;
Trèo lên đèo Cả
Trông sang Vạn Giã,
Ngó lại Tu Bông…
Tu Bông đã nổi tiếng từ xưa đến nay là nơi nhiều gió, nên ca dao Khánh Hòa có câu “Mưa Đồng Cọ, gió Tu Hoa (Tu Bông)” và đặc biệt Tu Bông còn có một nét đẹp văn hóa của lịch sử truyền thừa Phật giáo, đất địa linh, nhân kiệt nơi Bồ Tát Quảng Đức hiện thân, xuất gia và hành đạo…
1. Bối cảnh lịch sử
Huyện Vạn Ninh nằm ở phía Bắc tỉnh Khánh Hoà, phía Nam dãy Đèo Cả - Vọng Phu. Phía Bắc và phía Tây Vạn Ninh giáp các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Sông Hinh của tỉnh Phú Yên; phía Nam giáp thị xã Ninh Hòa, phía Đông giáp biển.
Vạn Ninh có Mũi Đôi - nơi đón bình minh sớm nhất Việt Nam! Mũi Đôi thuộc bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa là điểm cực Đông trên đất liền của Việt Nam. Nơi đón ánh Mặt Trời đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam (Đông Dương & cả Đông Nam Á lục địa). Năm 2005, nơi này đã được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch công nhận là di tích quốc gia.
Huyện Vạn Ninh thời phong kiến, trước kia là huyện Quảng Phước thuộc phủ Thái Khang, được thành lập năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), đến năm 1690, phủ Thái Khang đổi thành phủ Bình Khang gồm 2 huyện Quảng Phước và Tân Định. Năm Gia Long thứ hai (1803) phủ Bình Khang đổi thành phủ Bình Hòa.
Năm Minh Mạng thứ mười hai (1831), phủ Bình Hòa lại đổi thành phủ Ninh Hòa, gồm các tổng: Phước Tường Ngoại, Phước Tường Nội, Phước Thiện, Phước Hà Nội, Phước Hà Ngoại, Phước Khiêm.
Sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, đã mở đường quốc lộ 21, nối liền Buôn Ma Thuột với huyện Tân Định và cảng Hòn Khói. Pháp lại đổi tên huyện Tân Định thành phủ Ninh Hòa, cắt ba tổng của huyện Quảng Phước là Phước Khiêm, Phước Hà Nội, Phước Hà Ngoại nhập vào phủ Ninh Hòa (thị xã Ninh Hòa ngày nay). Phủ Ninh Hòa cũ đổi thành huyện Vạn Ninh ngày nay.
Năm 1976, Vạn Ninh và Ninh Hòa hợp nhất thành huyện Khánh Ninh. Ngày 23/10/1978, Chính phủ ra Quyết định số 268-CP thành lập thị trấn Vạn Giã. Năm 1979, Khánh Ninh lại được tách ra làm 2 huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh cho đến ngày nay.
2. Lịch sử hình thành và phát triển chùa cổ Báo Ân
Giữa thế kỷ XX vào lúc phong trào chấn hưng Phật Giáo phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng khu vực duyên hải miền Trung Phật Giáo chưa truyền bá rộng khắp, những vị tăng trẻ được đào tạo tại Thập Tháp (Bình Định) và Phật Học viện Hải Đức (Nha Trang) được phân bổ về khắp nơi làm Phật sự, trong đó có Đại đức Thích Thiện Quang -Tổ Khai sơn chùa Báo Ân.
Chùa Báo Ân tọa lạc tại thôn Hội Khánh, nơi Bồ Tát Quảng Đức hiện than cho nên hiện nay mọi người còn gọi là làng Bồ Tát Quảng Đức.
Chùa do Tổ Chơn Hương - Thiện Quang, đời thứ 40 dòng Lâm Tế Chánh Tông,. Khai sơn vào năm 1841, (năm Duy Tân thứ I), cách nay gần 2 thế kỷ.
Sau 170 năm kiến tạo, mặc dù đã được trùng tu nhiều lần, năm 1986, lần trùng tu gần nhất cảnh chùa còn lại, nhưng đến nay chùa đã bị thời gian bào mòn hư hoại, chưa đáp ứng kịp với tầm của ngôi chùa tại làng Bồ tát sinh ra, chưa có nơi thờ phụng Bồ tát tôn nghiêm xứng tầm với công đức của Ngài, để chư tôn đức Tăng ni và khách thập phương mỗi khi về thăm quê hương Bồ tát có nơi chiêm bái, sinh hoạt, đồng thời đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng tín đồ Phật tử địa phương.
