;
HỎI:
Tìm hiểu về “tuyên ngôn” Phật Đản sanh, chúng tôi thấy đồng nhất nơi hai câu đầu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Tuy nhiên, còn hai câu sau của bài kệ này thì mỗi người dẫn một khác, đơn cử như: “Ngã tùng kim nhật, sanh phần dĩ tận” hay “Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ”. Xin cho biết câu nào thực sự chính xác nhất.
ĐÁP:
Nói về bài kệ Đản sanh, tức “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, vô lượng sanh tử, ư kim tận hỉ” có khá nhiều chi tiết cần phải bàn, vì các tư liệu ghi chép lại không đồng nhất.
Ngày nay, tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, mặc nhiên được xem là Phật ngôn phổ biến, thông dụng nhất. Thực tế cho thấy, khi nói về “tuyên ngôn” Phật Đản sanh hay trên các lễ đài Phật đản đều dùng “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.
Thế nhưng, tra cứu kinh tạng, chúng tôi thấy hầu hết trong các kinh điển Hán tạng rất ít (hoặc không) dùng “duy ngã độc tôn” mà chủ yếu là “duy ngã vi tôn”. Đơn cử như: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn” (Đại Chính, Trường A Hàm I); “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn” (Đại Chính, Kinh Tu Hành Bản Khởi, q1); “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn” (Đại Chính, Kinh Thái Tử Thuỵ Ứng Bản Khởi, q1); “Thiên thượng thiên hạ, tôn vô quá ngã giả” (Đại Chính, Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi) v.v…
Cũng trong Đại Chính, “Duy ngã độc tôn” lại được tìm thấy trong Sử truyện như Phật Tổ Thống Kỷ (q34), Đại Đường Tây Vực Ký (q6) và Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải (q22)…
Ngay cả Phật Quang Đại Từ Điển, mục “Duy ngã độc tôn” cho rằng được dẫn trong Kinh Trường A Hàm, nhưng thực tế kinh này chủ yếu nói “duy ngã vi tôn”. Đành rằng “duy ngã độc tôn” và “duy ngã vi tôn” về ý nghĩa không mấy khác nhau, song cụm từ “duy ngã độc tôn” mà chúng ta dùng phổ biến hiện nay có thể ảnh hưởng từ tinh thần của Sử truyện như đã dẫn.
Hai câu kệ đầu đã có đôi chút khác biệt, hai câu kệ kế tiếp lại càng dị biệt khi đối chiếu giữa các kinh văn. Theo Đại Chính, “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, tam giới giai khổ, hà giả hà lạc” (Kinh Thái Tử Thuỵ Ứng Bản Khởi, q1); “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử” (Trường A Hàm I); “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, tam giới giai khổ, ngô đương an chi” (Kinh Tu Hành Bản Khởi, q1); “Thiên thượng thiên hạ, vi thiên nhân tôn, đoạn sanh tử khổ, tam giới vô thượng…” (Kinh Phổ Diệu); “ Ngã ư nhất thiết nhân thiên chi trung tối tôn tối thắng. Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ” (Kinh Quá Khứ Hiện Tại Nhân Quả, q1); “Thế gian chi trung, ngã vi tối thượng, ngã tùng kim nhật, sanh phần dĩ tận” ( Kinh Phật Bản Hạnh Tập, q8) v.v và v.v…
Như vậy, hai câu cuối của bài kệ Đản sanh có vô vàn sự khác biệt về văn tự, nội dung và ý nghĩa. Sự phong phú này (như đã dẫn) nhằm tôn vinh, ca ngợi sự hy hữu, thù thắng của sự kiện Phật Đản sanh.
Do đó, khi trích dẫn bài kệ Đản sanh, theo chúng tôi, tuỳ theo mỗi kinh văn mà chúng ta có một bài kệ khác nhau, bài kệ nào cũng đúng cả (nếu trích dẫn chính xác). Ngoài ra không có một bài kệ nào thuộc loại “chính xác nhất” như các bạn đã nêu.