;
Mẫu Chứng điệp Quy y Tam Bảo của chùa Hoằng Pháp (TPHCM).
Hoan nghênh hình thức chứng nhận Phật tử bằng văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Là người Phật tử, chúng tôi rất phấn khởi khi nhận được thông báo số 002/ (TB-BHDPT) của Thường trực Hội đồng Trị sự Phật giáo T.Ư về việc triển khai “cấp giấy chứng nhận Phật tử”; bởi đây là việc làm có ý nghĩa không chỉ về mặt xác quyết văn bản hành chính-pháp luật mang tính văn tự mà điều sâu sắc hơn bởi đó là Niềm tin của người Phật tử đối với một tôn giáo tinh hoa và minh triết đã được con dân Đất Việt theo đuổi và lưu giữ hàng nghìn năm trong tiềm thức đấu tranh dựng nước và giữ nước.
HT.Thích Thanh Hùng, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư ký Thông báo số 002/TB-BHDPT gửi Ban hướng dẫn Phật tử các tỉnh thành, Chư tôn đức Tăng Ni trụ trì, Ban Hộ tự các tự viện.
Đọc lịch sử cha ông thời Lý-Trần chắc nhiều người không quên thời kỳ ấy Phật giáo là Quốc đạo. Nhưng lần lần do biến động lịch sử mà có sự thay đổi bởi đất nước ta có thêm những tôn giáo mới ra đời. Chính vì lẽ này, mà việc xác lập tôn giáo trong mỗi công dân là điều cần thiết của một thể chế văn hóa chính trị…
Tại sao người viết đặt vấn đề Văn hóa trước, bởi lẽ đợt điều tra dân số mới đây, theo Tổng cục thống kê cho hay: Tỷ lệ tín đồ theo đạo Phật thấp hơn so với Thiên Chúa giáo.
Nếu ai là người tin sâu đạo Phật khi nhận được con số so sánh này đều thấy ngạc nhiên, và sau ngạc nhiên là hẵng hụt tự trách mình (không khai trong bản kê điều tra dân số bữa ấy); bởi từ xưa đến nay chưa ai nghĩ đến tín đồ Phật giáo lại có con số so sánh giữa hai tôn giáo ở nước ta lại thấp đến vậy! Đây là điều mà Phật tử chúng ta cần suy ngẫm về mặt văn hóa.
Văn hóa ở đây được hiểu là kế thừa truyền thống Phật giáo của cha ông ta thời Lý-Trần đã một thời lấy Đạo Phật là Quốc giáo; thế mà trong khi điều tra dân số trong mục tôn giáo: Ta lại bỏ trống, thậm chí lại ghi là “không” tôn giáo. Nhân đây xin được chia sẻ: Phật giáo vốn “phá chấp” thích “thong dong” nên yêu chữ “KHÔNG”.
Một mặt vì ngại khai là (Phật giáo) sợ cơ quan làm giấy “chứng minh” hay vặn vẹo (lý sự) thì lấy gì làm bằng. Nếu là tu sĩ xuất gia thì ai chả rõ. Nhưng là cư sĩ Phật giáo tại gia thì nói sao đây khi bị lục vấn! Thế nên đành yêu chữ “không” cho thanh thản, chứ không phải hững hờ với tôn giáo của mình.
Phải chăng đây là lý do mà tín đồ Phật giáo qua điều tra dân số vừa qua thấp hơn Thiên Chúa giáo (ở đây người viết không có ý định khơi dậy sự đua tranh); bởi Phật giáo luôn đề cao lục hòa và ít muốn nói về mình.
Ngang đây cũng muốn nói thêm: theo dòng chảy lịch sử Phật giáo vào thế kỷ XIII – XIV Phật giáo đồng thời xác lập vị trí Quốc giáo tại 2 quốc gia trung đại ở Đông Nam Á là Sukhothai (Thái Lan) và Đại Việt (Việt Nam).
Tuy nhiên dưới những biến động lịch sử, Phật giáo vẫn giữ vị trí Quốc giáo của mình tại Thái Lan, nhưng tại Việt Nam thời kỳ đỉnh cao ở thế kỷ XIV, Phật giáo trở về địa hạt của đời sống dân gian.
Còn ở Thái Lan hiện nay, hầu như các quan chức trước khi vào việc thế (việc đời) đều phải tập tu 3 tháng nơi cửa Phật. Vậy 3 tháng tập tu này là gì? Đẻ khởi hạnh từ bi và hiểu tam vô lậu học (trí vô sư) của Phật giáo.
Điều này được coi như luật Quốc. Với dẫn chứng này đủ thấy Phật giáo rất có uy tín ở nước Thái Lan.
Và cha ông ta thời Lý-Trần cũng lấy (Quốc giáo) làm nền tảng mà kinh tế xã hội (hưng thịnh). Vậy, thì hà tất gì khi khai báo là Phật tử chúng ta lại né tránh tôn giáo của mình và ngược lại người thực thi làm giấy tờ cho những Phật tử tại sao chẳng hiểu mình đều là con dân Đại Việt xưa kia.
Bởi người Phật tử thuần thành giữ 5 giới: không sát, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không sử dụng những chất kích thích thì ngang đó - giới luật nhà Phật cũng đồng hành với nhà nước bảo vệ pháp luật đó sao! Nếu hiểu được như thế từ hai phía thì chẳng còn kiến chấp khó khăn phiền não.
Trở lại vấn đề đã nêu, việc “cấp giấy chứng nhận Phật tử”, ai cũng biết kéo theo nhiều vấn đề như: Thời gian, in ấn, tài chính và bao việc kế tiếp…Nhưng không thể không làm, bởi giấy chứng nhận Phật tử không chỉ giúp cho việc khai báo làm căn cước công dân dễ dàng mà đây còn là niềm tin tôn giáo.
Và khi tờ giấy chứng nhận này nếu ta khởi tâm (dụng công làm tốt kể cả nội dung và hình thức) của tờ giấy này sẽ là tăng ích pháp cho tấm điệp Tam Quy khi nó đồng hành cùng giấy căn cước công dân.
Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh
(Phố Quang Trung.-Tp. Uông Bí – Quảng Ninh)