nguoiphattu.com Có thời gian mà "vãn” qua các cửa đền, sân phủ ai cũng thấy giờ đây có lẽ không có cái gì "kinh doanh uy tín”, "chất lượng” và đem lại cho người ta một nguồn thu siêu lợi nhuận như kinh doanh tâm linh và mê tín như hiện nay.
Vì sùng tín nên "thị trường” "công văn gửi thánh” nơi dương gian những ngày này sôi động kinh khủng. Và nhờ có sự "mê” sự "lạm” đến quá đà này đã tạo ra cơ hội cho nhiều người lợi dụng thánh thần để cầu lợi, kiếm lợi.
Trước và đặc biệt những ngày sau Tết, có thời gian rỗi mà qua đền, qua phủ mới thấy "thị trường” "công văn gửi thánh” (viết sớ) đầu năm của người Việt sao mà sôi động thế?! Cuộc sống càng tiến lên hiện đại thì không hiểu sao người Việt ta lại có sự "hồi cổ” đến nao lòng như vậy. Và nhờ có sự "mê” sự "lạm” đến quá đà này đã tạo ra cơ hội cho nhiều người lợi dụng thánh thần để cầu lợi, kiếm lợi.
Những "con nhang”, "đệ tử” vào đền ra phủ ở khu vực Hà Nội hẳn ít ai không biết đến tên tuổi đã vào độ "nổi danh” của "thầy” H. "Thầy” sinh năm 1979, tới năm Nhâm Thìn này, theo "giấy khai sinh” chốn âm gian, "thầy” mới 34. Ấy thế mà khi "thầy” mặc nâu sồng, đi guốc mộc, lanh canh gõ nền gạch mộc ra vào chốn cửa phủ, sân đền thì tất thẩy mọi người, kể cả người đáng tuổi bà ngoại "thầy” ở quê cũng phải cằm kề sát đất mà nhờ vả.
Không biết những người sùng tín này "trọng” "thầy” H. ra sao chứ "thầy” này tôi biết. "Thầy” vốn học chuyên ngành Hán Nôm bên Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Tự nhiên). Ra trường, "thầy” cắp hồ sơ đi xin việc, dương gian chỗ nào cũng từ chối "thầy” vì nghiệp vụ kém quá. Không xin được việc, "thầy” vẫn không nản đất Hà Nội.
Thế rồi mánh mung làm ăn của "thầy” vỡ vạc khi "thầy” qua một đền nọ. Thấy người đi "xin công văn” đông quá, một tờ giấy bằng bàn tay, tý mực "quét” lên, "bán” năm chục, một trăm cho thiên hạ dễ như không. Sẵn có cái nghề trong tay, "liên kết” với một ông thủ từ của đền nọ, "thầy” đã có một chiếu trải góc sân.
Không rõ bút pháp dương gian đào tạo ‘thầy” để làm việc cho âm gian này có công lực hay sao mà chỉ cần qua vài mùa lễ hội "giúp” người trần viết "công văn gửi thánh”, "thầy” đã được người dương gian tín nhiệm. Từ bán chữ cửa đền, sân phủ nay nhiều người đã phải đến tìm "thầy”. Giờ, "thầy” chỉ "thượng lộ” khi có người vời. Rồi cứ việc "bán giấy” và bán chữ "thầy” đã dần căng chặt hầu bao. Từ một anh sinh viên nghèo, không xin được việc chốn dương gian, nay nhờ vào việc "hợp tác” với âm gian qua việc "viết công văn gửi thánh” mà thầy đã có trong tay trên trăm m2 đất, lại có cả ngôi nhà hoành tráng làm theo kiểu "hạ thạch, thượng mộc” to ngất nghểu.
