;
I. Dẫn nhập:
Chùa Từ Đàm–là ngôi chùa đã in một dấu tích rạng ngời trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại. Trải qua bao cuộc thế thăng trầm, dâu bể đổi thay, bao nhiễu nhương, hưng phế của đạo Pháp, nhưng dấu tích ấy vẫn uy nghi, trầm mặc, chẳng chút phôi pha cùng tuế nguyệt.
Chùa Từ Đàm–là tên gọi thân quen của đông đảo quần chúng Phật tử Việt Nam nói riêng và cả Dân tộc Việt Nam nói chung. Mọi người đã dành cho chùa Từ Đàm một niềm kính yêu vô hạn. Có thể nói, không có ngôi chùa nào trên dải đất miền Trung nước Việt nầy, có được vinh dự lớn lao ấy.
Chùa Từ Đàm, không chỉ nổi tiếng ở lối kiến trúc tân kỳ, mang nhiều đường nét và màu sắc khác biệt so với lối kiến trúc cổ kính, thuần túy của chùa tháp Việt Nam. Chùa Từ Đàm, cũng không chỉ nổi tiếng là một công trình kiến trúc đẹp đẽ, trên ngọn đồi Long Sơn hùng vĩ ở đất thần kinh, cùng với một trang lịch sử lâu dài, kể từ khi được Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung khai sáng, mà chùa Từ Đàm còn nổi tiếng là một trung tâm Phật giáo lớn lao và phồn thịnh bậc nhất, có một quá trình phát triển rực rỡ, gắn liền với vận mệnh an nguy của Dân tộc và sự hưng vong của đạo Pháp trong một giai đoạn nhất định. Một trang lịch sử hào hùng, bi tráng đã tự trong lòng nó phát sinh.
Nếu có ai ví chùa Từ Đàm là «cái nôi» thì tên gọi ấy cũng không có gì là quá lắm, chắc mọi người đều hoan hỷ đồng tình.
«Cái nôi» Từ Đàm, đã tận tụy nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo các phong trào và tổ chức Phật giáo, từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành.
– Từ phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vĩ đại, diễn ra rầm rộ trên phạm vi cả nước, thì chùa Từ Đàm đã đứng vào vị trí tiên phong, oai nghi, trang trọng dưới tấm biển vàng: «AN NAM PHẬT HỌC HỘI». Một nhân tố tốt đẹp, đã tích cực góp phần rất lớn vào sự thành công kỳ diệu của phong trào.
– «17 Tỉnh hội, 30 Chi hội và ngót gần 1.000 khuôn Tịnh độ», được thành lập và hoạt động mạnh mẽ thì chùa Từ Đàm cũng là nơi xuất phát. Về sau, các khuôn Tịnh độ nầy, đều trở thành các khuôn Giáo hội Phật giáo xã, phường, là đơn vị Phật giáo cơ sở hoạt động xuyên suốt trong hệ thống Giáo hội từ Trung ương xuống đến địa phương.
– Ban Trị sự của 17 Tỉnh hội và 30 chi hội Phật học tại miền Trung, được thành lập để lãnh đạo và dìu dắt ngót 1.000 khuôn Tịnh độ nói trên, thì chùa Từ Đàm vẫn đóng vai trò then chốt.
– Trong cuộc kháng chiến chống thực dân rất anh dũng của dân tộc Việt Nam chúng ta, giữa thế kỷ vừa qua thì chùa Từ Đàm cũng là nơi thành lập và đặt trụ sở hoạt động của Hội Phật giáo Liên hiệp Trung bộ, Hội Tăng già cứu quốc và Hội Phật giáo cứu quốc Thừa Thiên-Huế.
– Các ban Đồng ấu Phật tử, Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục, các Gia đình Phật Hóa phổ đầu tiên được thành lập. Sau một thời gian sinh hoạt, cả ba mô hình nầy đã hợp nhất thành phong trào Gia đình Phật hóa phổ. Đến năm Tân Mão, 1951 lại đổi danh hiệu là GIA ĐÌNH PHẬT TỬ, thì chùa Từ Đàm cũng là nơi khai sinh và nuôi dưỡng trưởng thành phong trào nầy.
– Đầu năm Tân Mão, 1951, tại chùa Từ Đàm, Tổng trị sự Hội Việt Nam Phật học có quyết định thiết lập một hệ thống giáo dục Thanh thiếu niên bằng các trường Bồ-đề. Đến mùa Hè năm ấy, trường Trung học Bồ-đề, Huế, được khởi công xây dựng, tại số 3, đường Đặng Dung, Thành nội, Huế.
Đây là ngôi trường Bồ-đề đầu tiên, mở đầu cho công cuộc xây dựng một hệ thống trường Bồ-đề trên khắp 17 tỉnh miền Trung. Sau đó, đã lan rộng ra khắp toàn miền Nam Việt Nam.
– Ngày 24.04.1951 (19.03. năm Tân Mão), một Hội nghị Huynh trưởng Gia đình Phật hóa phổ toàn quốc được tổ chức, nhằm mục đích đổi danh hiệu Gia đình Phật hóa phổ thành danh hiệu Gia đình Phật tử. Hội nghị nầy cũng được tổ chức tại chùa Từ Đàm (trong tiến trình sinh hoạt của GĐPT thường gọi Hội nghị nầy là Hội nghị lần thứ nhất).
– Bản Tuyên ngôn ngày 13.05.1951 (08.04. năm Tân Mão) của Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam, đã kết hợp chặt chẽ 6 Tập đoàn Tăng già và cư sĩ ba miền Bắc-Trung-Nam Việt Nam thành một khối, với danh hiệu TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, cũng được viết nên và long trọng công bố lần đầu tiên tại ngôi chùa Từ Đàm nầy.
– Bản Tuyên ngôn ngày 10.05.1963 (17.04. năm Quý Mão), do Năm cấp Trị sự Phật giáo Việt Nam công bố khẩn cấp trước quốc dân và thế giới, đã thể hiện đúng đắn Năm nguyện vọng cấp bách, thiết tha và sống còn của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, trong phong trào đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo dưới chính quyền Ngô Đình Diệm.
Cùng với bao nhiêu phong trào và tổ chức Phật giáo khác, đã được thành lập trong lòng đại cuộc đấu tranh nầy, để cùng góp sức bảo vệ và xây dựng sự phồn vinh cho đạo Pháp, tất cả đều xuất phát từ ngôi chùa Từ Đàm lịch sử nầy.
Cổng tam quan chùa Từ Đàm
Nằm ở vị trí trung tâm của ba miền đất nước, chùa Từ Đàm là một «trạm giao lưu» trên con đường từ Bắc vô Nam hay từ Nam ra Bắc, đều vô cùng thuận lợi. Trạm giao lưu thuận lợi nầy, là cái đà thúc đẩy mạnh mẽ sự hoạt động của Tổng hội hai miền Nam Bắc, vừa là con đường lưu thông huyết mạch, rất dễ dàng làm chuyên cơ cho các phong trào và tổ chức Phật giáo lan rộng ra khắp cả nước.
Những sự kiện cụ thể, cho ta thấy: Vào năm Canh Dần, 1950, Hòa thượng Trí Quang, trên cương vị Phó Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Việt Nam Phật học, đã từ ngôi chùa Từ Đàm nầy, Hòa thượng vào miền Nam «chung sức vận động hợp nhất ba Phật học đường: Liên Hải, Mai Sơn và Ứng Quang (sau đổi thành Ấn Quang) thành Phật học đường Nam Việt.» Trước khi về lại chùa Từ Đàm, Hòa thượng tiếp tục «vận động thành lập Hội Phật học Nam Việt.»
Cuối mùa Thu năm Nhâm Thìn (12.09.1952), cư sĩ Võ Đình Cường, trên cương vị Trưởng Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên, cũng xuất phát từ ngôi chùa Từ Đàm nầy, hướng dẫn một phái đoàn ra Hà Nội, vận động và xúc tiến việc cải tổ phong trào Gia đình Phật hóa phổ tại miền Bắc.
Gần một phần ba thế kỷ trôi qua, chùa Từ Đàm như một con thuyền vững chãi, hiên ngang vượt sóng to, gió lớn để đưa quần chúng Phật tử đến những bến bờ xa lạ, cho mọi người mở tầm mắt nhìn thấy những khoảng đất trời bao la, trong xanh trước mặt.
Có thể nói chắc rằng: nhờ ở tài đức vô song của các vị «thủy thủ» tài ba và dõng mãnh ấy, mà con thuyền Từ Đàm đã lướt tới, vươn xa để đưa nền Phật giáo miền Trung tới đích, và con thuyền vững chãi ấy cũng đã chuyển tải những tinh hoa rạng rỡ của Đạo pháp đến tận ngày hôm nay.
Giờ đây, có ai nhắc đến chùa Từ Đàm, chắc không thể nào quên công lao to lớn của các bậc Long tượng Tăng già, uyên thâm lỗi lạc, các vị thiện tri thức, tràn đầy tâm huyết, đã đóng góp không mỏi mệt công sức của mình, để tài bồi cho sự nghiệp xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam hiện đại, đạt đến sự thành công rực rỡ.
Chùa Từ Đàm, trong quá khứ, đã đóng giữ một vai trò trọng yếu và lớn lao trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp khắp 17 tỉnh miền Trung. Dù có lúc phải chịu chung những biến cố đau thương của lịch sử, hay được hưởng thụ phần nào vinh quang của Dân tộc, thì chùa Từ Đàm vẫn luôn giữ vững nề nếp sinh hoạt thuần túy đạo hạnh của riêng mình. Phương châm «tùy duyên bất biến» đã như một thông lệ uyên nguyên, độc đáo, để chùa Từ Đàm chưa từng nghiêng mình khuất phục trước một chướng duyên, hay một nghịch cảnh nào!
***
Chùa Từ Đàm–là ngôi chùa có dáng đứng sáng rực cả vùng trời Việt Nam, thì dòng lịch sử chùa Từ Đàm phải là dòng lịch sử chói lọi, huy hoàng.
Thế nhưng trong giai đoạn Phật giáo đang trên đà suy vi và hỗn độn ấy, làm sao chùa Từ Đàm lại có sức tự mình vươn lên để đưa nền Phật giáo tại miền Trung lên đến đỉnh cao của sự hưng thịnh và xác lập cho mình một dáng đứng rạng ngời trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam!
Để thấy rõ hơn vai trò và vị trí lịch sử chùa Từ Đàm, xin ngược dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam: từ các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần sức sống của Phật giáo hưng thịnh, rạng rỡ bao nhiêu thì đến cuối triều đại nhà Nguyễn lại suy đồi, tăm tối bấy nhiêu.
Hiện tượng nầy, đã được sử gia Phật giáo-Thượng tọa Thích Mật Thể-trong Việt Nam Phật giáo sử lược, mô tả cụ thể như sau: «Phật giáo về thời đại nầy đã kém lắm rồi, nên dẫu các triều vua vẫn tín ngưỡng, sùng phụng, làm chùa, đúc chuông mà tinh thần Phật giáo vẫn suy.
Đến đây, từ trên vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng an trí đạo Phật là ở chỗ cúng cấp, cầu đảo, chứ không biết gì khác hơn nữa, và phần đông họ chỉ trọng ông Thầy ở chỗ danh vọng, chức tước, mặc dầu ông Thầy ấy thiếu học, thiếu tu. Bởi tệ nạn ấy, làm cho Tăng đồ trong nước, dần dần sa vào con đường trụy lạc, cờ bạc, rượu chè, đắm trước thanh sắc…
Tuy vậy, ở miền Trung ương Bắc kỳ, về kỷ luật Tăng già, bề ngoài còn giữ được nghiêm chỉnh đôi chút, chứ ở Trung kỳ, phần nhiều họ đã có vợ con một cách công nhiên, không còn áy náy.
Nhất là Nam kỳ, ông Thầy, bà vải lại càng hỗn độn hơn nữa. Cũng vì tình trạng ấy mà tạo nên mối hại ngày nay. Đến nỗi, gần 15 năm lại đây, hiện tượng suy đồi ấy càng biểu diễn đến chỗ đồi bại. Phần đông Tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước, xin bằng Tăng cang, trú trì, sắc tứ…
Một phương diện khác thì chỉ biết cúng cấp, cầu đảo, phù chú (phù chú đã thành phù thủy hóa) làm tay sai cho các nhà vua chúa, quan quyền, bá hộ. Thay vì họ cầu đảo, cúng cấp để làm kế sinh nhai, hoặc phải chăm lo việc đồng áng có thể nuôi sống hằng ngày. Còn một hạng nữa, chỉ giữ mình cho được thanh nhàn, ăn chơi tiêu khiển, bảo là giải thoát.
Ôi! Tinh thần Phật giáo đến đây hầu như đã tuyệt diệt. Bởi vậy, các cảnh chùa trong nước, đã trở thành cảnh gia đình riêng, không còn gì là tính cách đoàn thể của một tôn giáo nữa…»
Sự sa sút tinh thần, băng hoại Tông môn một cách trầm trọng của nhiều tầng lớp Tăng đồ trong nước, như sử gia Thích Mật Thể đã nêu trên, cộng thêm sự tác động mạnh mẽ từ cuộc phục hưng Phật giáo ở chính quốc Ấn Độ và công cuộc chấn hưng Phật giáo vang dội từ đất nước Trung Hoa, là nguyên chính, dẫn đến cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, do quý bậc Cao Tăng thạc đức, Long Tượng trong Sơn môn, cùng các vị cư sĩ thiện tri thức giàu tâm huyết, thành tâm với lý tưởng, đề xướng và khởi động từ đầu năm Canh Thân, 1920, trở về sau…
Bởi lẽ, trong các thiền môn trang nghiêm, thanh tịnh, còn biết bao bậc Tăng già đạo phong trác tuyệt, trí tuệ uyên thâm. Chắc chắn quý Ngài không thể không nghĩ đến tiền đồ của Đạo pháp, quý Ngài không thể thờ ơ trước sự sa sút nếp sống Phạm hạnh của Tăng môn mà quý Ngài còn đặc biệt lưu tâm. Nhờ sự lưu tâm đặc biệt ấy mà quý Ngài đã dốc hết tâm lực để chấn chỉnh và tái tạo cho nền Phật giáo Việt Nam từ chỗ suy vi, hỗn độn đến nơi hưng thịnh, vẻ vang như chúng ta được thấy ngày hôm nay.
