;
Cha ông ta thường hay nói: “Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”. Câu ca dao tuy đơn sơ nhưng hàm súc cả trí tuệ sống của bao thế hệ từ ngàn xưa.
Loài người bước sang thế kỷ 21 với những tiến bộ vượt bực không ngừng của khoa học - kỹ thuật, đã cải thiện rất nhiều về đời sống tiện nghi vật chất cho con người, nhưng không hẳn ai nấy đều “ăn được ngủ được”.
Sống ở giữa thời đại “fast food”, cho dù la liệt đủ loại thức ăn có ngay, ăn ngay thử hỏi có bao nhiêu người để ý đến những cái gì nên ăn và những cái gì không nên ăn. Không những thế, con người luôn căng thẳng vì phải chạy đua theo sự thay đổi ào ạt của xã hội, vật lộn với đời sống vật chất.
Do đó, không ít người mắc chứng bệnh thiếu ngủ, bệnh mất ngủ và nhiều chứng bệnh khác. Phải chăng để “thành tiên” vẫn còn là giấc mơ của “con người hiện đại”?
Cách đây hơn 2500 năm, đức Phật, một nhà tôn giáo, nhà tư tưởng siêu việt, nhà tâm lý học, nhà thiên văn học, nhà xã hội học... và cũng là một y sĩ đại tài vượt thời gian, không gian đã nhìn thấy vấn đề, gốc rễ, nguyên nhân sinh ra bệnh tật, và đưa ra toa thuốc để giúp con người vượt qua những đau khổ do bệnh tật sinh ra, xây dựng một đời sống lành mạnh, một thân thể kiện khang, yêu đời, tràn ngập sức sống, một xã hội an vui. Phải chăng đây cũng là mục đích sống “con người hiện đại” hằng mong muốn…
Một cách tổng quát theo Phật giáo có ba loại bệnh, đó là:
1. Thân bệnh
2. Tâm bệnh
3. Nghiệp bệnh
Từ cách nhìn như nêu trên cho thấy cách chẩn bệnh và chữa trị của Phật giáo khác biệt với y học Tây phương ở điểm y học Tây phương đưa ra thuốc chữa khi nào bệnh phát ra, có triệu chứng đau yếu bộ phận nào đó trên cơ thể.
Hơn nữa y học Tây phương phần lớn dựa vào những cái gì cụ thể, chẳng hạn như hình ảnh do tia quang tuyến, những rọi chiếu qua các bộ máy y khoa chụp được.
Nhưng có điều lạ nhiều máy móc tối tân phát minh ra đời, nhiều loại thuốc tinh vi mắc tiền được điều chế ở những công ty dược phẩm nổi tiếng, thế mà số bệnh nhân không giảm thiểu, mà còn có chiều hướng gia tăng. Lý do tại sao? Phải chăng có những căn bệnh mà dụng cụ y khoa hiện đại vẫn không thể nhìn thấy được.
Phải chăng nền y học hiện đại quá chú trọng vào triệu chứng, vào phần thân thể, mà quên đi phần tâm bệnh và nghiệp bệnh, quên đi hay xem nhẹ nguồn gốc sâu xa tạo ra bệnh tật nằm ngay trong tâm tư đời sống con người.
1. Thân bệnh
Theo Phật giáo, cơ thể con người nói riêng và toàn thể thiên nhiên vũ trụ nói chung do tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong) kết hợp thành. Mỗi thành tố mang ý nghĩa đặc biệt và có tương quan với những bộ phận trong thân thể. Chúng ta hãy đi lượt qua tính chất của mỗi thành tố này.
A. Thành tố đất mang đặc tính nặng, có trọng lượng, gồm có các bộ phận như não bộ, lá lách, bao tử... Khi thành tố này mất cân bằng sẽ sinh ra bệnh làm thân thể trở nên khô gầy.
B. Thành tố nước có đặc tính ẩm ướt, mang trạng thái lưu động, gồm có các cơ quan như thận, bàng quang và máu huyết. Khi cơ quan này mất cân bằng làm cho việc ăn uống không tiêu, việc tiêu hóa khó khăn.
C. Thành tố hỏa mang tính chất nóng, dùng để đốt cháy, có nhiệt độ cao, biểu tượng cho hệ thống vận chuyển máu, gồm các cơ quan như gan và túi mật... mất cân bằng thành tố này hay sinh táo bón, lạnh nóng bất thường, hay đau khớp xương.