Viết sớ - nét văn hóa tâm linh của người Việt đang bị lạm dụng và trở thành nghề kiếm ăn và làm giầu của không ít người
Có thời gian mà "vãn” qua các cửa đền, sân phủ ai cũng thấy giờ đây có lẽ không có cái gì "kinh doanh uy tín”, "chất lượng” và đem lại cho người ta một nguồn thu siêu lợi nhuận như kinh doanh tâm linh và mê tín như hiện nay. Ông K., người trông coi một ngôi đền nhỏ bên Gia Lâm khi được hỏi đã tâm sự: "Mật độ” đi chùa, đi phủ và đi đền của dân ta giờ đã đến mức "lạm phát”. Nguyên nhân của sự "lạm phát” này phần vì tâm linh thì ít mà phần vì thực dụng thì nhiều. Không ít người trong số đó vì làm ăn khuất tất, vì buôn gian bán lận hay tham ô, tham nhũng cứ nghĩ đốt nhiều vàng mã, hóa nhiều sớ, cúng nhiều tiền là hóa giải được hết tội lỗi, là "xin gì được nấy” nên đốt hóa vàng mã, viết sớ đến không tiếc tiền.
Câu chuyện của ông thủ từ tên K. lại nhớ đến những lần đi chùa. Giờ người ta đi chùa đến văn hóa tối thiểu cũng không có. Các cụ có câu cửa miệng: Đi đền cầu lộc, đi chùa cầu an. Ấy thế mà rất nhiều người, nhất là giới trẻ bây giờ vào chùa với cử chỉ hết sức lạ lùng. Vào chốn thâm nghiêm ấy thế mà cứ quần cộc, áo phông, váy ngắn, áo hở ngực... mồm thì cứ cầu tài, cầu lộc ở chùa mới lạ.
Năm nay, mạn Kinh Bắc, sát nhà thằng bạn tôi có ông cũng làm nghề "công văn gửi thánh” này bận suốt. Bố thằng bạn xưa cùng là xã viên hợp tác xã với ông kia, trước cảnh bận bịu, "kiếm ra tiền” (nghĩa là rất nhiều) đã có lần bộc bạch: Văn chương chữ nghĩa gì cái ông ấy. Vài câu Nôm, "chữ tác đánh chữ tộ” ấy mà không hiểu sao giờ thiên hạ lại sùng tín thế. Xe đưa, xe đón suốt ngày. Thu nhập của ông ấy thì bằng đại học, làm liên doanh cho Tây sánh cũng không kịp. Vừa rồi gặp, ông ấy bảo hết sức thông cảm. Chắc phải hết tháng Giêng ông ấy mới sang nhà... chúc Tết vì còn phải ra phủ, vào đền để kiếm tý tiền cho vợ con đã. Thế có chết người không! Có tờ giấy chưa bằng nửa cái đơn xin thế chấp ngân hàng để vay vốn nuôi con vịt con ngan mà ông ấy "bán” cho thiên hạ có giá bằng gần tạ thóc! Đắt thế mà rất nhiều người mua mới lạ!
Vì sùng tín nên "thị trường” "công văn gửi thánh” nơi dương gian những ngày này sôi động kinh khủng. Tôi có đứa bạn tên A. cùng quê với tôi. Giờ bố mẹ và chị em chúng nó đã có tiền để "tiến về Hà Nội” rồi. Nguồn thu ư, chính bắt đầu là việc "kinh doanh” tâm linh và thần thánh (tôi không bịa chút nào) của bố mẹ nó. Cái A. và nhà tôi ở xã V. huyện L. tỉnh H. Phải nói bố mẹ nó bước vào nghề "kinh doanh thánh thần” này hơi sớm. Ngày tôi học cấp 3 thì cả khu tôi đồn mẹ nó bị ma làm. Mọi giờ trong ngày thì bình thường nhưng vào Ngọ là mẹ nó lại lăn quay ra giẫy đành đạch, miệng mép sùi bọt, chỉ mặt hàng xóm đến thăm phán ngang phán dọc. Rồi lại có thông tin bảo mẹ nó bị âm hành, phải xây miếu để giúp người trần. Rồi nhà nó xây miếu thật. Rồi mẹ nó đầu quấn khăn, tụng kinh gõ mõ và giải hạn như ai.
