;
Mr Đàm mướt mồ hôi phát quà từ thiện tại Chùa Lò - Trúc Lâm Vĩnh Nghiêm Đại Phật
Theo tư liệu hồ sơ còn lưu lại tại dòng tộc họ Dương. Chùa Lò tọa lạc tại thôn Thạch Ngọc, xã Yên Lộc, huyện Can Lộc được xây dựng vào khoảng Hậu Lê thế kỷ 18. Chùa được xây dựng do ông Dương Trí Cổn cháu nội của Tiến sĩ Bạt quận công Dương Trí Trạch. Ông Dương Trí Trạch sinh năm Bính Tuất (1586), tại làng Yên Huy, xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc (nay là xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Năm Tân Sửu (1661) ông được gia phong Thượng thư Bộ lễ kiêm Hàn lâm viện thị giảng chưởng Hàn lâm viện sự Thiếu bảo. Trải qua 40 năm làm quan đầu triều ông là người cương trực, thanh liêm ngay thẳng, làm việc luôn giữ nghiêm phép nước. Ông được vua Lê Thần Tông ca ngợi. Tháng bảy, năm Nhâm Dần (1662) tiến sỹ Dương Trí Trạch qua đời, thọ 77 tuổi, nhân dân đã lập đền thờ tại xã Bạt Trạc, quê hương của ông để hương khói thờ phụng ông được triều đình truy tặng là Thái tể.
Cũng như nhiều ngôi chùa khác trên vùng đất Hà Tĩnh. Sau những biến thiên và suy nghĩ quan điểm sai lầm của thời cuộc đã đẩy các công trình kiến trúc cổ đại của Phật giáo trở thành phế tích tan hoang, trong sự kiện đó Chùa Lò cũng chỉ còn lại nền đất trống. Theo lịch sử, Chùa Lò có nhiều giai thoại gắn liền với dòng tộc và cũng nằm trong quần thể Nhà thờ Dương Trí Trạch.
Đại đức Thích Đồng Sĩ Tăng chúng chùa Vĩnh Nghiêm đang trú xứ tại chùa Đá (Đức Thọ) cho biết: Thời gian gần đây một người con đời thứ 12 trong dòng tộc họ Dương Trí đã phát tâm thỉnh mời Thượng tọa Thích Thanh Phong, trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm về hướng dẫn các thủ tục tâm linh cần thiết để khảo sát thiết kế quy hoạch nhằm phục dựng và xây mới ngôi cổ tự này. Được sự hoan hỷ của Thượng tọa và dòng phái Vĩnh Nghiêm, bản thiết kế quy hoạch một Đại Phật Tượng cao 49m, khối lượng khoảng 1.000 tấn đồng đã hoàn chỉnh, hạ tầng theo Đại Phật Tượng gồm Hội trường, Tăng đường, và các hạng mục thiết yếu cho một công trình Phật giáo đồ sộ trang nghiêm trên quê hương Hà Tĩnh - một vùng đất kinh đô và có chiều dài về lịch sử Phật giáo Việt Nam đang được gấp rút các thủ tục pháp lý để tiến hành xây dựng.
Hình phối cảnh tổng thể Trúc Lâm Vĩnh Nghiêm Đại Phật sau khi hoàn thành.
Sau 60 năm bị tàn phá, nền đất chùa đã biến thành ruộng trồng lúa. Từ tháng 3 năm 2015 bà con nhân dân trong làng đã quyên góp được một ít tịnh tài bên cạnh được sự trợ giúp của dòng tộc họ Dương nên đã san lấp, xây dựng tạm những gian nhà lợp tôn, kịp thời có được không gian thanh tịnh làm lễ Phật đản, ngôi Tam bảo tạm thời cũng trở nên ấm cúng trang nghiêm hơn. Từ đó đến nay mùi hương trầm, ánh sáng của từ bi, trí tuệ đã bắt đầu tỏa ngát chiếu sáng vào quê hương Can Lộc cụ thể là vùng đất xã Yên Lộc, nơi “địa linh nhân kiệt” nơi hội tụ và gắn liền với tên tuổi các danh nhân lịch sử văn hoá, khoa bảng, vương triều xưa.
Thầy Đồng Sĩ cho biết thêm, trên tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật, Chư Tôn đức Tổ đình cũng đã tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm trong tinh thần biết ơn sâu sắc và cầu nguyện cho anh linh các bậc tiền nhân khai sơn tạo tự, các chư vị lịch đại Tổ sư, dân làng quá cố của bổn thôn, các anh hùng, danh nhân văn hóa trên vùng đất Can Lộc được an vui tự tại nơi cảnh giới an lành.
Đàn tràng chẩn tế cầu siêu
Một lễ vu lan đầu tiên với đầy đủ các nghi thức truyền thống dành cho 1.500 Phật tử, nhân dân trong vùng, đặc biệt hơn buổi lễ có 400 bạn trẻ thanh thiếu niên tại đây tham dự cũng đã được cử hành ngay sau lễ cầu siêu một cách trang nghiêm mang lại nhiều ý nghĩa giáo dục lợi sinh cao cả cho những người dân.
Theo các tư liệu còn lưu lại, Hà Tĩnh từ những thập niên 30 – 50 là một vùng đất cực hưng thịnh của Phật giáo chùa chiền phát triển các nhà sư tụ hội về đây rất đông, một số vùng như huyện Lộc Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh ngày nay rất nhiều phế tích liên quan, hoặc đã thành khu dân cư, hoặc chưa có cơ sở điều kiện để phục dựng.
Công trình Trúc Lâm Vĩnh Nghiêm Đại Phật sau khi được hoàn thành chắc chắn sẽ trở thành một điểm nhấn quan trọng cho khu vực Bắc Miền Trung, là nơi quy tụ những hội nghị, những đại lễ Phật giáo có tầm cở quốc tế và khu vực. Là nơi chiêm ngưỡng lễ bái, tổ chức các khóa tu lớn, và sẽ là điểm đến du lịch tâm linh trở thành một trong những biểu tượng văn hóa Phật giáo lớn trong và ngoài nước.