D. Thành tố khí có đặc tính nhẹ như không khí, biểu tượng cho hệ thống hô hấp, và đây cũng chính là chiếc xe đưa “trạng thái Tâm” di động. Thành tố này chủ yếu hoạt động ở tim, phổi, ruột và hệ thống não bộ.
Khí có chức năng tạo năng lượng di động khắp toàn thân, giúp cho máu vận chuyển điều hòa, duy trì sự sống hấp thụ chất dinh dưỡng tiêu hóa thức ăn đào thải chất độc ra ngoài, chuyển hoán tế bào, và giúp cho sự cảm nhận được trong sáng.
Chính vì những đặc tính nêu trên, một khi sự vận chuyển bốn thành tố không còn điều hòa khi đó có triệu chứng bệnh. Thân bệnh phát sinh là do tích lũy những chất độc bao gồm ý nghĩa tinh thần là tham, sân, si và ý nghĩa vật thể là đem vào trong cơ thể những thức ăn hằng ngày không tốt cho cơ thể mà chúng ta không biết hay không để ý vì do tập quán hay thói quen.
Rồi theo dòng thời gian những chất độc này không được đào thải hết ra ngoài tích lũy lại trong người và khi đó bệnh hình thành. Có câu hỏi được đặt ra tại sao những chất độc đó không tạo thành một loại bệnh? Câu trả lời là cơ thể mỗi con người chúng ta không ai giống ai, có người yếu về bộ phận này nhưng lại mạnh về bộ phận khác, một phần do yếu tố di truyền từ cha mẹ truyền lại.
Chất độc tụ lại trong người chỉ sinh bệnh khi nó vượt quá giới hạn nào đó mà cơ thể không còn chịu đựng được nữa, cũng vì thế mà có người sinh ra bệnh về tim, về thận, về ruột...
2. Tâm bệnh
Theo Phật giáo, bệnh hoạn nơi tâm hồn chúng ta phần lớn là do thói quen ôm vào những cái không phải của chính mình như của chính mình. Bản tính con người chúng ta hay giành lấy những gì có thể nhìn thấy hay sờ mó được trên thế gian này.
Từ những vật gọi là “của tôi” đi kèm theo nó là những trói buộc, từ đó con người dần dần xa rời bản ngã chân thực, thay vào đó con người phải trả cái giá cho nó là mang tâm trạng sợ hãi lo âu…
Khi nói đến tâm bệnh thì không thể nào không đề cập đến ba thứ độc hại: tham, sân và si là những thứ luôn luôn tiềm ẩn trong con người chúng ta. Vậy thì những điều này gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe cũng như bệnh tật. Chúng ta hãy thử tìm hiểu từng yếu tố một:
a. Tham
Theo ý nghĩa tinh thần cũng như vật chất, tham là trạng thái ham muốn thật nhiều, vượt ra ngoài khả năng cũng như nhu cầu cần thiết. Chẳng hạn như ăn quá nhiều cũng có khả năng sinh bệnh.
Đối với những người hay ăn và uống những thức ăn ngọt có nhiều đường rất dễ sinh ra bệnh tiểu đường hay ăn nhiều quá mà không vận động, tập thể thao cũng dễ sinh bệnh mập phì. Ngoài yếu tố lấy vào trong thân thể quá độ nguồn năng lượng, chất ngọt, người ta còn tìm thấy những người có nhiều ưu phiền, đau khổ tinh thần, căng thẳng quá độ về công việc, đời sống gia đình, v.v... cũng dễ sinh ra bệnh này.
Ngoài ra, chúng ta còn thấy những người sống buông thả chạy theo cảm xúc của ngũ quan một cách quá đáng cũng dễ sinh bệnh. Theo Phật giáo, người quá đam mê vào hình tướng dễ sinh ra bệnh về gan, quá đam mê vào âm thanh dễ sinh bệnh về thận, quá đam mê vào mùi vị dễ sinh bệnh phổi, quá đam mê vào khẩu vị dễ sinh bệnh về tim và quá đam mê vào xúc giác dễ sinh bệnh thuộc về lá lách.
Vì thế cân bằng trong đời sống không quá độ cả về tinh thần lẫn vật chất là điều quan trọng trong tu hành theo Phật giáo.
b. Sân
Sân là trạng thái căm hận, ghét cay ghét đắng, giận dữ một trong những yếu tố gây tác động không nhỏ đến sức khỏe, nhất là cơ năng thuộc về tim và gan. Trong kinh Đại Bát-nhã dạy rằng: “Sân hận là trạng thái cảm xúc độc hại nhất so với tham lam và ngu si”. Sự giận dữ gây tác hại vượt lên trên mọi tác hại khác. Về mặt tâm lý giận dữ cũng là tâm trạng khó chế ngự nhất.
