;
Âm nhạc Phật giáo ở đây đang được nói đến là âm nhạc của cộng đồng và trình diễn, không phải là âm nhạc của nghi lễ. Trước tiên cũng xin được mạn phép minh định như vậy bởi vì chuyện tuy nhỏ nhưng lâu nay có rất nhiểu ngộ nhận và đánh đồng hai thể loại này
với nhau khiến hình thức âm nhạc trình diễn và cộng đồng của Phật giáo chúng ta trở nên nặng nề dưới mắt quần chúng, nhất là với những ai lần đầu tiên tiếp xúc nghe thấy (hay “phát hiện”) Phật giáo cũng có một thể loại âm nhạc như vậy.
Với những ai đã từng sống với không khí rạo rực, hân hoan chào đón các ngày lễ lớn hằng năm của Phật giáo, đặc biệt những anh chị em từng là huynh trưởng, đoàn sinh của Gia đình Phật Tử hay của các tổ chức Sinh viên, Học sinh, Thanh niên, Hướng Đạo Phật giáo từ hơn nữa thế kỷ trước trở lại đây, thì loại hình âm nhạc cộng đồng và trình diễn này không hề xa lạ; đã trở nên thân thương, gắn kết nhiều kỷ niệm khó quên dưới mái chùa. Những bài nhạc rộn rã đầy ắp kỷ niệm cho đến bây giờ chưa thấy xuất hiện trong trào lưu mới và để có một sự so sánh nhằm thấy ra chổ khiếm khuyết của âm nhạc Phật giáo hiện thời. Đó là những bài “Mừng Vu Lan Về” của Trần Nhật Thành, “Hội Vu lan” của Nguyên Từ-Như Vinh, “Múa Vui Vu lan” của Trần Tâm Hòa, “Vòng Hoa Vu lan” của Hoàng cang.Trong lãnh vực nhạc trình diễn ngoài bài “Mục Kiền Liên”của Đỗ Kim Bảng còn có những bài khác cũng rất hay và được anh chị em Gia Đình Phật tử chọn dùng biểu diễn trong các buồi văn nghệ như “Nhớ mẹ Mùa Báo Hiếu’’của Vũ Ngọc Tính, “NHớ Ơn Đại Hiếu Mục Kiền Liên” của Ngọc Lưu-Thiện Hoài, “Hiếu Từ Mục Liên” của Trần Chí Thành, “Nhớ Mẹ” của Minh Kim, “Vọng Vu Lan” cuả Nguyễn Thanh Hoài-Phan Phan…
Sau này, cụ thể từ thập niên 90 thế kỷ trước, khi âm nhạc Phật giáo được tái khơi lối, dòng nhạc hân hoan chào mừng hoàn toàn bị chìm bặt bên dưới nhiều tác phẩm ca ngợi theo lối mòn khuyên nhủ theo kiểu tu mau kẻo trễ, hoặc chung chung nhân quả tội phước. Có nhạc sĩ mát tay chuyên đi phổ thơ cho chắc ăn, nhất là thơ của chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa và Ni trưởng.v v… . Vì vậy nhạc sĩ Chúc Linh lại trở nên một con ong cần mẫn, cô đơn dùng hết nội tại của mình, không ngần ngại tung ra nhiều tác phẩm chào mừng và hành khúc. Điều này hơn ai hết anh chính là một Huiynh Trưởng lớn lên từ trong đại gia đình áo lam Gia Đình Phật Tử. Sẽ không tìm được bài ca chào mừng nào trong hiện tại như “Trăng Tròn Tháng Tư” và một loạt bài hát cùng thể loại này trong chủ đề Phật Đản. Ở chủ đề Vu Lan cũng vậy, nhưng có lẽ quần chúng yêu thích nhất là bài “Tháng Bảy Vu lan” do ca sĩ Thanh Thúy thể hiện. Ngay câu đầu thôi cũng đủ thấy chất đạo của “con nhà nòi” gia đình áo lam ẩn chưa nhiểu đạo tình , thi vị đến thế nào:”Ngày rằm tháng bày Vu Lan, Chim Oanh Vũ bay đến chùa dâng lễ Phật…” . Ai biết chi Oanh Vũ là một trong nhiều tiền thân của đức Bổn Sư Thich Ca rất hiếu đạo và Oanh Vũ còn được đặt cho một đội ngũ tuồi thơ rất đẹp trong màu áo Gia Đình Phật Tử ? Nghe