;
Bồ tát Quảng Đức: Trái tim từ bi và sự thật
Tại sao trái tim Ngài Quảng Đức thiêu không cháy?
Lần đầu công bố ảnh về cuộc đấu tranh chống đàn áp Phật giáo 1963
Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Lịch Sử PGVN 2507 - 2557 (Bài 1)
Với tôi Nha Trang-Khánh Hòa là nỗi nhớ, là vùng đất địa linh, đất Phật, từ quá khứ đến hiện tại và chắc chắn là cả tương lai nữa. Đất Nha Trang - Khánh Hòa là đất lành cho nên các loài chim đến đậu: Phía Phật giáo các các cao tăng Hòa thượng như HT. Trí Nghiêm, HT.Đỗng Minh, HT. Tịch Tràng, HT. Viên Giác, HT. Thiện Bình, HT. Chí Tín... không phải là người Khánh Hòa. Các nhà văn Quách Tấn, Võ Hồng, Quách Giao không phải là người Khánh Hòa, nhưng xem Khánh Hòa là quê hương thứ hai của mình. Trước Năm 1975 Nha Trang có Phật học viện trung phần,viện cao đẳng Phật học Hải Đức, và hiện nay có trường trung cấp Phật học Khánh Hòa.
Chư tôn đức Tăng Ny - Quan khách - Phật tử tham dự lễ khai mạc
Nhân đại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Quảng Đức vì pháp thiêu thân (1963-2013) Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa có mời BTS Phật giáo tỉnh Gia Lai tham dự, đoàn Phật giáo Gia Lai chỉ có hai vị: Tôi và HT. Thích Tâm Tường, trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh. Từ Gia Lai đi quốc lộ 14 đến địa phận tỉnh Đăk Lăk rẽ sang quốc lộ 26 đến Ninh Hòa chúng tôi tìm thăm các ngôi chùa, tổ đình ở Ninh Hòa do Bồ tát Quảng Đức khai sơn, trùng tu, ẩn tu đó là tổ đình sắc tứ Thiên Bửu thượng, Thiên Bửu hạ, chùa Thiên Tứ ,chùa Đức Hòa. Chúng ta học lịch sử trong thư tịch sách vở không thể nào bằng đi thực tế, đi tìm về cội nguồn lịch sử, bởi khi tiếp cận với di tích, di vật, nhân chứng sống lòng chúng ta rung động, cảm xúc hơn rất nhiều. Chùa Thiên Tứ nơi Bồ tát một thời tu hành, cái chuông cái mõ Bồ tát hành trì, di ảnh của Bồ tát ngày còn trẻ vẫn còn, xá lợi xương của Bồ tát vẫn còn tôn thờ nơi đây, những giai thoại về Bồ tát đã được Đại đức Như Hoằng trụ trì chùa Thiên Tứ sưu tầm suốt 25 năm với những nhân chứng sống. Đọc lại những giai thoại của Bồ tát về cách: Trị bệnh tà thần con ranh con lộn ( càn sát quái)1920, Sự hiếu nghĩa của Bồ tát, Bồ tát đi chợ nấu ăn cho đệ tử làm chùa 1935,Bồ tát hái thuốc và quy y thai nhi trong bụng mẹ 1937, trị bệnh bằng nước lạnh tại làng Mỹ Trạch 1944.... Tất cả những giai thoại về Bồ tát Thích Quảng Đức đều toát lên lòng từ bi vô hạn đối với con người, quần chúng khổ đau cơ cực. Hòa thượng Thích Ngộ Tánh phó ban trị sự PG tỉnh, trưởng ban trị sự PG huyện Ninh Hòa cho chúng tôi biết:" Phật giáo huyện Ninh Hòa hiện nay có trên 80 ngôi chùa, 240 Tăng Ny, là nhờ ân đức của Bồ tát giáo hóa, khai sơn, trùng tu của các ngôi tổ đình ngày xưa còn lại, từ đó đâm chồi nảy lộc cho ngày hôm nay".
"Chùa là văn hóa gốc, ngôi chùa còn là văn hóa còn. Văn hóa còn là góp phần làm cho đất nước phồn vinh vững bền mãi mãi" chính từ ý nghĩa đó mà suốt đời Bồ tát không khi nào là không nghĩ đến xây chùa, trùng tu chùa. Ba mươi mốt ngôi chùa mà Bồ tát trùng tu xây dựng không phải là ít với thọ mạng 73 tuổi. Nhân duyên gì mà Bồ tát xây dựng được nhiều chùa như thế ? Câu trả lời là do lòng từ bi của Bồ tát quá lớn ( Đại Từ Bi) chúng sinh đau khổ triền miên, ngụp lặn trong vô minh phiền não, không có chùa thờ Phật, không có Tăng Ny hoằng đạo làm sao chúng ta thấy được ánh sáng trí tuệ, làm sao chúng ta có được từ bi. Không có từ bi và trí tuệ chúng sinh mãi mãi khổ đau , ngụp lặn trong luân hồi sinh tử. Làm con người, thân phận người chúng ta tích tụ những dư nghiệp, tập khí từ quá khứ, nhất thời có thể sân hận mất từ bi, nhưng chỉ cần nhận diện mất từ bi là mất tất cả, phải biết trở về với hơi thở, nhận diện cảm xúc, khôi phục chánh niệm lại liền để trở lại trạng thái nguyên sơ con người tính vốn thiện, tính vốn từ bi để tha thứ cho nhau sống vì nhau trong cõi đời vốn dĩ đã quá đau khổ và nhiều chấp trước này.