Theo bệnh lý học người khi nổi giận sẽ tác động vào hệ thần kinh não, tạo mạch máu co cứng lại, đưa áp xuất máu tăng cao, từ đó dễ làm tim ngừng đập bất thình lình. Trạng thái giận dữ có thể phát xuất từ nhiều nguyên nhân như đời sống quá căng thẳng, cô đơn, tâm trạng thù địch, gặp nhiều điều không vừa ý, ưu phiền…
c. Si
Về mặt chiết tự theo Hán ngữ chữ Si thuộc về bộ Nạch có nghĩa tật bệnh, kèm theo với chữ “nghi” có nghĩa là ngờ, lòng còn bán tín bán nghi chưa tin. Như vậy Si là trạng thái bệnh hoạn thuộc về trí não, ở trong điều kiện chưa hiểu thấu đáo, rốt ráo dễ rơi vào tâm trạng nghi ngờ, và trong hoàn cảnh nào đó cũng có nghĩa là mê lầm.
Danh từ này thường hay dùng trong Phật giáo có nghĩa trạng thái u mê, không sáng suốt. Khi con người rơi vào tình trạng đau ốm thì lại càng thiếu minh mẫn, và không nhìn thấy căn nguyên của bệnh tật, vả lại tâm lý người bệnh có khuynh hướng tìm phương cách chữa trị theo cách “mì ăn liền”, có nghĩa làm sao hết đau, hết bệnh ngay. Từ đó dễ đưa đến hành động nông nổi có hậu quả xấu cho sức khỏe.
Nền y học hiện đại có khuynh hướng chú trọng vào cách chữa trị những đau đớn về thể xác, giải phẫu, thay ráp tim, thận, v.v... điều chỉnh các cơ năng dường như mang tính chất sửa chữa một bộ phận nào đó trong một cỗ máy phức tạp, mà coi nhẹ căn bệnh có tính chất tâm lý, tình cảm hay tinh thần, thiếu cái nhìn toàn diện. Cả hai đều đóng vai trò quan trọng, tác dụng hỗ tương lẫn nhau.
Theo những nghiên cứu y học cho thấy những người ở trong tình trạng giận, buồn, không vui hay căng thẳng quá độ, não bộ tiết ra những chất hormones độc tố có hại cho cơ thể. Do đó tình trạng mất thăng bằng về tình cảm kéo dài sẽ gây ra tai họa cho cơ thể, đưa đến tình trạng càng thêm khó khăn cho việc chữa trị.
Trong khi đó cũng theo kết quả nghiên cứu khoa học, những người hay ở trong trạng thái thiện, tập trung tư tưởng suy nghĩ về những việc tốt lành, hệ thống não bộ tiết ra chất hóa học giúp cho tâm hồn thật sự an bình, không còn căng thẳng, tiêu cực.
3. Nghiệp bệnh
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa đích thực của nghiệp là gì? Nghiệp được dịch từ tiếng Phạn là Karma, có ý nghĩa hành vi, tư tưởng của mỗi cá nhân, từng con người trong tiền kiếp và hiện tại, từ đó hình thành con người ngày hôm nay.
Dân gian thường hay nói “gieo gió gặt bão” hay là “nhân nào quả đó” phản ảnh phần nào quan niệm về “nghiệp”. Đức Phật dạy:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.
Có nghĩa như sau:
Các điều ác quyết định chớ làm,
Các điều thiện kính cẩn vâng làm.
Tự làm cho ý niệm thanh tịnh,
Đó là lời dạy của chư Phật.
Với những lời kệ đơn giản vừa hàm ý khuyên bảo vừa nói lên điểm quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Điều gì mang tính chất quyết định hình thành một con người? Đó chính là thân, khẩu và ý. Đơn cử thí dụ, có người bày đặt chuyện dối trá người khác.
Nếu như câu chuyện không thật đó không gây tổn thương đến người nghe thì cũng được đi, nhưng người nẩy ra ý tưởng, và nói điều đó ra đã tạo “nghiệp” cho chính bản thân, và đó cũng là nguồn gốc hình thành nhân cách. Nhưng nếu câu chuyện không thật đó gây tổn thương về mặt tinh thần hay vật chất đến người nghe, chắc hẳn hành vi này hay “nghiệp” đã tác động không chỉ bản thân người nói mà còn đến người nghe nữa.
