;
Trả lời Ban thời sự VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 22/4/2022 về Dự thảo Thông tư (lần 3) của Bộ Tài chính quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng:
Cần phải làm rõ khái niệm tiền công đức và tiền tài trợ cho di tích, lễ hội có bản chất pháp lý khác nhau và chịu sự điều chỉnh của những hệ thống văn bản pháp luật khác nhau.
Tiền công đức là tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo nên tổ chức tôn giáo tự mình quyết định việc quản lý, sử dụng và định đoạt theo khoản 5 Điều 21 và Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo được Nhà nước bảo hộ theo các quy định tại khoản 3 Điều 3, khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và nguyên tắc về bảo hộ quyền tài sản tại Bộ luật Dân sự hiện hành.
Đối với các cơ sở tôn giáo đã tự chủ hoàn toàn hay thậm chí tự chủ được cả nguồn kinh phí phục vụ lễ hội và các hoạt động thiện nguyện khác mà không cần sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thì việc kiểm soát trực tiếp vấn đề thu chi là không cần thiết và có thể gây ra những phản ứng trong dư luận.
Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: tiền công đức có tính thiêng, bản chất khác với tiền tài trợ cho di tích, tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội và đặc biệt là nó gắn với truyền thống văn hóa dân tộc, với các cơ sở Phật giáo.
Chúng ta mong muốn rằng truyền thống tốt đẹp đó được phát huy và nên duy trì để đảm bảo sự ổn định trong thực tiễn.
Trích ghi âm ý kiến của TS. Bùi Hoài Sơn và Thượng tọa Thích Đức Thiện:
Tích Trí
Nghe đầy đủ tại https: //vov1.vov.gov.vn/cau-chuyen-thoi-su/can-quan-ly-thu-chi-tai-chinh-cho-cong-tac-to-chuc-le-hoi-va-tien-cong-duc-2242-c47-83802.aspx