;
Bài viết liên quan.
Vụ chùa Lộc Uyển Lâm Đồng: Con nước hai giòng (1)
Vụ chùa Lộc Uyển Lâm Đồng: Nguyên nhân sự cố (2)
Vụ chùa Lộc Uyển Lâm Đồng: Lòng tham và vô minh (3)
Từ sự chủ trì buổi lễ sám hối đầu tiên ngày 19/1/2015 (tức ngày 29-11 Giáp Ngọ), sau các thời khóa tụng kinh hàng tháng vào những ngày 14, rằm, 30, mồng một , SC. ML - trụ trì chùa Lộc Uyển, Đà Lạt đều dành thời gian từ 30 - 45 phút để giảng pháp cho Phật tử trong đạo tràng nghe. Đối với số đông Phật tử Lộc Uyển chúng tôi, đây là sự thay đổi vô cùng quý giá và cần thiết . Vì xưa nay Phật tử chùa Lộc Uyển chúng tôi chưa từng được nghe Pháp từ một giảng sư Ni.
Ngày 19-3-2015 , Phật tử tại đạo tràng chùa Lộc Uyển-ĐàLạt vui mừng giơ tay biểu quyết xin sư Minh Liên thuyết pháp sau mỗi buổi tụng kinh vào những ngày 14, rằm, 30, mồng một mỗi tháng.
Trong thời gian qua, dưới sự hướng dẫn của SC Khánh Hạnh, các buổi sám hối và cầu an hàng tháng chỉ có cao nhất vào khoảng 20 đến 25 người. Phật tử đến chùa thì chỉ biết tụng kinh rồi ra về. Đôi khi chúng tôi cũng muốn hiểu mình đang tụng cái gì nhưng âm thanh của khánh, chuông, mõ và các cô tụng quá nhanh, đôi lúc tụng theo còn tụng không kịp làm sao mà Phật tử chúng tôi hiểu được lời kinh! Nhưng nhóm chúng tôi vẫn không dám bỏ việc đi chùa vì sợ bị tội. Thôi thì đành nhắm mắt cầu nguyện trời Phật chứng lòng thành. Tâm thành thì thế nào cũng được gia hộ , không hiểu kinh cũng không sao, vì chung quanh đâu phải chỉ có mình chúng tôi không hiểu, nhất là lúc các cô cúng hương linh, chuông khánh lắc càng nhiều hơn, không ai nghe các cô tụng cái gì.
Nói nào ngay, khi các gia đình có tang lễ, các cô cũng đến tụng kinh. Tuy nhiên có sự đối xử rất khác nhau giữa những gia đình giàu nghèo. Chung quanh chùa Lộc Uyển hầu hết là gia đình nghèo, tạm đủ sống, chỉ có một số ít người khá, người giàu. Người giàu thì được tiếp đón riêng, kẻ nghèo thì qua loa mặc kệ. Chúng tôi nghèo vật chất nhưng tư cách chúng tôi không nghèo ! Dù rất ngao ngán cách đối xử của các cô, nhưng vì chùa Lộc Uyển là chùa trong xóm , chúng tôi cũng đã quen đi chùa rồi nên cũng tự nói với nhau, thôi thì cứ lên chùa lễ Phật, không cần để ý đến sự đối xử phân biệt của các cô.
Kể từ ngày SC. Trụ trì chùa Lộc Uyển trực tiếp hướng dẫn đạo tràng đến nay, đặc biệt là trong những ngày tết Nguyên Đán Ất Mùi , chúng tôi thấy có nhiều điều hay với cách tổ chức của Sư trụ trì. Sau giờ tụng kinh đầu năm, Phật tử được nghe thuyết giảng, rồi được mời xuống hội trường ăn trưa trong những bàn ăn trang trọng đã chuẩn bị sẵn, không kể giàu nghèo.
Đạo tràng Tụng Kinh
Sự tiếp đón phật tử ân cần của ban tiếp tân và ban ẩm thực rất chu đáo, khiến chúng tôi cảm nhận được sự đối xử bình đẳng của Sư trụ trì đến với tất cả Phật tử trong đạo tràng, ngay cả đối với những đứa cháu nhỏ của chúng tôi cũng được Sư trụ trì xoa đầu và hỏi chuyện. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng xúc động vì hơn 7 năm nay kể từ khi nhóm chúng tôi đến chùa Lộc Uyển, đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy các Phật tử mọi tầng lớp đều được tiếp đón như nhau trong một hội trường có sự sắp xếp bàn ghế cho Phật tử ngồi.