Nếu như mẫu chuyện đó tiếp tục ám ảnh cả người nói lẫn người nghe, có nghĩa do từ ý nghiệp đưa đến khẩu nghiệp đã tác động đến thân, và đó cũng là nguồn gốc của bệnh.
Trong tác phẩm Chỉ quán tọa thiền có viết: “Nếu nghiệp tội là sát sanh thì gan và mắt bệnh. Nếu nghiệp tội do uống rượu thì tim và miệng bệnh. Nếu nghiệp tội là dâm dục thì thận và tai bệnh. Nếu nghiệp tội nói dối thì lá lách và lưỡi bệnh. Nếu nghiệp tội là trộm cắp thì phổi và mũi bệnh.”
Trong kinh Pháp cú có nói:
“Làm điều ác, tự chính bạn trở lên ô uế.
Không làm điều ác, tự chính bạn trở lên thanh tịnh.
Tự mỗi người chúng ta làm cho chính chúng ta trở lên thanh tịnh, hay trở thành ô uế.
Không ai có thể làm người khác trở lên thanh tịnh.”
Từ câu kinh trên cho thấy bệnh tật là do tự chính mỗi người chúng ta tạo thành chứ không ai khác, có thể do túc nghiệp hành vi trong quá khứ, hay trong hiện tại.
Bệnh tật sinh ra tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe thân thể, cách tư duy, lối sống, tập quán, môi trường xung quanh và còn phải kể thêm đời sống tâm linh cũng như văn hóa xã hội đang sống.
Khi những yếu tố nội ngoại mất cân bằng, mọi tình trạng quá độ, cuộc sống quá căng thẳng cũng là nguyên nhân sinh ra bệnh. Khi hiểu được nguyên nhân rồi, thì câu hỏi đặt ra là làm sao chữa trị căn bệnh cho hiệu quả?
a. Thứ nhất phương pháp dinh dưỡng:
Người xưa thường nói: “Tai họa do lời nói sinh ra, bệnh tật do thức ăn mang từ mồm vào”. Hay Bồ-tát Long Thọ cũng có viết: “Khi ăn chúng ta phải tâm niệm thức ăn như thuốc uống. Đừng ăn nhiều quá hay ít quá đều không tốt cho sức khỏe”. Người phương Tây cũng hay nói: “Tùy theo những gì bạn ăn, bạn sẽ là như thế” (You are what you eat).
Do đó cả Đông lẫn Tây đều công nhận chất dinh dưỡng trong thức ăn đóng vai trò quan trọng tạo đời sống khỏe mạnh. Theo Phật giáo để có thân khỏe mạnh, chúng ta nên ăn nhiều thực vật bao gồm ngũ cốc, rau, trái cây, bớt đi chất thịt động vật.
Nhân đây đơn cử vài lợi ích của việc ăn nhiều chất rau đã được khoa học thực chứng, theo kết quả nghiên cứu của Đại học UCLA, những người thường ăn rau, ngũ cốc lượng nguyên tố Serotonin (5-hydraxytryptamine) tiết ra từ não bộ nhiều hơn những người ít hay không ăn rau, trái cây, và nguyên tố này giúp cho tinh thần lạc quan, ít lo lắng, không rối loạn và thư thái.
Khi lượng nguyên tố này xuống thấp sẽ khiến con người hay dễ thất vọng, chán nản, buồn rầu. Ngoài ra theo kết quả nghiên cứu của tạp chí The New England Journal of Medicine cho biết chất rau hay những chất xơ có tác dụng giảm, loại trừ chất estrogen trong người phụ nữ giảm thiểu khả năng bị ung thư vú. Với chất rau nhất là cà chua giúp chống lại ung thư nhiếp hộ tuyến ở nam giới.
Do đó có một số người đề nghị để phòng tránh bệnh tật nên đổi cách dinh dưỡng bằng cách giảm lượng ăn thịt và những sản phẩm liên hệ đến thịt, thay vào đó là rau, thực vật và trái cây. Hơn nữa thực phẩm dựa vào ngũ cốc, rau, trái cây, ngoài việc giúp cho sự tiêu hóa dễ dàng, còn giúp chống lại tình trạng lão hóa các phân tử trong tế bào, có nghĩa làm trẻ ra và sống lâu.
b. Thứ hai phương pháp tu dưỡng tinh thần:
Có nghĩa tu học Phật pháp, giáo lý giúp cho tư tưởng, ý nghĩ được thanh tịnh. Chúng ta có thể thâu tóm trong tinh thần Lục Ba-la-mật gồm có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ.