Xin trân trọng nói rằng: quý Ngài là những bậc danh Tăng lỗi lạc, là những bậc cư sĩ tiền bối hữu công, có đủ năng lực và dũng khí để làm đảo ngược hiện tượng suy đồi và tha hóa ấy của nhiều tầng lớp Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ. Quý Ngài đã thực sự viết thêm một trang lịch sử huy hoàng cho Phật giáo Việt Nam hiện đại.
Riêng tại miền Trung, khi quý Ngài khởi xướng việc thành lập An Nam Phật học hội và quyết định chọn ngôi Tổ đình Từ Đàm, làm điểm tụ hội, để chỉnh đốn môn quy, xiển dương Chánh pháp, rõ ràng bước đầu quý Ngài đã thành công rực rỡ.
Để từ sau đó, các phong trào và tổ chức Phật giáo khác, thoát thai từ An Nam Phật học hội-hay chùa Từ Đàm -tất cả đều đã làm nên nhiều Phật sự lớn lao, thiết thực, đã đem lại nhiều thành quả khả quan cho Phật giáo Việt Nam, và cũng đã góp phần tô bồi cho nền văn hóa Dân tộc thêm phần rạng rỡ.
Ngày nay, các phong trào và tổ chức Phật giáo đã xuất phát từ chùa Từ Đàm, không chỉ ảnh hưởng tốt đẹp đến đời sống an vui của mọi giới Phật tử, đến nền văn hóa hiếu hòa của Dân tộc, mà nó còn có khả năng vươn lên và lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Điển hình là các tổ chức Phật giáo mang truyền thống từ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, nhất là phong trào Gia đình Phật tử.
Sau cùng, chúng tôi xin mượn một đoạn lời ca thật trầm hùng, thiết tha và đã đi vào bất tử trong ca khúc Từ Đàm Quê Hương Tôi, của nhạc sĩ Nguyên Thông và Tâm Đại, để kết thúc phần Dẫn nhập nầy :
«…Ôi! Uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm,
Nơi yêu thương phát nguồn Đạo vàng,
Qua bao giông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn!…
Ôi! Anh linh bóng chùa Từ Đàm,
Ôi nơi đây nắng chiều dịu dàng,
Ai hy sinh cứu đời phũ phàng, Từ Đàm ơi!...»
Trước khi nhìn lại các phong trào và tổ chức Phật giáo tại miền Trung, tưởng cũng nên điểm sơ lược lịch sử chùa Từ Đàm, để có thể, có cái nhìn tổng quát hơn về vai trò, vị trí lịch sử và tầm ảnh hưởng lớn lao của chùa Từ Đàm đối với các phong trào và tổ chức Phật giáo này.
II. Lược sử chùa Từ Đàm
Chùa Từ Đàm, thời mới kiến tạo có tên là Ấn Tôn tự. Đến năm Thiệu Trị nguyên niên, Tân Sửu, 1841, vua sắc đổi thành Từ Đàm tự. Năm Bính Tý, 1936, chư Sơn Thừa Thiên quyết định giao Từ Đàm tự cho An Nam Phật học hội phụng thờ. Hai năm sau, Mậu Dần, 1938, An Nam Phật học hội quyết định dỡ bỏ ngôi chùa cũ và xây dựng lại một ngôi chùa hoàn toàn mới, như mọi người thấy ngày hôm nay.
Từ đó, chùa có tên là chùa Hội Quán. Cũng trong năm Mậu Dần, 1938 này, Thừa Thiên Tỉnh hội đặt trụ sở hoạt động chính thức tại chùa Từ Đàm, nên quần chúng Phật tử thường gọi là chùa Tỉnh Hội.
ẤN TÔN TỰ:
A. Giai đoạn hình thành
Theo các sử liệu hiện lưu hành thì Ấn Tôn tự do Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung kiến tạo, trên ngọn đồi Long Sơn (còn gọi là Hoàng Long Sơn), lúc bấy giờ thuộc địa phận xã An Cựu, tổng Vỹ Dạ, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Địa giới hành chánh này, từ ấy đến nay đã trải qua nhiều lần thay đổi. Ngày nay chùa Từ Đàm nằm trong địa phận phường Trường An, thành phố Huế.
– Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung người tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Không có sử liệu nào ghi chép ngày tháng năm sinh. Hòa thượng là đệ tử của Ngài Siêu Trường Đại Xa, thuộc đời thứ 34 dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông (theo kệ Ngài Nghĩa Huyền), đời thứ 13 theo kệ Ngài Vạn Phong. Ngài Vạn Phong thuộc đời thứ 21 dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông, nhưng vào thời Ngài thì Ngài lại biệt xuất kệ truyền thừa:
“Tổ Đạo Giới Định Tông
Phước Quả Chiếu Viên Thông
Hạnh SIÊU MINH Thiệt Tế
Liễu Đạt Ngộ Chân Không
Như Nhật Quang Thường Chiếu
Phổ Châu Lợi Ích Đồng
Tín Hương Sanh Phước Huệ
Tương Kế Chấn Từ Phong”.
Do đó, Hòa thượng Tử Dung có pháp danh là MINH HOẰNG[1]
Ngài sang Việt Nam năm nào, hiện không có sử liệu nào khảo cứu chính xác. Chỉ biết tại Trung Hoa, sau khi nhà Thanh (1662 – 1911) lên thay thế nhà Minh (1368 – 1661) thì tình hình chính trị lúc bấy giờ đã tỏ ra rất bất lợi cho công việc hoằng pháp, nên phần nhiều quý Ngài đều lánh sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.
Công nghiệp hoằng hóa của Ngài các sử liệu chỉ ghi chép sơ sài, kể cả trên văn bia ở tháp Tổ Liễu Quán (Huế) và văn bia ở chùa Chúc Thánh (Quảng Nam), cho nên cũng không giúp gì cho chúng ta biết thêm về thân thế cùng công nghiệp hoằng pháp của một danh Tăng uyên thâm, lỗi lạc khi trao “công án” và “ấn khả” cho Thiền sư Liễu Quán vào các năm Nhâm Ngọ, 1702 và năm Mậu Tý, 1708 tại Ấn Tôn tự.
Ngài sang Việt Nam lưu trú tại Thuận Hóa (Huế) rồi kiến tạo Ấn Tôn tự.
Ngài tịch ngày 16 tháng 11 (không rõ năm nào). Tuy nhiên trên bia hiện tôn trí ở tháp Ngài còn ghi rõ: “Truyền Lâm Tế Chánh Tông, đệ tam thập tứ thế, thượng Tử hạ Dung, húy Minh Hoằng, Đại lão Hòa thượng chi tháp”. Sự kiện này đã cho biết rằng: Ngài viên tịch lúc tuổi đã lên hàng “Đại lão Hòa thượng”.
Tháp của Ngài hiện nằm trong khuôn viên chùa Bảo Quốc, Huế.
Về niên đại kiến tạo Ấn Tôn tự, hiện có hai thuyết và một chứng tích lịch sử rõ ràng:
Thứ nhất:
Theo sử gia Phật giáo-Thượng tọa Thích Mật Thể-trong cuốn “Việt Nam Phật giáo sử lược” và bài “Đạo Phật Việt Nam từ thời đại du nhập đến cận đại”, của 4 tác giả: Minh Châu, Thiện Ân, Đức Tâm và Chân Trí, đăng trong cuốn Phật pháp 4 cấp, dành cho Gia đình Phật tử đều cho rằng: vào đời chúa Anh Tôn Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691) (có nhiều sử liệu ghi là Nguyễn Phúc Thái) Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tôn phụng mệnh chúa, trở về Trung Hoa thỉnh mời các vị danh Tăng sang Việt Nam để khai giới đàn tại chùa Thiên Mụ.
Trong đó có Hòa thượng Thạch Liêm, Ngài khai sơn chùa Thiền Lâm (tức Hòa thượng Như Tự Khắc Huyền (?- 1705)). Ngài khai sơn chùa Kim Tiên, Ngài Minh Hoằng Tử Dung, khai sơn chùa Ấn Tôn, Ngài Minh Hải Pháp Bảo, khai sơn chùa Chúc Thánh (Quảng Nam), Ngài Minh Hành Tại Toại …
Đại giới đàn tại chùa Thiên Mụ được khai giới vào năm Ất Hợi, 1695, sau khi đại giới đàn hoàn tất viên mãn, Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung trở về ngọn đồi Long Sơn kiến tạo Ấn Tôn tự.
Theo thuyết này thì Ấn Tôn tự đã được kiến tạo vào năm Bính Tý, 1696 hoặc Đinh Sửu, 1697…
Thứ hai:
a. Hòa thượng Thích Thiện Hoa trong cuốn:“50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam”, viết: “Chùa Từ Đàm, do Tổ Minh Hoằng Tử Dung kiến tạo từ đời Lê (Lê Hy Tôn, 1676 – 1705) vào năm Đinh Vị, 1683. Đến nay (1970) là 287 năm” (xin lưu ý năm 1683 là năm Quý Hợi, chắc in nhầm là năm Đinh Vị – TQ. chú)
b. Hòa thượng Thích Thiện Siêu, trong “Trí Đức Văn Lục” tập 3[2] ở phần phụ lục viết: “Chúng tôi nói rằng an trú thiền thất Ấn Tôn của Ngài Minh Hoằng Tử Dung đã có trong khoảng thời gian từ năm Quý Hợi, 1683 cho đến năm Ất Hợi, 1695 …”
Thứ ba:
Theo bức hoành phi hiện treo ở chánh điện chùa Từ Đàm, trong đó có 3 chữ Hán sơn son thiếp vàng: “ẤN TÔN TỰ”, phía trái có hai ấn hình vuông ghi: “Thiên vận Quí- Mùi, sơ xuân cát đán” (Quí- Mùi, 1703).
Theo các thuyết và chứng tích còn lại đã nêu trên và qua sự tham khảo các sử liệu hiện lưu hành thì thuyết của quý Hòa thượng Thích Thiện Hoa và Thích Thiện Siêu là có tính thuyết phục hơn cả.
(Xin ghi thêm: Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Ngài đã Trú trì Tổ đình Từ Đàm suốt thời gian 54 năm-từ năm Đinh Hợi, 1947 đến năm Ngài viên tịch Tân Tỵ, 2001)
Bởi các lẽ mà những nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam về sau, đã khảo chứng rành mạch như sau:
Dẫn chứng các sử liệu trên, để có thể xác định được “Giai đoạn hình thành” Ấn Tôn tự mà thuyết của nhị vị Hòa thượng Thích Thiện Hoa và Thích Thiện Siêu là rất phù hợp.
Tóm lại, qua các sử liệu đã được quý Hòa thượng và các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam khảo chứng và trình bày, thì Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung đã kiến tạo Ấn Tôn tự trong khoảng thời gian từ năm Quí Hợi, 1683, đến năm Ất Hợi, 1695. Năm kiến tạo chính xác hiện chưa tìm thấy sử liệu nào khảo cứu tường tận.
Kể từ đó, trải qua gần 100 năm sau, Ấn Tôn tự vẫn tồn tại và phát triển rực rỡ dòng Thiền Minh Hoằng Tử Dung-Thiệt Diệu Liễu Quán trên khắp dải đất Nam Hà.
Đến năm Ất Mùi, 1775 chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767 – 1782) xua 30 vạn quân vào đánh chiếm thành Phú Xuân. Qua ngày 10 – 5 năm Bính Ngọ (15-6-1786), thủy quân Tây Sơn từ cửa Thuận An đổ bộ lên đánh bại quân Trịnh, chiếm lấy thành Phú Xuân, rồi lên nắm chính quyền.
Hai năm sau, Mậu Thân, 1788, dưới chân ngọn đồi Bân Sơn (Thuận Hóa), Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung.
Cũng từ đó trở đi, tất cả chùa viện của Phật giáo khắp miền Thuận Hóa (Huế) đều bị quân Tây Sơn triệt phá, san bằng. Do đó, Ấn Tôn tự cũng như các chùa viện khác đều lâm vào tình trạng tiêu điều, hoang phế.
Xin nêu lên vài sự kiện lịch sử cụ thể đã được các sử gia, các nhà nghiên cứu lịch sử khảo chứng như sau:
Trong phần khảo cứu ở sách Hải ngoại ký sự của Hòa thượng Thạch Liêm, (Hải ngoại ký sự – Thích Đại Sán, Ủy ban phiên dịch lịch sử Việt Nam – Viện Đại học Huế, xuất bản năm 1963) Giáo sư Trần Kinh Hòa, viết: “Vào thời nầy, các chùa quanh vùng Huế, đều bị triệt hạ đến sát đất.
Chùa Bảo Quốc bị chiếm để chứa diêm tiêu làm công binh xưởng cho quân Tây Sơn, chùa Kim Tiên chiếm để làm chỗ ở cho mẹ con bà Ngọc Hân công chúa, chùa Thiền Lâm thì bị Thái sư Bùi Đắc Tuyên chiếm làm tư dinh, chùa Viên Giác do Hòa thượng Liễu Quán khai sơn, nằm trong khu vực chùa Vạn Phước ngày nay thì bị phá mất cả dấu tích và đất đai, chùa Quốc Ân cũng bị đập phá, tháp Phổ Đồng dựng trước sân chùa bị san bằng mất cả dấu tích…”
Ở giai đoạn này, Ấn Tôn tự lại nằm gần Thiền Lâm viện (tức chùa Thiền Lâm), chùa lại có một diện tích rộng lớn, chiếm cả vùng đồi núi mạn Nam sông Phú Xuân (tức sông Hương) nơi mà nhà Tây Sơn vừa chọn làm phủ liêu, vừa làm công sở, vừa làm nơi đóng quân thì chắc chắn Ấn Tôn tự cũng không hưởng được chút ân huệ nào, nên cũng đã cùng các chùa viện khác chịu chung thảm cảnh hoang tàn ấy.