Rồi cái tên miếu nhà T.M (tên bố mẹ nó) bắt đầu ra đời, "nổi tiếng” và được nhiều nơi biết đến. Hồi chúng tôi chưa biết đền, phủ ra sao thì Tết nhất là lúc bố mẹ và chị em nó lăn vào kiếm tiền bằng việc bốc quẻ và phát "công văn gửi thánh” cho dân. Dạo ấy, gạo có 600 đồng/kg mà mỗi quẻ thẻ phán may rủi nhà nó lấy thiên hạ 2.000 đồng, còn "công văn gửi thánh” (theo kiểu mua sẵn) giá 5.000 đồng thì sao bảo không giầu cho được.
Cuối năm nay, mấy đứa bạn đồng hương điện thoại rủ nó đi ăn cơm thì nó bảo đang ở quê, giúp mẹ hương khói. Một thằng bạn bực bảo, hương khói gì, bố con nhà nó khôn "như chấy”. Lấy âm nuôi trần thậm chí làm giầu bao năm rồi mà cứ... Đúng là cái loại lưu manh giả danh... thần thánh! Nghe thằng bạn nói, tôi buồn.
Về việc lạm phát "công văn gửi thánh” còn một chuyện khá hay ở tỉnh L. Tỉnh này nằm ở cửa khẩu, có một nơi cũng nổi tiếng về "viết công văn gửi thánh”. Nhưng "theo lịch sử của dân đường phố” thì "phát tích” ở chốn này, kể ra ai cũng bảo bịa. Chốn "thâm nghiêm” này vốn là cổng cũ của một cơ quan. Trước, cơ quan này nằm ở chỗ khá khuất. Vì khuất, nên cổng vào cơ quan hay bị người ta đến "vệ sinh” bậy. Để cơ quan đỡ ô uế, mấy đời giám đốc điều hành, ngoài lo việc cơ quan lại phải tìm "phương kế” sao cho người ta không biến cổng cơ quan mình thành W.C nữa. Đầu tiên là trưng biển viết: Cổng cơ quan, cấm... bậy. Thiên hạ vẫn mặc. Bực quá, cơ quan lại trưng biển: Là người không ai "ấy” ở đây. Vẫn không ổn. Hết giải pháp, cơ quan đang chán thì bà bán nước già đời gần đó bảo, cho bà khẩu trầu bà hiến kế cho. Bán tin bán nghi, nhưng do bực về cái mùi "đầu ra” quá nên ông giám đốc cho nhân viên đem đến cho bà cái phong bì 100 nghìn. Lúc ấy bà mới bỏm bẻm: Giờ đang lúc tín ngưỡng bị lạm dụng. Mai chú cứ bảo ông bảo vệ đem cân xi măng và ít gạch đến xây cái bệ. Rồi mua lấy lọ hoa và thẻ hương cắm vào. Bố đứa nào dám làm nữa.
Thế mà hiệu nghiệm thật. Nhưng cũng có cái hệ lụy buồn tiếp theo là sau gần chục năm, từ cái chỗ đối phó với cái sự vô văn hóa của con người thì chỗ này lại trở thành nơi "văn hóa”. Ấy là cứ mười rằm và mồng một người ta lại rủ nhau ra thắp hương, cầu khấn và xin xỏ. Và cùng với sự "sùng tín” này mà nơi đây hàng năm, trước và sau Tết đã trở thành chỗ mưu sinh cho mấy người làm nghề "viết công văn gửi thánh”.
Khi thấy tôi viết bài này, một cậu bạn bảo: Khó lắm ông ơi. Ông không nhớ chuyện ở một bộ nọ nằm ngay giữa Thủ đô à. Trung tâm, toàn người có học, ấy thế mà ông bộ trưởng (nay đã về hưu) còn vời thầy xây một miếu thờ trên tầng thượng. Tháng đôi lần đích thân ông và nhân viên các phòng ban lên hương hoa khấn vái sì sụp mãi đấy sao. Ừ, nghĩ cũng khó nhỉ?!