;
Doanh nhân cũng ăn chay trường
Là chủ của một doanh nghiệp lớn, thường xuyên phải gặp đối tác và các vị chức sắc, khó tránh khỏi bia rượu, tiệc tùng nhưng doanh nhân Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group vẫn chọn cách ăn chay trường. Với vị doanh nhân này, ăn chay là một cách để kiềm chế tâm mình, để mình bớt dục vọng, bớt dần những ý niệm không tốt trong tâm, phần khác cũng là thanh lọc cơ thể, là cách để thể hiện lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Hẳn nhiều người sẽ băn khoăn mà đặt câu hỏi rằng, tại sao doanh nhân lắm tiền, nhiều của như vậy lại không hưởng thụ sơn hào hải vị, mà phải "chịu khổ" ăn cơm trắng với rau xanh? Ít ai biết rằng, nhiều "ông chủ" tìm đến ăn chay giống như một phương thuốc để chữa "tâm bệnh".
"Cuộc sống của doanh nhân vốn nhiều áp lực, áp lực cạnh tranh, áp lực kiếm tiền, kiếm tiền cho mình và cho doanh nghiệp. Ăn chay, ngồi thiền giúp họ cân bằng cuộc sống, tìm thấy sự tĩnh tại trong tâm hồn", Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phân tích.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, hiện nay có hàng nghìn doanh nhân thành đạt đã quy y tam bảo, họ cũng ăn chay, ngồi thiền và dành thời gian tu tập giống như các Phật tử khác. Nhưng do đặc thù công việc, phải tiếp đối tác, lãnh đạo nên việc ăn chay của doanh nhân tùy vào điều kiện từng người, người ăn chay trường, người ăn chay thường xuyên theo lịch.
"Những doanh nhân này thường có tâm thiện, đi đâu họ cũng hay giúp đỡ người khác, làm nhiều việc có ích, việc thiện cho xã hội. Trong doanh nghiệp của họ, họ đối xử với công nhân, cộng sự rất tốt. Đoàn kết, hòa hợp, tôn trọng nhau chứ không phân biệt rõ chủ - tớ một cách rõ rệt như một số doanh nghiệp khác", Hòa thượng nói.
|
Ngày càng có nhiều người trẻ lên chùa học đạo. |
Việc ăn chay của doanh nhân giờ đây đã không còn là chuyện xưa nay hiếm. Thậm chí họ không dùng sơn hào hải vị mà dùng luôn đồ chay để tiếp đối tác của mình.
"Tôi cũng gặp không ít những khó khăn khi gặp đối tác vào thời gian đầu ăn chay. Nhưng rồi mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, các đối tác của tôi đã hiểu tôi. Những lúc tôi có dịp ra nước ngoài hoặc họ về Việt Nam, họ mời tôi đi dùng cơm hay tôi mời họ dùng cơm thì họ sẽ hiểu rằng tôi dùng chay và tôi sẽ chọn quán cơm chay để mời họ. Vô tình tôi có thêm những người bạn cùng ăn chay với mình", doanh nhân Lê Phước Vũ từng chia sẻ.
Tìm lại cân bằng, tĩnh tại
Có tiền, có địa vị nhưng không phải doanh nhân nào cũng có hạnh phúc trọn vẹn. Nhiều khi những lo toan công việc, áp lực cạnh tranh, áp lực kiếm thật nhiều tiền khiến họ rơi vào những "hố đen" như chơi xấu đối thủ, xả thải vào môi trường. Thậm chí có những doanh nhân còn bị trầm cảm, tâm thần vì những áp lực nặng nề này.
Dành thời gian để ăn chay, ngồi thiền, tu tập theo giáo lý nhà Phật chính là cách mà nhiều doanh nhân lựa chọn để tìm lại sự cân bằng, tĩnh tại cho tâm hồn.
Trần Xuân Kiên - TGĐ Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh chia sẻ: "Sau một thời gian tu tập theo giáo lý nhà Phật, tôi thấy thanh thản hơn trong suy nghĩ, trong hành động. Tôi nhận ra là giá trị của cuộc sống không phụ thuộc vào thời gian sống dài hay ngắn, sống sướng hay khổ, giàu sang hay nghèo khổ. Quan trọng nhất là khi sống mình đã được trải nghiệm hết các cung bậc của cảm xúc chưa, đã khai phá hết năng lực của chính bản thân mình hay chưa. Và khi mình chết đi có để lại giá trị (không phải để lại tài sản) gì cho gia đình và xã hội hay không? Điều đó mới quan trọng, và đó mới là giá trị của cuộc sống".
Thấm nhuần triết lý của nhà Phật, ông Kiên luôn ứng dụng luật nhân quả vào chiến lược kinh doanh của mình. "Làm gì tôi cũng luôn tâm niệm rằng Nhân hôm nay sẽ tạo ra Quả trong tương lai. Vì vậy làm gì cũng cần phải gieo Nhân tốt thì Quả sẽ tốt. Triết lý này được áp dụng xuyên suốt trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong hoạt động kinh doanh, trong cách đối xử với khách hàng, với nhân viên, với đối tác", ông Kiên nói.
Với Tiến sĩ Đặng Đức Dũng, Tổng giám đốc Apec Kangaroo Group cũng vậy, tu tập theo triết lý nhà Phật giúp ông tìm thấy sự tĩnh tại, cân bằng và thực sự nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng.
Ông Dũng chia sẻ: "Chúng ta quá bận rộn với cuộc sống, công việc hàng ngày nên những việc dành cho chăm sóc bản thân đôi khi trở thành xa xỉ. Vì vậy, dù bận rộn, tôi luôn có khoảng thời gian dành cho nghiên cứu về đạo phật, các triết lý, đạo lý, những giá trị mà đạo phật mang lại cho cuộc sống. Đạo cho tôi sức mạnh bền bỉ hơn, lạc quan và niềm tin, ngoài công việc, đó là một không gian riêng để thư thái và thêm sức mạnh cho chặng đường dài".
"Cuộc sống luôn vận động nên tôi tin mỗi người trong chúng ta đều đang phấn đấu để luôn được sống hạnh phúc, luôn được sống thanh nhàn. Nói là thế nhưng những gì chúng ta đang có, hãy trân trọng, vì đó chính là những giá trị rất thực tế, rất đời mà chỉ riêng chúng ta có được. Đạo phật dạy chúng ta biết phấn đấu bền bỉ, biết yêu thương và biết chừng mực, biết tìm ra niềm vui trong bất kỳ hoàn cảnh nào", ông Dũng chia sẻ thêm.
Doanh nhân cũng như bao người khác, mục đích sống của cuộc đời là tìm kiếm hạnh phúc. Sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi vì áp lực cạnh tranh, ăn chay, ngồi thiền, tu tập theo giáo lý nhà Phật là cách giúp họ tìm thấy sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn.