;
1. Am, cốc, thất có là vấn đề?
Truyền thông Phật giáo, trong không khí của Hội nghị Tăng sự vừa diễn ra ở chùa Bái Đính, Ninh Bình, đã đề cập nhiều đến một vấn đề của Phật giáo Việt Nam: am, cốc, thất.
Thực ra, đây không hẳn là vấn đề, mà là việc phát triển tự nhiên trong hành đạo, tu tập, khi quan niệm rằng mọi hình thức tu tập, hành đạo đều là việc nên ủng hộ.
Xem đây là vấn đề quản lý tăng sự cũng không hẳn đúng, vì chủ nhân của những am, cốc, thất đó có thể là tu sĩ thật, có thể là tín đồ, có thể là tín đồ ăn mặc như tu sĩ nhưng không nhận là tu sĩ, có thể vẫn là tín đồ nhưng nhận là tu sĩ theo quan niệm riêng của họ, và cũng có thể là sư giả, chùa giả, không để tu mà để thu nhận tiền hiến cúng.
Vì vậy, nếu xem đây là vấn đề thì rõ ràng không chỉ là quản lý tăng ni, mà còn là một hình thức tu tập chung của tu sĩ lẫn tín đồ, gồm cả việc chỉ có bên ngoài (nghĩa là không phải tu tập thật).
Qua một số thông tin từ truyền thông Phật giáo, có vẻ như trội lên xu hướng chính thức phủ nhận sự tồn tại của am, cốc, thất tư nhân, coi đây là vấn đề Phật giáo phải giải quyết, phải đi đến hạn chế chấm dứt.
Nhưng trong thực tế am, cốc, thất lại có chiều hướng gia tăng, phát triển, nhất là ở các tỉnh thành Nam Bộ.
Có thấy đâu đó nêu ra con số nhưng chắc chắn không chính xác vì đây là hiện tượng không có tiêu chuẩn để thống kê.
Dựa vào đâu để kết luận là am, cốc, thất. Có thờ Phật? Có người ăn mặc như tu sĩ? Có thời khóa hàng ngày? Kiến trúc sơn màu vàng? Có thờ Phật thì kích thước là từ bao nhiêu? Có phải cần có tượng hay không? Hay thờ hình ảnh Phật cũng là am, cốc, thất?
Cho nên nêu am, cốc, thất lên như một vấn đề, yêu cầu phải giải quyết nó là không thực tế, và duy ý chí, là vi phạm quy luật khách quan và chắc chắn không đem lại kết quả.
Vì trước hết đối tượng không xác định được, thì làm sao đi tới xác định vấn đề? Không có tiêu chí để nhận dạng đối tượng thì vấn đề ở chỗ nào đây mà giải quyết? Thực có vấn đề am, cốc, thất hay không?
Có thể hiểu là am, cốc, thất là một dạng cơ sở thờ tự và tu hành Phật giáo nhưng không phải là chùa? Nhưng nó khác nhà riêng ở chỗ nào? Nếu là nhà riêng thờ Phật thì đâu có vấn đề gì. Tính chất để nói đó là cơ sở Phật giáo là gì, đến liều lượng bao nhiêu với những biểu hiện nào tất cả đều không thể làm rõ ràng.
Tiếp theo, am, cốc, thất quả thật tồn tại và có lý do để tồn tại, đó là một hiện thực khách quan, mà đụng chạm vào đó, sẽ rất là chủ quan, duy ý chí.
Thờ tự tư gia với quy mô riêng biệt đã là một hiện tượng phổ biến trong Phật giáo Việt Nam. Xưa kia, nhữn gia đình hào phú, quan lại tín tâm Phật giáo, có lòng thành, có của cải đều có thể dựng chùa riêng trong trang viên, phủ đệ, phục vụ cho việc thờ Phật của riêng cá nhân, gia đình. Nếu việc xây chùa tư thuận lợi về già chủ nhân người trong gia đình có thể tu tập ở đó, cũng có thể mời người xuất gia về tu tập.
Bây giờ, nếu truyền thống đó được tiếp tục, thì có gì là sai, cũng như đã nói ở trên, đến mức nào thì gọi là am, cốc, thất.
