;
Năm 1957, Ngài được tuyền chọn là một thành viên trong hội đồng Thế giới Kết tập Tam tạng Kinh điển lần thứ VI, tổ chức tại Ngưỡng Quang, Miến Điện. Ngài là Tổng thư ký đầu tiên của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam và đang là Tăng thống của Giáo hội này.
Năm 1963 Ngài bị cầm tù vì đại diện Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam trong Ủy ban Liên phái, soạn thảo Hiến chương GHPGVNTT. Sau khi ra khỏi tù, Ngài lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong GHPGVNTT.
Năm 1981, Ngài vượt biên qua Campuchia. Năm 1982 Ngài định cư tại Hoa Kỳ.
Ngày 12-12-2012, Giác linh Ngài được đưa về quàn tại chùa Pháp Luân thuộc Houston để cho tăng ni cũng như Phật tử thăm viếng, chiêm ngưỡng và cầu nguyện. Trong suốt thời gian tang lễ 5 ngày còn có Pháp hội Hoa Khai Kiến Phật tại chùa Pháp Luân với 18 pháp thoại của 18 vị giảng sư nhằm tạo công đức pháp thí hồi hướng cho muôn loài.
Một đại đệ tử của Đại lão Hòa thượng là Hòa thượng Thích Huyền Việt, trụ trì chùa Liên Hoa tại Houston, có những lời phát biểu như sau về công đức của Hòa thượng Thích Hộ Giác đối với Phật Giáo và Dân Tộc: “Ngài ra đi đã để lại tấm gương của bậc lãnh đạo PG. Ngài đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong chiều dài lịch sử. Với tuổi thọ của ngài, và đặc biệt Ngài dấn thân từ năm 1963 cho tới bây giờ và từ năm 1982 ở hài ngoại, ngài đã để lại một tấm gương sáng cho hậu thế, cho chư tôn đức tăng ni và Phật tử.”
Còn Thượng tọa Thích Giác Đẳng là người phụ tá của Đại Lão Hòa thượng, trụ trì chùa Pháp Luân thì chia sẻ: “Có hai điều, điều thứ nhất là bản thân chúng tôi sống với Hòa Thượng suốt hơn 32 năm qua, có thể nói rằng với thời gian dài đó, sự ra đi của Hòa Thượng mặc dù vì tuổi già sức yếu, nhưng mà bản thân cảm thấy đó là một sự mất mát rất lớn và điều thứ hai nữa với vai trò của Hòa Thượng hiện nay, khi còn sinh tiền đối với giáo hội PG và giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy mà chúng tôi là một người phụ tá, thì sự ra đi của Hòa Thượng tất nhiên là có nhiều sự việc liên quan đến giáo hội mà tất cả chư tăng ni phải cố gắng trong việc thừa tiếp.”
“Chúng ta thấy một điều rằng khi Ngài nằm xuống trong tang lễ của Ngài thì có sự có mặt chư tăng của nhiều giáo hội, nhiều tổ chức khác nhau ở hải ngoại. Có thể là nhờ cái đức của Ngài mà tạo ra điều kiện để cho chư tăng ni hải ngoại gặp gỡ nhau trong tinh thần hòa hài.”
Sự ra đi của Đại lão Hòa thượng Hộ Giác làm nhiều Phật tử ngậm ngùi thương tiếc vì trong nhiều năm qua Ngài được Phật tử tại Houston coi như một vị Thầy dẫn đường chỉ lối trong cuộc đời tu học như là vị cha già khả kính.
Ông Bùi Nghĩa là một Phật tử thì cho đây là một đại tang cho các phật tử: “Tụi tôi là hàng phật tử thì con nhà Phật với cái tang này tôi cho là đại tang, không chỉ riêng tôi đâu, mà cả giáo đồ Phật Giáo Việt Nam.”
Các em trong Gia đình Phật tử thì thương tiếc Hòa Thượng như ông Cố. Tuy nhiên các em cũng thấy vui vì Hòa thượng không phải chịu khổ vì bịnh già.
Em Tiên là một đoàn sinh Phật tử chùa Pháp Luân nói: “Hòa thượng là giống như ông Cố của mấy tụi con. Dạ buồn mà cũng vui tại vì Hòa thượng hết đau hết bịnh, buồn vì không thấy Hòa Thượng ở đây nữa.”
Lễ Trà Tỳ tức là Lễ hỏa táng nhục thể của Hòa thượng được cử hành trọng thể vào trưa ngày Chủ nhật 16 tháng 12, năm 2012 với sự hiện diện của hàng ngàn tu sĩ và phật tử cũng như đại diện các tôn giáo bạn trong thành phố.
Có nhiều tăng đoàn từ nhiều nơi trên thế giới và nhiều tiểu bang khác tại Hoa Kỳ về tham dự tang lễ. Giáo sư Võ Văn Ái từ Paris, Pháp quốc qua tham dự tang lễ. Ông chia sẻ tâm tình của ông trước sự viên tịch của Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác: "Tôi từ Paris đến thì thấy được điều rất là kỳ lạ đối với một đám tang bởi chúng tôi cũng đã tham dự nhiều đám tang của các vị Hòa thượng, Thượng tọa nhưng chưa đám tang nào mà tôi thấy lòng người được hòa hợp đặc biệt (như lần này).
Trong nội bộ Phật Giáo cũng có nhiều giáo hội, nhiều môn phái nhưng mà trong tang lễ này, có thể nói là tất cả những giới hạn của các môn phái, các giáo hội đã tan đi và tất cả đều nghĩ đến Ngài.
Suốt tuần lễ vừa qua, trong lễ Kiến Phật Hoa Khai, tôi thấy các lời phát biểu của chư tăng cũng như phật tử thì đều thấy rằng cái bổn phận của người phật tử hiện nay đều phải nhớ tưởng Ngài, bằng việc bước theo chân Ngài trong cuộc giáo hóa quần chúng trên vấn đề giác ngộ".
Theo Nguyễn Phục Hưng - VOA