Do đó mà Ấn Tôn tự mất hết cả dấu tích, chỉ còn lại có tấm biển: “Ấn Tôn Tự” hiện treo ở chính điện chùa cùng vài ba Long vị đã bị sứt mẻ.
Tình trạng chùa viện của Phật giáo bị chiếm dụng và phá hủy như thế đã kéo dài từ năm Bính Ngọ, 1786, cho đến khoảng đầu niên hiệu Gia long, Nhâm Tuất, 1802 mới có cơ hội tái kiến, trùng hưng.
Mở đầu, vào niên hiệu Gia Long thứ 2 Quý Hợi, 1803, tín nữ Lê thị Tạ pháp danh Tiên Quý, cùng nhiều tín nữ khác đã ngoại hộ cho Hòa thượng Đạo Tâm Trung Hậu trùng kiến Tổ đình Thuyền Tôn.
– Niên hiệu Gia Long thứ 3 Giáp Tý, 1804 được sự ngoại hộ của quan Đại thần Hoàng Văn Cẩn và phu nhân Lê thị Cách, cùng đông đảo thiện nam, tín nữ Hòa thượng Đạo Trung Chánh Định trùng hưng chùa Kỳ Viên.
Cũng dịp này Hòa thượng chứng minh lễ chú tạo một Đại hồng chung. Sau cuộc trùng tu hoàn tất, chùa đổi tên thành Xuân An tự, tức chùa Trường Xuân, gần chợ Dinh, thuộc phường Phú Hiệp, Huế hiện nay.
– Niên hiệu Gia Long thứ 4 Ất Sửu, 1805 được sự ngoại hộ toàn diện của Long Thành công chúa (chị ruột của vua Gia Long, tên thật là Nguyễn Phúc Ngọc Tú, sinh năm Kỷ Mão, 1759 mất năm Ất Dậu, 1825. Linh vị của bà hiện thờ ở chùa Quốc Ân, nội dung ghi rõ: “Thích Môn hộ giáo Hoàng cô, thọ Bồ-tát giới, pháp danh Tế Minh, tự Thiên Nhật chi vị). Ngài Tế Lịch Chính Văn đã đứng ra trùng tu. Từ đó về sau chùa Quốc Ân còn có vài đợt trùng tu nữa, nhưng không hiểu vì sao tháp Phổ Đồng vẫn không được quý Ngài tái kiến.
– Niên hiệu Gia Long thứ 7, Mậu Thìn, 1808, Bà Hiếu Khương Hoàng thái hậu (mẹ của vua Gia Long, tên thật là Nguyễn thị Hoàn, sinh ngày 02/ 02/ năm Mậu Ngọ, 1738, mất ngày 30/10 năm Tân Mùi, 1811) đã cung cấp tiền của để tái kiến hoàn toàn chùa Bảo Quốc, chú tạo nhiều ngôi tượng Phật và một Đại hồng chung. Đẹp nhất là cổng tam quan hiện còn đến ngày nay.
Sau khi công cuộc trùng tu hoàn tất, Hiếu Khương Hoàng Thái hậu cung thỉnh Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh (?-1816) và sắc phong Hòa thượng Trú trì. Cùng năm này, vua Gia Long ban chỉ dụ đổi tên chùa là Hàm Long Thiên Thọ tự.
– Niên hiệu Gia Long thứ 10, Tân Mùi, 1811, Bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (chánh hậu của vua Gia Long, tên thật là Tống Thị Lan, sinh ngày 25/12/ năm Tân Tỵ (19.01.1762) mất năm Giáp Tuất, 1814) đã ngoại hộ để trùng hưng chùa Thiền Lâm.
– Đến niên hiệu Gia Long thứ 12, Quý Dậu, 1813, Hòa thượng Đạo Trung Trọng Nghĩa đứng ra trùng tu Ấn Tôn tự. Về sự kiện lịch sử nầy, trên thực tế còn thấy ở nhà thờ Tổ chùa Từ Đàm, có một Long vị ghi: “Sắc tứ Thiên Mụ tự Trú trì, trùng hưng Từ Đàm đường thượng tam thập bát Đại Trọng Nghĩa Đạo Trung thụy Viên Minh Lão Hòa thượng” và trên bia ở tháp Ngài, ghi: “Thiên Mụ tự Trú trì, Đạo Trung Trọng Nghĩa chi tháp”.
(Xin lưu ý: về mặt lịch sử, trên Long vị của Ngài ghi: “trùng hưng Từ Đàm” là không đúng, vì vào năm Quý Dậu, 1813 chưa có tên Từ Đàm. Nhưng do một sự kiện xảy ra là từ năm Mậu Dần, 1878 đến năm Mậu Tuất, 1898 trong khoảng thời gian nầy, chính phủ Nam triều đã cho mở con đường mới gọi là Nam Giao tân lộ (Nam Giao cựu lộ là con đường dốc Bến Ngự – nay là đường Phan Bội Châu) chạy thẳng từ Bến Voi (nay là bến thuyền du lịch, nằm phía Đông nhà khách số 5 Lê Lợi – Huế) lên đến đàn Nam Giao.
Con đường này, khi mở phải chạy băng qua khuôn viên Từ Đàm tự. Do đó, nên cả 5 ngôi tháp, trong đó có bảo tháp của Tổ Minh Hoằng Tử Dung, phải thiên di về “cát táng” trong khuôn viên chùa Bảo Quốc, như chúng ta được thấy ngày hôm nay. Sau khi “cát táng” lại lập Long vị nầy, nên mới khắc “trùng hưng Từ Đàm”).
Sau khi trùng hưng chùa, Hòa thượng còn chú tạo một Đại hồng chung. Chuông hiện còn ở chùa Từ Đàm. Cân nặng 416 cân (tương đương 250kg), thân chuông có khắc dòng chữ: “Gia Long tuế thứ Quý Dậu niên Mạnh Hạ nhị thập tam nhật Mùi thời chú” (chuông đúc vào khoảng 13 giờ đến 15 giờ ngày 23.4 năm Quý Dậu, niên hiệu Gia Long thứ 12, 1813). Tại thân chuông còn có dòng chữ ghi: “Hòa thượng Đạo Trung chứng minh”.
Như thế, rõ ràng là vào năm Quý Dậu, 1813, Ấn Tôn tự đã được trùng hưng và tên chùa vẫn gọi là Ấn Tôn tự.
Mãi cho đến 28 năm sau, vào năm Thiệu Trị nguyên niên Tân Sửu, 1841 do phạm húy tên vua Miên Tông Nguyễn Hiến Tổ (1841 – 1847) tức vua Thiệu Trị, nên vua có chỉ dụ đổi thành Từ Đàm tự.
Sự kiện nầy, còn thấy rõ trên bức hoành phi hiện treo ở nhà thờ Tổ, ghi bằng chữ Hán: “Từ Đàm Tự”. Lạc khoản đề Thiệu Trị nguyên niên, tam nguyệt” (tháng ba năm Tân Sửu, 1841).
Đến cuối niên hiệu Thành Thái, Bính Ngọ, 1906 đầu niên hiệu Duy Tân, Đinh Mùi, 1907 có Hòa thượng Thanh Hiệp Tường Vân đứng ra trùng tu. Trên một Long vị hiện thờ ở nhà Tổ chùa Từ Đàm, ghi rõ: “Lâm Tế Chánh Tông đệ tứ thập nhất thế trùng hưng Từ Đàm tự, húy Thanh Hiệp hiệu Tường Vân Đại sư”.
Đây là lần trung tu cuối cùng, trước khi chuyển qua “thời kỳ thay đổi”.
Tóm lại, kể từ khi được Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung khai sáng, cho đến đầu thời kỳ thay đổi. Ấn Tôn – Từ Đàm tự, dù phải hứng chịu những biến cố đau thương của lịch sử, để bị tiêu điều, hoang phế trong suốt 25 năm (1788-1813) nhưng nhờ vào sự nỗ lực không mỏi mệt của các bậc Long Tượng trong Sơn môn, của thiện nam, tín nữ thành tâm ngoại hộ, cho nên Ấn Tôn-Từ Đàm tự vẫn tồn tại uy nghiêm trên ngọn đồi Long Sơn hùng vĩ. Dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông Minh Hoằng Tử Dung-Thiệt Diệu Liễu Quán vẫn không ngừng phát triển rực rỡ và truyền thừa tốt đẹp.
Thành quả lớn lao ấy không chỉ đóng góp những tinh hoa đặc sắc cho sự hưng thịnh của Đạo pháp mà còn góp phần tô bồi cho nền văn hóa dân tộc Việt thêm phong phú, vững bền.
Ấn Tôn – Từ Đàm tự: niềm tự hào chung cho hàng hậu thế chúng ta.
B. Thời kỳ thay đổi
An Nam Phật học hội thành lập ngày mồng 8/02 /năm Nhâm Thân (14.3.1932). Sau khi thành lập, Hội vẫn chưa có trú sở chính thức để hoạt động.
Ban đầu, Hội đặt trú sở tạm tại chùa Trúc Lâm (Huế) được một thời gian thì chuyển về chùa Từ Đàm, rồi về chùa Diệu Đế, sau lại chuyển lên chùa Từ Quang (nơi Hòa thường Trừng Thanh Giác Bổn (?-1949) đang Trú trì. Ngài là một trong bốn vị Hòa thượng chứng minh cho An Nam Phật học hội).
Suốt thời gian bốn năm, Hội đã hoạt động trong điều kiện không có trú sở nhất định nên thường gặp khó khăn khi điều hành Phật sự. Nhất là trong lúc cao trào chấn hưng đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, mà Hội vẫn chưa có trú sở ổn định, điều nầy không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến công việc, mà còn cản trở tiềm năng và tâm lực cho Đại cuộc chấn hưng.
Thực tế nầy, chắc chắn quý Ngài trong Chư Sơn đã nhận thấy, vì thế cho nên vào ngày 16.6 năm Bính Tý (02.8.1936), Chư Sơn Thừa Thiên đã quyết định giao chùa Từ Đàm cho An-Nam Phật học hội phụng thờ và làm cơ sở hoằng dương Chánh pháp.
Có thể nói, đây là một quyết định đã đáp ứng kịp thời và đúng lúc cho công cuộc trọng đại của Phật giáo miền Trung nói riêng và Phật giáo cả nước nói chung. Một quyết định đã tăng cường sức mạnh cho sự hoạt động của An Nam Phật học hội. Nhờ quyết định nầy mà về sau, Hội đã gặt hái được nhiều thành quả lớn lao, đã đem lại niềm tin vững chắc cho biết bao thế hệ Phật tử vào tiền đồ vẻ vang của Đạo pháp.
Thế nhưng quyết định nầy cũng đã làm cho “cục diện” chùa Từ Đàm thay đổi.
Hai năm sau khi tiếp nhận chùa Từ Đàm, An Nam Phật học hội đã quyết định dỡ bỏ ngôi chùa Từ Đàm cũ, để khởi công xây dựng một ngôi chùa hoàn toàn mới, theo một mô hình kiến trúc khác lạ, không giống bất kỳ mô hình nào trong lối kiến trúc cổ kính của chùa tháp Việt Nam.
Lễ động thổ khởi công đã được Nguyệt san Viên Âm, số 35 ấn hành năm Kỷ Mão, 1939 ghi trong mục tin tức. Xin tóm lược như sau: “Buổi lễ chính thức được tổ chức vào lúc 10 giờ 30’ ngày 27. 10 năm Mậu- Dần (18.12.1938) tại nhà giảng và khuôn viên chùa Từ- Đàm, dưới sự chứng minh của Ngài Tăng Cang chùa Linh Mụ Như Đông Đắc Quang, chủ sám là Ngài Tăng Cang chùa Thánh Duyên (Thúy Vân) Trừng Thủy Giác Nhiên (về sau là Đức Đệ II Tăng Thống GHPGVNTN 1973 – 1979).
Về phía chính quyền sở tại có ông Thừa Thiên Phủ Doãn- Đặng Thành Đôn, Hội trưởng Danh dự của An Nam Phật học hội cùng các quan viên cao cấp khác.
Mở đầu buổi lễ, Ngài Chánh Hội trưởng – Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám – đọc diễn văn chào mừng và tuyên đọc biên bản lễ đặt đá.
Dưới sự chứng minh và chủ sám của nhị vị Tăng Cang, Đại diện cho Chư Sơn Thừa- Thiên Huế. Ông Thừa Thiên Phủ Doãn và Bác sĩ Chánh Hội trưởng đã long trọng đặt viên đá đầu tiên xuống nền móng của ngôi chùa Từ Đàm cũ, trong tiếng niệm Phật cầu gia hộ của hàng ngàn thiện nam, tín nữ cùng học sinh các trường đến tham dự.
Kể từ giờ phút thiêng liêng và lịch sử này, Ấn Tôn-Từ Đàm tự đã nhường chỗ cho An Nam Phật Học Tự, hay còn gọi là Chùa Hội Quán.
Cơ nghiệp sau hơn 250 năm xây dựng và phát triển, giờ đã đi vào quá khứ. Ngày nay Ấn Tôn – Từ Đàm tự chẳng còn lưu lại chút dấu tích gì, để cho mọi người có thể hình dung được phần nào ngôi chùa Tổ đã trải qua bao nổi thịnh suy, hưng phế. Ngoài hai bức hoành phi sơn son thiếp vàng: “ẤN TÔN TỰ và TỪ ĐÀM TỰ” cùng chiếc Đại hồng chung chú tạo vào niên hiệu Gia Long thứ 12, Quý Dậu, 1813.
Sự thay đổi tên chùa, chắc chắn quý Ngài trong Chư Sơn đã nhất trí, khi An Nam Phật học hội đệ trình bản đồ án xây dựng. Do đó, nên ngay trước tiền đường, trên khuôn đúc lộng chính giữa, hiện có bốn chữ Hán đắp bằng xi măng ghép mảnh sành rất mỹ thuật: AN NAM PHẬT HỌC.
Ngoài ra, mặt trước hai trụ chính giữa tiền đường, còn khắc hai vế câu đối.
