;
Xá lợi Đức Phật được tôn trí ở điện Tam Thế chùa Tam Chúc
Thật là hoành tráng, thật là trang nghiêm trong việc cung thỉnh xá lợi Phật mỗi lúc một tuyệt diệu, vì công đức và oai thần của Đức Phật không thể nghĩ bàn, mà cũng vì người dân Việt Nam có đủ duyên lành thù thắng để được cung thỉnh xá lợi Phật trong niềm hân trân trọng trong không khí tưng bừng và hạnh phúc của đông đảo tứ chúng và người dân, và sau đó có được duyên lành chiêm bái. Lễ cung rước trang nghiêm kỳ đặc này thật sự gây xúc động rất nhiều người (trong đó có Tâm Tịnh), và sự việc này có thể làm rúng động cả thiên long bát bộ.
Sự cung rước xá lợi Phật trong không khí hoan hỷ đầy đạo vị, pháp vị như thể mọi người nhất tâm hướng về Đức Phật, bậc toàn thiện, bậc toàn giác, bậc tuệ tri mọi pháp, bậc thầy của trời người, bậc từ bi lân mẫn đến mọi chúng sanh, khiến gợi nhớ lại sự nghinh đón, cung thỉnh Đức Phật của Vua quan, người dân nước Ma Kiệt Đà và Vua quan và người dân nước Tỳ-xá-ly trong không khí trang nghiêm thù diệu vô cùng, khiến trời Phạm Vương, các cõi trời dục giới cho đến long vương vv đều phải thể hiện lòng thành kính trong việc làm lễ nghinh đón Đức Phật.
Từ trời Phạm Thiên, các cõi trời dục giới đến cõi người như hòa chung vào không khí hoan hỷ trang nghiêm kỳ diệu ấy (Sự thể này được ghi lại trong Tích Truyện Kinh Pháp Cú Sông Hằng dâng nước, Phẩm XXI. Phẩm Tạp Lục, tạng Pali).
Sau đây là đoạn trích liên quan đến lễ cung thỉnh trang nghiêm này từ Tích Truyện Kinh Pháp Cú, XXI Phẩm Tạp Lục. Phần Sông Hằng dâng nước để quý bạn hiền tham khảo:
Vua Tần-bà-sa-la nghe tin Phật nhận lời đến Tỳ-xá-ly, bèn ra lệnh báo tin khắp thành Vương-xá, còn vua đến chỗ Phật, thưa:
- Bạch Thế Tôn, có phải Ngài sắp đi đến Tỳ-xá-ly.
- Ðúng vậy, đại vương!
- Nếu thế, xin hãy đợi con dọn dẹp đường.
Nhà vua ra lệnh dọn con đường dài năm dặm, từ thành Vương-xá đến bờ sông Hằng, mỗi dặm đặt một trạm nghỉ chân. Khi đâu đó xong xuôi, nhà vua báo tin cho Phật biết rằng Ngài có thể lên đường. Ðức Phật ra đi, dắt theo năm trăm vị Tỳ-kheo. Trên mỗi dặm đường, nhà vua ra lệnh trải hoa ngũ sắc ngập đến đầu gối, cờ lọng giăng đầy, hai lọng trắng che trên đức Thế Tôn, còn mỗi vị Tỳ-kheo một lọng trắng. Chung quanh Phật và các Tỳ-kheo, nhà vua tung hoa, rắc hương, mỗi trạm nghỉ đêm nhà vua cúng dường vật thực thật nhiều. Trong năm ngày, nhà vua đưa Phật ra đến bờ sông, trang hoàng một chiếc thuyền lộng lẫy rồi nhắn tin cho dân thành Tỳ-xá-ly:
- Hãy sửa soạn đường sá và cung nghinh đức Thế Tôn.
Dân Tỳ-xá-ly tự nhủ: "Chúng ta sẽ đón tiếp Thế Tôn long trong gấp hai lần vua Tần-bà-sa-la". Vì thế, từ bờ sông Hằng đến Tỳ-xá-ly dài ba dặm, họ dọn đất bằng phẳng dựng cờ lọng dãy cao dãy thấp, dành riêng cho Phật bốn lọng, các Tỳ-kheo mỗi vị hai lọng. Chuẩn bị xong, họ đứng chờ bên này bờ sông.