Giống như Thánh Mahatma Gandhi Ấn Độ, đấu tranh giành lại nền độc lập cho Ấn Độ từ chính quyền Anh , bằng cách tuyệt thực, bằng phương pháp bất bạo động (ahiṃsā). Bồ tát cũng vậy lấy thân mình làm đuốc để soi sáng cho một chế độ độc tài gia đình trị. Ngài thương Đức Phật, thương Đạo là vậy mà khi biết được Đạo của mình bị bức hại, có thể đưa đến chỗ diệt vong vẫn không hận thù kẻ bức hại Đạo mình. Trong lời nguyện tâm huyết để lại trước khi tự thiêu Bồ tát có viết:" Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để nước nhà xưng yến muôn thuở" Bồ tát đã thực hiện lời dạy của Đức Phật trong kinh Pháp cú một cách trọn vẹn nhất.
3. Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.
4. Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.
Cùng ý kinh Pháp cú Hòa thượng Trí Quang vị lãnh đạo tối cao trong phong trào Phật giáo tranh đấu năm 1963 có nói: "Chúng tôi nguyện đem xương máu trang trải cho Phật Pháp, và nếu chết là chết như cái chết của chân lý trước bạo lực, chứ không phải bạo lực này chết vì kém bạo lực khác ".
Buổi sáng 28-5-2013 (19-4-Quý Tỵ) chúng tôi dự lễ khai mạc đại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Quảng Đức vì pháp thiêu thân (1963-2013) tại chùa Long Sơn tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa. Không khí trang nghiêm, pho tượng Bồ tát phục chế lại từ pho tượng tại công viên Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức tại địa điểm 70 - 72 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3 thành phố Hồ Chí Minh, lửa cách điệu phủ quanh thân Bồ tát, người ngồi yên nhập đại định, toát ra, biểu hiện ra được Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi. Ấn tượng đọng lại và sâu lắng nhất là lời đạo từ của Hòa thượng Phó Pháp chủ GHPGVN Thích Đức Nghiệp ngài nói:" Năm 1963 năm Bồ tát Quảng Đức tự thiêu tôi có 34 tuổi năm đó tôi là người tổ chức chính cho Bồ tát tự thiêu, 50 trôi qua tôi nay đã 84 tuổi nhớ lại ngày ấy cảm xúc vẫn còn mới tinh. Lúc nảy ông Bùi Hữu Dược vụ trưởng vụ Phật giáo có đọc câu đối của Hồ Chủ Tịch phúng viếng ca ngợi sự tự thiêu của Bồ tát cho đạo pháp và dân tộc ngày 20/4 nhuần năm Quý Mão 1963: " Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt - Lưu danh bất tử thiên niên chính khí địa sơn hà" tôi xin được dịch ra cho dễ hiểu:" Vì Pháp thiêu thân muôn thuở oai hùng trời rực sáng - Lưu danh bất tử ngàn năm chính nghĩa đất thăng hoa". 84 tuổi HT. Phó pháp chủ giọng vẫn còn khí lực, trí nhớ vẫn còn minh mẫn rất tốt, vẫn còn sắc bén như năm 1963 lúc đó là Đại đức Đức Nghiệp làm ủy viên ngoại giao cho Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo. Năm mươi năm trôi qua vận nước vận đạo có thăng có trầm theo quy luật các Hòa thượng cao tăng trong ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo đến giờ này ( trong nước) chỉ còn vài vị HT. Thích Trí Quang trên 90 tuổi, HT. Thích Đức Nghiệp trên 80 tuổi... Năm 1963 không có các vị cao tăng lãnh đạo đấu tranh cho sự tồn vong của đạo pháp, không có Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu với trái tim không cháy, rung động hằng triệu trái tim trong và ngoài nước không biết Phật giáo Việt Nam còn mất thế nào? Nhờ sự hy sinh cao cả của các vị Cao tăng, Phật tử, của Bồ tát Thích Quảng Đức mà bài thơ Lửa từ bi của Thi sĩ Vũ Hoàng Chương ra đời, ca ngợi lòng từ bi và hùng lực của Bồ tát và từ đây Phật giáo Việt Nam bước qua một trang sử mới:
Lửa, lửa cháy ngất tòa sen,
Tám chín phương nhục thể trần tâm hiện thành thơ, quỳ cả xuống
Hai vầng sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một mặt trời mới mọc
Ánh Đạo vàng phơi phới đang bừng lên, dâng lên
Lễ khai mạc diễn ra thật trang nghiêm trọng thể nhiều cảm xúc, tiếp tục chương trình ban tổ chức mời chư tôn đức Tăng Ny tham dự lễ cắt băng triển lãm:" Ngọn lửa và trái tim". Lịch sử đã đi qua 50 năm nhưng hình ảnh còn để lại, xem những bức ảnh đen trắng của Bồ tát và chư thánh tử đạo hy sinh cho Phật pháp trường tồn, nhiều Phật tử đã lấy khăn chặm nước mắt.