Nhà riêng thờ Phật, dù quy mô cỡ nào, vẫn là một hiện thực khách quan, có quá trình lịch sử cần được tôn trọng và không thể tác động tới dù muốn. Vì đó là nhà riêng, tài sản riêng. Khi là tài sản riêng thì làm sao can thiệp vào nếu chủ nhân không tự nguyện. Chùa tư, am, cốc, thất hiện nay là sự tiếp tục truyền thống đã có trong Phật giáo. Do vậy, ở đây có nhiều tầng nấc, phạm tới truyền thống là điều không thể, hơn nữa truyền thống đó ở đây lại còn có sự bảo hộ của luật pháp về sở hữu tài sản.
Bên cạnh đó, chùa tư, am, cốc, thất là một trong những dạng thức hình thành cơ sở thờ tự Phật giáo. Chùa không phải như nhà thờ, được quy hoạch xây dựng quy mô lớn từ Giáo hội Trung ương. Chùa có thể hình thành và phát triển từ một am lá, một cốc tranh. Thuở nhỏ đi chùa Ấn Quang, tôi vẫn thường nghe kể nơi đây khởi đầu chỉ là một am nhỏ thờ Phật mái lá. Con đường hình thành chùa chiền như thế cũng là truyền thống trong Phật giáo. Đụng chạm đến chỗ này cũng là đụng chạm đến truyền thống. Đến nay đó vẫn là một truyền thống nên tiếp nối. Làm trở ngại truyền thống đó là làm trở ngại con đường phát triển của Phật giáo.
Cơ sở lợi ích của Phật giáo gắn kết với các cơ sở lịch sử, cơ sở sở hữu tư nhân phù hợp với luật pháp tạo thành nền tảng chắc chắn cho sự tồn tại am, cốc, thất.
Xu hướng phát triển am, cốc, thất thời gian gần đây cũng cho thấy đây là xu hướng phù hợp với nguyện vọng của tăng ni Phật tử và có thuận lợi vì đúng nguyện vọng và thuận lợi nên nhiều người mới lựa chọn phương cách.
Trong những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, khi việc thành lập cơ sở thờ tự tôn giáo rất khó khăn, thì am, cốc, thất đã là hướng lựa chọn của tăng ni Phật tử. Đến nay, trong hoàn cảnh rộng rãi, cởi mở, thì việc am, cốc, thất trở thành một xu hướng được lựa chọn cũng là một điều tự nhiên, hợp lô gich khách quan. Xu hướng khách quan này trong nhu cầu tu tập, hành đạo là không thể đảo ngược được.
Ngoài ra, am, cốc, thất cần được xem xét trong bối cảnh các hội thánh tôn giáo tư gia đang phát triển mạnh. Hiện nay, ở các khu dân cư cao cấp, đặc biệt là nơi nhiều người nước ngoài cư trú, thì bề ngoài tuy nơi đó có thể không có một cơ sở tôn giáo nào, nhưng thật ra có rất nhiều hội thánh tư gia, còn gọi là điểm nhóm. Còn hơn cả am, cốc, thất, những điểm nhóm này có tính chất công cộng rất cao, là một dạng đơn vị giáo hội bỏ túi. Trong khi đó, ở am, cốc, thất, tính chất riêng tư lại là yếu tố chủ đạo. Nếu Phật giáo tự hạn chế am, cốc, thất trong bối cảnh tôn giáo khác phát triển hội thánh tư gia, thì khác nào Phật giáo tự cải đạo mình?
2. Làm thế nào đối với am, cốc, thất?
Phần trên là nội dung khái quát về am, cốc, thất, với các cơ sở tồn tại và phát triển của am, cốc, thất. Tiếp theo đây chúng ta đi vào cụ thể những khó khăn nếu muốn giới hạn am, cốc, thất.
Có lẽ điều mà báo cáo Phật giáo hiện nay đang làm là chứng minh sự đúng đắn của quan điểm cần giới hạn đi tới chấm dứt am, cốc, thất. Nhưng ngay ở giai đoạn này các mâu thuẫn đã bộc lộ rõ nét.