– PHẬT chánh biến tri, vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức (bên phải, ngoài nhìn vào)
– HỌC chơn thiệt nghĩa, như thị văn, như thị tư, như thị tu trì (bên trái)
Chứng tích này đã thể hiện sự chú tâm của quý Ngài trong việc thay đổi tên chùa.
Tuy nhiên tên chùa An Nam Phật Học so với thời gian thì còn quá xa lạ và mới mẻ, nên ít người biết đến. Chỉ có tên chùa Hội Quán và chùa Tỉnh Hội thì có người còn nhắc đến, nhưng dần dần rồi cũng đi vào lãng quên.
Trong khi đó, tên chùa Từ Đàm thì quá quen thuộc, dù vóc dáng đã thay đổi, nhưng cái tên uy nghiêm và huyền diệu ấy đã in sâu vào tâm trí của mọi người, mọi giới. Nhất là từ sau năm Ất Tỵ, 1965 khi cổng tam quan chùa được xây dựng to lớn, đẹp đẽ với tấm biển bằng chữ Việt rõ ràng “CHÙA TỪ ĐÀM” thì tên chùa An Nam Phật Học, chùa Hội Quán hay chùa Tỉnh Hội chẳng còn nghe ai nhắc nhở đến.
Không gian của An Nam Phật Học, ngày nay vẫn còn hiển hiện uy nghiêm trước mặt, mà tên tuổi của một thời vẻ vang, hưng thịnh đã như cùng với thời gian chìm sâu trong ký ức.
Sự thay đổi nào âu cũng là lẽ vô thường của vạn pháp.
III. Sự hình thành các phong trào và tổ chức Phật giáo tại miền Trung
Các phong trào và tổ chức Phật giáo xuất phát tại chùa Từ Đàm thì rất nhiều, không thể kể hết. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến một số phong trào và tổ chức tiêu biểu, đã hoạt động mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng sâu rộng, đã đóng góp nhiều ích lợi thiết thực vào nền văn hóa Dân tộc và đã làm rạng rỡ cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam trong suốt một phần ba thế kỷ.
Hơn nữa, ngày nay các phong trào tổ chức Phật giáo nầy vẫn còn lan rộng và ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống tâm linh của đông đảo đồng bào, Phật tử không chỉ ở trong nước mà còn ở ngoài nước.
Tổ chức Phật giáo đầu tiên xuất phát tại chùa Từ Đàm là An Nam Phật học hội.
An Nam Phật học hội ra đời trong một hoàn cảnh khá thuận lợi, dù ở giai đoạn đất nước đang bị chìm đắm trong vòng nô lệ của ngoại bang.
Bên ngoài, do sự tác động mạnh mẽ từ đại cuộc phục hưng Phật giáo tại chính quốc Ấn Độ, đến phong trào chấn hưng Phật giáo vang dội do Thái Hư Đại sư khởi xướng và lãnh đạo thành công tại đất nước Trung Hoa.
Trong nước, chư tôn Thiền đức ở các Thiền môn khắp cả ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam, đều dốc lòng cổ xúy, tích cực vận động thành lập các Hội Phật học, nhằm mục đích chấn hưng nền Phật giáo Việt Nam sau gần một thế kỷ bị trì trệ, đình đốn.
Điển hình như ở miền Nam vào năm 1920, chư Tổ đã thành lập Lục Hòa hội. Đến năm 1931, lại thành lập Nam Kỳ nghiên cứu Phật học hội… Ở miền Bắc, dù chậm hơn ở miền Nam và miền Trung nhưng cũng thành lập được Bắc Kỳ Phật giáo Tổng hội vào năm 1934.
Tại miền Trung, điển hình là tại tỉnh Thừa Thiên và cố đô Huế, với nỗi âu lo và niềm thao thức của chư tôn Thiền đức, cùng với ý thức cao độ của tầng lớp trí thức khoa bảng cả cựu học lẫn tân học, khi đứng trước thực trạng suy thoái trầm trọng của nền văn hóa truyền thống Dân tộc, kéo theo sự suy thoái cũng không kém phần trầm trọng của một đại bộ phận Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam.
Động cơ ấy đã thôi thúc và khởi động mạnh mẽ cho An Nam Phật học hội ra đời.
An Nam Phật học hội là tổ chức có tầm vóc lớn lao đầu tiên xuất phát tại chùa Từ Đàm, là tổ chức đã xây dựng nhiều đề án hoạt động rất khoa học, đã đóng góp vào sự phát triển của nền Phật giáo Việt Nam nhiều mô hình mới lạ, thực tế, đã gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp trên nhiều lãnh vực.
An Nam Phật học hội đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo Phật giáo miền Trung nói riêng và đã tích cực góp phần xây dựng thành công nền Phật giáo trên phạm vi cả nước nói chung, suốt cả thời kỳ chấn hưng cho đến ngày nay. An Nam Phật học hội đã thay thế hoàn toàn vị trí chùa Từ Đàm.
Từ đây, An Nam Phật học hội-hay chùa Từ Đàm – là nơi thoát thai của nhiều phong trào và tổ chức Phật giáo khác tiếp tục ra đời.
Cũng cần trình bày thêm là trong suốt 32 năm hoạt động-từ năm 1932 đến năm 1964-An Nam Phật học hội đã ba lần thay đổi danh hiệu:
Đến đầu năm 1964, sau khi Bản Hiến chương của GHPGVNTN ra đời thì nhiệm vụ của Hội cũng chấm dứt.
Xin lưu ý: Từ “An Nam” ở đây, không phải Hội đã sử dụng từ An Nam trong tên gọi “An Nam Đô hộ phủ”, thời nội thuộc Trung Hoa lần thứ 3 (603-939), mà từ An Nam này, do trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước ta, đã chia nước Việt Nam làm 3 miền và gọi miền Bắc là Tonkin hay Bắc Kỳ, miền Nam là Cochinechine hay Nam Kỳ và miền Trung là An Nam hay Trung Kỳ (địa giới Trung Kỳ lúc bấy giờ cũng gồm các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận như ngày nay).
Bắc Kỳ và Nam Kỳ hoàn toàn nằm dưới sự cai trị của người Pháp. Riêng ở Trung Kỳ thì có chính phủ Nam triều, nên thường xưng là An Nam Trung Kỳ chính phủ nhưng cũng đặt dưới quyền cai trị của một chức quan gọi là Trung Kỳ Khâm sứ Đại thần. Trụ sở đặt ở Tòa Khâm (nay là khuôn viên trường Đại học Sư phạm Huế).
Do đó, cho nên Hội cũng phải dùng từ An Nam mà đặt tên là An Nam Phật học hội.
Năm Bính Tý, 1936 khi Sơn môn Tăng già Thừa Thiên quyết định giao chùa Từ Đàm cho An Nam Phật học hội phụng thờ và làm cơ sở hoằng dương Chánh pháp, thì cũng bắt đầu từ đó, An Nam Phật học hội triển khai và xúc tiến nhiều Phật sự trọng đại.
Trước hết là thành lập các Tỉnh hội Phật học trên khắp 17 tỉnh miền Trung, từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận. Hơn 30 Chi hội và ngót 1000 khuôn Tịnh độ lần lượt ra đời sau đó.
Có thể nói: An Nam Phật học hội là Hội Phật học có nhiều đề án lớn lao và sâu rộng về mọi mặt. Các Hội Phật học khác như Lục Hoà hội, Nam Kỳ nghiên cứu Phật học hội, Liên Đoàn học xã và Lưỡng Xuyên Phật học hội ở miền Nam, đến Bắc kỳ Phật giáo Tổng hội ở miền Bắc, đều chưa thực hiện được những đề án có tính cách quy mô, quảng đại và mới mẻ nầy.
Hàng ngàn khuôn Tịnh độ – hay Niệm Phật đường nầy, sau một thời gian hoạt động, phần nhiều được điều chỉnh theo vị trí hành chánh của quốc gia. Do đó, về sau đã trở thành các đơn vị Phật giáo cơ sở Xã, Phường. Tạo nên một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh và chặt chẽ từ Trung ương xuống đến địa phương như chúng ta thấy ngày hôm nay.
Đến năm Mậu Dần, 1938, Hội quyết định dở bỏ ngôi chùa Từ Đàm cũ, để xây dựng một ngôi chùa theo một mô hình mới lạ, không giống bất kỳ mô hình nào trong lối kiến trúc cổ kính của chùa tháp Việt Nam, như chúng tôi đã trình bày sơ lược ở phần II (xin xem Hoằng Pháp số 13, tháng 4 năm Bính Tuất, 2006).
Tuy nhiên, mô hình nầy lại là “mô hình mẫu” cho việc kiến trúc các Niệm Phật đường – hay các Khuôn hội trên khắp cả miền Nam Việt Nam trong suốt gần nửa thế kỷ.
Dù được xây dựng lớn hay nhỏ, hàng ngàn ngôi Niệm Phật đường đều có lối kiến trúc hoàn toàn giống mô hình chùa Hội Quán An Nam Phật học hội – hay chùa Từ Đàm.
Điều thực tế nầy, cho thấy tính cách hài hòa, thuần nhất giữa tinh thần Phật giáo và Dân tộc, chỉ cần có sự triển khai đúng đường lối là tất cả đều phát triển theo chiều hướng tốt đẹp và rộng khắp.
Xin nêu lên một con số cụ thể để mọi người chúng ta có thể hình dung về mô hình chùa Hội Quán An Nam Phật học đã ảnh hưởng đến kiến trúc các Niệm Phật đường lớn lao biết dường nào.
Theo thống kê năm Phật lịch 2544 (Canh Thìn, 2000), chỉ riêng ở tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế hiện có đến 318 Niệm Phật đường đang sinh hoạt (không tính các chùa, tu viện hay tự viện).
Trong số nầy, có 24 ngôi là có chư Tăng, hoặc chư Ni về trú trì. Số còn lại đều do Ban trị sự Khuôn – nay gọi là Ban hộ tự đảm trách. Trong số nầy, có thể có vài ngôi Niệm Phật đường ngoại lệ, vì những yếu tố khách quan khi xây dựng.
Như thế, nếu tính theo con số 318 hiện có như ở tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế thì toàn miền Nam Việt Nam việc xây dựng Niệm Phật đường theo mô hình chùa Hội Quán – Từ Đàm, chắc chắn không chỉ dừng lại ở con số ngàn!
Để đạt được thành quả lớn lao nầy, chư tôn Hòa thượng chứng minh, chư vị lãnh đạo Hội, không chỉ có một chủ trương đúng đắn mà quý Ngài đã không ngừng nỗ lực vận dụng nhiều khả năng khôn khéo khi điều hành Phật sự.
Điều nầy đã được Ngài Chánh Hội trưởng Tổng Trị sự Hội Việt Nam Phật học – Hòa thượng Thích Đôn Hậu-trong bài diễn văn khai mạc Tổng hội đồng thường niên năm thứ 19 (Tân Mão, 1951) tại chùa Từ Đàm, Huế đã xác định: “Chúng ta có thể nói rằng từ chỗ sơ cơ đến kỳ thuần thục, hầu hết hội viên Hội Việt Nam Phật học đã tự biết xây dựng lấy một căn bản và riêng mình cố gắng cung ứng sự hữu ích chung trong mọi giai tầng xã hội.
Sự hữu ích chung cho mọi người phát triển chừng nào thì cái vinh dự riêng của Hội lại càng được vang dội thêm chừng ấy, cho nên không tiền tài, không uy thế mà một tiếng gọi phải nghĩa của Hội là hàng triệu người nghe, một việc làm đúng Chánh pháp là hàng triệu người làm, nên hiện nay Hội Việt Nam Phật học với cơ sở vững vàng, với một tinh thần chắc chắn, với một lịch trình truyền bá Phật giáo vẻ vang, không những trong toàn quốc Việt Nam đã chiếm một địa vị khả quan, mà đối với các nước ngoài cũng đang được lưu ý”[3].
Sau khi xây dựng chùa Hội Quán, Hội còn có thêm sự góp sức của các nhà chí sĩ, các bậc túc nho uyên thâm Phật pháp. Qua các câu đối mà quý Ngài đã hiến cúng hoặc đề tặng và đã được bài trí hay khắc vào các trụ của tiền đường, là sự dung hòa đầy thi vị giáo lý vi diệu của Phật giáo vào sức sống thuần lương và nhu hòa của Dân tộc.
Ngày nay, nội dung của các câu đối nầy vẫn còn nguyên giá trị không chỉ về mặt giáo pháp mà còn về cả mặt triết lý và nhân văn (xin xem nguyên văn các câu đối ở phần phụ lục cuối bài).
***
Tượng cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám trong khuôn viên chùa Từ Đàm
Tổ chức Phật giáo thứ hai xuất phát tại chùa Từ Đàm-hay thoát thai từ An Nam Phật học hội- là Gia đình Phật tử.
Gia đình Phật tử sinh ra trong thời kỳ hỗn loạn và đau thương nhất của một giai đoạn lịch sử. Thế nhưng có một điều đáng lưu ý là từ lúc sinh ra cho đến ngày nay, Gia đình Phật tử vẫn một mực giữ gìn quy củ, mọi sinh hoạt đều đi đúng đường lối.
Điều nầy chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy qua bài diễn văn do Anh Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên lúc bấy giờ, đọc trong dịp lễ trao dấu hiệu cho Thiếu niên, Thiếu nữ tại chùa Từ Đàm, Huế vào ngày mồng 8.12 năm Kỷ Sửu (25.01.1950) trong đó, có đoạn Anh nói:
“Gia đình chúng tôi thành lập năm 1940, do sáng kiến của đạo hữu Tâm Minh, và sự hướng dẫn của Đoàn Phật học Đức dục. Gia đình chúng tôi ra đời đã 10 năm. Mười năm đầy sóng gió của thời cuộc, đầy trong phạm vi của nước nhà cũng như cả thế giới.
