nguoiphattu.com Đỉnh núi Sập (An Giang) cách TPHCM hơn 300km với nhiều cung đường hiểm trở nhưng luôn tấp nập bệnh nhân nan y phương xa tìm đến. Hầu hết họ đều nuôi hy vọng được vị cao tăng dáng người cao to như hộ pháp đang sở hữu bài thuốc "bạc thau" bí truyền cứu mạng...
Đặc trị các chứng bệnh bác sĩ chê
Xe dừng dưới chân núi Sập đã thấy bóng người lố nhố lầm lũi chống gậy
vượt núi tầm sư dù rằng đường lên đỉnh núi xe 4 bánh có thể chạy bon
bon. Phần đông họ là phụ nữ và người già. Cả thảy đều ốm o, hom hem đang
mang trong người đủ chứng bệnh, từ cảm mạo xoàng xoàng đến ung thư quái
ác.
Một phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn
cuối tuổi ngoài 40 tên Duyên (quê ở xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà
Mau), thành tâm lý giải câu hỏi "Sao không đi xe máy cho lẹ?": "Ngày
trước sư Thành tới tu hành ở đây không chỉ cuốc bộ mà còn phải đối mặt
với muôn trùng rắn độc và thú dữ. Mình chịu chút nhọc nhằn trước là chia
sẻ những khó khăn mà thầy từng nếm trải, sau nuôi hy vọng càng thành
tâm ắt càng được phước báo".
Sau hơn nửa giờ dấn bước cùng các con
bệnh đi cầu may, chúng tôi đặt chân đến Phước Duyên Tự, do đại đức Thích
Thiện Thành trụ trì. Thầy Thành sinh năm 1975, dáng người cao to như võ
sĩ sumo nên dễ hiểu vì sao bà con gọi thầy là "sư hộ pháp".
Do có đông bệnh nhân chờ được bốc mạch
kê đơn nên chúng tôi tiếp cận thầy qua các con bệnh và những Phật tử ở
chùa. Gương mặt rạng rỡ, bà Trần Thị Mai (ngụ quận 7, TPHCM) đang mang
trong mình căn bệnh ung thư cổ tử cung, tâm tình: "Tôi biết mình bị giai
đoạn cuối 4 năm trước. Lúc phát bệnh, đi đâu bác sĩ cũng chẩn đoán tôi
sống không quá 6 tháng. Đang lúc bí đường thì một người thân giới thiệu
tôi lên đây cầu may. Ơn trời là tôi đã được cao tăng độ mạng".
Như một số bệnh nhân bị ung thư gan,
ung thư máu, anh Khưu Minh Tuấn (ngụ ấp Bắc Sơn, thị trấn núi Sập), phật
tử chùa bộc bạch: "Tôi và nhiều người khác gắn bó chùa vì phục tài chữa
bệnh như thần của thầy. Tôi có một người quen bị ung thư máu, cuộc sống
chỉ đếm từng ngày nhưng nhờ uống mấy thang thuốc cỏ cây do thầy Thành
tận tay kê bốc mà nay mạnh khù khù. Thầy cao tay ấn lắm! Các bệnh bác sĩ
chê qua tay thầy nếu không bình phục hoàn toàn thì thời gian sống cũng
được kéo dài hơn dự liệu của bác sĩ".
"Còn đeo là còn chữa - chữa miễn phí"
Không chỉ các chứng bệnh ung thư, ngay
cả những người bị liệt chi hoặc bán thân bất toại cũng tìm đến núi Sập
nhờ sư Thành châm cứu, kê toa. Bà Mai Thị Lệ, ngụ tỉnh Hậu Giang, rạng
rỡ: "Tôi bị liệt nửa thân 5 năm qua, uống đủ thứ thuốc, trị đủ thứ thầy
nhưng bệnh không những thuyên giảm mà còn nặng hơn. Chỉ trong tuần lễ
được sư châm cứu đã có thể đi lại được rồi. Ơn này không sao kể xiết".
Bà Lệ cho biết thêm, sư Thành là người
gốc huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long). Năm 15 tuổi, thầy được gia đình
gửi lên Phước Duyên Tự theo học nghề y do cố hòa thượng Thích Thiện
Duyên truyền dạy. Do thầy có Phật tánh, lại hiếu học nên được sư Duyên
truyền cho các bài thuốc quý chuyên trị các chứng bệnh nan y như ung thư
gan, tiểu đường, ung thư máu, ung thư cổ tử cung, ung thư vú... Năm
2002, sư Duyên viên tịch và sư Thành đảm nhiệm vai trò cứu nhân độ thế
của sư phụ.
Từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa, sư
Thành bắt mạch bốc thuốc không ngơi nghỉ. Nhẩm tính sơ sơ trong 6 giờ
đồng hồ thầy bốc gần 500 thang thuốc cho bệnh nhân. Bình quân mỗi ngày
thầy bốc từ 800 - 1.000 thang. Nếu bệnh nhân đau nặng hoặc ở xa không
tới được cứ gửi hồ sơ bệnh án, thầy xem sẽ kê toa bốc thuốc rồi gửi đến
tận nhà. "Điều đáng quý là thầy làm phước giúp đời nên bất kể sang hèn,
ai đến chùa cũng được thầy chữa trị miễn phí".
Anh Tôn Phúc - phóng viên tờ Bản tin
Luật sư (Đoàn Luật sư TPHCM) đang có người nhà "theo sư Thành chữa bệnh"
khẳng định: "Chữa bệnh bằng thảo dược ngoài niềm tin còn phải kiên trì.
Có nhiều bệnh nhân theo thầy điều trị mấy năm trời, uống cả ngàn thang
thuốc nhưng thầy không lấy đồng bạc".
Bí quyết nhờ loài cây thần bí
Những Phật tử đang sát cánh với sư Thành bật mí sở dĩ thầy có biệt tài
chặn đứng sự lộng hành của các chứng bệnh ung thư quái ác nhờ biết phát
huy dược tính của những cây thuốc quý ở Thiên Cấm Sơn như đỗ trọng,
huyết rồng, bình vôi, huỳnh bá... và đặc biệt là một loài dây leo có tên
bạc thau đá mà thầy thường gọi ngắn gọn bạc thau.
"Theo kinh nghiệm chữa trị, thầy nhận
thấy người Việt mình khi đau bệnh sử dụng các cây thuốc Nam mau bình
phục hơn cây thuốc Bắc. Đơn giản bởi mình là người nước Nam nên cơ thể
dung nạp được tính cây thuốc Nam hiệu quả hơn thuốc Bắc. Đó là lý do
thầy chỉ sử dụng các cây thuốc hái ở quanh núi Sập và tại các ngọn núi
thuốc dãy Thiên Cấm".
Sư hộ pháp vẫn chưa nhân giống thành công cây bạc thau sau 5 năm
Sư Thành thừa nhận cây bạc thau là vị thuốc không thể thiếu được trong
các thang thuốc trị ung thư của thầy. Thầy khiêm tốn cho rằng "bên cạnh
tác dụng của cây thuốc, bệnh nhân khoẻ mạnh, hết bệnh nhờ có đức tin và
nhờ không khí trên núi trong lành".
Thầy tâm tình cụ thân sinh của thầy
là Trương Văn Bé cũng làm nghề y lâu năm. Không chỉ cụ Bé mà cố hòa
thượng Thích Thiên Duyên cũng dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu
năng lực chữa bệnh của cây bạc thau. "Có vị đắng, cay, hơi chua, tính
mát, nếu dùng đơn lẻ bạc thau chỉ có chữa trị các chứng bệnh thông
thường như khí hư bạch đới, nhuận phế, tiêu đờm, cầm máu, điều kinh, khu
phong trừ thấp... Nhưng nếu phối hợp với một số vị thuốc khác thì bạc
thau tiềm ẩn nhiều tính năng chữa bệnh diệu kỳ".
Sư Thành không phủ nhận chuyện nhờ có bạc thau mà sức khoẻ của nhiều
bệnh nhân ung thư được cải thiện. Sư nhấn mạnh "mỗi lương y có cách sử
dụng, đánh giá từng vị thuốc khác nhau, điều đó tùy thuộc kinh nghiệm
của từng người. Riêng với cá nhân thầy, bạc thau là cây thuốc quý nhiều
dược tính nhưng tiếc rằng loài cây quý này đang trên đà tuyệt diệt.
Trước đây nguồn bạc thau có rất nhiều trên các mỏm núi cao ở vùng Thiên
Cấm Sơn. Bây giờ thì vô cùng khan hiếm vì bị khai thác vô tội vạ".
Dứt lời, sư Thành vào trong bốc một nhúm bạc thau cho chúng tôi xem rồi
phân giải: "Đây là loài dây leo chỉ xuất hiện trên đỉnh núi, mọc bám vào
các tảng đá, vách đá sừng sững đọng nước mưa và chỉ xuất hiện vào những
tháng trời trút nước (từ tháng 4 đến tháng 9 Âm lịch).
Bạc thau có đặc tính kỳ lạ là lúc còn
tươi có màu xanh ngắt nhưng khi phơi khô rồi thì lá chuyển sang màu bạc
trắng, cuốn cong như búp trà nên mới có tên gọi bạc thau. Lẽ ra khi hái
bạc thau chỉ ngắt lá nhưng vì để giảm thiểu thời gian người ta bứt luôn
cả rễ. Bạc thau hiếm dần từ đó".