Quan điểm giới hạn am, cốc, thất chẳng những mâu thuẫn với lịch sử, với truyền thống mà còn mâu thuẫn với hoàn cảnh, với thực tế khách quan, với luật pháp về quyền tư hữu… Đó là những trở ngại không thể vượt qua.
Đi vào cụ thể thì thế nào là am, thế nào là cốc, thế nào là thất? Hay ba cái đều là một dưới nhiều tên gọi? Rồi căn cứ vào đâu để xác định một ngôi nhà thờ Phật là am? Hay là cốc? Là thất. Chứng minh đó là một ngôi chùa tư không phải dễ nhưng ngược lại, chủ nhân của kiến trúc đó có thể dễ dàng chứng minh đó là một ngôi nhà riêng thờ Phật bằng giấy nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hay các giấy tờ về quyền sở hữu khác. Người muốn chứng minh là nhà riêng thờ Phật thì có căn cứ pháp luật về nhà riêng, còn phía muốn chứng minh là am, cốc, thất tức chùa tư thì lấy căn cứ ở đâu?
Vấn đề ở đây rất tế nhị. Nếu không khéo léo thì vi phạm pháp luật chứ chẳng phải dễ.
Thực tế, người có giấy nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không muốn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của mình vướng vào yếu tố tôn giáo, yếu tố tất nhiên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự giao dịch nếu có về sau.
Theo lệ thường, chủ nhân am, cốc, thất sẽ trở thành trụ trì hay trưởng ban hộ tự nếu am, cốc, thất trở thành chùa. Nhưng về nguyên tắc, một trụ trì khác một ban hộ tự khác vẫn có thể được bổ nhiệm vì đó là thẩm quyền của cơ quan có chức năng. Rắc rối đó không sở hữu chủ bất động sản nào muốn cả, vì vậy, họ có thể coi lợi ích riêng là hơn, kiên trì xác định tài sản của họ là nhà riêng thờ Phật, dù có chính điện, có tượng Phật to hơn không ít ngôi chùa.
Trong nhà riêng, nếu thờ phượng kiểu nào thì cũng không thể dễ dàng nói đó là am, cốc, thất của Phật giáo được.
Câu chuyện đến đây là bế tắc. Nhà tư nhân thờ Phật vẫn là nhà riêng tư nhân, làm sao nói là am, cốc, thất để mà giới hạn.
Địa phương nào xác định không phát sinh “vấn đề” am, cốc, thất thì vẫn đúng, vì không dễ mà nói nhà riêng của tư nhân là am, cốc, thất. Còn địa phương nào xác định có am, cốc, thất thì cũng kẹt, vì nếu chủ nhà vẫn khẳng định nhà của họ là nhà riêng có thờ Phật và có giấy tờ sở hữu tư nhân hợp pháp. Khi đó thì làm gì?
Là Phật tử, tôi mong muốn tất cả những cơ sở thờ tự đều trở thành chùa, tăng ni đều tu trong chùa, nơi đã thờ Phật thì thờ vĩnh viễn, nhưng câu chuyện nhà riêng thờ Phật khó có thể nói là am, cốc, thất. Rõ ràng là một thực tế khách quan cần phải tôn trọng và không thể làm khác hơn sự tôn trọng nếu tuân thủ đúng pháp luật.
Vì vậy, quan niệm của tôi là mọi hình thức tu tập, hành đạo theo đúng chánh pháp, đúng tinh thần Phật giáo đều nên ủng hộ. Càng cần ủng hộ hơn nữa nếu đó là truyền thống lịch sử và đã khẳng định lợi ích cho Phật giáo Việt Nam. Thay vì phủ nhận am, cốc, thất, phủ nhận nó, tìm cách hạn chế nó, thì nên chấp nhận mọi hình thức tu tập, tạo môi trường hoàn cảnh tu tập cho số đông, trong đó có dạng am, cốc, thất, để vừa tuân thủ pháp luật, vừa đem lợi ích cho Phật giáo Việt Nam.
MT
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.