Tuy thế Gia đình chúng tôi vẫn tồn tại và tiếp tục công việc. Gia đình có thay đổi, nhưng không phải vì thời cuộc mà vì những kinh nghiệm thu thập được trong 10 năm qua. Chúng tôi không dám tự hào rằng Gia đình chúng tôi bây giờ đã hoàn toàn và không có điều gì cần phải sửa đổi nữa, nhưng chúng tôi có thể tự bảo rằng nó đã hoàn hảo hơn trước nhiều và nếu có thay đổi đi nữa, thì mục đích tốt đẹp đầu tiên của nó cũng vẫn được đeo đuổi mãi mãi”[4]
Như thế, trong quá trình hình thành và sinh hoạt, Gia đình Phật tử đã trải qua nhiều chặng đường vẻ vang, hưng thịnh nhưng cũng đầy dẫy chướng ngại, gian lao.
Do đó, có thể khẳng định rằng: Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục Thanh, Thiếu, Đồng niên có đường lối đúng đắn, có lý tưởng thiêng liêng, có tổ chức quy mô và có phương pháp khoa học. Gia đình Phật tử hình thành không phải do sự ngẫu nhiên, mà Gia đình Phật tử ra đời có chủ trương, đường lối rõ ràng của Hội.
Gia đình Phật tử ra đời nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của một giai đoạn lịch sử đầy khủng hoảng và tha hóa mà tầng lớp Thanh thiếu niên phải gánh chịu trước sự xâm lấn của nền văn hóa ngoại lai.
Sau hơn 60 năm xây dựng và phát triển, tổ chức Gia đình Phật tử đã thu thập được nhiều kinh nghiệm thực tế. Về điều hành, tuy có thay đổi đôi chút cho phù hợp với trào lưu tiến hóa, nhưng cương lĩnh vẫn không hề thay đổi, hay đi ngược lại những tiêu chuẩn mẫu mực đã đề ra từ ban đầu.
Những tiêu chuẩn mẫu mực ấy, đã được Anh Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên, trình bày rõ ràng trong bài diễn văn khai mạc cuộc triển lãm của Gia đình Phật tử tại trường Bồ đề, Huế ngày 10.05.1952, gồm có 3 điểm chính như sau:
“ – Gia đình Phật tử không phải là một tổ chức chính trị.
– Gia đình Phật tử nhằm mục đích giáo dục con người toàn diện: Thân–Tâm–Trí. Hòa đồng cá nhân với cộng đồng xã hội, thực tế với lý tưởng.
– Gia đình Phật tử góp phần xây dựng nền móng cho tương lai Phật giáo và Dân tộc”[5]
Ngoài ra, nhằm đánh đổ những ngộ nhận hoặc hiểu lầm về tổ chức Gia đình Phật tử, Anh Trưởng ban lúc bấy giờ cũng đã xác định:
“- Gia đình Phật tử không phải là một nơi tập luyện cho các em tụng kinh gõ mõ cho giỏi để đi cầu siêu, cầu an hay cầm tràng phang đi đưa đám ma.
– Gia đình Phật tử không phải là nơi khuyến khích các em xao lãng bài vở ở trường, để tổ chức những trò chơi vô nghĩa, những ca xướng vô ích.
– Gia đình Phật tử không phải là một tổ chức thanh niên có mục đích chính trị, hay một tổ chức Hướng đạo trá hình. Gia đình Phật tử chỉ mượn một ít phương pháp của thanh niên hay Hướng đạo mà thôi. Còn tinh thần vẫn là tinh thần Phật giáo, nghĩa là: Từ bi, Trí tuệ, Tinh tấn, Hoan hỷ, và Thanh tịnh”.[6]
Trong sứ mệnh được giao phó, chắc chắn Gia đình Phật tử không có tham vọng cải tạo xã hội, mà chỉ mong “góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo” đúng như mục đích của Gia đình Phật tử đã đề ra. Có lẽ nhờ vậy mà Gia đình Phật tử đã làm nên được nhiều điều lợi ích không riêng cho tự thân mà còn cho cả cộng đồng xã hội.
Có một thực tế mà mọi người đều công nhận là từ khi các tổ chức Phật giáo khác như Đoàn Thanh niên Phật tử, Sinh viên Phật tử, Học sinh Phật tử, Hướng đạo Phật tử… thoát thai từ trong lòng đại cuộc đấu tranh gian khổ năm 1963, tại chùa Từ Đàm, Huế hay một vài nơi khác, nhưng mới sinh hoạt được vài ba năm thì tất cả đã tàn lụn với thời gian.
Phải chăng, do từ phong trào đấu tranh mà phát khởi, nên các tổ chức Phật giáo nầy, đã quá nặng về tranh đấu mà lại non yếu về tu học nên chẳng có chút cơ sở nào để tồn tại. Trong khi ấy, Gia đình Phật tử cũng dấn thân vào đại cuộc đấu tranh, nhưng không có biểu hiện gì về sự suy thoái, trái lại còn có cơ hội để thăng tiến hơn lên.
Có thể nói, sự dấn thân của Gia đình Phật tử vào đại cuộc đấu tranh đã tạo được niềm tin tuyệt đối trong lòng chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo, cùng với toàn thể chư Tăng Ni Việt Nam vào tổ chức Gia đình Phật tử.
Quần chúng và các giới Phật tử khác cũng đã mục kích sự hy sinh, tận tuỵ và tấm lòng trung kiên của Gia đình Phật tử đối với Đạo pháp và Dân tộc. Tự thân Gia đình Phật tử chắc cũng thấy được rằng mình đã sống xứng đáng với lý tưởng, thấy không phải để tự hào mà để tiếp tục sống xứng đáng nhiều hơn nữa.
Nhận xét về Gia đình Phật tử trong giai đoạn đấu tranh nầy, Hòa thượng Nhật Quang Trí Quang, người trực tiếp lãnh đạo Giáo hội, lãnh đạo các phong trào và tổ chức Phật giáo tại chùa Từ Đàm, lại vừa là chứng nhân của lịch sử. Hòa thượng đã ưu ái nói về Gia đình Phật tử như sau: “Trong cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam, người được bí mật viết và mang biểu ngữ mở đầu cho phong trào là Gia đình Phật tử. Tám vị Thánh tử cho Đạo pháp tại đài phát thanh Huế, làm cho phong trào cao hẳn lên là Gia đình Phật tử. Những người can đảm chấp tay ngồi giữa đường dầu, dưới nắng hè, nhận lấy sự khủng bố đầu tiên có kế hoạch và vô cùng dữ dội, kết quả là với hàng trăm lựu đạn ác-xít, họ phải điên loạn và thương tích thê thảm, ngay lúc đó và kéo dài đến ngày nay và chưa biết đến bao giờ, cũng là Gia đình Phật tử.
Trong tinh thần thuần túy về Đạo pháp, Gia đình Phật tử đã không có một chút hổ thẹn nào khi nhìn vào các giới Phật tử đồng hành. Khi nhìn vào liệt vị “thiêu thân vì Chánh pháp”, Gia đình Phật tử cũng có thể có được sự không hổ thẹn đó.
Điều đáng nói hơn nữa, sau một Huynh trưởng bị giết tại Kim Long, Huế, mở màn cho chính sách kỳ thị Phật giáo, nạn nhân thường trực và đáng lo nhất của chính sách nầy là Gia đình Phật tử.
Tất cả các giới Phật tử khác, khi nhìn vào Gia đình Phật tử, nghĩa là nhìn vào con em và bạn của mình, thực đã có một sự tự hào và tin tưởng”[7]
Qua những lời nhận xét ưu ái của Hòa thượng như thế, quả là một điều mà Gia đình Phật tử không thể không lấy làm sung sướng và tự hào, nhưng còn có một điều cũng đáng tự hào thêm nữa là tổ chức Gia đình Phật tử đã được sự tin tưởng của chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo, và chính nhờ sự tin tưởng nầy mà Gia đình Phật tử mới có cơ duyên để xây dựng và phát triển đến mức khả quan như ngày hôm nay.
Để mọi người có một khái niệm về sự lớn mạnh của tổ chức Gia đình Phật tử, chúng tôi xin nêu lên một vài con số cụ thể như sau: Theo thống kê và qua tìm kiếm tư liệu của chúng tôi thì tính đến năm Ất Dậu, 2005.
Chỉ riêng ở tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế đã có đến 242 đơn vị Gia đình Phật tử đang sinh hoạt (chúng tôi chưa có được con số thống kê chính xác và đầy đủ cả toàn quốc, nhưng nếu có chắc cũng phải là con số ngàn).
Sự phát triển của tổ chức Gia đình Phật tử không chỉ dừng lại ở trong nước, mà hiện nay (2005) đã lan ra khắp cả 4 Châu lục trên thế giới. Xin lược ghi như sau:
– Châu Âu: hiện có 9 quốc gia là Pháp, Đức, Na Uy, Thuỵ Sĩ, Đan Mạch, Phần Lan, Bỉ, Hòa Lan và Anh với 33 đơn vị Gia đình Phật tử đang sinh hoạt.
– Châu Mỹ: hiện có 2 nước là Canada và Hoa Kỳ (chúng tôi chưa có con số thống kê đơn vị Gia đình tại hai quốc gia châu Mỹ nầy).
– Châu Úc: hiện có 8 tiểu bang với 10 đơn vị Gia đình Phật tử đang sinh hoạt.
– Châu Á: ngoài nước Việt Nam ra, hiện trong trại tỵ nạn ở Hồng Kông và ở 4 quốc gia là Indonesia, Malaysia, Philippines và Thailand đều có các đơn vị Gia đình Phật tử đang sinh hoạt.[8]
Trải qua một quãng thời gian hơn 60 năm kể từ khi ra đời cho đến nay, mà sự phát triển còn vượt lên với tốc độ như thế đủ để thấy được tính chất hài hòa, tốt đẹp và tinh thần trung kiên, bền bỉ của tổ chức Gia đình Phật tử như thế nào rồi!
Tóm lại, khi xây dựng mô hình Gia đình Phật tử, An Nam Phật học hội đã có tầm nhìn xuyên suốt cả thời gian và cả không gian.
Từ một Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục chỉ có 15 người và 4 Gia đình được hình thành từ các Ban Đồng ấu, tổng số trên dưới cũng chỉ có 70 người. Thế mà đến ngày hôm nay, tổ chức Gia đình Phật tử đã phát triển mạnh mẽ lên cả ngàn đơn vị, sự sinh hoạt không chỉ ở trong nước mà còn lan rộng ra khắp cả 4 Châu lục như chúng tôi đã nêu trên.
Điều nầy, có thể khẳng định rằng: An Nam Phật học hội đã thành công rất lớn khi áp dụng chủ trương đào tạo thế hệ Thanh, Thiếu, Đồng niên theo tinh thần Phật giáo qua mô hình Gia đình Phật tử.
Một mô hình mà suốt ba phần tư thế kỷ, vẫn chưa có động cơ hay áp lực nào có thể chi phối hoặc làm xê dịch đựơc vị trí ban đầu.
Thật là một mô hình siêu đẳng, đã được kiến tạo từ một địa danh rạng ngời trong lịch sử: CHÙA TỪ ĐÀM.
Tổ chức Phật giáo thứ ba xuất phát tại chùa Từ Đàm là TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
A. Cuộc “Hội nghị Phật giáo Toàn quốc Việt Nam” và sự ra đời của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam.
Suốt một thời gian dài hơn thế kỷ, Phật giáo Việt Nam trầm mình trong tình trạng suy vi, đình đốn. Đến đầu thế kỷ XX, mới có cơ duyên phục hưng và phát triển mạnh mẽ.
Công cuộc chấn hưng vĩ đại, diễn ra rầm rộ trên phạm vi cả nước, do chư Tổ, chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, tận tâm, tận lực khởi xướng, vận động, đã làm nao nức muôn triệu trái tim của Tăng Ni và đồng bào Phật tử. Phật giáo Việt Nam sau bao năm trì trệ, tha hóa, nay đã trổi dậy và trở về với vị trí vẻ vang của thời hưng thịnh trong lòng Dân tộc.
Dù đã đạt được thành quả vô cùng lớn lao ấy, nhưng chư Tổ, chư Tôn thiền đức vẫn không ngừng nỗ lực nhằm xúc tiến và cải tổ nền Phật giáo Việt Nam, trên tinh thần thống nhất Phật giáo cả nước về mọi lãnh vực.
Trong bối cảnh của cuộc “Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam” năm Tân Mão, 1951 tại chùa Từ Đàm, Huế không chỉ là một sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo, mà còn là sự thể hiện nguyện vọng tha thiết của toàn thể Tăng Ni và đồng bào Phật tử của ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam kết hợp lại.
Những nguyện vọng tha thiết ấy, đã thể hiện rõ ràng và tích cực qua quan điểm và lập trường đúng đắn của các hội Phật học.
Cao quý hơn nữa, là sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng của chư Tổ, chư Tôn Thiền đức ở khắp cả ba miền, đã tích cực vận động cổ xúy, khai thị đường lối trong một thời gian dài, nên công cuộc thống nhất mới có cơ duyên thành tựu tốt đẹp.
Tại miền Bắc:
Vào ngày 23.03.1950, một sự kiện lịch sử diễn ra khá thuận lợi, đã tạo đà cho công cuộc thống nhất. Đó là việc Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt, công cử Thượng tọa Thanh Lai Tố Liên, Hội trưởng Hội Tăng Ni Bắc Việt, kiêm Hội phó Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt[9], tham dự Hội nghị Hội Phật giáo thế giới (World Fellowship of Buddhists – viết tắt W.F.B) tại Colombo, thủ đô nước Tích Lan (Ceylon), nay là nước Cộng Hòa Srilanka, vào ngày 25.05.1950.
Tại Hội nghị Phật giáo Thế giới này, Thượng tọa Thanh Lai Tố Liên được bầu là đại biểu chính thức. Thượng tọa đã nhân danh Đại biểu Phật giáo Việt Nam, bỏ phiếu biểu quyết các vấn đề trọng đại của Hội nghị. Trong đó có vấn đề lá cờ Ngũ sắc (Xanh, Vàng, Đỏ, Trắng, Da Cam) làm cờ Phật giáo Thế giới.
