Ngoài những mộc bản Kinh Phật của nhà chùa, nhiều mộc bản được đưa về đây từ các chùa Từ Hiếu, Bảo Quốc, Diệu Đế, Viên Thông, Tường Quang…
Đây là những văn bản Hán - Nôm được khắc trên ván gỗ để in thành sách kinh Phật tại nước ta từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Loại gỗ chủ yếu dùng để khắc những mộc bản này là gỗ thị- loại gỗ tốt và có ý nghĩa tâm linh.
Nhiều mộc bản kinh Phật trong số này được khắc thành bộ, như Bộ Kinh Phạm Võng, Kinh Pháp Khoa, Kinh Lăng Nghiêm, Khoa Chẩn Tế, Luật Tứ Phần… Có nhiều bộ mộc bản Kinh Phật được khắc từ thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, có bản vẽ của ngài Thạch Liêm; nhiều bộ khác khắc hình Phật Thích ca và các vị Bồ tát kích cỡ rất lớn. Ngoài chùa Từ Đàm, tại chùa Thiên Mụ (phường Hương Long, TP.Huế) cũng đang lưu giữ lượng lớn mộc bản kinh Phật hết sức có giá trị.
Theo các nhà nghiên cứu, các mộc bản Kinh Phật đang được lưu giữ trong các ngôi chùa ở Thừa Thiên - Huế là những di sản tư liệu quý hiếm của quốc gia, phản ánh lịch sử và tư tưởng, văn hóa Phật giáo ở Huế cũng như ở Việt Nam. Những tư liệu này hết sức có giá trị đối với hoạt động nghiên cứu sự phát triển của chữ viết người Việt trong lịch sử. Ngoài ra, mỗi mộc bản là một tác phẩm điêu khắc hết sức tinh xảo, sắc nét, thể hiện tài hoa của người Việt trước đây.
Mộc bản kinh Lăng Nghiêm đang được lưu giữ tại chùa Từ Đàm.
Tuy nhiên, đáng lo hiện nay là nhà chùa thiếu kinh phí để bảo vệ những mộc bản này.
Hòa thượng Thích Hải Ấn - Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, từ khi ra đời đến nay, các mộc bản Kinh Phật được các chùa trên địa bàn sử dụng để in sách phục vụ cho tăng, ni và phật tử. Điều lo lắng nhất hiện nay là các cổ vật này hư hỏng ngày càng nhiều do bị mục, bể, mối mọt, cong vênh… do không được bảo quản trong điều kiện tối ưu.
Tại các chùa Từ Đàm và Thiên Mụ, các mộc bản Kinh Phật quý hiếm đang được bảo quản tạm thời bằng cách… chất vào nhà kho của chùa. Trong khi đó, các nhà kho này thường ẩm ướt khiến mộc bản hư hỏng nhanh. Trụ trì các chùa hết sức lo lắng nhưng lực bất tòng tâm vì khả năng của chùa có hạn.
Theo hòa thượng Thích Hải Ấn, để bảo vệ hiệu quả những báu vật quốc gia này, vấn đề cần kíp hiện nay là có một nơi để bảo quản. Nơi này phải có đầy đủ các thiết bị chiếu sáng, chống ẩm để mộc bản đưa vào đây được bảo quản bền vững. “Chúng tôi muốn xây dựng một trung tâm bảo quản và trưng bày các mộc bản Kinh Phật để vừa bảo tồn tốt cổ vật, vừa phục vụ cho việc tham quan, tìm hiểu văn hóa Phật giáo của người dân và du khách. Nhưng do không có quỹ đất và kinh phí nên mong muốn này không biết bao giờ mới thực hiện được”- hòa thượng Thích Hải Ấn nói.
Mới đây, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 đã tiến hành khảo sát, sưu tầm tài liệu mộc bản tại Huế và đã sưu tầm được 1.126 mộc bản Kinh Phật quý hiếm tại một số chùa.
Theo An Sơn - DV