Vua Tần-bà-sa-la cột hai chiếc thuyền lại với nhau, dựng mái che ở trên, trang hoàng đầy hoa rực rỡ, đặt một chiếc ghế bằng các loại ngọc cho Phật ngồi. Ðức Thế Tôn ngồi vào ghế, chư Tỳ-kheo bước xuống thuyền, ngồi vây quanh đức Phật. Nhà vua đi theo thuyền, lội xuống nước tận đến cổ, và bạch Phật.
- Bạch đức Thế Tôn, con sẽ ở lại bên bờ sông này, đợi Ngài trở về.
Nói xong, vua đẩy thuyền ra giữa dòng và trở vào. Sau khi thuyền bơi được một dặm, Phật đến giang phận thành Tỳ-xá-ly.
Các vua rồng cư trú tại sông Hằng tự nghĩ: "Loài người đã tôn kính Như Lai, tại sao chúng ta không làm như thế?" Bèn hóa hiện những con thuyền bằng vàng, bạc, châu báu, trên ấy đặt ghế trân bảo, mặt nước trải đầy hoa sen ngũ sắc. Các vua rồng thỉnh Phật lên thuyền:
- Bạch Thế Tôn, xin hãy ban phước cho chúng con.
Lúc ấy, chư thiên từ cõi trời Dục đến cõi trời Phạm bảo nhau:
- Người và rồng đã tôn kính Như Lai, tại sao chúng ta không làm như thế?
Và họ cùng tôn vinh Phật. Các long vương dựng những cây lọng này kế tiếp cây lọng kia, cao một dặm và bên dưới, các long vương khác cũng làm như thế. Các loài chư thiên ở trên cây, trong rừng, trên núi, trên trời, từ thế giới rồng đến cõi trời Phạm, tụ họp thành vòng tròn, mỗi vị tay cầm lọng, giữa lọng là cờ, giữa cờ là phướn, tung hương rải hoa, rưới nước thơm. Các thiên nam trang sức lộng lẫy như ngày hội, bay lượn trên không, ca ngợi vang rền (Theo truyền thống, có ba cuộc đại hội như thế: một vào dịp Phật hoá hiện thần thông song hành, một vào dịp Ngài từ cung trời xuống, và một vào dịp sông Hằng dâng nước). Bên bờ sông phía thành Vương-xá, vua Tần-bà-sa-la đã chuẩn bị phẩn vật gấp đôi số phẩm vật của các hoàng tử Licchavi và đứng đợi đức Phật.
Khi đức Phật nhìn thấy các phẩm vật long trọng của các vị vua hai bờ sông Hằng, nhìn thấu tư tưởng của chư thiên, long vương, Ngài bèn hóa thiện một hóa Phật và năm trăm Tỳ-kheo cho mỗi chiếc thuyền. Cũng y như thế, một vị hóa Phật ngồi dưới mỗi cây lọng trắng, một vị ngồi dưới mỗi cội cây như ý, một vị ngồi dưới mỗi vòng hoa báu, vây quanh là vô số rồng thần. Giữa các chư thiên cõi người và cõi trời, cũng có một vị hoá Phật và đồ chúng. Như là một dịp lễ hội của toàn cõi thế giới, và để tỏ lòng chiếu cố loài rồng, trên mỗi chiếc thuyền bằng châu báu của loài rồng có một vị hóa Phật ngồi, và để chiếu cố chúng Tăng, trên mỗi thuyền châu báu đều có hóa Phật ngồi.
Long vương đưa Phật và chúng Tăng xuống long cung, nghe Phật giảng pháp suốt đêm; ngày sau cúng dường Phật và Tăng chúng những thức ăn thượng vị loại cứng, loại mềm. Sau khi hồi hướng phước báo cho vua rồng, đức Phật rời long cung, cùng đoàn thuyền năm trăm chiếc bơi ngang sông Hằng, trong sự cung nghinh của chư thiên trời Ðế Thích. Vua Tần-bà-sa-la đến đón Phật, thỉnh Ngài rời thuyền, cúng dường, tiếp đón Phật long trọng gấp đôi các ông hoàng Licchavi, và đưa Phật về thành Vương-xá.
Hôm sau, các thầy Tỳ-kheo đi dự hội trở về, ngồi bàn tán tại pháp đường:
(Hết trích)
Nguyện đem công đức này
Hướng về chúng sanh khắp pháp giới
Đồng sanh nước Cực Lạc.
Trong tâm từ,
Tâm Tịnh