nguoiphattu.com Ngày 06 tháng 11 năm 2012, nhằm ngày 23 tháng 09 năm Nhâm Thìn, nhận lời mời của Ban tổ chức, Đại đức Thích Tâm Hoan - Ủy viên Ban hoằng pháp Thành hội Phật giáo Hà Nội, trụ trì Tổ đình Hòe Nhai (Hồng Phúc) – Hà Nội đã quang lâm giảng đường chùa Bằng, có thời pháp thoại với chủ đề “Sự và Lý cầu nguyện trong kinh Dược Sư”.
Chùa Bằng: Ngày thứ 2 pháp hội Dược Sư “Ý nghĩa mười hai đại nguyện” Trong
bài giảng, Đại đức đã giảng giải cho hàng Phật tử hiểu rõ để có cuộc
sống an vui giải thoát, khi trì tụng kinh Dược Sư, chúng ta cần phải
hiểu rõ Sự và Lý. Sự - Lý ở đây chính là nói đến việc tín thụ phụng
hành, đọc tụng kinh Dược Sư này, chúng ta phải cần thấu hiểu nghĩa lý
sâu sắc trong kinh Đức Phật đã dạy, thì việc cầu nguyện hành trì kinh
Dược Sư mới có được kết quả tốt đẹp. Như trong kinh đã nói: “…Lại phải
nghĩ nhớ công đức bản nguyện của Đức Phật kia, đọc tụng Kinh này, suy
nghĩ nghĩa Kinh rồi đem diễn thuyết khai thị cho người, thế rồi tùy muốn
cầu gì cũng được, cầu sống lâu được sống lâu, cầu giàu có được giàu có,
cầu quan chức được quan chức, cầu con cái được con cái”. Đoạn kinh
trên Đức Phật muốn nói đến nhân quả hiện tiền, khi người ta thành kính
thọ trì Kinh đúng Sự và Lý thì ngay đời hiện tại sẽ được phước báu an
lành tránh được tai ương hạn ách. Trong cuộc sống của con người, ai
cũng mong muốn cho mình được mạnh khỏe sống lâu, giàu sang có địa vị
chức tước trong xã hội, có con cái. Đây là sự mong cầu chính đáng, là
ước mơ, là niềm hi vọng của mỗi người. Nhưng chỉ cầu nguyện ở tha lực mà
không phát huy tự lực ở chính nơi mình, tinh tiến tu tập loại trừ ác
nghiệp để cho thiện nghiệp tăng trưởng thì không bao giờ toại nguyện
được như ý muốn, chẳng khác gì người ta bê hòn đá ném xuống sông rồi
đứng cầu nguyện mong cho nó nổi lên. Nói đến “Sự” chính là nói đến
các Pháp hữu vi do nhân duyên sinh khởi mà có. Vậy sự cầu nguyện mong
ước đúng với chính pháp là một nhân tốt, nhân đó muốn phát triển để có
quả tốt thì cần phải có các duyên lành kết hợp. Ý nói chúng ta ngoài
việc cầu nguyện còn phải biết tạo các duyên lành để cho nhân tốt đó được
phát triển. Như muốn sống lâu, muốn giàu có, muốn quan chức, muốn con
cái thì người ta phải giữ gìn giới luật, biết tu tâm dưỡng tính, không
sát sinh hại vật, làm lành lánh dữ, loại bỏ phiền não khổ đau trong tâm,
ngoài ra còn phải biết bố thí cúng dường, giúp đỡ những người nghèo
khổ, làm nhiều việc phúc, lợi ích cho đời, chỉ như thế cuộc sống tương
lai mới tốt đẹp. Nói đến “Lý” chính là nói đến Pháp vô vi thanh tịnh trong sáng mà người tu đạt được nhờ vào sự thọ trì cầu nguyện kinh Dược Sư. Về
sống lâu, không gì hơn khi người ta tu tập diệt trừ hết phiền não khổ
đau trong tâm quay trở về sống với Pháp thân thanh tịnh của mình. Đây
chính là pháp thân trường tồn bất diệt mà mỗi người đều có, chúng sinh
bị vô minh che lấp nên không thấy được cứ rong ruổi với báo thân bên
ngoài. Có sống lâu như ông Bành Tổ cũng có ngày phải ra đi, đó là quy
luật có sinh ắt có tử. Nói đến của cải thì không gì quý hơn là người
tu tập quay trở về sống với tâm từ bi bình đẳng, trí tuệ của mình. Đây
là của báu vô giá của mỗi người, lâu nay chúng ta lãng quên, chạy theo
của cải bên ngoài đến lúc chết cũng không mang được gì đi, chỉ mang theo
nghiệp ác đã tạo tác, rồi phải chịu cảnh sinh tử luân hồi. Người
tu hành đạt đạo có được tâm từ bi, trí tuệ, như kinh Duy Ma Cật có nói:
“Tâm từ bi là con gái, trí tuệ chân thật là con trai”. Tu hành đạt đến
cảnh giới này, thì không chức quan nào hơn. Quan chức là người lo công
việc chung, giúp đỡ cộng đồng. Người đời phấn đấu học hành, thi cử đỗ
đạt để được làm quan, hưởng bổng lộc, khi giúp người khác được việc gì
thì họ mong người ta phải biết nhớ ơn mình. Những người lo việc chung
như thế này thì không ai hơn được Phật và Bồ Tát. Vì cuộc sống an vui
hạnh phúc của nhân loại mà các ngài làm việc giáo hóa chúng sinh không
biết mệt mỏi, dù có hy sinh cả tính mạng cũng không hề đòi hỏi bất cứ ai
một điều kiện nào. Chư Phật ra đời dùng vô số phương tiện khác nhau
cũng không ngoài mục đích cứu khổ ban vui cho chúng sinh, để đưa chúng
sinh từ bến mê quay trở về bờ giác, sống với bản tâm thanh tịnh của
mình. Người thọ trì cầu nguyện Kinh Dược Sư cũng phải biết nương vào Sự
để hiển Lý làm cho cuộc sống an vui ngay trong đời hiện tại. Đó cũng
chính là điều Đại đức muốn khuyến tấn tới hàng Phật tử tại gia thọ trì
kinh Dược Sư.