;
Sự kiện trên được những người trong dòng họ, những người thợ xây và dân làng có mặt ngày hôm đó chứng kiến. Điều đặc biệt hơn, người trong dòng họ còn gọi được thợ chụp ảnh đến để lưu lại bức ảnh về “người âm” này.
Hiện tượng lạ
Những ngày này tìm về xóm 6, xã Yên Quang, chúng tôi vẫn còn nghe râm ran đâu đó người dân bàn tán xôn xao câu chuyện về một ngôi mộ của dòng họ Đinh Quang. Câu chuyện đặc biệt ấy xuất phát từ việc dòng họ Đinh Quang tổ chức rước một số hài cốt cho những liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh trở về yên nghỉ nơi nghĩa trang quê nhà. Nhân tiện từ việc đưa hài cốt những liệt sĩ ấy, dòng họ Đinh Quang đã thống nhất bàn bạc với nhau là đóng góp tiền và công sức để tu sửa lại nghĩa trang của dòng họ.
Việc sửa sang, tu bổ lại khu lăng mộ đã được hơn hai tuần nhưng vẫn chưa hoàn thành. Lần đó cũng như mọi ngày, đám thợ cùng với những người có trách nhiệm trong dòng họ Đinh Quang vẫn tiếp tục ra nghĩa trang để tiếp tục công việc còn lại. Có mặt vào hôm 26/12/2011, gồm một toán thợ 12 người cùng với nhiều người nữa trong dòng họ. Cánh thợ xây việc ai nấy làm, cốt làm sao để nhanh chóng gấp rút hoàn thành nốt công việc theo như tiến độ và yêu cầu của gia chủ đưa ra.
Nhớ lại buổi hôm đó, cho đến bây giờ ông Đinh Quang Uẩn là bậc cao niên trong chi nhánh dòng họ Đinh Quang như vẫn không tin những chuyện xảy ra mà chính mắt ông đã nhìn thấy. Khoảng 8 giờ sáng, khi cánh thợ đang mải miết người cắt gạch, người trộn hồ thì ông Uẩn bất thần hô to “Mau lên… mau lên… lại đây mà xem!”. Mọi người ngơ ngác chưa hiểu gì, nhưng nghe ông Uẩn gọi thế nên đám thợ cũng bỏ dở việc chạy lại.
Ban đầu họ cứ tưởng mình xây dựng, trang trí sai với thiết kế yêu cầu. Nhưng khi đến nơi thì nhiều người nhìn thấy hình ảnh một người quá cố xuất hiện trên bia mộ. Rồi ông Uẩn bảo: “Cụ Cần hiện về đó”. Biết được thông tin, đám thợ đang làm từ xa cũng bỏ công việc chạy lại xem. Chỉ mấy phút sau, thông tin này đến tai người dân quanh vùng khiến những người hiếu kỳ không tin đó là sự thật cũng phải có mặt mà chứng kiến.
Ngôi mộ cụ Đinh Trung Cần hiện hình trên bia đá vào ngày 26/12/2011
Những ngày tu bổ lăng mộ trước, ông Uẩn là người thi thoảng vắng mặt bởi gia đình cũng đang có một số chuyện đại sự chưa lo xong. Hôm đó vì đã xong việc nên ông Uẩn đến để đôn đốc, kiểm tra công việc và thắp hương cho từng ngôi mộ. Khi nén hương nhỏ vừa cháy tỏa mùi khắp khu nghĩa trang họ Đinh Quang thì cũng chính là lúc ông Uẩn thấy hình ảnh của người quá cố hiện về trên bia mộ nơi cụ Cần an nghỉ bấy lâu nay. Theo lời ông Uẩn kể lại thì đó là một người có đầy đủ đầu, mắt, mũi và tai như người bình thường lúc còn sống. Phía trước ngực có một dải khăn quấn chéo trông như một chiếc áo choàng dùng làm áo ấm.
Ông Uẩn một mực khẳng định với chúng tôi rằng, đó là hình cụ Cần chứ không phải một ai khác. Dù cách xa bao đời và tuổi tác so với cụ Đinh Trung Cần nhưng thuở nhỏ đến lớn ông Uẩn đã từng được ghi chép và xem lại gia phả của dòng họ Đinh Quang chi tộc hiện nay tại xã Yên Quang. Hình ảnh trên bia mộ hiển hiện độ chừng 45 phút rồi sau đó biến mất.
Theo những gì anh Nguyễn Văn Tân, người đã mang chiếc thẻ nhớ từ máy ảnh do chính vợ mình chụp lại đi rửa ảnh cho biết “10 năm làm nghề chụp ảnh nhưng chưa khi nào thấy một bức ảnh lạ lùng như vậy”. Để kiểm chứng lại chiếc máy ảnh của mình, ngay sáng hôm sau anh Tân quay ra chỗ nghĩa trang nơi ngôi mộ có người quá cố hiện về để quan sát, chụp lại rồi mang đi rửa nhưng những bức ảnh đó hoàn toàn khác nhau.
