;
Qua một vài lời của vị quan chức này đề cập đến Đức Pháp chủ, chúng ta có thể biết việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam chăm sóc sức khỏe Đức Pháp chủ như thế nào. Theo đó, có một chú nhỏ theo hầu Đức Pháp chủ để khi có việc gì thì báo cho giáo hội.
Trong phát biểu trên, Đức Pháp chủ được coi là quốc bảo của đất nước và của Phật giáo.
Là người đứng đầu về mặt tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc chăm sóc sức khỏe của Đức Pháp chủ, vị Hòa thượng đã vượt tuổi 100 này là trách nhiệm lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nhưng với những gì được thông tin, thì việc chăm sóc đó chỉ là có một chú nhỏ sống bên cạnh hòa thượng. Dĩ nhiên, bằng một người như vậy thì khi có việc trở ngại trong sức khỏe của Hòa thượng hơn 100 tuổi, thì chỉ có thể sớm bảo lại, chứ làm sao có thể làm gì khác?
Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội trong một lần đảnh lễ vấn an Đức Pháp Chủ - ảnh Phúc Thịnh
Chăm sóc sức khỏe như vậy đối với Đức Pháp chủ trên 100 tuổi thì không hơn gì một gia đình bình thường chăm sóc một cụ ông trong nhà, hoàn toàn không phù hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và với cương vị Pháp chủ của Hòa thượng.
Với những gì được biết, không thể không nêu câu hỏi vì sao Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hơn 100 tuổi mà chỉ có sự chăm sóc bị động, thiếu chuyên môn y tế lão khoa rõ ràng là một thiếu sót như thế.
Những bậc tu hành cao tuổi thường ít khi tự quan tâm đến sức khỏe vì cho rằng thế gian vô thường. Nhưng trách nhiệm của hàng đệ tử là phải có chăm sóc, nhất là về y tế, ở mức tối đa, không thể đơn giản và thụ động giới hạn ở mức có người kề cận, báo tin khi có việc.
Vậy thì nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho Đức Pháp chủ, thì phải làm gì?
Theo tôi, đối với việc chăm sóc sức khỏe cho vị hòa thượng được coi là quốc bảo của quốc gia, của Phật giáo, trong hoàn cảnh đã hơn 100 tuổi, thì cần có bác sĩ túc trực 24/24 phục vụ. Với một cụ già trên 100 tuổi, giữ vị trí như vậy, thiết tưởng, có bác sĩ chăm sóc thường trực chỉ là yêu cầu tối thiểu (việc túc trực 24/24 sẽ cần hai bác sĩ luân phiên).
Tất nhiên, Đức Pháp chủ sẽ từ chối, nhưng việc làm sao phải có hoạt động chăm sóc chu đáo sức khỏe của ngài là trách nhiệm của trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các chức sắc hữu quan.
Mong rằng, sau bài viết này, thì không còn cần đến bàn luận gì khác về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe Đức Pháp chủ, nhất là khi đến trường hợp cần có những lưu tâm đặc biệt, điều không thể tránh khỏi với người cao tuổi. Còn như hiện tại, chỉ để một chú nhỏ kề cận để báo tin khi cần, là chẳng chăm sóc gì hết, là không có trách nhiệm.
MT
Phản hồi riêng đối với các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh, ĐT: 0915553610.