Tại miền Trung:
Theo nhận định của Hòa thượng Nhật Quang Trí Quang lúc bấy giờ thì Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam, có được là do: “Có một phần kích thích tố Phật giáo đồ Thế giới Hữu nghị thành lập tại Tích Lan”[10]
Hòa thượng còn cho biết thêm rằng: “Cuối năm ấy (1950) bắt đầu cuộc vận động thống nhất Phật giáo”.[11]
Có lẽ, do đó mà trong Nguyệt san Viên Âm – cơ quan Hoằng pháp của Hội Việt Nam Phật học lúc bấy giờ, số 99 phát hành ngày 16.12.1950, đã có bài đề cập đến công cuộc Thống nhất Phật giáo với ý hướng mạnh mẽ, nghiêm túc như sau: “Phải bước tới Phật giáo toàn quốc – Thống nhất Phật giáo – đây là nguyện vọng từ lâu, nguyện vọng duy nhất của toàn thể Phật tử, xuất gia cũng như tại gia.”
Tại miền Nam:
Hội Phật học Nam Việt, được chính thức thành lập ngày 19.09.1950. Trong bản Tuyên cáo của Hội, có đoạn đã bày tỏ quan điểm một cách tích cực và đầy quyết tâm: “Đề xướng việc thành lập Hội Phật học nầy, chúng tôi có thâm ý là sẽ đi đến chỗ Bắc Trung Nam bắt tay nhau kết thành một khối Phật tử quảng đại và thống nhất trên nguyên tắc và hành động…”
Như thế, thời cơ Thống nhất Phật giáo ở giai đoạn nầy đã chín muồi trong điều kiện thuận lợi.
Thông qua lời hiệu triệu của chư vị Trưởng lão Hòa thượng cả ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam, công cuộc Thống nhất Phật giáo đã bắt đầu khởi sự.
“Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam” được tổ chức trọng thể từ ngày 06 đến 09.05. 1951 (Mồng 01 đến 04.04. Tân Mão) tại chùa Từ Đàm, Huế.
Tham dự Hội nghị có 51 Đại biểu chính thức, đại diện cho ba Tập đoàn Tăng già và ba Tập đoàn Cư sĩ của ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam.
Mỗi miền gồm có một phái đoàn, đại diện cho Tăng Ni và Phật tử tham dự. Mỗi đoàn có một vị trưởng đoàn và một vị phát ngôn viên.
MIỀN BẮC:
– Hòa thượng Thích Mật Ứng làm Trưởng đoàn.
– Thượng tọa Thích Trí Hải làm Phát ngôn viên.
MIỀN TRUNG:
– Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Trưởng đoàn.
– Thượng tọa Thích Trí Quang làm Phát ngôn viên.
MIỀN NAM:
– Hòa thượng Thích Đạt Thanh làm Trưởng đoàn.
– Thượng tọa Thích Thiện Hòa làm Phát ngôn viên.
Riêng tại tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế lúc bấy giờ, có hơn 300 Đại biểu dự thính, gồm có các vị trong Sơn môn Tăng già Thừa Thiên và một số Hội viên của các Khuôn hội trong thị xã Huế.
Mục tiêu quan trọng của Hội nghị là thảo luận và quyết nghị các vấn đề:
Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam, trên cương lĩnh thống nhất cả nước, tuy đã được kết tụ và ấp ủ từ bao nhiêu năm, với nguyện vọng tha thiết của toàn thể chư vị Tăng già và Cư sĩ, cũng như của đông đảo đồng bào Phật tử Việt Nam, đến hôm nay đã thành hiện thực.
Trong bản Tuyên ngôn ngày mồng 08 tháng 04 Phật lịch 2514[12], (ngày 13.05.1951) tại Huế, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng xác định: “Bánh xe Phật pháp xoay vần trên quốc độ Việt Nam đến nay đã gần hai mươi thế kỷ. Nhơn tâm, phong tục, văn hóa, chính trị trong nước đều đã chịu ảnh hưởng rất sâu xa của Phật giáo.
Tăng đồ thiện tín từ Bắc vào Nam một lòng quy ngưỡng Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, sống trong tinh thần Từ Bi Hỷ Xả và luôn lo toan xây dựng hòa bình. Nhưng sự đời không hòa nhịp với lòng mong mỏi, hoàn cảnh trước đây đã chia ranh giới ba miền, nên Phật sự cũng phải tùy duyên, bất biến. Sự tướng mỗi miền mỗi khác, làm cho mắt bàng quan xem như có điều chia rẽ. Nay cơ duyên thuận tiện, Phật giáo Việt Nam tất phải được Thống nhất…”
Qua Hội nghị này, Phật giáo Việt Nam đã thật sự Thống nhất. Truyền thống thiêng liêng từ chư Lịch đại Tổ sư trong suốt 2000 năm huy hoàng của lịch sử đã được thế hệ hôm nay kế thừa.
Sự thành công của Hội nghị là niềm hân hoan, vui sướng không chỉ hiện rõ trên khuôn mặt mọi người, mọi giới lúc bấy giờ mà còn là ấn tượng lịch sử sâu sắc đến các thế hệ về sau.
Ngày nay, không gian của ngày trọng đại ấy đã đi vào quá khứ, nhưng dư âm tiếng hát “Phật giáo Việt Nam Thống nhất” vẫn còn thiết tha vang vọng:
“Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay,
Một lòng chúng ta tiến lên vì Đạo Thiêng,
Nào cùng vui trong Ánh Đạo Vàng rạng ngời bốn phương,
Vang ca đón chào Phật giáo Việt Nam.”
Và chắc chắn lời ca thành kính và trọn niềm tin Thống nhất ấy sẽ còn bất tận với thời gian.
Hội nghị Phật giáo toàn quốc, thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam (1951) – Ảnh tư liệu
B. TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Sự ra đời của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam là thể hiện toàn vẹn nguyện vọng tha thiết của toàn thể Tăng Ni và đồng bào Phật tử Việt Nam, mà sự thành công kỳ diệu của “Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam” đã đem lại.
Mục tiêu của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam được khẳng định trong bản Tuyên ngôn ngày Mồng 08 tháng 04 Phật lịch 2514 (ngày 13.05.1951) rõ ràng như sau: “Sau 04 ngày thảo luận ráo riết, trong một bầu không khí thân mật và hiểu biết, toàn thể Hội nghị đã quyết định Thống nhất Phật giáo toàn quốc Việt Nam; lấy ngày Phật đản làm ngày kỷ niệm thành lập TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM; và đã bầu một Ban Quản trị Trung ương; trụ sở đặt tại Thuận Hóa (Huế) để thực hiện nhanh chóng chương trình Thống nhất mà Hội nghị đã dự thảo…”
Hội nghị cũng cung thỉnh Hội đồng chứng minh tối cao, gồm có quý Ngài:
BẮC VIỆT:
Hòa thượng Thích Mật Ứng
Hòa thượng Thích Tuệ Tạng
TRUNG VIỆT:
Hòa thượng Thích Giác Nhiên
Hòa thượng Thích Giác- Nguyên
NAM VIỆT:
Hòa thượng Thích Đạt Thanh
Hòa thượng Thích Tuệ Chơn
Tổng Hội Phật giáo Việt Nam ra đời hoạt động rất tích cực trên mọi lãnh vực, nên đã đem lại cho Phật giáo Việt Nam nhiều thành quả vô cùng lớn lao.
Tuy nhiên, trong khi hoạt động, Tổng Hội cũng đã gặp nhiều khó khăn, bức bách từ mọi thế lực.
Hòa thượng Nhật Quang Trí Quang, với tư cách là Phát ngôn viên chính thức của hai Tập đoàn Phật giáo miền Trung tham dự Hội nghị, Hòa thượng cho biết: “Tổng Hội nầy, gặp đủ thứ ma chướng, trong nhà có ba Tập đoàn thiếu hoan hỷ, ở ngoài thì chính quyền Trần Văn Hữu làm khó, chính quyền Nguyễn Văn Tâm sau đó càng làm khó hơn.
Bảng hiệu Văn phòng (tại chùa Từ Đàm, Huế) bị hạ. Ngài Hội chủ Thích Tịnh Khiết bị buộc nộp khuôn dấu. Nhân viên Ban Quản trị Trung ương người lánh nạn, kẻ đi tù. Tôi mạo hiểm nắm việc. Sau một năm xuôi ngược, đến năm Quý Tỵ (1953), Tổng Hội được thừa nhận. Và chính mười năm sau Tổng Hội là chủ chốt trong pháp nạn năm Quý Mão (1963)…”[13]
Dù bị bức hại triền miên như thế, nhưng Tổng Hội Phật giáo Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực hoạt động.
Ngày 01.04.1956 (ngày 21.02 Bính Thân), Đại hội Tổng Hội Phật giáo Việt Nam lần thứ hai, tổ chức tại chùa Phước Hòa (trụ sở của Hội Phật học Nam Việt). Đại hội lại suy tôn Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ. Hòa thượng Thích Huệ Quang làm Đệ nhất Phó Hội chủ, Cư sĩ Chơn An Lê Văn Định làm Đệ nhị Phó Hội chủ, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm Tổng Thư ký. Trụ sở của Tổng Hội lại di chuyển từ chùa Từ Đàm, Huế vào đặt tại chùa Ấn Quang, Saigon. Một thời gian lại dời về chùa Xá Lợi.
Đến tháng Tư năm Kỷ Hợi, 1959, Tổng Hội tổ chức Đại hội lần thứ ba tại chùa Xá Lợi. Ban Quản trị vẫn giữ nhiệm vụ như cũ, trừ Cư sĩ Chơn An Lê Văn Định xin từ chức. Đại hội đã công cử Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, thay chức vụ nầy.
Suốt 13 năm-từ năm 1951 đến năm 1964-ba nhiệm kỳ hoạt động liên tiếp, đến năm Giáp Thìn, 1964 sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, thì Tổng Hội bàn giao nhiệm vụ lại cho Viện Hóa Đạo, rồi giải thể.
Tóm lại, thắng lợi rực rỡ của Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam là sự kết tinh trí tuệ và niềm thao thức của chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni Việt Nam, trước tiền đồ hưng long của Đạo pháp. Thắng lợi của Hội nghị đã đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của toàn thể Phật giáo đồ cả ba miền Bắc Trung Nam suốt bao nhiêu năm chờ đợi.
Sự ra đời của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam là đã kiến tạo được một nền móng vững chắc cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, là cơ hội quý báu để xây dựng, phát triển và mở rộng con đường thống nhất Phật giáo xuyên suốt cả ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam trên một quy trình sáng tạo và đổi mới, một tiêu chí bất khả phân.
Thành tựu sáng ngời của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam là nguồn mạng mạch được tiếp nối bằng một Hội nghị Phật giáo Thống nhất đầy sinh lực và niềm tin của cả Dân tộc và Phật giáo vào năm 1964.
Tổng Hội Phật giáo Việt Nam là đóa hoa Chánh pháp thắm tươi, đã tỏa ngát hương thơm giữa lòng Dân tộc và nhân loại. Đóa hoa thắm tươi ấy cũng đã bừng nở từ một danh lam rạng ngời trong lịch sử: CHÙA TỪ ĐÀM.
____________
Tổ chức Phật giáo thứ tư, xuất phát tại chùa Từ Đàm là hệ thống giáo dục trường Bồ đề.
Từ khi ngôi trường Bồ đề đầu tiên được xây dựng tại Huế, năm 1951, liên tiếp những năm sau đó, hệ thống trường Bồ đề lần lược được thiết lập và khai giảng khắp 17 tỉnh miền Trung, rồi lan rộng vào miền Nam Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng Vụ Giáo dục, đến cuối năm 1973, hệ thống trường Bồ đề trên toàn miền Nam đã có 163 trường từ cấp tiểu học lên đến trung học Đệ nhị cấp (tức cấp Phổ thông ngày nay), không tính các trường Mẫu giáo các trường Sơ cấp (từ lớp Một đến lớp Ba) được các chùa, các Tự viện mở ra để giúp đỡ cho một số học sinh bị thất học tại các địa phương lân cận.
Cơ sở vật chất của các trường Bồ đề được xây dựng quy mô, rộng lớn. Có nhiều ngôi trường sĩ số học sinh vượt trên con số 1, 2 ngàn.
Chức vị Hiệu trưởng các trường Bồ đề phần nhiều đều do quý bậc Tăng già có học vị cao, có năng lực điều hành đảm nhận.
Chương trình giảng dạy tại các trường Bồ đề đều áp dụng và theo sát chương trình của Bộ Giáo dục đương thời. Chứng chỉ và học bạ của các trường Bồ đề cấp phát cho học sinh sau khi mãn khóa, đều tương đương với các trường công lập.
Ngoài chương trình của Bộ Giáo dục ra, các trường Bồ đề còn áp dụng chương trình giảng dạy môn Phật pháp cho học sinh. Đây là một môn học rất mới mẻ, nên được các trường Bồ đề đặc biệt quan tâm.
Môn Phật pháp được quy định là một môn học chính thức trong chương trình, thường được giảng dạy trực tiếp từ quý bậc Tăng già. Điểm và hệ số của môn nầy, được cộng chung điểm với các môn khác để tính điểm trung bình.
Từ năm 1951 đến năm 1963, các trường Bồ đề tại miền Trung đều do Tổng Trị sự Hội Việt Nam Phật học chỉ đạo, các tỉnh Giáo hội trực tiếp điều hành. Ở miền Nam thì do Hội Phật học Nam Việt trực tiếp điều hành.
Đến đầu năm 1964, sau khi bản Hiến chương của GHPGVNTN ra đời, thì hệ thống trường Bồ đề trên toàn miền Nam Việt Nam đều đặt dưới sự chỉ đạo và điều hành trực tiếp của Tổng Vụ Giáo dục thuộc Viện Hóa Đạo.
Phải chăng, hệ thống giáo dục trường Bồ đề đã kiến tạo nên một nền móng vững chắc và đã đạt đến đỉnh cao trong quyết định thành lập Viện Cao Đẳng Phật Học tại Saigon vào ngày 13.03.1964, để sau đó trở thành Viện Đại Học Vạn Hạnh lừng danh của Phật giáo tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.
