;
Vào năm Cảnh Trị thứ 3 đời Lê Huyền Tông (năm Ất Tỵ, đời chúa Nguyễn Phúc Tần 1665) Thiền sư Siêu Bạch – Thọ Tông đã theo tàu buôn sang An Nam truyền bá Phật pháp và sư là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Trung Việt đầu tiên.
Tông Lâm Tế được phát triển nhanh chóng và ngày càng hưng thịnh tại Việt Nam nhờ sự góp sức của các vị Thiền sư Viên Văn – Chuyết Chuyết (1590-1644), Minh Châu – Hương Hải (1628-1715), Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746), Thiệt Diệu – Liễu Quán (1667-1741),…
Trong đó, ngài Thiệt Diệu Liễu Quán lập chùa Bảo Tịnh tại Phú Yên và xuất kệ truyền thừa lập tông môn phái Liễu Quán; Ngài Minh Hải – Pháp Bảo lập chùa Chúc Thánh tại Hội An Quảng Nam và cũng xuất kệ truyền thừa tông Lâm Tế Chúc Thánh.
Sau khi xuất kệ truyền thừa và tiếp tăng độ chúng thì dòng Chúc Thánh đã được các hàng đệ tử truyền bá khắp nơi trong các tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định.
Vậy dòng Chúc Thánh được phát triển ở các nơi khác, đặc biệt là tỉnh Bình Định thì có sự khác biệt như thế nào với dòng Chúc Thánh tại Quảng Nam nơi tổ Minh Hải –Pháp bảo khai sáng.
NỘI DUNG
1. Khái quát vùng đất Bình Định
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, vùng đất này xưa kia là đất Việt Thường Thị, đời Tần thuộc Tượng quân. Trải qua các đời Hán, Hậu Hán, Tấn và Tùy thì vùng đất này được đánh chiếm và đổi tên theo các đời, cho đến đời Đường thì vùng đất này được đổi thành Chiêm Thành.
Khi đến nước ta vào đời Lê năm Hồng Đức thứ nhất (1470) đánh chiếm Chiêm Thành mở đất đến núi Thạch Bi đặt phủ Hoài Nhân, lệ vào Quảng Nam thừa tuyên, đến năm Nhâm Dần Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế thứ 45 (Lê Hoàng Định thứ 2-1602) đổi phủ Hoài Nhân làm phủ Qui Nhân (Nhơn) vẫn lệ vào dinh Quảng Nam.
Năm Tân Mão, Thái Tông năm thứ 3 (1651) đổi phủ Qui Nhơn làm phủ Qui Ninh. Năm Nhâm Tuất, Thế Tông thứ 4 (1742) lại làm phủ Qui Nhơn.
Chùa Sơn Long xưa. Ảnh: St
Mùa Thu năm Mậu Thân (1788), Thế Tổ Cao Hoàng Đế đánh lấy lại được Gia Định, hàng năm liên tiếp tiến đánh thành Qui Nhơn, nhưng chưa chiếm được. Mùa hè năm Kỉ Mùi (1799) lại tiến quân vây chiếm được thành Qui Nhơn, đổi tên thành Bình Định, đến năm Tự Đức thứ 18 Bình Định gồm 2 phủ: Hoài Nhơn và An Nhân; 5 huyện gồm Bồng Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Viễn và Tuy Phước.
Hiện nay, theo nghị quyết số 1188/NQ-UBTVQH 14 năm 2021 về việc thành lập thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát thì tỉnh Bình Định có 11 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện, được phân chia thành 159 đơn vị hành chính cấp xã gồm 32 phường, 11 thị trấn và 116 xã.
Vốn tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược quan trọng nên Bình Định đã đón nhận sự truyền thừa của các vị Tổ sư Lâm Tế từ Trung Hoa mang giáo pháp hoằng hóa qua như Lâm tế Nguyên Thiều, Lâm tế Liễu Quán và Lâm tế Chúc Thánh.
Cho đến ngày nay, Phật giáo Bình Định đã mang đậm dấu ấn của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh và được phát triển mạnh mẽ, ngoài ra Lâm tế Nguyên Thiều và Liễu Quán cũng được phát triển.
