Trong cuộc sống, Bố thí được xem là phương tiện để đối trị tính tham ái, vị kỷ và được thực hành để tránh sự khổ đau. Bố thí cũng chính là để thể hiện lòng từ bi và là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh đến với sự giác ngộ. Bố thí có nhiều cách, và mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Hòa thượng đã chỉ dạy cho các bạn khóa sinh rằng: Với một món quà – dù đó là vật chất hay tinh thần thì khi chúng ta cúng dường Tam Bảo, chúng ta dùng tâm hỷ lạc, tâm trong sạch, không nhiễm ô; khi chúng ta dâng tặng cha mẹ ông bà thì chúng ta phải dùng tâm thành kính; và khi chúng ta tặng bạn bè, những người xung quanh ta thì chúng ta dùng tâm chia sẻ. Bởi: Bố thí là sự cho đi, nhưng thực chất là nhận lại rất nhiều. Chưa hẳn những điều mình làm cho người đã nhiều bằng những gì ta nhận lại từ người. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của sự thí xả và hơn thế nữa là sự yêu thương, kính nể, trân trọng của mọi người. Khi mọi người đã có cảm tình tốt đẹp, ta có thể khuyến hóa họ hướng về nẻo thiện, bỏ ác làm lành… Đấy chính là mục đích và ý nghĩa của Bố thí.
Ái ngữ chính là điều không thể thiếu trong mỗi người chúng ta. Ái ngữ là luôn nói những lời tốt đẹp, nhẹ nhàng và yêu thương:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Một ngày chúng ta chỉ ăn ba bữa, mặc hai hoặc ba bộ quần áo, làm một số công việc nhưng giao tiếp cần dùng đến lời nói thì nhiều vô kể. Lời nói ra thì dễ nhưng lấy lại thì khó. Vì vậy, mỗi người cần phải làm chủ được lời nói của mình. Nói những lời hay, ý đẹp bằng tất cả lòng chân thành tràn đầy yêu thương nhất. Chúng sinh đau khổ vì những lời nói của nhau. Thực hành được "ái ngữ" là đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi người chung quanh, đem nước cam lồ trong bình thanh tịnh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, rưới vào những tâm hồn đang nhiệt não, rót vào tai những người đang đang phiền muộn những âm thanh dịu dàng, êm ái, có công năng chuyển hóa tâm hồn những con người đang khỗ não, thành tâm hồn an vui, tự tại. Chúng ta sẽ nhận lại được tình cảm yêu mến của tất cả mọi người dành cho chúng ta. Bởi khi chúng ta gieo nhân lành “Ái ngữ”, chúng ta sẽ nhận lại được quả vị “an lạc, hạnh phúc” cho bản thân và những người xung quanh.
Vậy còn lợi hành thì sao? Lợi hành là những hành động mang lại lợi ích cho người. Nếu con người có lời nói dễ nghe ngọt ngào, có vẻ từ bi bác ái, nhưng hành động không tốt, lợi- mình-hại-người, thì những lời nói trên chỉ là thứ “năng thuyết bất năng hành” – nói được mà không làm được. Lợi hành là hình vì giúp người đạt được mục đích tốt đẹp mà họ mong muốn, không so tính hơn thua…Lợi hành chính là cách thu phục lòng người nhanh nhất, hữu hiệu nhất.
Cuối cùng là đồng sự. Đồng sự có nghĩa là cùng làm chung việc với người, để giúp đỡ người và cảm hóa người theo lẽ phải. Nếu mỗi chúng ta biết tự đặt mình vào đối tượng, hoàn cảnh sống của người khác, chúng ta sẽ học được cách thấu hiểu, cảm thông, vị tha, độ lượng, nhân từ, cùng sẻ chia những gánh nặng trong cuộc sống của người khác để dẫn dắt họ về với đường thiện…
Tóm lại, tứ nhiếp pháp là một pháp môn rất cụ thể, rất thực tế, rất cần thiết, rất dễ áp dụng, đúng với mọi hoàn cảnh, đúng với mọi nơi, mọi thời, mọi lứa tuổi, mọi trình độ. Đó là nền tảng của các nghiệp lành, nghiệp thiện, giúp con người sống trong chính đạo, dẹp bỏ được tam độc: tham lam, sân hận, si mê. Những người muốn có cuộc sống thực sự an lạc và hạnh phúc hiện đời phải luôn luôn quán tứ nhiếp pháp một các tường tận, sâu sắc và luôn luôn áp dụng tứ nhiếp pháp trong cuộc sống hằng ngày, chắc chắn cuộc đời này sẽ giảm bớt nhiều khổ đau và phiền não.
Bài giảng của Hòa thượng đã mang đến những nụ cười xinh tươi trên gương mặt các bạn trẻ. Các bạn đã hiểu được rằng: Cuộc sống này có rất nhiều điều tốt đẹp. Nó không chỉ là những gam màu xám, mà nó còn là những mảng màu hồng xanh đỏ tươi mới, rạng rỡ. Nếu chúng ta biết trao tặng cho nhau những nụ cười chia sẻ, thân thiện, cánh cửa thế giới của chúng ta sẽ rộng mở, những trái tim con người sẽ gần lại với nhau, biết yêu thương và hòa hợp với nhau, cùng giúp đỡ nhau ngày càng tiến bộ.
Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng trụ trì, các bạn khóa sinh đã cùng nhau sinh hoạt Chúng trong tình Pháp lữ đầy ấm áp bên quý Thầy. Với những bát chè dịu ngọt giữa hè oi ả, các bạn cùng nhau ca hát, chia sẻ, giao lưu thật sôi nổi, hào hứng...
Buổi tối, dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm và chư tôn đức trong Ban tổ chức, các bạn khóa sinh đã cùng tụng Thời kinh Báo hiếu công ơn cha mẹ, lời kinh tiếng kệ âm vang khắp không gian chùa Bằng, tạo nên một không khí hết sức trang nghiêm, thành kính chốn thiền môn.
Chùa Bằng