Trong khi đó, ngoài sân, các cô đệ tử của cô Khánh Hạnh: người chạy ngược, kẻ chạy xuôi, chèo kéo Phật tử thập phương đi lễ chùa đầu năm đã gây một sự ồn ào không đáng có! Không những các cô không lên chánh điện tụng kinh cầu nguyện đầu năm với Sư trụ trì cùng Phật tử, mà còn ngăn chặn Phật tử ngay dưới sân , khuyên họ đừng lên chánh điện lễ Phật mà hãy ra tượng đài Quan Âm xin xăm, cầu nguyện rồi vào ăn bún măng do các cô nấu. Chúng tôi nghe mà đau lòng nhất là các cô khuyên Phật tử hành hương không cần lên chánh điện trên lầu lễ Phật, chỉ cần ra tượng đài mẹ Quan Âm cầu nguyện là được rồi ! Phật không có trên chánh điện, Phật chỉ có ngoài đài Quan Âm thôi !!! Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến cảnh này tại các chùa chúng tôi đã đến.
Vì các cô chỉ tụng kinh mà không giảng pháp nên lâu lâu chúng tôi cũng đi các chùa khác để được nghe thuyết giảng nhưng vẫn về chùa Lộc Uyển để tụng kinh và thắp hương . Chúng tôi được nghe quý thầy nói, nếu chỉ đến chùa kiểu như chúng tôi lâu nay, đôi khi lại trở thành mê tín, xem Chư Phật, Chư Bồ Tát như một vị thần linh, ban giáng phước lành ! Nhưng để được nghe pháp vào những ngày lễ thường trong tháng tại chùa Lộc Uyển đối với chúng tôi chỉ là sự ước nguyện mà thôi. Nay ước nguyện ấy đang thành sự thật, hơn 3 tháng nay Phật tử Lộc Uyển chúng tôi đã được nghe pháp khi đi chùa, và với sự hướng dẫn tận tình của Sư cô trụ trì, đạo tràng của chúng tôi trong mỗi buổi lễ thông thường hàng tháng đã đông trên 60 người, chưa nói đến trên vài trăm người trong tết Ất Mùi và rằm tháng Giêng vừa qua.
Sau lễ Giao thừa xuân Ất Mùi, quý Phật tử chùa Lộc Uyển - Đà Lạt xếp hàng nhận lộc xuân từ Sư trụ trì.
Chúng tôi chưa bỏ buổi sinh hoạt nào của chùa và ngay cả đứa con trai 6 tuổi của 1 người bạn chúng tôi, cháu luôn mong chờ ngày chùa có lễ để được theo mẹ đến chùa lễ Phật. Cháu đã nói : con muốn đến chùa để được sư phụ của mẹ xoa đầu và nghe tiếng sư phụ của mẹ hát…(tụng kinh). Cách diễn tả sự vui thích của trẻ con thật hồn nhiên và ngây thơ!
Tất cả các buổi giảng Phật pháp, SC. trụ trì đều nhắc nhở Phật tử chúng tôi phải cẩn trọng cái miệng vì nó rất dễ tạo tội tạo nghiệp, khi không tận mắt thấy sự việc, không tận tai nghe trực tiếp sự việc, và không hiểu rõ sự việc thì đừng bao giờ vội tin hoặc nói những điều mà mình không nghe, không thấy và không hiểu để tránh tạo oán nghiệp với mọi người và tự tạo tội nghiệp cho mình. Sư vẫn thường nhắc nhở Phật tử trong đạo tràng chúng tôi muốn có được một khuôn mặt tươi sáng và một tâm hồn bình an thì cần phải biết tập cười và tập tri ân cuộc đời, bắt đầu từ sự chấp nhận, tri ân từ những người chung quanh. Chỉ trong vòng 3 tháng, được lắng nghe và được sự hướng dẫn tận tình của sư trụ trì, chúng tôi đã bắt đầu hiểu chút chút về quy y, về lễ Phật, về tụng kinh và hiểu là có thể áp dụng lời Phật vào ngay trong đời sống bôn ba vì miếng cơm , manh áo của chúng tôi.
