Qua một đêm thì cho dù có điều chi trái
`ý nghịch lòng, nếu có những phút giây tâm bị động cuốn theo trần cảnh thì tất
cả đều phải biết dung hóa, phục hồi năng lượng, làm mới chính mình, trở về tâm
bình đẳng an nhiên :
“Thương ghét chẳng để lòng
Nằm duỗi hai chân ngủ “ (Lục
Tổ Huệ Năng)
Mùa an cư là cao điểm, thắng duyên tu tập
cho cả 2 hàng xuất gia và tại gia. Những cư sỹ, cận sự nam, cận sự nữ có dịp gần
gũi chư Tăng phụng sự, cúng dường, công quả, công phu, tụng niệm, bái sám, hành
trì và mỗi đêm được tắm mình trong Pháp Thoại của Chư Tôn Đức và như lời phật tử
Minh Phong trình bày trong đêm Thiền Trà là được thấm nhuần Pháp hỷ sung mãn.
Chư Tôn Đức thay phiên nhau đêm kinh nghiệm tu học sâu dày trong Thiền môn để
truyền trao cho Phật tử thông qua nhiều loại đề tài : “Những nguyên lý căn bản cho việc
tu tập của Phật tử tại gia”, “Tam Pháp Ấn”, “Tứ Đế”, Nhân Quả”, “Phương Pháp
trì danh niệm Phật”, “Bồ Tát”,…
Song song với chương trình Pháp Thoại,
chương trình Thảo Luận Pháp Đàm của Chư Tăng thật là sôi nổi với những đề tài
thiết thực, liên quan đến “những việc cần làm ngay” trong đoàn thể Phật Giáo
như là : “Tìm hiểu phương cách truyền đạo của các Tôn Giáo khác”, “Nghi lễ Phật
Giáo”, “Giáo dục và Trường học, vai trò của vị Tăng và ngôi chùa Hải Ngoại”, “Tâm
lý văn hoá hội nhập, áp dụng trong việc hoằng Pháp tại Hoa Kỳ”, đặc biệt
là chương trình Thảo Luận và Vấn Đáp với 2 đề tài : “Tìm hiểu Ý nghĩa đại cương Lương
Hoàng Sám Pháp và Kinh Pháp Hoa” - điều hợp bởi MC - Thầy Thích Minh Tuệ
- với sự tham gia của toàn thể Chư Tăng và Phật Tử tại chánh điện diễn ra thật
sôi nổi và thời gian 2 giờ rưỡi không đủ cho các chương trình thảo luận. Sự say
sưa thảo luận, chia sẻ Phật Pháp là dấu ấn tích cực, năng động, tầm cầu học hỏi,
tốt đẹp của Đại chúng. Những người đệ tử Phật đang nhắc nhở cho nhau về kim
ngôn,ngọc ngữ của Bổn Sư, những người con đang cùng nhau chia sẻ gia tài quý
giá của Từ Phụ.
Khóa Kinh Hành Khất Thực thực hiện 3 giờ
( 9 giờ sáng đến 12 giờ) sáng thứ 4 ngày 12/06/2013 xuyên qua nhiều đường xá,
phố thị tại Chicago. Sinh hoạt của Chư Tăng ở xứ Hoa Kỳ cũng phải tùy duyên
phương tiện theo giờ giấc phong thổ và nếp sống tại đây, tuy nhiên, ít nhất
trong mùa an cư, hạnh “Khất Sỹ” vẫn nên được thể hiện để quần chúng có duyên
chiêm ngưỡng phong thái ung dung đĩnh đạc của người tu với uy nghi, gợi lại bức
tranh sinh hoạt ngày xưa khi Phật còn tại thế, tăng trưởng niềm tin và phước điền
cho chúng sanh. “Khất sỹ” là một trong 3 hạnh căn bản của Tỳ Kheo : Khất Sỹ, Bố
Ma, Phá Ác. Nhiều Phật tử rất hân hoan cúng dường đến chư Tăng, kể cả người thuộc
nhiều sắc tộc khác nhau và Hoa Kỳ. Hôm đó thời tiết thật đẹp, có nhiều thuận
duyên, kể cả cảnh sát giao thông cũng tự động phát tâm hộ trì chư Tăng khi qua
đường đèn xanh đỏ. Nhận từng vật phẩm cúng dường đến bình bát mình, tôi suy gẫm
về công lao khó nhọc của người tín thí, về cuộc sống nương nhau, tương quan,
tương duyên, tương tức và bổn phận người tu sỹ phải tinh cần tu tập hướng dẫn
tâm linh cho người Phật tử để xứng đáng với những gì đã được lãnh thọ. Có nhiều
vị quỳ xuống bên lề đường để dâng cúng chư Tăng với trọn tín tâm và thành kính.