nhạc của nhạc sĩ Chúc Linh không chỉ an tâm về nội dung, cấu trúc tác phẩm mà người thưởng thức còn được nghe cách phối âm, phối nhạc rất nghiêm chỉnh. Từ dòng itro hay bản demo, meroly…đã thấy thoáng nét chăm chút rất công phu để sau đó người nghe được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Đó là nét riêng của vị nhạc sĩ được tiếng khá kỷ lưỡng và khó tính trong việc phổ biến tác phẩm của mình. Nhạc sĩ Chúc Linh còn là vị nhạc sĩ đầu tiên trong nền âm nhạc Phật giáo đã thành công trong nhiều tác phẩm viết theo thể loại sử ca rất thành công. Điển hình là “Phật Hoàng Trần Nhân Tông”.v…v…
Nghe những bài nhạc cũng gọi là Phật giáo trong mỗi mùa Vu Lan thời gian gần đây, rất khó để nhận ra chất liệu Phật giáo chính thống hoặc ít nhất không sai phạm về từ ngữ. Có thể nói ngay rằng, phần lớn những vị có thiện tâm muốn viết về Phật giáo nhưng chưa hoặc còn hạn chế tư duy Phật học, với chúng tôi có hai vế mừng và lo đối lập nhau; mừng là vì ít ra hình ảnh Phật giáo đã được công chúng, nhất là trong bộ phận ca nhạc sĩ trẻ biết đến. Lo là nếu trong tầm phát triển lâu dài, muốn viết về hình ảnh Phật giáo mà thiếu quan tâm đến thực chất chiều sâu của nội dung thì đó sẽ là đại họa.
Nội tại văn hóa Phật giáo không thiếu những tác giả cũng gọi là nhạc sĩ Phật giáo, nhưng tại sao trong và ngoài chuyên nghiệp các tác phẩm ít được chọn sử dụng ca hát? Như đã từng thưa qua trước đây, vấn đề này có hai yếu tố được tham khảo sơ bộ, cho thấy: Phải chăng đội ngũ sang tác âm nhạc Phật giáo chưa đủ tầm để cho ra đời những tác phẩm được phổ biến rộng rãi (Vấn đề này xin lưu ý cho rằng tác phẩm được công chúng chấp nhận và phổ biến rộng rãi do chính sức bật nội lực của tác phẫm đó, chứ không qua bàn tay hay đầu óc thủ thuật, dùng mọi cách để tung hô tác phẩm của chính mình)? Hoặc toàn bộ thành quả âm, nhạc lâu nay của đội ngũ sáng tác Phật giáo không đủ cung ứng cho nhu cầu thưởng thức và biểu diễn? Và kết quả là ở vế thứ nhất !
Chúng ta hãy nghe và nhìn thành tựu của một vài tác phẩm ít ỏi của nhạc sĩ Hàn Châu viết về Phật giáo, tất cả đều nhanh chóng được công chúng đón nhận. Đây là trường hợp cá biệt, hiếm hoi rất đáng mừng, chì có chút luyến tiếc là không phải của chính nội lực Phật giáo. Vị nhạc sĩ này rất ý tứ trong cách chọn câu từ cho nội dung bài hát của mình và bằng kinh nghiệm bao nhiêu năm am tường thị hiếu ca sĩ lẫn người nghe mà vẫn cẩn trọng chọn trích vài câu kinh vào đầu hoặc cuối mỗi bài hát của mình. Trong bài Hot nhất hiện nay“Lạy Phật Quan Âm”, nhạc sĩ đã khéo vận dụng vài câu trong bài Sám Cầu An trong phần bổ khuyết của kinh Phổ Môn (Cầu An)phía sau. Kế đó là bài “Lạy Phật Dược Sư”, nhưng đáng khâm phục nhất là bài kết tiếp cũng thuộc dạng đang được yêu thích nhất hiện nay, đó` là bài “Vu Lan Báo Hiếu”. Ngay bốn câu đầu vị nhạc sĩ nhiều kinh nghiệm này cũng đã trích lời kinh Vu Lan rất nghe rất thuận tai.(Bài nhạc này hiện nay trên mạng chỉ nghe được qua giọng hát ca sĩ Lê Hoàng Nhi).