Qua đó, có thể thấy: Hệ thống trường Bồ đề được thiết lập trên toàn miền Nam Việt Nam là một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh về mọi mặt, xuyên suốt từ cấp Mẫu giáo lên đến bậc Đại học. Một hệ thống giáo dục duy nhất, độc đáo, chỉ ở miền Nam Việt Nam mới có. Có thể nói, chưa có quốc gia Phật giáo nào thiết lập được một hệ thống giáo dục bằng trường Bồ đề như thế nầy.
Suốt 24 năm xây dựng và phát triển – từ năm 1951 đến năm 1975 – Hệ thống trường Bồ đề đã có nhiều cơ sở vững chắc, một đường hướng giáo dục đúng đắn, thiết thực, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu học hỏi Giáo lý của đông đảo tầng lớp Thanh, Thiếu niên Việt Nam lúc bấy giờ.
Có thể khẳng định rằng: Đây là một thành quả vô cùng lớn lao mà Hội Việt Nam Phật học đã đạt được khi chủ trương giáo dục thế hệ Thanh, Thiếu niên bằng hệ thống trường Bồ đề. Một điểm son chói lọi trong quyết định năm 1951 của Hội – hay của chùa Từ Đàm.
Sau ngày 30.04.1975, hệ thống trường Bồ đề trên toàn miền Nam Việt Nam đều tan rã. Một số trường được xây dựng biệt lập, không nằm trong khuôn viên chùa hay Tự viện như trường Bồ Đề Thành Nội, Bồ Đề Hữu Ngạn, Bồ Đề Tây Lộc ở Huế, Bồ Đề Saigon… thì chính quyền đã trưng dụng vào hệ thống Giáo dục quốc gia.
Số còn lại, nằm trong khuôn viên chùa hay Tự viện phần nhiều đều bị hoang phế đến đổ nát rồi phải dỡ bỏ, như trường Bồ Đề Hàm Long trong khuôn viên chùa Báo Quốc, Huế… (Có một điều lạ, xin ghi thêm ở đây là, trong bản tin lúc 19 giờ 25 ngày 17.02.2006, của Đài truyền hình Việt Nam, phát sóng trên VTV3, cho biết ở xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn có một ngôi trường đang hoạt động mang tên là Trường tiểu học Bồ đề 2?)
Ngày nay, hệ thống trường Bồ đề của một thời hưng thịnh chỉ còn vang vọng xa xôi trong miền ký ức, nhưng chắc chắn trên trang lịch sử vàng son của Phật giáo Việt Nam đã ghi đậm nét một đề án giáo dục thành công xuất sắc của Hội Việt Nam Phật học:
Hệ thống trường Bồ đề.
____________
Tổ chức Phật giáo tiêu biểu cuối cùng xuất phát tại chùa Từ Đàm mà chúng tôi đề cập trong bài viết này là: Phong trào tranh đấu cho tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo của Phật giáo đồ Việt Nam, năm Quý Mão, 1963.
Để có ý niệm rõ ràng hơn về nguyên nhân, mở đầu cuộc tranh đấu này, xin nghe qua lời của Hòa thượng Trí Quang, người trực tiếp phát động và lãnh đạo phong trào, Hòa thượng nói: “Ông Ngô Đình Diệm muốn Thiên Chúa giáo của ông độc tôn, muốn anh của ông là Tổng Giám mục Ngô Đình Thục làm Hồng y Giáo chủ, nên ông kỳ thị đàn áp Phật giáo.
Ấp chiến lược chỗ thì rào chùa vào trong để hạn chế đi lại, chỗ thì rào chùa ra ngoài để tự do bắn phá. Khu trù mật thì bắt cán bộ Phật giáo phá nhà bỏ cửa mà đi.
Quân dịch thì bắt Tăng sĩ Phật giáo làm những chức vụ nguy hiểm và vô quyền, để tu sĩ Thiên Chúa giáo nắm quyền chỉ huy từ hạ tầng. Giải thưởng văn học thì thưởng cho cuốn văn chương bình dân nội dung cốt chống Phật giáo. Chương trình tú tài C thì đổi toàn lý thuyết thượng đế và nhân vị, lại thêm một bằng ban D với cổ ngữ La Tinh.
Sát hại Phật tử thì có tập thể lên đến 36 người ở một nơi, cùng một lúc không còn lẻ tẻ nữa. Cả gan hủy bỏ ngày Phật đản trong danh sách ngày lễ được nghỉ của công tư chức, và danh sách này bao giờ Thiên Chúa giáo cũng gấp đôi cả ngày và giờ nghỉ.
Đạo dụ số 10, được thêm dụ bổ túc, tăng cường thêm sự hạ giá và kềm chế đối với Phật giáo. Rồi sửa điện Thái Hòa của Hoàng thành Huế, có lưỡng long mà không có nhật nguyệt, để phòng cắm thánh giá. Mọi việc xuôi thì tòa Hồng y đặt ở đó.
Cái làm cho không xuôi là cờ Phật giáo.
Vatican điều tra thấy Huế, địa phận của Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, sao mà Phật giáo nhiều quá. Phật đản thì cờ Phật giáo đầy hai bên đường từ Huế ra La Vang. Kiệu đức Mẹ thì từ La Vang vào Huế không có cờ của Vatican.
Ông Ngô Đình Diệm bèn bắt công chức Huế kê tên cả nhà để đưa cho anh mình báo cáo là giáo dân, và Phật đản 2507 (1963) thì triệt hạ cờ Phật giáo để Vatican thấy dân Huế theo anh mình rồi.
Phật giáo thì từ thời Pháp thuộc cho đến lúc đó chồng chất biết bao nhiêu chịu đựng. Nay thì không chịu nữa…”[14]
Sự việc như thế, đã buộc phong trào đấu tranh của Phật giáo đồ phát khởi.
Sau đêm Phật đản, PL. 2507 (1963), kinh hoàng đẫm máu tại đài phát thanh Huế, Năm Cấp Trị sự lãnh đạo Phật giáo, bằng đường lối ôn hòa, nhưng vô cùng cương quyết đã long trọng tuyên bố trước quốc dân và thế giới, qua bản Tuyên ngôn như sau:
“Đã nhiều ngàn năm, Tăng và tín đồ Phật giáo thế giới, cũng như trong nước đã trung thành với tôn chỉ: Từ bi, vị tha và chân thật của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Do đó, Phật giáo đến đâu, đều đem lại một không khí an lành ở đó. Điều ấy lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng. Vì vậy, từ nhiều năm nay, Phật giáo đồ đã bị đàn áp, khủng bố khắp nơi, chúng tôi vẫn nhẫn nhục, đương nhiên không phải yếu hèn, mà vì ý thức được nỗi khổ đau, tang tóc của hoàn cảnh Dân tộc ta hiện tại.
Nhưng đau đớn thay, một số đã lợi dụng quyền hành gây ra không biết bao nhiêu tang tóc, đối với Tăng Ni và Phật giáo đồ khắp trong nước, đối xử một cách bất công với một tôn giáo có hàng nghìn năm lịch sử của Dân tộc. Từ hành động này đến manh tâm khác, thậm chí chà đạp lên quyền lợi thiêng liêng nhất của Phật giáo đồ: Cờ Phật giáo Quốc tế bị triệt hạ.
Quyết định này đã trái với Hiến pháp và ngang nhiên vi phạm quyền tự do tín ngưỡng. Trước những hành động bất công đó, Tăng và tín đồ trong nước chúng tôi bắt buộc phải đứng lên tranh đấu cho lý tưởng của mình.
Sự kiện xảy ra ba ngày nay, chính phản ảnh tinh thần đó. Máu đã chảy, nhân mạng đã bị hy sinh. Một lần nữa, chúng tôi cương quyết đệ đạt nguyện vọng lên Chính phủ, yêu cầu thực thi các điểm:
Những điểm trên đây là những nguyện vọng tối thiểu và thiết tha nhất của toàn thể Tăng và tín đồ Phật giáo trong nước.
Chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho đến lúc nào nguyện vọng hợp lý trên được thực hiện.
Phật lịch 2507, Huế, ngày 10.05.1963
Hội Chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam
Ký tên: Hòa thượng Thích Tịnh Khiết
Tổng Trị Sự GHTG Trung Phần
Ký tên: Thích Mật Nguyện
Ban Trị Sự GHTG Thừa Thiên
Ký tên: Thích Mật Hiển
Tổng Trị Sự Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần
Ký tên: Thích Trí Quang
Ban Trị Sự Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên
Ký tên: Thích Thiện Siêu.[/box]
Sau khi bản Tuyên ngôn được công bố thì các giới Phật tử tại tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế đã khẩn trương tổ chức thành các đoàn thể, kết nên một phong trào với khí thế đấu tranh sục sôi, cuồn cuộn như sóng triều dâng.
Chùa Từ Đàm-đã trở thành cơ quan lãnh đạo tối cao của Năm Cấp Trị sự, và là Trung tâm hoạt động của các tổ chức Phật giáo đấu tranh nầy.
Số lượng người tham gia tranh đấu đông và chật như nêm cối trong khuôn viên chùa Từ Đàm. Hàng hàng, lớp lớp nhưng vẫn rất nghiêm túc và vô cùng trật tự dưới sự chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp của chư Tôn Giáo phẩm.
Gia đình Phật tử là tổ chức đầu tiên được xem như trụ cột của phong trào, nên các cấp lãnh đạo đã bí mật giao cho trách nhiệm “mở đường” vào sáng Rằm Phật đản 2507 (08.05.1963) bằng các câu khẩu hiệu có nội dung tranh đấu, được giương cao lên trên các nẻo đường trong lễ rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm.
Lực lượng này cùng Hội viên các khuôn hội rải đều khắp nơi. Khuôn hội nào cũng có Gia đình Phật tử. Chỉ cần một tiếng hô của cấp lãnh đạo là lực lượng nầy có mặt ngay. Có thể nói là lực lượng “xung kích”.
Xông xáo và năng nổ nhất là Đoàn Sinh viên Phật tử Huế. Tiếng nói và việc làm của lực lượng trí thức trẻ nầy đã tạo nên một bầu không khí đấu tranh hừng hực, làm phấn chấn các tổ chức Phật giáo khác.
Bản Tuyên ngôn đầu tiên của các tổ chức Phật giáo có mặt trong phong trào là Bản Tuyên ngôn của Đoàn Sinh viên Phật tử Huế. Nội dung nghiêm túc mà rực lửa hào hùng.
Các Đoàn Hướng đạo Phật tử, Thanh niên Phật tử, Học sinh Phật tử, Công nhân Phật tử, Xích lô Phật tử, Tiểu thương Phật tử các chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, Tây Lộc, tất cả đều vào cuộc. Đây là lực lượng hùng hậu, nòng cốt, nhanh nhẹn trong việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cơ quan lãnh đạo tối cao, cho Trung tâm điều hành tranh đấu tại chùa Từ Đàm, là lực lượng hăng hái nhất trong các cuộc biểu tình, đình công, bãi thị, bãi khóa, bãi trường, tuyệt thực…luôn luôn ở vị trí tiên phong. Lực lượng nầy đã “bủa vây” quân đàn áp trên khắp mọi nẻo đường, chận chúng từ mọi phía.
Có thể nói, đây là lực lượng đã làm cho tập đoàn Ngô Đình Diệm nao núng, mặc dầu họ chỉ có hai bàn tay không và một tấm lòng sẵn sàng hy sinh vì Đạo pháp.
Đến khi các đoàn Công chức Phật tử, Giáo chức Phật tử, Trí thức Phật tử, nhất là Quân nhân Phật tử vào cuộc thì khí thế đấu tranh của phong trào bùng lên ác liệt như cơn hồng thủy.
Điểm qua giờ phút lịch sử đấu tranh trọng đại nầy, mới thấy hết tinh thần cao cả của mọi người, mọi giới. Họ luôn ý thức rằng: Một Dân tộc còn không chịu cúi mình làm nô lệ, thì một Tôn giáo cũng không thể cam tâm làm nô lệ.
Thà chịu chết, chứ không bao giờ khuất phục trước những thế lực vô minh. Cho nên tất cả đều sẵn sàng xả bỏ thân mạng, hy sinh vì Đại cuộc. Hăng hái xông lên phía trước để ngăn chận các cuộc đàn áp dã man của bọn lính mỏ heo, với lưỡi lê, lựu đạn ác xít, lựu đạn cay, chó săn, kẽm gai, vòi rồng… Trong các cuộc biểu tình diễn ra hằng ngày.
Khi phong trào nổi lên mạnh mẽ, toàn diện và lan rộng ra khắp nước thì cả Dân tộc đều đứng lên. Các tổ chức Phật giáo, cũng như không Phật giáo yêu chuộng công bằng xã hội, tôn trọng tự do tín ngưỡng trên thế giới cũng đều đứng lên ủng hộ, chia sẻ, góp sức đấu tranh cùng Phật giáo đồ Việt Nam. Khí thế sục sôi ấy, đã tạo nên “bước đường cùng” cho chế độ Ngô Đình Diệm.
178 ngày đêm ròng rã “vật lộn” với dùi cui ma trắc, súng đạn lưỡi lê, xe tăng thiết giáp, lựu đạn ác xít, lựu đạn cay, tấn công đàn áp trăm mưu nghìn kế quỷ quyệt gian manh của tập đoàn gia đình trị họ Ngô, nhưng rồi phong trào cũng đạt được phần thắng lợi.
Ngày 01.11.1963, chế độ Ngô Đình Diệm, sau 09 năm (1954-1963) làm mưa, làm gió trên chính trường và gieo rắc biết bao điêu linh thống khổ không riêng cho Phật giáo mà còn cho cả Dân tộc ở miền Nam Việt Nam đã bị lật đổ.
