;
Với ngôi chánh điện cao nhất Việt Nam
Chùa Vạn Đức có nguồn gốc từ một ngôi nhà xưa do thí chủ Nguyễn Thị Hương hiến cúng. Sau khi tiếp nhận, Hòa thượng đã xây dựng lại thành chùa và đặt hiệu là “Vạn Đức tự”. Kể từ đó, chùa được mở rộng vào các năm 1964, 1989, 1993 và từ năm 2003 đến năm 2005, đại trùng tu toàn bộ ngôi chùa, trở nên khang trang như ngày nay.
Chùa nằm trên khu đất rộng, kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Kiến trúc chùa bao gồm cổng tam quan, chánh điện và đài Liên hoa. Tam quan xây ba tầng, mái lợp ngói lưu ly màu xanh, trên các đầu đao có gắn hoa văn hình hoa sen cách điệu, nóc gắn hình “lưỡng long chầu Pháp luân”. Qua khỏi tam quan là khoảng sân rộng trồng các loại cây kiểng, bonsai, tạo cảm giác mát mẻ và thanh tịnh. Bên trái sân chùa có cội bồ đề rợp mát. Đối diện cội bồ đề là một ao sen, giữa có đài Liên hoa vọt lên khỏi mặt nước, bên trong tôn trí tượng Quan Thế Âm Bồ tát. Phía sau sân chùa là những hàng cau cảnh và những bụi trúc xanh um, trông giống như một bức tranh thủy mặc sống động…
Chùa Vạn Đức xây bằng vật liệu vĩnh cửu với kỹ thuật hiện đại. Toàn thể ngôi chùa được đúc bằng bê-tông, tường gạch, móng cọc nhồi. Nền chùa và các bệ thờ đều dán đá granit màu xám. Tất cả các cửa và cầu thang đều làm bằng thép trắng. Hoa văn trang trí được đúc bằng xi-măng hoặc kết bằng các mảnh gạch men, vừa mang tính truyền thống nhưng lại tân kỳ. Tòa chánh điện chùa Vạn Đức cao 43,5m, được xem là ngôi chùa có chánh điện cao nhất hiện nay, nhìn từ xa trông giống như một ngọn tháp chín tầng và hai tháp nhỏ năm tầng nhưng bên trong chỉ có hai tầng chính. Tầng trên là nội điện thờ Phật, có nhiều ô cửa sổ, bên ngoài có lan can, bên trong tôn trí tượng Phật Thích Ca và Tam thế Phật. Xung quanh có bốn lớp lan can giống như những tầng mây trắng, và mỗi vì sao là những ô cửa gió có hình chữ “Phật”. Hai bên hông lan can là hai cầu thang dẫn lên nội điện. Nổi bật trên nền kiến trúc nội điện là bức phù điêu cội bồ đề và phong cảnh sông Ni Liên Thiền. Bức phù điêu được đắp bằng xi-măng trên vách sau chánh điện, xung quanh có tạc hình các vị thần Hộ pháp. Tầng trệt là giảng đường, dùng làm nơi thuyết pháp cho Phật tử; sát vách giữa thờ Tổ sư Đạt Ma tạc bằng đá cẩm thạch màu trắng toát và linh vị Hòa thượng Thiện Quang (1895-1953), bổn sư của Hòa thượng viện chủ. Phía sau giảng đường là một bích họa vẽ Hòa thượng Trí Tịnh đang ngồi dịch kinh.
Thực hiện công trình độc đáo này, kiến trúc sư Đỗ Thành Phương phải mất thời gian khá dài để hoàn thành bản vẽ, đồng thời phải mất 2 năm với hơn 60 thợ xây mới thực hiện xong phần chánh điện. Có thể nói, chùa Vạn Đức là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài giá trị về mặt thẩm mỹ, công trình còn là một kiểu mẫu cho nghệ thuật tạo hình trong kiến trúc hiện đại. Đặc biệt, ngôi chánh điện cao nhất nước đã được xác lập kỷ lục Phật giáo Việt Nam…
Giang Phong