Theo gia phả của dòng họ Đinh Quang ghi lại, dù không nhớ chính xác năm sinh và năm mất nhưng rà theo phả hệ thì cụ Đinh Trung Cần thuộc đời thứ 7 trong dòng họ. Cụ Cần là tộc trưởng trong nhánh 2 của dòng họ Đinh Quang. Tận mắt chứng kiến ngôi mộ cụ Cần nơi được cho là hiện hình của người quá cố đã mất thì ngôi mộ ấy nằm hàng trên cùng và đầu tiên vì cụ Cần là tộc trưởng của dòng họ Đinh Quang ở chi nhánh 2 này. Cụ Đinh Trung Cần sinh được ba người con trai. Đưa tay nhẩm tính theo cách của ông Uẩn thì kể từ khi cụ Cần mất đến nay cũng đã được ngót ngét trên dưới 200 năm. 200 năm, đấy cũng là quãng thời gian với bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Bởi vậy, nhiều thay đổi khiến con người ta không thể biết hay kiểm soát được hết những gì đã và đang diễn ra.
Chúng tôi quyết định đi tìm lời giải, theo như lời ông Uẩn nói thì trong ngôi mộ mang tên Đinh Trung Cần là không có hài cốt. Ngày đó, ngôi mộ của cụ Cần cũng được chôn cất đàng hoàng tử tế nơi phía dưới cánh đồng làng. Qua nhiều thế hệ, việc tôn tạo quy tụ mồ mả cũng đươc tiến hành như thông lệ dưới sự thống nhất của toàn họ. Vậy nguyên nhân do đâu? Các bậc cao niên nơi đây giải thích, rằng hiện nhiều ngôi mộ tại các nghĩa trang trên địa bàn xã Yên Quang là không có hài cốt. Nguyên do là từ xưa đến nay xã Yên Quang nằm bên bờ sông Đáy, mỗi khi mùa lũ về nước cuồn cuộn chảy qua thì cả xã ngập chìm trong biển nước. Lý giải về việc nhiều ngôi mộ sau khi cất bốc không tìm được hài cốt là do bị nước lũ cuốn trôi?
Một nguyên nhân nữa là người dân nơi đây cho rằng, do chiến tranh loạn lạc nên người dân sơ tán để lánh nạn. Dân đều bỏ làng ra đi chạy giặc, hết tiếng súng nổ đạn lạc thì cả làng lại kéo nhau về định cư, mưu sinh. Cũng tại bởi chiến tranh, đến người sống có khi còn không lo bảo toàn được tính mạng mình bất cứ lúc nào thì nói gì đến chuyện lo mồ mả cho những người đã khuất. Đấy cũng có thể chính là một trong những căn nguyên khiến ngôi mộ của cụ Cần bị mất hài cốt.
Chụp ảnh “cõi âm”
Vẫn câu chuyện ông Uẩn kể, sau khi thấy hiện tượng kỳ lạ trên thì ngay lập tức ông Đinh Quang Hùng là một bậc cao niên, đồng thời cũng là người nằm trong ban bệ điều hành trông coi việc tu bổ, tôn tạo lại nghĩa trang của dòng họ mình liền tức tốc đi gọi thợ chụp ảnh. Trước khi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện có một không hai này, ông Hùng cũng không quên cẩn thận lấy bút giấy ra ghi lại số Chứng minh nhân dân và giấy giới thiệu của chúng tôi. Bởi ông cho rằng, hiện tượng xảy ra trên bia mộ của cụ Cần trong dòng họ Đinh Quang nhà ông là độc nhất vô nhị ở vùng đất này. Ông Hùng cứ phân vân rằng, không biết đó có phải là một điềm lành hay ẩn ý đằng sau đó là một điều gì mà chẳng ai có thể đoán trước được. Khi nghe chúng tôi nói muốn xin một ít thông tin để viết báo thì người đàn ông này lại càng đề phòng và lảng tránh.
Theo như ý kiến của riêng cá nhân ông thì việc cung cấp những thông tin để cho báo chí viết bài thì ông luôn sẵn sàng, thế nhưng có điều ông hơi băn khoăn và do dự vì sợ một khi bài báo của chúng tôi đăng, sau đó lỡ may trong dòng họ xảy ra những chuyện không hay thì sẽ làm liên lụy đến ông. Cũng giống như nhiều người có mặt ngày hôm đó, ông Hùng cũng được chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối. 5 phút trôi qua, hình người quá cố trên tấm bia mộ bằng đá mờ dần đi.
