Chính vì để hiểu rõ các câu trong tụng kinh Phật, trụ trì chùa Phúc Thành là Đại đức Thích Định Tuệ đã tổ chức dạy giáo lý tại chùa vào các chiều thứ 7 hàng tuần cho tất Phật tử trong Đạo Tràng Hương Sen Xứ Nghệ, cho giới trí thức, sinh viên và những ai quan tâm học hỏi.
Phật pháp gồm có những phương pháp chân chính cứu khổ, muốn hết khổ cần phải thực hành, nếu có nghiên cứu mà không thực hành thì giống như người nào nhìn mà không được ăn, đạo hạnh khó thành. Nếu thực hành mà không nghiên cứu học đạo, sợ sẽ sa vào tà mị dị đoan. Bởi vậy nghiên cứu và thực hành là hai việc không thể tách rời nhau được. Chánh kiến là một trong bát chánh đạo Phật dạy, là những điều hiểu biết chân chính, đúng đắn, điều này là quan trọng bậc nhất, vì nó là định hướng cho ta không bị lệch lạc về tâm thức, ý thức, hành động trong cuộc sống thực tại cũng như kiếp sống vị lai. Bởi vậy mỗi ngày chúng ta hãy bớt chút thời gian để đọc, học, cho tăng thêm trí tuệ tránh được điều mê tín dị đoan. Phật dạy :“ Tin ta mà không hiểu ta là báng nhạo ta”câu này ý ngài muốn khuyên dạy chúng ta một điều: tin Phật nhưng cần phải hiểu biết những lời Phật dạy để ứng dụng vào cuộc sống đời thường, chuyển hóa những tâm tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, khinh khi ganh gét đố kị...đi đến tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả, lợi mình lợi người.Tin Phật nhưng không hiểu biết lời Phật dạy, sẽ biến Đức Đạo Sư ( người thầy chỉ đường ) thành một vị thần linh để xì xụp khấn vái cầu xin đủ thứ, đó thuộc về mê tín.
Bởi vậy, những ai thực sự muốn hết si mê, có được trí tuệ để an vui tự tại hãy cần thực hành theo trình tự các bước: Văn, Tư, Tu.
Văn: nghe, đọc, học
Tư: suy ngẫm những điều được nghe, được đọc, học
Tu: ứng dụng thực hành những điều đã được học, được nghe.
Trong Kinh Lời Vàng có dạy: Tuy tụng ngàn lời, không hiểu ý kinh, không bằng tụng đọc một câu rõ nghĩa hiểu ý tu hành. Khi xưa Lục Tổ Huệ Năng là Tổ thứ 6, ngày còn bé nhà nghèo, Ngài không được đi học, không biết chữ. Khi lớn được nghe một câu trong Kinh Kim Cương: “ Ưng vô sở trụ, nhi sanh Kỳ tâm” liền giác ngộ xả bỏ đi xuất gia tu hành đắc đạo, độ được cho rất nhiều người.
Hiện nay có rất nhiều người đi tụng kinh, nhưng không hiểu rõ ý Phật dạy, cho nên chỉ chấp vào tụng cho được nhiều quyển, nhiều ngày cho có số lương. Trong tâm không chuyển hóa tham, sân, si nóng nẩy giận hờn, kiêu căng ganh gét đố kỵ... tụng nhiều như thế, nghĩ là mình đã tinh tấn, phúc lớn hơn người, có khi còn khởi tâm kiêu mạn, coi thường người khác không bằng mình...Không ngờ điều này sẽ làm cho bị tổn giảm phúc, vì đó là đem tâm mê đi tụng kinh.
Phật dạy, ở đời có 2 hạng người Phật không thể cứu độ:
a - Hạng thứ nhất: không có nhân duyên được gặp Phật hoặc không biết đến giáo pháp của Phật.
b - Hạng thứ hai: có nhân duyên gặp Phật, được nghe giáo pháp của Phật nhưng không thực hành theo.
Ở đời có 2 hạng người đáng được tôn trọng:
a - Hạng thứ nhất: Không bao giờ gây tạo tội lỗi.
b - Hạng thứ hai: Có lỗi biết sửa đổi, hoặc có ai chỉ lỗi cho, biết tiếp thu sửa đổi.
Có 3 hạng người khi đi lễ Phật nghe pháp:
a - Hạng thứ nhất: rốt ráo hộ trì chánh pháp, bảo vệ hộ trì Tam Bảo Phật Pháp, Tăng . Tinh tấn siêng tu, giúp người cùng tu.
b - Hạng thứ hai: giải đãi lừng khừng, lười biếng không tu tập.
c - Hạng thứ ba: ô nhiễm chánh pháp, thể hiện tâm tham, sân, si, thô tháo tranh chấp hơn thua, hoặc ngấm ngầm nói xấu kích động gây chia rẽ giữa các Phật tử với nhau hoặc giữa các Thầy tu với các tín đồ Phật tử...
Phật dạy, trong ba hạng người này, chỉ có hạng người thứ nhất sẽ gặt hái được quả phúc, an vui giải thoát đời này đời sau, còn hai hạng người kia sẽ bị luôn hồi quả báo trầm luân đau khổ.
“Mê nhiều thì lạy bụi bờ
Mê vừa thì lạy Miếu, Đền lộ thiên
Bớt mê đến lạy Chùa Chiền
Hết mê thì giữ giới điều Phật răn”.
Ý nghĩa của những buổi học để hiểu bản chất của đạo Phật là trí tuệ, giác ngộ, chỉ rõ thực tướng nhân quả (nguyên nhân và kết quả) của các vấn đề, các hiện tượng một cách chính xác, không mê hoặc viễn vông thần quyền.
Một số hình ảnh các buổi học giáo lý tại chùa Phúc Thành.