;
Tên chùa Giác Lâm đã hiện diện trên nhiều tài liệu hướng dẫn du lịch trong và ngoài nước, thực tế đã trở thành một địa điểm du lịch khá nổi tiếng ở TPHCM. Chùa cũng là một ngôi chùa lớn, có nhiều sinh hoạt thu hút Phật tử, đặc biệt là các khóa tu. Như vậy, ngoài vai trò là một điểm du lịch, chùa Giác Lâm đã được xây dựng theo hướng một trung tâm hoằng pháp ở TPHCM.
Bài viết này đề xuất một hướng phát triển mới đối với chùa Giác Lâm. Đó là xây dựng chùa thành một trung tâm thông tin du lịch Văn hóa Phật giáo.
2) Trung tâm thông tin du lịch
Trong hoạt động du lịch tại một địa phương, trung tâm thông tin du lịch có một vai trò quan trọng. Trung tâm thông tin du lịch là địa điểm thuận lợi mà du khách tiện lui tới. Ở đó, du khách sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ về các điểm du lịch, hướng dẫn sao cho có thể đi đến các điểm du lịch đã được thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng, an toàn với chi phí thấp, với nhiều phương tiện để lựa chọn.
Trung tâm thông tin du lịch có vai trò kích thích, thúc đẩy hoạt động du lịch, gợi ý chỉ dẫn các điểm du lịch mới cho du khách, làm cho tăng trưởng hoạt động du lịch, tạo thuận lợi tối đa cho khách du lịch. Giới thiệu các điểm du lịch mới là một chức năng của trung tâm thông tin du lịch. Trong trường hợp này, đối với Phật giáo, các trung tâm thông tin du lịch có thể giới thiệu các ngôi chùa lớn, có kiến trúc và khuôn viên đẹp, biến những nơi này trở thành nơi thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách ngoài nước, trở thành một điểm du lịch.
Trung tâm thông tin du lịch có thể là một địa điểm lớn, ở trung tâm thành phố, như ở TPHCM được đặt trên đường Nguyễn Huệ, hay có thể là những văn phòng nhỏ đặt tại các khu có đông khách du lịch, hoạt động song song với các trung tâm dịch vụ du lịch, kích cầu hoạt động du lịch. Trung tâm thông tin du lịch có thể đặt ở các điểm du lịch, mà ở đây chúng tôi nghĩ đến chùa Giác Lâm, quận Tân Bình, TPHCM, nơi trở thành một điểm du lịch.
Việc cung cấp thông tin du lịch có thể bằng nhiều phương thức. Đó có thể là văn bản chỉ dẫn bằng nhiều thứ tiếng, sơ đồ, bản đồ chỉ dẫn đường đi tới các điểm du lịch, thông tin về các phương tiện cách thức, liên hệ dịch vụ giao thông, hình ảnh. Thông tin có thể cung cấp miễn phí hay chào bán. Điểm thông tin du lịch, cò là nơi phát hành văn hóa phẩm du lịch, guide book, post card, vật phẩm kỷ niệm du lịch…
3) Phật giáo TPHCM cần một trung tâm thông tin du lịch văn hóa
Trong Phật giáo Việt Nam, vẫn còn một cách hiểu không thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Đó là cách nhìn nhận đối lập hoạt động du lịch với việc tu tập. Theo cách nhìn đó, khách du lịch nước ngoài chỉ là những người đem phiền nhiễu đến nhà chùa, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động tu hành. Khách du lịch nước ngoài một số ăn mặc thiếu kín đáo (vì đi đến xứ nóng), gây ồn ào, huyên náo, đến thăm chùa vì tò mò trong cương vị những người ngoại đạo, có khi có những hành động thiếu tôn kính như chỉ trỏ bình phẩm các tượng Phật. Vẫn có tu sĩ, tín đồ Phật giáo nhìn những người khách du lịch nước ngoài đến chùa với đôi mắt không thiện cảm.
Chúng tôi nghĩ nhận thức như vậy là không phù hợp với quan điểm hoằng pháp. Khách du lịch đến chùa trước hết là đối tượng để gieo duyên lành Phật pháp đến với họ. Dù họ có tới chùa với động cơ gì đi nữa, thì việc tiếp xúc giữa khách thập phương với cơ sở Phật giáo vẫn tạo nên thuận duyên cho việc hoằng pháp độ sinh.
Từ “khách thập phương” trong Phật giáo cho thấy nhà chùa rộng cửa đón tiếp đến với khách từ nhiều nguồn, nhiều nơi, nhất là khách phương xa, không phân biệt, không giới hạn.