Tổ đình Chúc Thánh, Quảng Nam. Ảnh: St
2. Tổ Minh Hải Pháp Bảo và kệ truyền thừa
Vị Tổ sư đầu tiên mang dòng Thiền Lâm tế vào Trung Việt đầu tiền đó là Thiền sư Siêu Bạch-Thọ Tông, với các vị đệ tử xuất gia cầu pháp nổi tiếng như: Minh Vật-Nhất Tri, Minh Lượng-Thành Đẳng, Minh Hải-Pháp Bảo,… Ngài Minh Hải-Pháp Bảo đã khai sáng dòng Thiền Chúc Thánh tại Quảng Nam và xuất kệ truyền pháp cho dòng Thiền này. Cho đến nay, dòng Thiền này được phát triển khắp các tỉnh miền Trung – Nam, trong đó có tỉnh Bình Định.
Thiền sư Minh Hải-Pháp Bảo (1670-1746), thế danh Lương Thế Ân sinh ngày 28/6/Canh Tuất (1670) năm Khang Hy thứ 8 triều nhà Thanh tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Cha là Lương Đôn Hậu; mẹ là Trần Thục Thuận, Ngài là con thứ 2 trong gia đình 3 anh em.
Năm Mậu Ngọ (1678), vừa tròn 9 tuổi Ngài được gia đình cho xuất gia tại chùa Báo Tư tỉnh Quảng Châu, năm 20 tuổi thì được đăng đàn thọ cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo và nối pháp đời 34 dòng Lâm tế theo bài kệ của ngài Vạn Phong-Thời Ủy (Thiền sư Vạn Phong-Thời Ủy đời thứ 21 Tông Lâm Tế):
祖道界定宗
方廣證圓通
行超明實際
了達悟真空.
Tổ Đạo Giới Định Tông
Phương Quảng Chứng Viên Thông
Hành Siêu Minh Thật Tế
Liễu Đạt Ngộ Chân Không[1].
Theo lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Chu sang An Nam truyền giới vào năm Ất Hợi (1695) Ngài cùng với ngài Minh Vật-Nhất Tri, Minh Hoằng-Tử Dung, Minh Lượng-Thành Đẳng… trong đoàn Hội đồng thập sư cùng Hòa thượng Thạch Liêm đã xuống thuyền tại bến Hoàng Phố và cập bến Hội An vào ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi (1695), đến mùng 1 tháng 4 năm Ất Hợi (1695) giới đàn được mở do ngài Thạch Liêm làm Hòa thượng Đàn đầu.
Sau khi giới đàn viên mãn thì Ngài Thạch Liêm trở vào Hội An để đợi thuyền về nước, đến 24 tháng 6 năm Bính Tý (1696) thì ngài Thạch Liêm cùng phái đoàn trở về Quảng Đông nhưng ngài Minh Hoằng-Tử Dung, Minh Lượng-Thành Đẳng và Minh Hải –Pháp Bảo ở lại An Nam khai sơn hoằng hóa và lần lượt các ngài khai sơn chùa Ấn Tông ở Thuận Hóa (ngài Minh Hoằng), chùa Vạn Đức tại Cẩm Hà, Hội An (ngài Minh Lượng) và chùa Chúc Thánh tại Cẩm Phô, Hội An (ngài Minh Hải).
Gần 50 năm ở An Nam trác tích hoằng hóa, tiếp Tăng độ chúng đến ngày 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746) Ngài gọi đồ chúng dặn dò và đọc kệ phó chúc:
原浮法界空
真如無性相
若了悟如此
眾 生與佛同。
Nguyên phù pháp giới không
Chơn như vô tánh tướng
Nhược liễu ngộ như thử
Chúng sinh dữ Phật đồng[2].
Tạm dịch:
Pháp giới như mây nổi
Chân như không tánh tướng
Nếu hiểu được như vậy
Chúng sinh với Phật đồng.
Khi đọc bài kệ phú chúc xong thì ngài thị tịch, trụ thế 77 tuổi, nhục thân của Ngài được đồ chúng nhập bảo tháp ở phía tây nam tại Tổ đình Chúc Thánh, Hội An, Quảng Nam.
Bên cạnh đó, Ngài đã biệt xuất riêng một bài kệ truyền pháp thành lập nên một dòng Thiền mới cho lịch sử Phật giáo Việt Nam đó là Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh. Bài kệ truyền pháp của Ngài gồm 8 câu, 40 chữ (4 câu đầu dùng đặt pháp danh và 4 câu cuối dùng đặt pháp tự) như sau:
明實法全彰
印真如是同
祝聖壽天久
祈國祚地長
得正律為宗
祖道解行通
覺花菩提壽
充滿人天中.
Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường
Đắc Chánh Luật Vi Tông[3]
Tổ Đạo Giải Hành Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhân Thiên Trung[4] .
Dịch nghĩa:
Hiểu thấu pháp chân thực
Ấn Chân Như hiện tiền
Cầu Thánh quân tuổi thọ
Chúc đất nước vững bền
Giới luật nêu trước tiên
Giải và Hạnh nối liền
Hoa nở cây giác ngộ
Hương thơm lừng nhân thiên[5].
Cho đến nay, Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử đã phát triển khắp các tỉnh miền Trung và miền Nam Việt Nam, không những thế Thiền phái còn được chư vị Hòa thượng hoằng hóa và truyền pháp tại các nước hải ngoại. Nhưng khi nghiên cứu và tìm hiểu về Tổ Minh Hải-Pháp Bảo thì có một số thông tin về năm sinh của Tổ có sự khác nhau như:
+ Theo Lược sử Tổ đình Sơn Long của Cố hòa thượng Thích Đổng Quán thì ghi rằng: Tổ Pháp Bảo đã khai sơn Tổ đình Chúc Thánh tại Hội An, Quảng Nam, Đà Nẵng. Ngài sinh năm Canh Tuất (1610), tịch năm Bính Dần (1686).
+ Tác giả Lê Mạnh Thát trong tác phẩm Một số tư liệu mới về Bồ tát Quảng Đức: “Tổ Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo (1670-1786), người khai sinh ra dòng Thiền Chúc Thánh tại nước ta”[6].
+ Nguyễn Hiền Đức, tác phẩm Lịch sử Phật giáo Đàng Trong lại ghi rằng: “Thiền sư Minh Hải-Pháp Bảo, tự Đắc Tri hay Pháp Hóa tên tục là Lương Thế Vinh, còn có tên là Lê Diệt, sinh năm Canh Tuất (1670), mất ngày 27 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1754) tại chùa Thiên Ấn-Quảng Ngãi”[7].
+ Tác giả Thích Như Tịnh có bài viết đăng trên Tập san Suối Nguồn số 2, Bối chính sử liệu về Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo, Nxb.Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2011 đã có những nghiên cứu khảo sát đính chính, bổ khuyết và đối chiếu tư liệu một số sự kiện như sau: Tổ Minh Hải Pháp Bảo sinh năm 1670 và tịch năm 1746 chứ không phải sinh năm 1610, tịch năm 1686; Tổ Minh Hải Pháp Bảo không phải là người khai sơn Tổ đình Thiên Ấn tại Quảng Ngãi; Nhục thân của tổ Minh Hải Pháp Bảo được nhập bảo tháp tại tổ đình Chúc Thánh, Quảng Nam chứ không phải tại tổ đình Thiên Ấn, Quảng Ngãi[8].
Qua những thông tin trên, có thể giúp cho chúng ta biết chính xác về niên đại Sơ tổ Chúc Thánh và đây là những tư liệu có thể giúp cho những hàng hậu thế khi muốn tìm hiểu hoặc nghiên cứu về Thiền phái Chúc Thánh.
3. Thiền phái Chúc Thánh tại Bình Định
3.1 Các vị Thiền sư đầu tiên của phái Chúc Thánh và biệt kệ truyền pháp
Tổ khai sơn dòng Thiền Chúc Thánh là Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo và dòng Thiền phát triển nhờ các hàng đệ tử của Ngài mang đi truyền pháp khắp nơi. Có thể nói vị Thiền sư đầu tiên mang Thiền phái này đến vùng đất Bình Định đó là ngài Thiệt Thuận – Chánh Mạng – Huệ Trương, khai sơn chùa Linh Sơn, Phù Cát; ngài Thiệt Đăng- Chánh Trí – Bửu Quang, khai sơn chùa Sơn Long, Quy Nhơn. Hai vị Thiền sư đều là đệ tử nối dòng Lâm tế Chúc Thánh của tổ Minh Hải – Pháp Bảo đời 35.
Ngoài 2 vị trên thì còn có các vị Thiền sư đời 36 Pháp Tịnh – Luật Phong – Viên Quang; đời 37 có ngài Toàn Ý – Vi Tri- Phổ Huệ, Toàn Tín – Vi Tâm – Đức Thành và các vị đời 38, 39, 40 và 41 đều khai sơn, trụ trì các chùa để hoằng pháp lợi sinh và tạo nên một hệ thống chùa thuộc dòng Chúc Thánh phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.