Cách Sc. trụ trì khuyến khích chúng tôi học thuộc lòng hai bài kệ trong kinh Pháp Cú, mở đầu bằng câu " Tâm làm chủ, tâm tạo..." cũng khá đặc biệt, và đạo tràng chúng tôi đã rất hào hứng ráng học thuộc lòng để có thưởng, dù phần thưởng chỉ là một xâu chuỗi và một tràng pháo tay khích lệ. Từ đứa bé 10 tuổi đến cụ già 72 tuổi trong đạo tràng đều cố gắng để học thuộc bài kệ này,
Phật tử hoan hỷ giơ tay xin trả bài cho sư trụ trì.
tạo nên một không khí vô cùng tươi vui. Sau 3 tháng áp dụng sự hướng dẫn của Sư trụ trì vào đời sống và thực tế , khi ngồi lại nói chuyện với nhau, ai trong chúng tôi cũng công nhận là chúng tôi cũng như gia đình chúng tôi đã có sự chuyển biến tốt hơn trước.
Đạo tràng Dược sư năm nay tại chùa Lộc Uyển - Đà Lạt rất đặc biệt. Từ ngày mồng 8 đến Rằm tháng giêng, ngày nào cũng có khóa lễ cầu an và dâng đèn Dược Sư cầu nguyện cho gia đình hạnh phúc, thế giới bình an. Trước khi dâng đèn và đi kinh hành, Sư trụ trì hướng dẫn cách dâng đèn với tâm chí thành.
Kinh hành niệm Phật trong đàn tràng Dược Sư.
Trong khi thành tâm niệm danh hiệu “Nam Mô Dược Sư Lưu Y Quang Vương Phật”, lúc kinh hành, chúng tôi còn được hướng dẫn phải kết hợp sự thành tâm với sự chú ý từng bước đi để đèn không bị chao ngiêng và sáp không bị đổ ra ngoài, thể hiện sự thành kính cao độ. Sau đó chúng tôi đã được giảng về ý nghĩa của danh hiệu Phật Dược Sư để điều trị những căn bệnh tâm và bệnh thân của mọi người. Mọi năm mỗi gia đình chúng tôi đều dâng lễ cầu an và cúng sao tại chùa Lộc Uyển , trong gia đình có bao nhiêu người, cô Khánh Hạnh khuyên chúng tôi mua bấy nhiêu ngọn đèn để dâng sao giải hạn. Nhưng lần này, dưới sự hướng dẫn và giảng Pháp của SC trụ trì, chúng tôi đã bắt đầu hiểu hơn về ý nghĩa của sự cầu nguyện và cách giải sao hạn theo luật nhân quả. Muốn chuyển xấu thành tốt thì chúng tôi phải cố gắng làm các điều tốt ngay trong cuộc sống và tránh xa những điều xấu, bắt đầu từ chỗ giúp đỡ mọi ngưòi chung quanh. Trong buổi lễ, mỗi người đều được đón nhận một ngọn đèn hoa sen thuỷ tinh từ các anh chị trong đạo tràng để đi kinh hành và dâng đèn cúng Phật. Ai trong đạo tràng chúng tôi cũng cảm nhận sự linh thiêng của đạo tràng trong những ngày có đàn tràng Dược Sư này.
Đạo tràng Dược Sư từ ngày 8 đến 15 tháng giêng, 2015.
Giữa hai tính cách và đạo hạnh quá trái ngược nhau giữa Sư trụ trì và cô Khánh Hạnh, chúng tôi chỉ còn biết ao ước chuyện chùa Lộc Uyển được Giáo hội mau chóng giải quyết theo sự công bằng và lẽ phải, để Sư cô trụ trì có thể tập trung vào việc tổ chức khóa tu cho đạo tràng tu tập. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ao ước sẽ có những chương trình dành cho người trẻ, để tre già thì măng mọc. Nhìn những tệ trạng trong xã hội ngày nay, có rất nhiều con em của chúng tôi đã bị cuốn vào . Và chúng tôi ước gì Chùa Lộc Uyển trong tương lai khi ổn định việc chùa, SC. Trụ trì sẽ có những sinh hoạt dành cho người trẻ , cho con cháu chúng tôi được nương về Chùa, để học hỏi và thực hiện việc trau dồi nhân cách bằng cái ĐỨC của tâm.
26/03/2015
Nguyệt Tĩnh
Phật tử chùa Lộc Uyển