(1) Hạnh Bố Thí nuôi dưỡng tình thương nghĩ đến người không may mắn, xấu số. Với đức tính này sẽ giúp và chữa trị cho lòng tham.
(2) Những người tu tại gia có một số giới luật căn bản như không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không sát sinh, không uống rượu. Chúng ta tâm niệm duy trì những giới luật này trong đời sống hằng ngày sẽ chữa trị căn bệnh phạm pháp, cộng đồng, xã hội trở lên tốt đẹp và tâm hồn trở lên thanh tịnh.
Hơn nữa người tu tập Phật giáo phải thường xuyên “suy ngẫm về thân thể mình, từ gót chân đi lên trên, từ tóc trên đầu đi xuống dưới, với lớp da bọc lấy thân thể đầy rẫy những vật ô uế. Trong thân xác này gồm có: Tóc trên đầu, lông trên thân thể, móng tay, răng, da, bắp thịt, khớp xương, tủy, thân; tim, gan, màng huyết thanh, lá lách, phổi; ruột, màng ruột, bao tử, vật bài tiết, óc; nước mật, dịch vị, máu mỡ, chất béo.”
Phương pháp quán tưởng này giúp chúng ta thấy cần phải tẩy uế, thanh tịnh hóa xác thân, tránh xa những ý tưởng có hại cho sức khỏe.
(3) Hạnh nhẫn nhục phát triển đức tính khiêm cung, nhã nhặn, khai mở lòng bao dung tha thứ từ đó diệt trừ căn bệnh hận thù, từ đó giúp rất nhiều cho bộ phận gan.
(4) Hạnh thiền định quán tưởng được lý vô thường, mọi sự vật là Không, chữa trị tâm hồn bất an, dao động, sẽ cảm thấy những cảm xúc tạo ra bởi ngũ uẩn là không thực. Thiền định trong thế tĩnh giúp tăng cường sức khỏe đưa khí trời trong sạch (oxygen) vào trong người đồng thời đưa những chất thán khí (carbon dioxide) theo hơi thở ra ngoài.
(5) Hạnh tinh tiến giúp hành giả nhủ lòng cái học cái biết ngày hôm nay có thể sẽ lỗi thời không còn phù hợp cần phải thay đổi, chữa trị căn bệnh lười biếng, nỗ lực học tập tinh tấn không ngừng, làm việc giúp người.
(6) Hạnh trí tuệ nhận chân cái ngã chân thật bất diệt, thường hằng là người cầm cương dẫn dắt “năm con ngựa ngũ uẩn” đi đúng đường vượt qua những đoạn đường quanh co khúc khủy, mở đường khám phá cả thế giới chân trời mới nằm đằng trước mặt, giải phóng ra khỏi những ảo tưởng, thoát khỏi sự giam hãm do dục vọng tạo ra, chữa trị căn bệnh u mê, tăm tối đạt đến cảnh giới tự do tự tại.
Nói chung con người phiền não, đau khổ, thất vọng, chán chường, bất an, trống rỗng là vì có khuynh hướng hướng ngoại, phân biệt ta và người, hằng ngày nhìn trong gương thấy ta khác người, nhìn cái giả cho là thật.
Vì thế cần phải đẩy lui những phiền não, không thật ra ngoài để thăng hoa trở lên an vui, thanh thản hạnh phúc trở về với chân ngã, là những cái nằm bên trong con người chứ không ở đâu khác.
Lý tưởng của y học đã được minh chứng qua lời tuyên thệ Hippocrates từ 2500 năm qua là tôn trọng sự sống, phục vụ lợi ích sức khỏe con người chứ không vì tư lợi, không dùng con người như vật thí nghiệm.
Tinh thần này nói lên phần nào tư tưởng Phật giáo, mục đích tu tập theo Phật giáo là để có sức khỏe và sức khỏe không chỉ là trạng thái không yếu đuối hay không bệnh tật mà còn là niềm hạnh phúc trọn vẹn mang tính chất xã hội, bao gồm tinh thần lẫn vật chất.
(Nguồn: TS. Pháp Luân 61)