;
Sau thời gian tìm hiểu, được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, sự thống nhất của hai bên gia đình và sự cho phép của Chư Tăng chùa Giai Lam – Tịnh Pháp, bốn đôi bạn trẻ cùng thân quyến gia đình hai bên đã về chùa làm lễ hằng thuận.
Buổi lễ được sự chứng minh của Thượng tọa Thích Chân Tính - Viện chủ chùa Hoằng Pháp TPHCM; Chư Tôn đức Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh: Đại đức Thích Hạnh Nhẫn - Phó ban, Trưởng ban Hoằng pháp; Đại đức Thích Quảng Nguyên - Phó ban, kiêm Trưởng ban Tài chính Kinh tế; Đại đức Thích Chúc Cường; Đại đức Thích Hạnh Minh, cùng Chư Tôn đức Tăng chùa Hoằng Pháp TPHCM.
Chư Tôn đức chứng minh buổi lễ.
Lễ hằng thuận của Phật giáo là nét văn hóa mang bản sắc dân tộc nhằm phát huy nền tảng trí tuệ, định hướng giáo dục con người sống có ích trong đời sống gia đình, xã hội là cầu nối giữa đạo và đời, là sự hòa quyện giữa văn hóa truyền thống, và đạo đức.
Tại đây, đại diện gia đình hai bên của các đôi bạn trẻ đã dâng lời tác bạch cung thỉnh Chư Tôn đức tác pháp cử hành nghi lễ. Bốn đôi uyên ương làm lễ hằng thuận gồm: Trần Quốc Hoàng - Nguyễn Thị Hải Yến; Phạm Hữu Trung - Bùi Thị Hương; Nguyễn Việt Anh - Nguyễn Thị Mai Dung; Nguyễn Xuân Hùng - Chu Thùy Dương.
Lễ hằng thuận tập thể đầu tiên tại chùa Giai Lam - Tịnh Pháp.
Dưới sự gia hộ của mười phương chư Phật. Chư Tôn đức quang lâm chánh điện niêm hương bạch Phật cử hành nghi thức tâm linh theo truyền thống. Tiếp đến, từng đôi bạn trẻ lần lượt đối trước Tam Bảo dâng lời phát nguyện và thực hành nghi thức lễ bái. Lễ kính chư Phật; Lễ kính phụ mẫu; Phu thê tương kính...
Thay mặt Chư Tôn đức chứng minh, Thượng tọa Thích Chân Tính có đạo từ khuyến tấn các đôi tân lang, tân nương phải sống trọn vẹn bổn phận làm vợ, làm chồng, làm dâu hiền, rể thảo cùng xây dựng hạnh phúc gia đình thông qua những lời Phật dạy:
Thân hòa đồng trú
Khẩu hòa vô tránh
Ý hòa đồng duyệt
Kiến hòa đồng giải
Lợi hòa đồng quân
Giới hòa đồng tu.
Bên cạnh sáu pháp hòa kính trên, các cặp vợ chồng cần thực hành giữ gìn năm Giới của người Phật tử tại gia, trong đó có Giới thứ ba là Không tà dâm. Giữ gìn tốt năm Giới là nền tảng để có được an lạc, hạnh phúc của mỗi gia đình, là tấm gương sáng để trong tương lai con cái học hỏi noi theo.
Trước lúc trao nhẫn cưới cho các cặp tân lang, tân nương. Thượng tọa đã phân tích giảng giải về ý nghĩa của chiếc nhẫn. Theo đó, chiếc nhẫn như một thông điệp không thể nhầm lẫn về tình trạng hôn nhân, nó còn mang hàm ý vợ chồng luôn biết nhẫn nhịn nhau, sống cho hòa thuận, nhẫn nhịn để yêu thương, chiếc nhẫn còn là biểu tượng sự ràng buộc giữa hai người, vững bền, lâu dài trong hạnh phúc.
Kết thúc đạo từ, Thượng tọa Thích Chân Tính thay mặt Chư Tôn đức trao quà pháp bảo và giấy chứng nhận cho bốn đôi tân lang, tân nương.
Thượng tọa Thích Chân Tính ban đạo từ khuyến tấn các tân lang, tân nương.
Đối trước Tam Bảo đại diện hai bên gia đình của các đôi bạn trẻ dâng lời cảm niệm tri ân Chư Tôn đức và toàn thể hội chúng.
Lợi ích lớn lao từ lễ hằng thuận mang lại đó là, giáo dục mỗi cá nhân, mỗi gia đình thực hành tốt những lời dạy của đức Phật trên tinh thần giữ gìn năm Giới của người tại gia, sống bình đẳng, tôn trọng, thủy chung, cảm thông, chia sẻ yêu thương. Như vậy xã hội sẽ không có sự xung khắc, không còn cảnh đau thương và sẽ không còn cảnh tan đàn xẻ nghé, con cái lìa xa cha mẹ...
Được biết, từ năm 2011 đến nay chùa Giai Lam – Tịnh Pháp đã đón hàng chục đôi bạn trẻ đến đây làm lễ hằng thuận. Cho đến nay những đôi uyên ương này cũng đã có con cái, sống hạnh phúc và là những Phật tử thân cận của bổn tự. Và đây là lễ hằng thuận đầu tiên của năm 2015.
Một số hình ảnh ghi nhận buổi lễ.