Theo sự nghiên cứu và khảo sát gần đây nhất của Thích Như Tịnh về dòng Chúc Thánh ở Bình Định qua long vị thờ của 2 vị Thiền sư đời 35 tông Lâm Tế Chúc Thánh tại hai ngôi tổ đình mà 2 vị khai sơn đó là Sơn Long và Linh Sơn thì ghi như sau:
+ Long vị Thiền sư Thiệt Đăng Bảo Quang tại tổ đình Sơn Long ghi:
嗣臨濟三十五世江隆堂上上寶下光諱實燈老和上覺靈猊座。
Tự Lâm Tế Tam Thập Ngũ Thế Giang Long Đường Thượng thượng Bảo hạ Quang Húy Thiệt Đăng Lão Hòa Thượng Giác Linh Nghê Tọa[9].
+ Long vị Thiền sư Thiệt Thuận Huệ Trương tại tổ đình Linh Sơn ghi:
敕賜臨濟正宗三十五世靈山堂上上實下順號慧張和尚覺靈連座。
Sắc Tứ Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Ngũ Thế Linh Sơn Đường Thượng thượng Thiệt hạ Thuận Hiệu Huệ Trương Hòa Thượng Giác Linh Liên Tòa[10].
Qua đó, tác giả không tìm thấy pháp tự Chánh Trí và Chánh Mạng ở 2 long vị, vì theo bài kệ Thiên Đồng pháp phái cũng có chữ Thiệt nên khó có thể khẳng định được 2 Ngài trên có phải là đệ tử của tổ Minh Hải Pháp Bảo hay không.
Bên cạnh đó, tác giả cũng chưa tìm được sử liệu nào liên quan đến 2 vị thiền sư trên và tạm thời xem 2 ngài Thiệt Thuận – Huệ Trương và Thiệt Đăng– Bửu Quang là người đầu tiên mang thiền phái Chúc Thánh truyền tại Bình Định.
Trải qua hơn 300 năm và truyền được 13 đời pháp, dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã chứng tỏ được vị thế và sự truyền thừa được phát triển mạnh mẽ trên các tỉnh miền của nước Việt cũng như ngoại quốc.
Sự truyền pháp của Chúc Thánh thì y cứ theo bài kệ mà tổ Minh Hải Pháp Bảo nhưng tại Bình Định vào gần giữa thế kỷ 20 thì dòng thiền Chúc Thánh lại xuất hiện hai bài kệ truyền pháp và được truyền thừa cho đến ngày nay. Vậy hai bài kệ này có khác gì với bài kệ truyền pháp của Tổ và do ai biệt xuất.
Bài kệ truyền pháp đầu tiên được thiền sư Chơn Giám Đạo Quang Trí Hải trụ trì chùa Bích Liên thuộc đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ pháp phái Chúc Thánh thứ 7, thôn Háo Đức, huyện An Nhơn vào năm Bảo Đại thứ 16 ngày 19 tháng 6 năm Tân Tỵ (1914) biệt xuất như sau:
真玉紅山照
澄珠碧海圓
理明知性妙
智密悟心玄
淨緣懷翠柳
樂國御金蓮
聖境歸來日
宗風振古傳。
Chơn Ngọc Hồng Sơn Chiếu
Trừng Châu Bích Hải Viên
Lý Minh Tri Tánh Diệu
Trí Mật Ngộ Tâm Huyền
Tịnh Duyên Hoài Thúy Liễu
Lạc Quốc Ngự Kim Liên
Thánh Cảnh Quy Lai Nhật
Tông Phong Chấn Cổ Truyền[11].
Ngày nay, môn phong theo bài kệ truyền pháp này không được phổ biến rộng rãi, chỉ truyền thừa ở một số chùa ở Bình Định và Cam Ranh và được truyền đến đời thứ 4 từ tổ Chơn Giám Trí Hải.
Ngoài bài kệ của tổ khai sơn Chúc Thánh và bài kệ của thiền sư Chơn Giám Trí Hải ra thì tại Bình Định cũng có thêm một bài kệ truyền pháp là:
明實法全彰
印真如是同
萬有唯一體
觀了心境空
戒香成聖果
覺海湧蓮花
信進生福慧
行智解圓通
影月清中水
雲飛日去來
達悟微妙性
弘開祖道長。
Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Vạn Hữu Duy Nhất Thể
Quán Liễu Tâm Cảnh Không
Giới Hương Thành Thánh Quả
Giác Hải Dũng Liên Hoa
Tín Tấn Sinh Phước Huệ
Hạnh Trí Giải Viên Thông
Ảnh Nguyệt Thanh Trung Thủy
Vân Phi Nhật Khứ Lai
Đạt Ngộ Vi Diệu Tánh
Hoằng Khai Tổ Đạo Trường[12].
