;
Tới tham dự và chứng minh có sự hiện diện của TT. Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Giác Ngộ: TT. Thích Nhật Thiện, Trưởng Ban TS GHPG Q10, Phó trụ trì; TT. Thích Nhật Bình, Phó trụ trì chùa cùng toàn thể chư Tôn đức Tăng đoàn chùa Giác Ngộ, đặc biệt Tăng đoàn chùa Giác Ngộ vui mừng chào đón trên 800 Phật tử đã về đây cùng tham dự buổi lễ này.
Tại lễ Quy y Tam bảo
Trước khi vào buổi lễ Vu Lan thì lễ Quy y cho 177 thiện nam, tín nữ đã đăng ký Quy y nhân mùa Vu Lan báo hiếu. Thời Kinh Người áo trắng là một nghi thức không thể thiếu trong nghi lễ Quy y đó là một bản Kinh mà đức Phật dạy bảo mọi người những điều cốt lõi mà người Phật tử tại gia cần siêng năng thực hành để được an vui, sống đời thanh cao, giữ gìn năm điều đạo đức, tu tập đầy đủ bốn tâm cao thượng.
Sau khi được TT.Thích Nhật Từ truyền giới và các Phật tử đã phát nguyện nương tựa 3 ngôi tâm linh, vâng giữ 5 điều đạo đức. Thượng tọa đã phân tích sâu hơn về 5 điều đạo đức và dặn dò các Phật tử sau khi đã nhận đức Phật làm thầy rồi thì không theo các tôn giáo khác, không thờ thượng đế và các thần linh, bái vật…trong nhà chỉ có bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà cha mẹ, hãy dành nhiều thời gian để đọc kinh sách Phật và ít nhất một tuần cũng phải có một lần đến một ngôi chùa nào thuận tiện nhất để sinh hoạt trau dồi tâm linh và ghi nhớ Bốn trọng ân mà đức Phật đã sáng tác ra đó là: Ân cha mẹ; Ân Tam bảo-Sư trưởng; Ân Quốc gia; Ân đồng loại.
Lễ Vu Lan nghẹn ngào nhớ mẹ, nhớ cha
Lạy mẹ! Lạy cha! Ơn cha, nghĩa mẹ sanh thành muôn kiếp khó đáp đền. Hôm nay về đây, xin cho chúng con được quỳ gối dưới chân cha, chân mẹ, cả đời luôn bao dung tha thứ và độ lượng. Trong sâu thẳm đáy lòng chúng con vẫn nghe ray rứt, xót xa, thương nhớ về cha mẹ không nguôi.
"Hương của các loài hoa không bay ngược chiều gió thổi thì hương của người hiếu hạnh ngược gió khắp tung bay’’ để thể hiện lòng tôn kính với ba ngôi Tam bảo Phật, Pháp, Tăng và thể hiện đức thờ kính trọng của người con Phật nhân mùa Vu Lan báo hiếu, đó là lễ dâng hoa cúng dường của các em nhỏ Phật tử chùa Giác Ngộ.
Sau giây phút dâng hoa là giây phút hơn 800 người con đã lắng lòng nghe Phật tử trẻ Diệu Thiện đại diện cho hàng Phật tử có đôi lời cảm niệm về cha về mẹ: “Tất cả chúng ta cũng đều may mắn và diễm phúc vì có Cha có Mẹ, ta tìm đâu ra bờ vai vững chắc như bờ vai cha và nơi bình yên ấm áp như vòng tay của mẹ”.
Phải! Với bao tất bật lo toan cho cuộc sống mưu sinh mà đã có không biết bao người con đã không có thời gian hay điều kiện để ở bên chăm sóc cho cha mẹ. Cũng vì thế mà đôi khi quên cả mẹ cha, chỉ đến khi bị gục ngã hay bị vùi dập tả tơi, mới chạy về bên cha mẹ và có cả những đứa con ngỗ nghịch đã bao lần làm nước mắt mẹ rơi. Nhưng mùa Vu lan về đã làm cho tất cả chúng con dù ở chân trời góc bể nào cũng nhớ về mẹ cha.
Những phút giây các quí chư Tôn đức Tăng Ni và các Phật tử cài bông hồng trên áo trong lời ca của nhạc phẩm Bông Hồng Cài Áocủa Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ được phóng tác từ tác phẩm cùng tên của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, được thể hiện qua giọng ca ngọt ngào, xúc động của Phật tử Diệu Thanh, trưởng Ban nhạc Diệu âm của chùa Giác Ngộ đã làm cho bao giọt nước mắt đã rơi không chỉ trên đôi mắt con trẻ mà ngay cả trên những đôi mắt của người đã già, già lắm. Thế mới biết, đâu chỉ có con trẻ mới cần có mẹ, có cha!
Mùa Vu Lan cũng là dịp để mọi người con Phật theo truyền thống thiêng liêng cúng dườngTrai Tăng sau ba tháng An cứ Kiết hạ, tỏ lòng thương kính thầy Tổ, đồng thời hồi hướng công đức cho cha, cho mẹ. Phật tử Giác Hải Hạnh đã đại diện cho các Phật tử dâng lên lời tách bạch cúng dường chư Tôn đức Tăng Ni, càng làm cho mọi người thấy rõ được ý thức trách nhiệm của người Phật tử đó là ơn các chư Tôn đức Tăng Ni là một trong ba ơn Tam Bảo.
Nhân dịp này TT. Thích Nhật Từ đã có đôi lời chia sẻ với 4 điều: i) Ơn Mẹ; ii) Ơn cha nghĩa mẹ nói chung; iii) Hiếu thảo; iv) Ý nghĩa trong việc dâng pháp Y. Thượng tọa đã dựa vào bài Kinh Báo ân cha mẹ để nói về ơn Mẹ, Thượng tọa đã nhắc lại để cho tất cả cùng ôn lại quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày của người Mẹ, sự vất vả và hy sinh như thế nào của người mẹ trong quá trình thai giáo. Ơn Cha nghĩa mẹ sinh thành. Thượng tọa cũng nhắc lại ý nghĩa của truyền thống dâng Y đó là biểu tượng của ruộng phước nhân dịp các Tu sĩ thêm một tuổi đạo và cũng là dịp đánh giá lại việc tu, việc học, trao dồi đạo đức, trí tuệ của Tăng và Ni để ngày càng hoàn thiện tư cách, phẩm chất của người Tu sĩ. Đồng thời ý nghĩa dâng Y cũng là dịp các Phật tử cung kính, hiếu thảo và là ruộng phước của người Phật tử tại gia. Trước khi kết thúc buổi lễ, Thượng tọa đã thay mặt cho Tăng đoàn chùa Giác Ngộ kính chúc cho các quí Phật tử có công đức hiếu thảo với Tăng đoàn ngày hôm nay được tăng trưởng phước báu cao quí đó là 5 phước: Phước tướng, phước sức khỏe và tuổi thọ, phước thuận lợi, Phước trí tuệ.
Phần dâng Y và cúng dường của các Phật tử cũng là phần khép lại chương trình lễ Vu Lan Báo Hiếu năm 2016– PL 2560.
Lễ quy y Tam bảo.
Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu 2016