Hiện nay, khách du lịch đến chùa được coi là khách du lịch văn hóa (cultural tourism). Trong hoạt động du lịch văn hóa, giới học thuật khoa học xã hội đều thống nhất coi là có lợi cho cả 2 bên, khách du lịch và điểm đến du lịch
Giáo trình “Du lịch Văn hóa: Những vấn đề lý luận và nghiệp vụ”, Trần Thúy Anh chủ biên, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đã dẫn lại một số định nghĩa về du lịch văn hóa cho thấy điều này.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO: United Nation World Tourism Organjation) thì định nghĩa như sau:
“Du lịch văn hóa bao gồm hoạt động của những người với động cơ chủ yếu là nghiên cứu, khám phá về văn hóa như các chương trình nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật biểu diễn, về các lễ hội và các sự kiện văn hóa khác nhau, thăm các di tích và đền đài, du lịch nghiên cứu thiên nhiên, văn hóa hoặc nghệ thuật dân gian và hành hương”.
Hội đồng Quốc tế các di chỉ và di tích (ICOMOS: International Council On Monuments & Sites) cũng có định nghĩa:
“Du lịch văn hóa là loại hình du lịch mà mục tiêu là khám phá những di tích và di chỉ. Nó mang lại những ảnh hưởng tích cực bằng việc đóng góp vào việc duy tu, bảo tồn. Loại hình này trên thực tế đã minh chứng cho những nỗ lực bảo tồn và tôn tạo, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng vì những lợi ích văn hóa – kinh tế - xã hội”
“Theo Luật Du lịch, “ Du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống””.
Như vậy, du lịch văn hóa giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, có tác dụng tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Ở đây, giá trị văn hóa là các ngôi chùa, tháp Phật, tượng thờ Phật, các giá trị Phật giáo. Vì vậy, du lịch thăm viếng chùa chiền có thể coi là du lịch văn hóa Phật giáo với các đặc tính như trên, ngoài tác dụng gieo duyên hoằng pháp mà chúng ta cũng đã nói.
Với nhận thức như thế về du lịch văn hóa Phật giáo, thì chúng ta, tăng ni Phật tử, cần khai thác triệt để những thế mạnh du lịch văn hóa Phật giáo đã có để thúc đẩy hoạt động này ngày càng phát triển. Mà ở đây chùa Giác Lâm là một trường hợp hết sức điển hình.
4) Đề xuất xây dựng chùa Giác Lâm thành một trung tâm thông tin du lịch văn hóa Phật giáo
Là một chùa cổ, được giới thiệu trong nhiều tài liệu du lịch TPHCM, thu hút sự quan tâm của khách du lịch nước ngoài, đã khiến chùa Giác Lâm có nhiều thuận lợi để xây dựng thành một trung tâm thông tin du lịch văn hóa Phật giáo, phục vụ có hiệu quả cho cả khu vực TPHCM và toàn Nam Bộ.
Dưới đây là một số đề xuất cụ thể:
- Xây dựng chùa Giác Lâm thành một bảo tàng nhỏ về lịch sử Phật giáo Sài Gòn – Gia Định TPHCM, đặc biệt chú trọng phần lịch sử Phật giáo hiện đại, từ chấn hưng Phật giáo cho đến nay. Việc giới thiệu diễn biến lịch sử được bố trí với sự nhấn mạnh các địa điểm nơi diễn ra các sự kiện lịch sử như chùa Ấn Quang, chùa Xá Lợi, công viên Bồ tát Thích Quảng Đức…, thúc đẩy việc thăm viếng các ngôi chùa lớn mới xây tại Sài Gòn đầu thế kỷ XX như là các di tích gắn liền với những biến cố lịch sử.
- Cung cấp cho khách du lịch đến thăm chùa Giác Lâm những thông tin, chỉ dẫn cần thiết, để khách đến thăm tiếp các ngôi chùa lớn, có cảnh đẹp trong thành phố, thậm chí tổ chức đội taxi, xe ôm phục vụ khách đi viếng, nối liền chùa Giác Lâm với các chùa lớn, có cảnh đẹp gắn liền với các biến cố lịch sử thành một mạng lưới tham quan chùa chiền ở TPHCM.
- Biên soạn tài liệu tiếng Anh, Pháp, Trung… thông tin tóm tắt về chùa chiền, cơ sở Phật giáo, tượng Phật nổi tiếng ở khắp cả Nam Bộ. Tài liệu thông tin dạng rút gọn có thể biếu tặng. Tài liệu dạng sách đầy đủ có thể tổ chức phát hành đến khách du lịch tạo doanh thu cho nhà chùa. Cùng với tài liệu có thể là bưu ảnh, sách ảnh…
- Tổ chức một phòng chiếu phim nhỏ trình chiếu những bộ phim ngắn giới thiệu chùa nổi tiếng ở Nam bộ đến với khách du lịch, xem như là một trong những tiết mục tham quan.
{widget = w_poll|poll_id=7}
Thông tin riêng: vinasat132@yahoo.com hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh
Minh Thạnh - Nguyên Lạc