Lúc đó như có một ai mách bảo, ông Hùng liền lấy một nén hương thắp lên và khấn lạy. Thế rồi hình ảnh ấy lại hiện ra rõ dần như lúc ban đầu. Ông Hùng bảo, sau khi tôi khấn, cụ Cần lại hiện về. Thấy cụ hiện lại trong khoảng thời gian rất lâu nên mấy người có mặt hôm đó còn chụp ảnh, quay phim bằng những chiếc điện thoại di động sẵn có. Riêng ông Hùng khi đó tức tốc chạy xe máy một quãng đường chừng 2 cây số tìm đến nhà anh Tân, chị Huệ ở xóm 3 để nhờ đến chụp ảnh. Người ghi lại hình ảnh đó chính là chị Nguyễn Thị Huệ, vợ anh Tân.
Chúng tôi ngược đường từ khu nghĩa trang của dòng họ Đinh Quang để tìm đến gặp người phụ nữ có duyên bấm máy “người âm”. Ra đón khách lạ, chị Huệ có phần e dè và ngại ngùng. Những người hàng xóm xung quanh bảo chị Huệ là người vui tính, hiền lành lại dễ bắt chuyện, vậy mà không hiểu sao hôm nay trông bộ dạng và tinh thần chị có vẻ không được ổn định cho lắm. Từ lúc chị tự tay mình bấm máy chụp lại hình “người âm” đến giờ chị không rời khỏi nhà nửa bước. Không phải là chị sợ nhưng có điều gì đó khiến chị phải suy nghĩ.
Ông Đinh Quang Uẩn nói chuyện tấm ảnh "người âm" với thợ ảnh Nguyễn Quang Tân
Chia sẻ câu chuyện chụp ảnh “người âm” với chúng tôi, đến bây giờ chị cũng không thể lý giải được rằng bình thường mình cắt tiết một con gà cũng không xong nhưng không hiểu sao khi đó lại giơ chiếc máy ảnh về phía ngôi mộ có hình hài “người âm” mà chụp lia lịa. Chị Huệ kể lại, khi đó mới khoảng tầm 8h30, chị ở nhà đang trông đứa cháu nội thì thấy ông Hùng lao xồng xộc chiếc xe máy vào sân. Ông gọi nhà tôi (ông Tân – PV ), nhưng không có ở nhà. Ông Hùng bảo chị, nhanh lên mang theo máy ảnh giúp ông một chút, có chuyện cực kỳ quan trọng. Là người cùng xã nên chị Huệ cũng chẳng do dự hay hỏi han kỹ càng. Vội gửi đứa cháu cho nhà hàng xóm, chị Huệ mang theo máy ảnh đi cùng ông Hùng ra khu nghĩa trang phía cánh đồng. Ra đến nơi chính mắt chị Huệ cũng chứng kiến cảnh “người âm” hiện về. Nhanh tay lấy chiếc máy ảnh trong túi ra nhưng vì bất cẩn nên tay chị bị đứt tứa máu.
Chị Huệ tâm sự: “Tôi cũng không hiểu sao khi đó không nghĩ ngợi gì nữa. Mặc cho máu ở tay chảy nhưng vẫn cứ chụp. Chụp xong được một lúc thì hình ảnh trên bia đá mờ dần rồi mất”. Sau khi chụp xong ảnh, theo yêu cầu của những người trong dòng họ Đinh Quang nên anh Tân là chồng chị Huệ đã rửa 64 tấm ảnh có hình “người âm”.
Chúng tôi được tận mắt chứng kiến tấm ảnh mà chị Huệ chụp. Đúng như những gì mà nhiều người chứng kiến thì trên bia đá của ngôi mộ cụ Đinh Trung Cần có hiện một hình ảnh có đầu, mắt, mũi và tai. Chúng tôi ngỏ ý muốn xin dòng họ một bức ảnh đã được rửa ra để làm chứng cứ tư liệu phục vụ cho bài viết nhưng ông Đinh Quang Hùng từ chối khéo với lý do “đây là vấn đề mang tính tâm linh, những người trong dòng họ Đinh Quang rất muốn có ngành chức năng đến để nghiên cứu rồi đưa ra kết luận.
Ý kiến chuyên gia Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải – Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, cho biết: hiện tượng người âm hiện hình đã được nghiên cứu và khẳng định là có thật trong đời sống hằng ngày, trung tâm đã gặp rất nhiều, đã có những tấm ảnh, bút tích về người âm do các gia đình chụp lại được. Tuy nhiên hiện tượng này không phải xảy ra thường xuyên. Người âm hiện về là biểu hiện dưới các dạng năng lượng.Đồng nghĩa với ý kiến của ông Hải, ông Trần Văn Lưu một nhà ngoại cảm cũng khẳng định hiện tượng người âm hiện về trên bia mộ là có thật. Chính ông Lưu đã từng hướng dẫn cho một số gia đình sửa mộ theo cách của mình để gặp được người quá cố và tự tay ông Lưu chụp được những bức ảnh về người âm. Theo ông Lưu, gần đây ở Thái Bình cũng có một hiện tượng tương tự như ở dòng họ Đinh Quang ở Nam Định. Người âm hiện về cũng có đầy đủ mắt, mũi, tai nhưng không được rõ nét. |
Theo Hà Long - NLM