Phật giáo Việt Nam thoát khỏi cơn Đại Pháp nạn. Bắt đầu công cuộc phục hưng, xây dựng và phát triển…
Các tổ chức Phật giáo trong phong trào đấu tranh nầy, cũng trở về ổn định công việc tu học, nhưng được một thời gian rồi cũng dần dần phân tán. Chỉ còn lại duy nhất một tổ chức vẫn không ngừng hoạt động và phát triển mạnh mẽ đến ngày hôm nay, đó là tổ chức Gia đình Phật tử mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên.
Cuối cùng, để thấy được giá trị lịch sử thuần nhất và trung thực về phong trào đấu tranh nầy, nhất là để tránh sự lợi dụng, tranh công trên xương máu của chư vị Tăng Ni và Phật tử đã đổ ra cho sự tồn vong của Đạo pháp.
Xin trân trọng nhắc lại lời của Hòa thượng Trí Quang, người trực tiếp phát động và lãnh đạo phong trào, Hòa thượng khẳng định: “Có một điều phải nói, trước và sau năm 1963 cho đến năm 1975, Phật giáo Việt Nam không bao giờ nằm trong túi ai cả. Mặc dầu trong suốt thời gian nầy, việc gì nổi lên mà không có sự khai thác theo ý riêng.”[15]
Tóm lại, thắng lợi của phong trào tranh đấu năm 1963, là sự kết tụ tinh thần hy sinh cao cả của toàn thể Tăng Ni và đồng bào Phật tử Việt Nam, là sức mạnh Bi Trí Dũng đã đạp tung cái cùm nô dịch, được mệnh danh là Dụ số 10, cài cùm oan nghiệt này đã cùm chân Phật giáo trên lộ trình phát triển ròng rã suốt 14 năm (1950-1964).
Thắng lợi của phong trào đã làm cho nguồn năng lượng của Phật giáo hồi sinh, sau 9 năm bị khống chế vô cùng hà khắc bởi một chế độ muốn độc tôn tôn giáo.
Có thể nói chắc rằng: Thắng lợi của phong trào đấu tranh năm 1963, đã làm nên một giai đoạn lịch sử hào hùng không riêng cho Phật giáo, mà còn thể hiện sâu sắc tinh thần bất khuất trong truyền thống ngàn đời của Dân tộc. Một dấu son chói lọi chung cho cả hai dòng lịch sử Phật giáo và Dân tộc.
KẾT LUẬN
Trong suốt 32 năm – từ năm 1932 đến năm 1964 – Các phong trào và tổ chức Phật giáo phát xuất từ chùa Từ Đàm – hay từ An Nam Phật Học Hội – đều đã hăng hái, tích cực cống hiến trí tuệ, tài năng và công sức vào sự nghiệp xây dựng, hoằng dương và hộ trì Chánh pháp trong mọi điều kiện.
Phật giáo miền Trung, sau một thời gian dài đắm mình trong suy vi, thoái hóa, nhưng khi các phong trào và tổ chức Phật giáo nầy xuất phát mạnh mẽ thì đã trổi dậy và vươn lên đến đỉnh cao của thời hưng thịnh.
Các phong trào và tổ chức Phật giáo nầy không những đóng giữ một vai trò trọng yếu trong một giai đoạn đầy cam go, thách thức để đưa nền Phật giáo miền Trung vượt ra khỏi thời kỳ khủng hoảng trầm trọng, mà còn chung sức tô bồi cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày một thêm hưng long bền vững, giành lại vị trí xứng đáng của một thời vẻ vang trong lịch sử.
Các phong trào và tổ chức Phật giáo nầy cũng đã đem đến cho mọi người, mọi giới một đời sống tâm linh đầy an vui và hạnh phúc trong giáo pháp vi diệu của Đức Như Lai, và cũng đã đóng góp nhiều tinh hoa vào nền văn hóa của Dân tộc, đã đưa nền Phật giáo Dân tộc lên ngang tầm cao cùng với các nước Phật giáo trên thế giới.
Ngày nay, các phong trào và tổ chức Phật giáo nầy tuy có phân tán, đổi thay nhưng tinh thần trung kiên và quyết tâm cao độ ấy vẫn chẳng hề mai một.
Chắc chắn trên trang sử vàng Phật giáo vẫn mãi mãi còn ghi một dòng rạng rỡ: “CHÙA TỪ ĐÀM, nơi xuất phát các phong trào và tổ chức Phật giáo tại miền Trung.”
PHẦN PHỤ LỤC
Tại chùa Từ Đàm, hiện có tất cả 4 câu đối (8 vế), những câu đối này, được tạo nên từ năm xây dựng chùa Hội Quán An Nam Phật Học Hội, Mậu Dần, 1938.
Xin trình bày như sau:
Trước hết là câu đối treo trong chánh điện, dưới bức hoành phi “Ấn Tôn Tự”. Câu này do Thái Tử Thiếu Bảo Cần Chánh điện Đại học sĩ Bố Chánh thần Tri sự đồng nguyên lão quan Công bộ Tôn Thất Hân, hiến cúng.
Có nội dung như sau:
淨 瓶甘 露 一 滴 遍 塵 間 三千界內 普 慈 悲 洗 盡 煩 根 曼 陀作雨。
蓮 座 香 華 十 方 依 淨 土 百 八清 中 醉 夢 聽 來 說 法 頑 石 點 頭。
Âm:
Tịnh bình cam lộ nhất trích biến trần gian tam thiên giới nội phổ Từ Bi tẩy tận phiền căn Mạn đà tác vũ.
Liên tòa hương hoa thập phương y Tịnh độ bách bát thanh trung tuý mộng thính lai thuyết pháp ngoan thạch điểm đầu.
Nghĩa:
Cam lộ trong tịnh bình, một giọt khắp trần gian Từ Bi rải khắp ba ngàn thế giới, rửa sạch cội rễ ưu phiền làm mưa hoa Mạn đà.
Hương hoa ở toà sen, mười phương nương Tịnh độ, một trăm lẻ tám tiếng hiệu Phật gọi tỉnh người say, trở về nghe Pháp đá cũng gật đầu.
Ba câu ở ngoài được bố trí đều đặn dọc theo mặt trước của sáu trụ tiền đường, chữ được đắp nổi bằng xi măng ghép mảnh sành rất mỹ thuật.
Câu 1 và câu 2, gồm 4 vế, được đắp ở hai trụ chính giữa và hai trụ phải trái kế tiếp trong hàng 6 trụ của tiền đường. Hai cầu này, do Ngài Chánh Hội trưởng An Nam Phật học hội – Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Tham, đề:
Câu 1:
佛 正 遍 知 無 量 壽 無 量 光無 量功 德。
學真 實 義 如 是 文 如 是 思 如 是 修 持。
Âm:
Phật chánh biến tri vô lượng thọ vô lượng quang vô lượng công đức.
Học chơn thiệt nghĩa như thị văn như thị tư như thị tu trì.
Nghĩa:
Phật là bậc chánh biến tri, vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức.
Học theo nghĩa chơn thiệt, nghe như vậy, nghĩ như vậy, tu trì như vậy.
Câu 2:
隋塵 逐 影 我 法 歡 生 迷 流 救 竟 妄 成 貪 瞋 癡 慢 有 漏 業。
絕 相纏 根 自 他 不隔 覺 性 本 來 具 足 慈 悲 喜 捨 無 量 心。
Âm:
Tuỳ trần trục ảnh ngã pháp hoan sanh mê lưu cứu cánh vọng thành tham sân si mạn hữu lậu nghiệp.
Tuyệt tướng triền căn tự tha bất cách giác tính bổn lai cụ túc Từ Bi Hỷ Xả vô lượng tâm.
Nghĩa:
Theo trần đuổi bóng, quấy sanh chấp ngã pháp dùng trong mê rốt cuộc vọng thành nghiệp hữu lậu tham sân si mạn.
Dứt tướng xoay sáu căn, tự tha không cách biệt, giác tính xưa nay vốn đủ tâm vô lượng Từ Bi Hỷ Xả.
Câu cuối cùng cũng được đắp nổi ở hai trụ 5 và 6 (tức hai trụ trái phải ngoài cùng).
Câu đối nầy, do chí sĩ Sào Nam Phan Bội Châu đề tặng:
業 緣 萍 合 年 年 百 髮 崔 對 面 即 空 寧 把 挑 華 仆 流 水。
世事 旗 分 處 處 黃 梁 夢 回 頭 是 岸 願 翻 貝 葉 出 憂 曇。
Âm:
Nghiệp duyên bình hiệp niên niên bách phát thôi đối diện tức không ninh bả thiêu hoa phó lưu thủy.
Thế sự kỳ phân xứ xứ hoàng lương mộng hồi đầu thị ngạn nguyện phiên bối diệp xuất Ưu đàm.
Nghĩa:
Nghiệp duyên như bèo hợp, hằng năm tóc cứ bạc mãi, đối diện là không há nỡ đem tuổi xuân quăng dòng nước.
Thế sự như bàn cờ, nơi nơi giấc mộng hoàng lương, quay đầu là bến, nguyện dịch kinh Lá Bối tỏa hương Ưu đàm.
***
Khi chúng tôi kết thúc bài viết nầy, thì chùa Từ Đàm đang bắt đầu công cuộc đại trùng tu.
Lễ động thổ khởi công đã được tổ chức trọng thể vào lúc 8 giờ sáng ngày 10.06. năm Bính Tuất, Phật lịch 2550 (04.07.2006).
Như thế là đã trải qua 68 – từ năm Mậu Dần, 1938 đến năm Bính Tuất 2006 – tồn tại và phát triển, chùa Từ Đàm của thời An Nam Phật học hội kiến tạo đến đây đã hoàn toàn bị triệt hạ. Ba câu đối được đắp nổi như chúng tôi đã trình bày ở trên cũng cùng chung số phận.
Không rõ rồi đây, sau khi công cuộc xây dựng xong ngôi chùa Từ Đàm theo mô hình kiến trúc hoàn toàn mới, các câu đối này có còn được chư Tôn Thiền đức lưu tâm cho khắc lại để ghi dấu một thời kỳ vàng son của An Nam Phật học hội, hay chỉ còn là nỗi ngậm ngùi trong miền ký ức xa xôi của chư vị Tăng Ni và Phật tử khi nghĩ về một thời vẻ vang hưng thịnh của một ngôi danh lam rạng ngời trong lịch sử: “Ấn Tôn – Từ Đàm Tự”.
Tài liệu tham khảo:
[1] Về pháp danh của Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung, trong Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1-2 (2005) có chủ đề : “Tuyển dịch Văn bia chùa Huế của Lê Nguyễn Lưu, do Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên-Huế xuất bản. Ở phần chú thích, trang 183, tác giả viết: “Minh Hoằng Tử Dung là một trong nhiều nhà sư Trung Quốc vượt biển sang nước ta khi nhà Thanh diệt xong nhà Minh năm 1664 (cho nên hiệu của họ đều dùng từ “Minh”: Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Trí…). Ông khai sơn chùa Ấn Tôn (thời Thiệu Trị đổi tên Từ Đàm, năm 1841, khi trùng hưng.)”
Lời chú thích của tác giả Lê Nguyễn Lưu như thế, thật hết sức sai lầm. Mong tác giả tìm hiểu và có sự đính chính tường tận. Tâm Quang chú.
[2] Thư Viện Từ Đàm ấn hành, năm 1997, PL.2541.
[3] Trích Nguyệt san Viên Âm, số 100-101, năm thứ X, ngày 13.02.1951
[4] Trích Đây… Gia đình, Võ Đình Cường, Liên Hoa-Huế ấn hành, Bính Thân-1956
[5] Trích Đây… Gia đình, Võ Đình Cường, Liên Hoa-Huế ấn hành, Bính Thân-1956
[6] Trích Đây… Gia đình, Võ Đình Cường, Liên Hoa-Huế ấn hành, Bính Thân-1956
[7] Tâm Ảnh lục, Hòa thượng Thích Trí Quang, Thần Đinh xb, Phật lịch 2508, 1964.
[8] Theo Nội san Sen Trắng, các số 3, 4 và 8 năm 2005.
[9] Trong cuốn “Ký sự Phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi Ấn Độ và Tích Lan” của Thượng tọa Tố Liên, nhà in Đuốc Tuệ Hà Nội, 1951, trang 17, ghi: “Hôm qua Hội Tăng Ni Bắc Việt và Hội Việt Nam Phật giáo với các Giáo hữu có tặng số tiền lớn…”
Nhưng trong cuốn “Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam” của Thượng tọa Đồng Bổn, Thành hội Phật giáo Tp. HCM, 1995, trang 528, ghi: “Hội Tăng Ni Chỉnh lý Bắc Việt, Hội này là tiền thân của Hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt.”
Và trong cuốn “ Lịch sử Phật giáo xứ Huế” của Thượng tọa Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, Nxb Tp. HCM, 2001, trang 465, cũng ghi: “Đó là Hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt công cử Thượng tọa Tố Liên đi dự Hội nghị…”
Chúng tôi e rằng danh hiệu “Hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt” là không đúng và cũng không có. Vì từ trước đến nay, kể cả 3 miền, chỉ có Giáo hội Tăng già, Sơn môn Tăng già, chứ không có hội nào là “Hội Phật giáo Tăng già” cả.
[10] Theo “Tiểu truyện tự ghi của Hòa thượng Trí Quang”.
[11] Theo “Tiểu truyện tự ghi của Hòa thượng Trí Quang”.
[12] Theo “Tiểu truyện tự ghi của Hòa thượng Trí Quang”.
[13] Theo “Tiểu truyện tự ghi của Hòa thượng Trí Quang”.
[14] Theo “Tiểu truyện tự ghi của Hòa thượng Trí Quang”.
[15] Theo “Tiểu truyện tự ghi của Hòa thượng Trí Quang”.
(Trích từ http://www.quangduc.com/Danhnhanvn/09triquang.html). Phật lịch 2514 là Phật lịch cũ. Phật lịch này tính theo niên đại Đức Phật đản sinh vào năm 563 tr. CN.
Phật giáo Việt Nam đã sử dụng Phật lịch này cho đến năm Đinh Dậu, 1957 mới thay đổi Phật lịch mới, Phật lịch này tính theo niên đại Đức Phật nhập Niết-bàn vào năm 544 tr. CN, tức là Phật lịch hiện lưu hành.