Thắm thoáti thời gian trôi qua, ngôi chùa Báo Ân cũng theo năm tháng tàn phai, chịu chung số phận của quy luật vô thường: thành, trụ, hoại, không. Để đáp ứng với nhu cầu phát triển Phật pháp hiện nay, cho nên ngày 28 tháng 7 năm Tân Mão (tức ngày 27/8/2011), Thượng tọa Thích Giác Hạnh- Đệ ngũ Trụ trì cùng hào lão trong làng và Phật tử đã tổ chức lễ đặt đá đại trùng tu chùa Báo Ân đưới sự chứng minh của chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa và Ban Trị sự Phật giáo huyện Vạn Ninh cùng các cấp chính quyền địa phương.
Dự kiến công tác đại trùng tu lần này: - Ngôi chánh điện, Tượng đài Bồ Tát Quảng Đức và Cổng Tam quan.
Ước mong một ngày không xa khi công tác đại trùng tu chùa Báo Ân viên thành, phạm vũ huy hoàng, trang nghiêm tú lệ, Báo Ân không chỉ là nơi Phật tử địa phương tu học, hành đạo mà còn là nơi tưởng niệm Bồ Tát Quảng Đức vị Bồ Tát vị pháp hóa thân, địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân Tu Bông, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Nhưng nguyên ước chưa tròn, thi Thượng Tọa Thích Giác Hạnh Uv. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa- Trưởng Ban Kiểm soát BTS GHPGVN huyện Vạn Ninh- Trụ trì chùa Báo Ân – ngôi chùa Di tích của Bồ Tát Thích Quảng Đức đã quảy dép quy Tây. Ôi! “Sinh tử sự đại tấn tốc vô thường”…Phật sự trùng tu chùa Báo Ân đang còn dang dở, thân lại mang trọng bệnh, Thượng Tọa vẫn an tịnh cõi lòng, nhất tâm niệm Phật, trì chú, tỉnh giác và nhẹ nhàng ra đi về cõi vô tung bất diệt vào lúc 10giờ ngày 01-05-2012 (nhằm ngày 11-04 năm Nhâm Thìn) tại Chùa Báo Ân. Trụ thế 55 năm, 32 năm Hạ lạp . Sự ra đi của Thượng Tọa Thích Giác Hạnh đã để lại bao tiếc thương cho Môn đồ đệ tử.
3. Chùa Báo Ân qua các đời truyền thừa:
Sau 175 khai sơn kiến tạo và truyền thừa, chùa Báo Ân đã trải qua 6 đời Trụ trì:
1.- Tổ Khái sơn: HT Thích Thiện Quang
2.- Đệ nhị Trụ trì: HT Thích Thiện Đạo
3.- Đệ tam Trụ trì: Đại đức Thích Hạnh Đức
4.- Đệ tứ Trụ trì: Hòa thượng Thích Đồng Niệm
5.- Đệ ngũ Trụ trì Thượng tọa Thích Giác Hạnh
6.- Từ khi Thượng tọa Thích Giác Hạnh viên tịch đệ tử của Ngài là Đại đức Thích Minh Đoan kế thừa đệ lục trụ trì. Thâỳ Minh Đoan đã tiếp tục sự nghiệp của Bổn sư để lại, chăm chỉ, cần mần, thân thiện như những con ong hút nhụy hoa để rồi nhả ra giọt mật ngọt ngào thơm ngát. Thầy đã hoàn thành công việc Đại trùng tu chùa cổ Báo Ân. Ngày Lễ Khánh thành chùa Báo Ân cũng là ngày Đại đức Thích Minh Đoan nhận Quyết định của BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa bổ nhiệm Trụ trì chùa Báo Ân. Một niềm vui nữa lại đến với Đại đức Trụ trì chùa Báo Ân, Đại hội đã tín nhiệm suy cử Đại đức Thích Minh Đoan thành viên BTS GHPGVN huyện Vạn Ninh nhiệm kỳ 2016-2021.
Báo Ân tự, ngày nay phạm vũ huy hoàng trang nghiêm tú lệ xứng tầm với ngôi chùa cổ trên quê hương Bồ Tát Thích Quảng Đức.
Thật đúng là:
Mái chùa che chỏ hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông
Trí Bửu – Tháng 12.2016