11giờ 30 chúng tôi về chùa Thiên Hòa ở đường Yersin thọ trai, ngồi bên cạnh giáo sư Cao Huy Thuần, Cụ Nguyễn Chính ( nguyên trưởng ban tôn giáo chính phủ) vừa ăn vừa trò chuyện nhẹ nhàng. Cụ Nguyễn Chính nói:" Lúc nảy HT. Thích Đức Nghiệp ban đạo từ các vị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chăm chú lắng nghe và rất tâm đắc về sự hy sinh cao cả của Bồ tát Thích Quảng Đức, có gì đâu mà cứ đắn đo e ngại về ngày lễ kỷ niệm Bồ tát hy sinh cho đạo pháp và dân tộc, tôi chưa từng nghe chính quyền nhắc nhở hạn chế về ngày lễ kỷ niệm này". Giáo sư Cao Huy Thuần tiếp lời nói vui: " Chỉ do nội bộ lo xa e dè thôi, lo trước cái lo của thiên hạ". Giáo sư nhắc lại câu nói nổi tiếng của Phạm Trọng Yêm (*)
Tóm lại:
1- Lãng quên lịch sử là một cái tội, không dám nhắc đến lịch sử là một cái tội khác. Chính sự lãng quên lịch sử và không dám nhắc đến lịch sử mà dẫn đến sự lãnh cảm thờ ơ với vận mệnh của tổ quốc , của đạo pháp.
2- Uống nước nhớ nguồn là đạo lý của dân tộc, và cũng là giáo lý nhớ đến bốn ân nặng của người Phật tử ( trong đó có cả Tăng Ny). Nhưng do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan trong đó có lý do sợ hãi ( sợ gây mất đoàn kết) chúng ta đã không muốn nhắc, không dám nhắc bài học lịch sử pháp nạn năm 1963. Chính vì vậy mà hình ảnh Đại Bi, Đại Trí, Đại Dũng của Bồ tát Thích Quảng Đức đã bị lu mờ không sáng bằng Hòa Thượng Tịnh Không ( người Trung Quốc). Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa ( người Ấn Độ).
Đây đó ở ba miền Việt Nam chúng ta thấy hình ảnh của HT. Tịnh Không, Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa , Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa treo phụng thờ kính cẩn, riêng Bồ tát Thích Quảng Đức rất ít chùa thờ phụng noi gương tưởng nhớ.
3- Tại sao chúng ta không mỗi năm, (mà phải 50 năm) cùng trong ngày Phật đản, tất cả các chùa trong nước cùng làm lễ kỷ niệm sự hy sinh cao quý của Bồ tát cho đạo pháp và dân tộc. Noi gương Bồ tát cùng nhau kiến tạo chùa chiền nơi vùng sâu vùng xa, biên giới tổ quốc, hải đảo để ánh sáng Phật pháp tỏa rạng khắp nơi. Học hạnh Đại từ bi của Bồ tát chữa bệnh cho dân chúng nghèo. Học hạnh đại hùng đại lực của Bồ tát biết hy sinh thân mình cho đại nghĩa dân tộc, cho chúng sinh. Và hơn hết biến lửa hận thù thành lửa từ bi:
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
Người rẽ phăng đêm tối đất dày
Bước ra ngồi nhập định hướng về Tây
Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ
Phật Pháp chẳng rời tay
Sáu ngã luân hồi đâu đó
Mang mang cùng nín thở
Tiếng nấc lên từng nhịp bánh xe quay
Không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió
Người siêu thăng… giông bảo lắng từ đây
Bóng người vượt chín tầng mây
Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ đề.
( trích thơ Lửa Từ Bi - Thi sĩ Vũ Hoàng Chương)
-----------------
(*) Phạm Trọng Yêm, tiếng Trung: 范仲淹, (989 - 1052), tự Hy Văn, thụy Văn Chánh, là một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống. Ông là người huyện Ngô, Tô Châu (nay thuộc Tô Châu, Giang Tô. Về văn chương, tác phẩm đáng chú ý nhất của ông có lẽ là Nhạc Dương lâu kí (ghi chép ở lầu Nhạc Dương), nó nổi tiếng vì đạo đức chính trị mà ông thể hiện ở phần cuối trong câu "先天下之忧而忧,后天下之乐而乐 - tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).
Ngày 30 tháng 05 năm 2013
( Kỷ niệm 50 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu)
Thích Giác Tâm
(Chùa Bửu Minh Gia Lai)