Trên là bài kệ truyền pháp danh và bài kệ truyền pháp tự như sau:
得正律為宗
祖道解行通
覺花圓境智
充滿利人天
恆沙諸法界
濟度等含生
周圓體相用
觀照殺塵中
去來當一念
能所豈非他
心境誰邊取
真望總皆如。
Đắc Chánh Luật Vi Tông
Tổ Đạo Giải Hạnh Thông
Giác Hoa Viên Cảnh Trí
Sung Mãn Lợi Nhân Thiên
Hằng Sa Chư Pháp Giới
Tế Độ Đẳng Hàm Sinh
Châu Viên Thể Tướng Dụng
Quán Chiếu Sát Trần Trung
Khứ Lai Đương Nhất Niệm
Năng Sở Khởi Phi Tha
Tâm Cảnh Thuỳ Biên Thủ
Chơn Vọng Tổng Giai Như[13].
Nguyên nhân xuất hiện bài kệ trên được ghi lại như sau:
“Vào năm 1967, một học sinh gốc người Hoa đến nộp đơn nhập học tại trường Trung học Bồ đề Nguyên Thiều và cho biết dòng họ em có liên quan đến tổ Nguyên Thiều.
Nhân đó, thầy giám học nhà trường (thầy Đổng Quán) yêu cầu gia đình em cung cấp một số tư liệu về Tổ, trong đó có bài kệ này. Đây là bản chép tay của một người trong gia đình em học sinh ấy, sao lục từ bản gốc ở gia phả trong dòng học của Tổ.
Vào dịp về dự tang lễ cố Hòa thượng Thích Đồng Thiện (thượng Thị hạ Công), trú trì Tu viên Nguyên Thiều, tôi và thầy Minh Hạnh có đến thăm chùa Thiên Hòa (thôn Tri Thiện-Bình Định) và được Ngài trụ trì cho photo bản chép tay này (ngày 10-8-Tân Tỵ).
Qua câu chuyện đạo vị về bài pháp kệ nói trên, tôi không thấy có sự ‘giả lập’ nào nơi Ngài trụ trì. Nhưng chúng ta ước mong được xem một lần xem tận mắt bản gốc cho thỏa lòng”[14].
Qua bài kệ pháp danh và pháp tự thì có một số chữ dùng để đặt tên không được phù hợp cho mấy như bài kệ pháp danh thì có chữ ‘sinh’, ‘phi’, ‘tổ’ và chữ ‘tổ’, ‘sung’, ‘chư’, ‘sát’, ‘phi’, ‘vọng’ ở bài kệ pháp tự nên sau này tới hàng đệ tử không biết có nên dùng những chữ đó để đặt pháp danh, pháp tự.
Tóm lại, bài kệ biệt xuất thứ hai ta thấy số lượng chữ pháp danh và pháp kệ nhiều hơn bài kệ của Tổ Minh Hải và Ngài Chơn Giám Đạo Quang, khi bài kệ này được phổ biến rộng tại các ngôi chùa ở Bình Định thì đã được truyền tới chữ Hữu, chữ Duy tương đương với chữ Thánh và Thọ trong bài kệ của tổ Minh Hải.
Tổ đình Vạn Đức, Hội An, Quảng Nam. Ảnh: St
3.2. Các Tổ đình tiêu biểu
Ngày nay, sự phát triển của dòng Chúc Thánh tại Bình Định khác là rộng rãi, những ngôi chùa ngày được các hàng đệ tử tông môn xây dựng nhiều hơn để hoằng dương chính pháp. Có thể nói từ khi dòng Lâm tế Chúc Thánh được truyền vào vùng đất Bình Định thì ngôi Tổ đình chính đó là chùa Long Sơn được Thiền sư Thiệt Đăng – Chánh Trí – Bảo Quang đời 35 Lâm tế Chúc Thánh khai sơn vào những năm đầu thế kỷ XVII tại thôn Thuận Nghi, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh, trấn Bình Định (nay là phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn).
