;
Anh Nguyễn Đức Đăng là con trai thứ 3 trong gia đình 4 anh em ở Thường Tín (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). Hơn 5 năm đi chiến trường trở về, anh trở nên điên dại, không nhận thức được gì, vật vã trong những cơn đau đầu, chứng ho lao. Rồi anh bỏ nhà đi lang thang.
Anh Vĩ, anh trai thứ của Đăng kể: “Thằng Đăng trước hiền và thông minh nhất nhà. Nhưng từ ngày nó đi chiến trường Campuchia về thì trở nên điên khùng, bỏ đi lang thang khắp nơi, có khi vào đến tận Thanh Hóa, Nghệ An vài tháng trời. Có khi tự tìm đường về, cũng có khi công an đưa về”.
Anh Đăng vụng về bày tỏ sự quan tâm của mình đến đứa con nhỏ. Ảnh: Yến Hoa. |
Cứ tưởng quãng đời còn lại của anh sẽ sống trong đau đớn và cô đơn, vậy mà số mệnh lại se duyên cho anh đến với chị. Chị là Trần Thị Hằng, quê ở xóm 5, xã Văn Giáp, huyện Thường Tín. Mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ hai, chị phải sống trong cảnh dì ghẻ con chồng. Phải bươn chải kiếm ăn từ nhỏ, không được học hành nên đến giờ chị vẫn không biết chữ. Tính lại dở dở ương ương nên chị không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy.
Năm 1998, chị Hằng đi gặt lúa thuê cho nhà bà Bùi Thị Nuôi ở xã dưới. Thấy chị chăm chỉ, thật thà nên bà Nuôi đánh tiếng hỏi cưới cho đứa con trai bị tâm thần. “Một đứa điên 10 thì đứa kia cũng 7-8, tôi tin hai đứa nó về với nhau sẽ sống hòa hợp”, bà Nuôi cười kể lại.
Ngày cưới chị không hề biết anh bị điên. Chị khăng khăng: “Nếu biết trước ông ấy bị như vậy có đánh chết tôi cũng không lấy”. Lấy chồng được 3 tháng chị tức quá, bỏ về nhà mẹ đẻ. Nhưng rồi nghe tin chồng ở nhà không ai chăm sóc, bữa cơm còn bị hắt thức ăn vào mặt chị không chịu nổi nên quyết tâm về với anh. “Tôi mang theo 3 yến gạo từ nhà mẹ đẻ, về nấu cơm cho chồng tôi ăn. Đã là vợ chồng thì phải lo lắng cho nhau chứ”, chị Hằng nói.
Đến với nhau không phải vì tình yêu nhưng đôi vợ chồng đặc biệt này đã chung sống 11 năm bởi cái nghĩa. Một cái nghĩa kì lạ khi người vợ chấp nhận ông chồng “không biết làm việc gì, cả ngày chỉ lang thang khắp nơi nhưng đến đúng 2 bữa cơm lại về”. Cái nghĩa đơn giản trong lời tự hào giản đơn của chị: “Chồng tôi điên nhưng tôi và các con chưa bao giờ phải nghe một câu mắng mỏ hay bị đánh đập”.
Bỏ ngoài tai những lời dèm pha dị nghị, chị Hằng chấp nhận là người đi cùng anh Đăng đến cuối cuộc đời dù bây giờ chị chỉ có một sào ruộng và phải đi bới rác kiếm từng đồng.
Với chị Hằng, hai đứa con Hiểu Ly (lớn) và Ngọc Anh (bé) là niềm hi vọng lớn nhất. Ảnh: Yến Hoa. |
Hiện vợ chồng chị đang sống tại xóm 6, thôn Văn Hội, xã Văn Bình (Thường Tín – Hà Nội), mới được xã hỗ trợ cho 20 triệu đồng để tu sửa nhà. Nhưng căn nhà mới lúc nào cũng lạnh lẽo, ẩm thấp, mùi thức ăn hỏng đặc quánh.
Chị Hằng cười bảo: “Bận quá nên chẳng có thời gian đâu mà dọn nhà”. Anh chị có với nhau 2 đứa con. Đứa lớn tên Hiểu Ly, năm nay học lớp 4. Đứa bé tên Ngọc Anh giờ mới lẫm chẫm biết đi. Ngày chị sinh, có người bảo chị rằng hai vợ chồng điên khùng nuôi nhau còn không nổi thì sao chăm sóc được đứa bé. Người ta khuyên chị nên bỏ con vào trại trẻ mồ côi nhưng chị Hằng kiên quyết: “Con tôi tôi nuôi. Tôi không cho nó đi đâu cả”.
Chị Hoan, em dâu út của anh Đăng cho biết: “Con bé lớn đến từng này tuổi đầu vẫn ngơ ngơ ngác ngác, không biết làm gì cả, dạy mãi không được. Bình thường trẻ con trong làng tầm tuổi này đã có thể đi cuốn làm vàng mã để kiếm tiền rồi”. Chính vì thế, gia đình cho Ngọc Anh đi học để cháu hòa nhập với cộng đồng chứ mọi người biết rõ trí tuệ của cháu không tiếp thu được kiến thức giống bạn bè.
Nhưng với chị Hằng, đó là hi vọng, là động lực vượt qua khó khăn của chị. Chị mong 2 đứa con sẽ thay chị chăm sóc gia đình khi chị không còn đủ sức lực để gánh vác nữa.
Người vợ “hâm dở” không cầm được nước mắt khi nghĩ tới một ngày chị không còn sức khỏe để có thể chăm sóc được chồng con. Ảnh: Yến Hoa. |
Với anh Đăng, từ ngày lấy chị, anh cũng ít bỏ nhà đi hơn. Tấm lòng của chị dường như đã làm lay động trái tim một người tâm thần như anh. Có những đêm anh đau quằn quại, la hét ầm ĩ, chị lại chạy xuống dỗ dành, an ủi. Thế là anh lại thôi. Rồi những khi anh ho ra máu, chị đi lấy lá thuốc cầm máu, anh cũng nhịn, không ho nữa. Đôi khi tỉnh táo, anh lại ra chơi đùa cùng con. Những cử chỉ yêu thương vụng về, những câu nói ngây ngô lâu lâu mới bật được thành tiếng nhưng ánh mắt của anh tràn đầy sự dịu dàng đầy yêu thương.
Chị Hằng nói chị không tin anh sẽ khỏi bệnh nhưng chị sẽ luôn ở bên anh. Chị chỉ luôn canh cánh một điều là một ngày nào đó chị với anh sẽ có được một tờ đăng kí kết hôn, để chị và anh có thể danh chính ngôn thuận là vợ chồng.
Yến Hoa - Theo VNE