;
Với bốn câu kệ thường được vang lên trong mỗi mùa Phật đản, những người con Phật trên khắm năm châu ngày càng hiểu thêm giá trị và ý nghĩa tích cực sự ra đời của đức Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật. Bốn câu kệ ấy được chư thiên các cõi trời, người và chúng sanh cất lên theo suốt chiều dài lịch sử của bánh xe pháp lăn đi một cách an lành và vi diệu. Đó là những thanh âm mang giá trị ngàn đời, làm nguồn cảm hứng của biết bao thế hệ văn thơ nhạc họa đó đây; những Bồ tát Diệu Âm tuyệt luân, những Càn Thát Bà điêu luyện mang cả chí nguyện vào đời ca ngợi và tán dương sự kiện có một không hai này ở thế gian.
Vui thay Phật ra đời
Vui thay giáo pháp được vang
Vui thay tăng già hòa hợp
Vui thay tứ chúng đồng tu.
Nhạc sĩ Giác Anh Kiệt
Nương thừa vào những phước duyên đó, nhạc sĩ Giác Anh Kiệt (Trần Đức Tâm) đã dành hết tâm nguyện của mình nhiều ngày tháng qua, gởi gắm vào từng nốt nhạc thanh thoát, cho ra đời tác phẩm, lấy ngay câu đầu bốn lời kệ trên đặt tên cho bài hát “Vui Thay Phật Ra Đời – Happy Vesak or Happy Buddha’s”.
Người viết hân hạnh được trực tiếp nghe vị nhạc sĩ giáo viên dạy nhạc này đàn và hát cho nghe tác phẩm bằng một tấm chân thành và mộc mạc. Nghe anh hát tôi liên tưởng đến nhiểu chuyện không hay trong thời gian qua của cánh văn nghệ Phật giáo, nếu không có những chuyện đó thì thời gian qua có biết bao nhiêu những tác phẩm hay như thế này được đến với công chúng Phật tử thật sự bằng chính tài năng cũng như tâm huyết của chính mình. Qua tác phẩm này, nhạc sĩ Giác Anh Kiệt đã giúp cho chúng ta lấy lại sự thăng bằng để hòa nhịp vào từng dòng nhạc và lời ca của chính kinh Pháp Cú mà mỗi người Phật tử, ngay từ tấm bé đã sớm thuộc nằm lòng.
Là một giáo viên dạy nhạc, Giác Anh Kiệt không khó khăn thể hiện những gì tinh túy nhất dành cho tác phẩm tôn vinh sự ra đời của Đức Phật. Do đó từng lời ca song ngữ Việt – Anh của tác phẩm không làm người nghe bối rối như không ít bài hát cùng thễ loại đã sớm chết yểu do bôc lộ tư tưởng mua danh và sao chép quá lộ liễu.
Không biết có phải vô tình hay không mà bài hát “Vui Thay Phật Ra Đời” của Giác Anh Kiệt có đúng ba mươi hai khung nhạc và bảy dòng nhạc tròn vạnh! Đó là ba mươi hai tướng hảo của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và là vị Phật thứ bảy trong “Thất Cổ Phật” thị hiện ở cõi Ta Bà này. Nếu đúng như thế thì đây là một nét tinh túy độc đáo của của người làm âm nhạc Phật giáo cần được lưu ý. Khi tôi hỏi điều này với nhạc sĩ Giác Anh Kiệt thì chỉ nhận lại một nụ cười nhẹ nhàng; nhẹ nhàng như chính bài hát của mình mà anh muốn nó được bay nhẹ vào tâm khảm người nghe. Phải rồi! Cái gì nhẹ mới bay bổng được như nhà văn Vĩnh Hảo từng nói.
“Vui Thay Phật Ra Đời” sẽ là một tiếng lòng thanh khiết dâng lên đức Bổn Sư nhân mùa đản sanh Phật lịch 2559 – 2015 của một người nhạc sĩ đứng bên ngoài vòng xoáy của chức vụ và quyền lợi trong chốn trần ai. Nhưng trong anh đã có Phật.