Còn lại, hãy thử lên mạng mở nghe các bài nhạc này xem, chúng ta sẽ dễ dàng thấy nội dung dàn trải hầu hết là tâm trạng cần khẩn, van xin. Bên cạnh đó còn là những câu từ không thích hợp như “Lạy Mẹ Quan Âm xin cứu vớt linh hồn con…”. Nghiêm trọng hơn có thể loại ca cổ đuợc quần chúng post lên mạng bởi những “soạn giả” tài tử nửa vời viết lời tùy tiện. Thí dụ khi nói về gương hiếu hạnh của tôn giả Mục Kiền Liên, có nội dung hết sức ngớ ngẩn “sau khi tu hành, rèn luyện công phu đắc thành chánh quả, Mục Liên vội chạy về nhà báo tin mừng cho mẹ thì hay tin mẹ đã qua đời…”. Chúng tôi có một người bạn, cũng thuộc loại tài tử nửa vời, ham ca cổ nhưng không chú y đến nội dung. Khi đến hát phục vụ các chùa rất khoái và tự tin ca bài “Bông Hồng Cài Áo, trong đó có câu khẳng định chắc nịch rằng “trong các loài thảo mộc, không có loài hoa nào cao quý hơn là bông hồng…”Hãy thử nghĩ xem sự đối lập ở đâu ra, mặc dù các nơi vẫn tổ chức lễ cài hoa hồng nhân mùa Vu Lan báo hiếu hằng năm. Như vậy phải chăng tác giả bài này chỉ nhìn vào bể nổi của phương tiện phổ cập (hình thức-danh xưng) mới mạnh tay viết ra như thế và người biểu diễn thì cứ phó mặc danh dự của mình cho…tác giả?
Những tác phẩm dạng méo mó này hiện đang là số nhiều trên các phương tiện truyền thông. Mạnh ai nấy sáng tác, mạnh ai nấy ca. Có vị đang có nhiều điều kiện trong tay, thuận lợi trong sáng tác và phổ biến tác phẩm của mình một cách nhanh chóng, nhưng sự hanh thông đó đôi khi cũng là nấc thang đưa chúng ta tới bến bờ của đại ngã. Tự mãn, ỷ lại sẽ là chốt chặn cuối cùng trong những bước thang đó. Ở đây không phủ nhận xuất phát ban đầu là từ nhiệt tâm của họ, muốn bày giải nỗi lòng mình trước Phật, Bồ Tát. Tuy nhiên về lâu dài cũng nên có chút đầu tư trong nội dung để tác phẩm được tròn vẹn hơn. Gần gủi các bậc thiện tri thức, học hỏi các vị đi trước và khiêm cung trong hành xử, nhìn trước ngó sau thường xuyên, chúng ta sẽ có được một ít vốn liếng cần thiết trên bườc đường sáng tác nhằm ca ngợi chánh pháp, ca ngợi lòng nhân bản con người bằng ánh sáng đại từ đại bi của chư Phật.
Tóm lại, riêng mùa Vu Lan Báo Hiếu năm nay, ngoài các bài nhạc Vu Lan, Mẹ Cha cũ kỹ trong các tủ chứa có nạm vàng đẹp đẻ của các trang nhà Phật giáo (không rõ có bao nhiêu người thường xuyên mở nghe?), các trang ngoài xã hội dường như cũng đuối hơi, dù là đưa lên các bài cũ. Có lẽ do đã chia sớt quá nhiều cho các Ngày Mẹ (chủ nhật thứ hai tháng 5), Ngày Cha(Thứ ba tháng 6) của nước Hoa Kỳ, Ngày Quốc tế Phụ Nữ đòi quyền bình đẳng với nam công nhân 8-3, và ngày Phụ Nữ Việt nam (20/10) hằng năm. Đây là điều theo chúng tôi là rất lạ so với nhiều năm trước. Chỉ có các bầu sô, cai đầu dài, chuyên nhận tổ chức các buổi trình diễn ở chùa là làm ăn tất bật, không kịp nghỉ xả hơi, là được lợi và hân hoan nhiều nhất.
Tất cả cho ngày Vu Lan Báo Hiếu.