Tôi nhớ đến câu kệ :
“Bát cơm tín thí biết bao công
Đức hạnh đầy vơi tự xét lòng…”
Chư Tăng thọ trai nơi công viên, bên hồ
nước giống như Tăng đoàn đi khất thực và thọ trai dưới gốc cây xưa kia. Đạo Phật
gắn liền với thiên nhiên. Đức Phật xưa kia sinh ra nơi khu vườn, xuất gia tu học
và thành đạo dưới gốc cây, chuyển pháp nơi vườn Nai và nhập niết bàn nơi Ta la
song thọ. Chư Tăng tại các quốc gia Nam Tông như Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan,
Cam Bốt, Lào,… vẫn thực hành hạnh khất thực mỗi ngày.
Đặc biệt Trường Hạ Quang Minh, Chicago
năm nay có nhiều Tăng sỹ trẻ tham dự và đêm sinh hoạt Thiền Trà vào thứ 5, ngày
13 tháng 06, 2013 diễn ra với nội dung phong phú tạo nên một niềm an lạc trong
Thiền môn nhẹ nhàng, sâu lắng, ý nghĩa đầy ấn tượng và kỷ niệm. Những ánh mắt
long lanh, những nụ cười hân hoan, những tràng pháo tay tán thưởng đã tạo nên
không khi gần gũi, thân tình, đầy nghệ thuật. Chư Tăng trẻ và hàng Phật tử đảnh
lễ Khánh Tuế tăng trưởng hạ lạp và tri ân đến Thượng Toạ cùng chư Tôn Túc.
Ngày mai đây là ngày chót Khóa An Cư của
Trường Hạ với hai chương trình đặc biệt hoàn tất phần thọ trì Lương Hoàng Sám
Pháp và Trai Đàn Cầu Siêu, Bạt Độ. Ban Kinh Sư lần này đã có đủ Pháp khí và nhạc
cụ - kể cả trống tán - chắc chắn Trai Đàn Chẩn Tế sẽ diễn ra đúng quy thức,
trang nghiêm thể hiện văn hóa Lễ Hội Phật Giáo và Việt Nam. Trong cuộc sống ly
hương thật hiếm hoi cho Phật tử chứng kiến lại những sinh hoạt Thiền môn quy củ
và Lễ Nhạc Phật Giáo tầm vóc như vậy.
Thời gian trôi qua nhanh, khoá an cư kết
thúc, rồi mai đây chư Tăng mỗi người trở về trụ xứ của mình. Tuy chia xa mà
tình không xa, tất cả những công phu, sinh hoạt, kỷ niệm nơi Trường Hạ sẽ là tư
lương, hành trang cho mỗi hành giả trong hành trình tự độ, độ tha, tự giác,
giác tha. Tổ Đức dạy : “Hổ ly sơn, hổ bại,
Tăng ly chúng Tăng tàn”, “cơm có canh, tu hành có bạn” quả nhiên môi trường,
uy đức đại chúng và tha lực rất cần thiết cho hành giả trên bước đường tu tập.
Tử đây, những kẻ lữ hành cô độc vẫn an tâm có một Tăng thân không xa mình. Tuy
rằng trở lại nếp sống chúng, ngủ một phòng nhiều người trên những chiếc giường
đơn sơ nhưng pháp lục hòa và Tình Pháp Duyên Tăng khiến mọi người ý niệm được
thực tại hiện hữu nhiệm mầu, phút giây sống với nhau hiếm hoi quý giá. Nguyện
nhiều đời nhiều kiếp sẽ là Huynh Đệ, pháp lữ với nhau, dìu dắt cho nhau trong
chánh Đạo, làm tốt Đạo, đẹp đ ời và cùng trở lại đây tham dự an cư kiết ha, tu
tập và phật sự bên nhau trong những Khóa An Cư Kiết Hạ năm sau.
Rồi mai đây mỗi người đi mỗi ngả
Kỷ niệm này thành chất liệu, tư
lương
Hương Đạo Hạnh mùa an cư kiết hạ
Theo chân Người lan toả khắp muôn
phương
Ngày hoàn mãn Trường Hạ Quang Minh, PL 2557