Trước đó Ngài Thiệt Đăng – Chánh Trí lập am nhỏ lấy tên là Giang Long thiền thất đến đời ngài Chương Nghĩa – Thanh Tuyền cải hiệu thành Long Sơn tự, từ khi thành lập đến nay tổ đình Sơn Long trải qua 12 đời trụ trì.
Kế tiếp là Tổ đình Thiên Hòa được Thiền sư Viên Quang pháp danh Pháp Tịnh, tự Luật Phong đời 36 Lâm tế khai sơn tại Ấp Tri Thiện, thôn Hoa Tây, tổng Vân Dương, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định (nay là thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cho đến nay tổ đình Thiên Hòa trải qua 8 đời trụ trì.
Ngoài ra, còn có các Tổ đình được các hàng đệ tử môn phong Chúc Thánh khai sơn như: Tổ đình Phổ Bảo, Tổ đình Thắng Quang, Tổ đình Thiên Bình,…bên cạnh đó còn có những ngồi chùa, tịnh thất cũng được xây dựng rất nhiều.
KẾT LUẬN
Đồng hành cùng dân tộc dựng nước và giữ nước với Phật giáo nói chung và dòng Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng. Chính nơi đây đã nuôi dưỡng và đào tạo nên các bậc Thiền sư, cao tăng thạc đức để đem giáo pháp của đức Phật cũng như dòng Chúc Thánh truyền bá khắp nơi, làm hưng long chính pháp. Dù dòng Chúc Thánh tại Bình Định có sự truyền thừa hơi khác biệt nhưng vẫn giữ được đặc điểm cốt lõi của chư tổ để lại.
Tuy nhiên, ngày nay dòng Chúc Thánh truyền thừa theo bài biệt kệ chỉ phát triển trong phạm vi tỉnh Bình Định là đa số, còn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Sài Gòn, Bình Dương,… thì đều theo bài kệ truyền thừa của tổ Minh Hải – Pháp Bảo.
Nhưng cũng chính nơi đây đã sản sinh ra các bậc tăng tài đức có tầm ảnh hưởng rất lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo tỉnh Bình Định và có tầm ảnh hưởng khắp nơi trong cả nước và hải ngoại.
Thích Nữ Huệ Đàm – Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
——————-
CHÚ THÍCH
[1] Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh, Nxb.Phương Đông, Tp. HCM, tr.83.
[2] Thích Như Tịnh, sđd, tr. 110.
[3] Đúng theo bài kệ, Tổ Minh Hải đặt là chữ Tông (宗), nhưng về sau cấn tên húy của vua Thiệu Trị nên chư Tổ trại thành chữ Tôn (尊) hoặc Tuyên (宣).
[4] Thích Như Tịnh, sđd, tr. 111.
[5] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb.Phương Đông, tr.487.
[6] Lê Mạnh Thát (2005), Một số tư liệu mới về Bồ tát Quảng Đức, Nxb.Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, tr,122.
[7] Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong tập 2, Nxb.Tp Hồ Chí Minh, tr. 5-7.
[8] Đăng trên Tập san Suối nguồn số 2, Nxb.Tổng hợp Tp.hồ Chí Minh, 2011.
[9] Thích Như Tịnh (2021), Tìm lại dấu xưa, Nxb. Đà Nẵng, tr. 212.
[10] Thích Như Tịnh (2021), sđd, tr. 213.
[11] Thích Như Tịnh (2021), sđd, tr. 223-224.
[12] Thích Như Tịnh (2009), tr. 120.
[13] Thích Như Tịnh (2009), tr.121.
[14] Thích Quảng Hạnh, Tu viện Nguyên Thiều, Tưởng niệm giác linh Hòa thượng Thích Đồng Thiện, PL.2545, tr.34
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh, Nxb.Phương Đông, Tp. HCM.
2. Thích Như Tịnh (2021), Tìm lại dấu xưa, Nxb. Đà Nẵng.
3. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb.Phương Đông.
4. Lê Mạnh Thát (2005), Một số tư liệu mới về Bồ tát Quảng Đức, Nxb.Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong tập 2, Nxb.Tp Hồ Chí Minh.
6. Thích Quảng Hạnh, Tu viện Nguyên Thiều, Tưởng niệm giác linh Hòa thượng Thích Đồng Thiện, PL.2545.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam Nhất Thống Chí, Nxb. Thuận Hóa.
8. ttp://phatgiaobinhdinh.vn/luoc-su-to-dinh-sac-tu-thien-hoa.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học