Chùa do ngài Yeon-hoe (Quốc sư của Vương quốc Silla thời bấy giờ) xây dựng vào năm 794. Lúc đầu chùa có tên là Gyeonseong-sa (chùa Kiến Tánh - trong tiếng Hàn, chữ “sa” có nghĩa là chùa). Vào năm 1498, chùa được trùng tu và lấy tên là Bongeun-sa. Trải qua chiều dài lịch sử trên 1.000 năm, chùa đã được trùng tu và nâng cấp rất nhiều lần.
Chùa Bongeun là trung tâm chính của Thiền tông ở Hàn Quốc. Năm 1902, chùa Bongeun được Nhà nước xếp vào một trong mười bốn ngôi chùa chính ở Hàn Quốc. Đến năm 1911, chùa Bongeun trở thành trụ sở chính của Phật giáo, có nhiệm vụ trông coi và điều hành 80 ngôi chùa nhỏ hơn ở thủ đô và khu vực lân cận. Trong những trận lụt lớn vào năm 1922 và 1929, ngài Cheong-ho, trụ trì của chùa, đã cứu sống trên 700 người dân khỏi phải bị chết đuối trên sông Han, một trong 4 con sông dài nhất ở Hàn Quốc. Để tưởng nhớ những hành động nhân đạo của ngài, người dân đã dựng tượng đài vinh danh ngài.
Năm 1972, Viện Dịch thuật kinh điển từ tiếng Hán sang tiếng Hàn đã được thành lập tại chùa. Viện dịch thuật này đã sản sinh ra nhiều dịch giả xuất sắc và phát hành rất nhiều bản dịch vô cùng giá trị cho Phật giáo Hàn Quốc.
Hiện tại, chùa Bongeun tọa lạc trên diện tích rộng đến cả chục héc-ta, trên sườn núi phía Nam thủ đô Seoul, và là một trong những tự viện lớn nhất ở thủ đô Seoul, với hàng chục công trình kiến trúc lớn nhỏ, rất cân đối, hài hòa và thân thiện môi trường. Chùa là nơi tu học của hơn 200.000 tín đồ Phật tử. Bên cạnh đó, chùa còn là một trung tâm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn và ấm cúng đối với tất cả người dân Hàn Quốc cũng như du khách quốc tế.
Trước nhịp sống hối hả, tất bật và rộn ràng của người dân thủ đô, chùa đã tổ chức các khóa tu ngắn ngày (chương trình Temple Stay) trong khuôn viên yên tĩnh, hài hòa với thiên nhiên của chùa để đem đến cho hành giả những giờ phút yên bình, hạnh phúc trong cuộc sống. Các khóa tu đã thu hút rất nhiều người tham dự, đặc biệt là giới trẻ.
Chùa Bongeun hiện đang lưu giữ 3.438 mộc bản khắc 15 bộ kinh Phật, trong đó có kinh Hoa Nghiêm và kinh Kim Cang. Ngài Yeong-ki và ông Kim Jeong-hui đã chỉ đạo dự án khắc kinh điển này vào năm 1855. Trong đó, bản kinh Hoa Nghiêm là một tuyệt tác nghệ thuật, là một trong số rất ít những di sản còn lại ở Hàn Quốc, và là một nguồn tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo, triết học Phật giáo và sự tiến hóa của tiếng Hàn. Hiện tại, ngôi điện Pan-jeon được xây dựng vào năm 1856 để lưu giữ các bản kinh khắc trên gỗ nói trên là công trình kiến trúc cổ nhất tại chùa.
Đại hùng Bảo điện là công trình kiến trúc chính của chùa, được trùng tu vào năm 1982. Trong chánh điện thờ ba pho tượng Tam thế Phật. Có một bức thư pháp được treo trong chánh điện là tác phẩm nghệ thuật của ông Kim Jeong-hui, một học giả và nhà thư pháp nổi tiếng dưới triều đại Joseon.
Trong khuôn viên của chùa còn có một pho tượng Phật Di Lặc lộ thiên, cao 23 mét. Đây là pho tượng Phật Di Lặc bằng đá thuần khiết cao nhất ở Hàn Quốc. Công trình này do ngài Young-am xây dựng vào năm 1986, và hoàn thành vào năm 1996, nhằm cầu nguyện cho sự hòa bình và thống nhất của hai miền Nam - Bắc Hàn. Khi pho tượng được hoàn thành, trong lễ lạc thành có 100.000 lồng đèn đã được treo lên và thắp sáng để đón mừng. Khoảng trống giữa pho tượng và điện Mireuk được dùng để tổ chức các sự kiện văn hóa và các lễ hội Phật giáo.
Hàng năm, chùa tổ chức nhiều sự kiện văn hóa và lễ hội khác nhau, thu hút đông đảo tín đồ và du khách đến tham dự. Đặc biệt là trong những năm gần đây, chương trình Temple Stay của chùa đã trở thành một chương trình tu học lý tưởng cho rất nhiều bạn trẻ trong và ngoài nước đến tham gia.
Quảng Trí