;
Tiếp PV, nhà sư Thích Quang Hiển - trụ trì chùa Trung Tiết, Đông Triều (Quảng Ninh) - người nhặt được chiếc hộp kể lại: Ngày 21/6, trên đường hành hương đến cụm di tích Ngọa Vân, chân sư vấp phải một vật cứng. Vì đường đang thi công, có rất nhiều đá nằm ngổn ngang nên sư không để ý và cùng các tăng ni phật tử tiếp tục hành trình. Đi khoảng 10m, linh cảm có điều khác lạ, thầy quay lại, thì ra vật vừa bỏ qua không phải là đá mà là một chiếc hộp nhỏ màu nâu. Nhà sư mang ra suối rửa sạch lớp bụi bẩn thì thấy hộp tỏa ra thứ ánh sáng màu vàng.
Nhấp một ngụm nước, sư chậm rãi kể tiếp: “Chùa Trung Tiết (nơi sư làm trụ trì) được xây dựng từ thời Trần. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ hai vị cận thần của vua Trần Anh Tông là Đặng Tảo và Lê Chung. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Năm 1320, sau khi vua Trần Anh Tông mất, nhà Trần đã đưa linh cữu vua về an táng ở Thái Lăng thuộc Yên Sinh (Đông Triều). Sau này, vua Trần Nghệ Tông tới Yên Sinh bái yết lăng mộ của các vị Tiên đế. Tưởng nhớ công lao của hai người bề tôi, vua Trần Nhân Tông đã cho tu sửa chùa và ban tên chùa là Trung Tiết tự. Trải qua gần 700 năm với nhiều biến động của thiên nhiên, lịch sử, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng.
Cách đây 3 năm, rất nhiều đêm tôi nằm mơ thấy có một ông già râu tóc bạc phơ đi vào chùa đưa cho tôi một túi vàng và nói là để sửa chữa chùa. Thời gian qua đi, nhưng tôi chẳng thấy có ai đưa cho mình túi vàng nào cả. Nay lại vô tình bắt gặp chiếc hộp bằng vàng này, có lẽ đó là điềm báo của 3 năm về trước và có lẽ cũng là cơ duyên để tôi tìm thấy chiếc hộp ngày hôm nay”.
Chiếc hộp quý được xác định là cổ vật thời Trần.
Xác định đây là chiếc hộp không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà có thể nó còn mang dáng dấp của một vật có niên đại từ rất xa xưa nên sư Hiển quyết định giao chiếc hộp mình vừa nhặt được cho UBND huyện Đông Triều.
Hành trình bí ẩn của chiếc nắp hộp.
Sư Hiển cho biết lúc mới nhặt được chiếc hộp còn nguyên nắp, trên đường lên chùa Ngoạ Vân nhiều người mong muốn được chiêm ngưỡng chiếc hộp nên ông đã đưa cho họ xem. Khi xuống núi, trước lúc bàn giao hiện vật cho cán bộ của UBND huyện Đông Triều thì sư thầy phát hiện, nắp của chiếc hộp bỗng dưng biến mất.
Theo sư thầy Hiển, trong lúc di chuyển đoàn hành hương có đi qua một đoạn rừng và một khúc suối, đường khó đi nắp của chiếc hộp có thể bị rơi mất. Mọi thông tin về chiếc nắp hộp cổ bằng vàng trở thànhõ một ẩn số đối với các tăng ni phật tử trong đoàn hành hương. Những tin đồn huyền bí về chiếc hộp cổ lan truyền lại càng làm tăng thêm sự thần kỳ của chiếc hộp. Các cơ quan chức năng của Đông Triều cũng tích cực vào cuộc để hoàn lại nguyên trạng báu vật quý thời Trần.
Tuy nhiên, đến ngày 3/7, thì chiếc nắp hộp đột xuất hiện trở lại cùng nhà sư Thích Quang Hiển. Tại trụ sở UBND huyện Đông Triều, đích thân sư thầy đã bàn giao tiếp cho cán bộ quản lý nắp của chiếc hộp quý. Nhưng lý do vì sao chiếc nắp hộp bỗng dưng biến mất và thầy Hiển đã thu về được như thế nào, thì hiện vẫn là ẩn số chưa được cả thầy Hiển lẫn bất kỳ ai tiết lộ.
Nhà sư Thích Quảng Hiển người đã tìm thấy chiếc hộp cổ bằng vàng.
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Học, Chủ tịch UBND huyện Đông Triều cho biết: “Hiện chiếc hộp cổ nguyên vẹn đang được Công an huyện Đông Triều cất giữ và bảo quản. Dự kiến, UBND huyện Đông Triều sẽ lập phòng trưng bày giới thiệu các hiện vật cổ đời Trần tại khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, trong đó có chiếc hộp cổ bằng vàng nói trên để du khách tới đây hành hương, tham quan có thể được chiêm ngưỡng, tìm hiểu thêm”.
Chiếc hộp là cổ vật thời Trần Khi tiếp nhận chiếc hộp quý, UBND huyện Đông Triều (Quảng Ninh) đã mời Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh - cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) về nghiên cứu, xác định giá trị hiện vật. Theo giá trị khảo cổ: "Hộp có hình quả bí gồm 11 múi, mô phỏng một đoá hoa sen. Giữa nắp là một đài sen được tạo tác rất công phu với 4 lớp, diềm cánh xếp vòng tròn đồng tâm chạm khắc rất tinh xảo với hoạ tiết là loại hoa văn rất đặc trưng của văn hóa đời Trần. Hộp được làm bằng kim loại vàng, có trọng lượng tương đương khoảng 15,04 chỉ vàng, đường kính miệng 4,9cm, đường kính đế 3,3cm, cao 3,3cm. Đây là hiện vật duy nhất bằng vàng niên đại này được tìm thấy, nên có thể được coi là một cổ vật quý cả về giá trị vật chất lẫn giá trị khảo cổ”. |
Theo Đức Bằng - NĐT
Đọc thêm tin liên quan:
Phát hiện bảo vật thời Trần ở chùa Yên Tử
Trong khi thi công mở rộng đường từ Trại Lốc lên di tích chùa Ngoạ Vân trên núi Yên Tử (H.Đông Triều, Quảng Ninh), nhà sư Thích Quảng Hiển đã phát hiện một chiếc hộp hình hoa sen bằng vàng có từ nhà Trần.
Nơi phát hiện bảo vật này là khu vực Suối 1, thuộc xã An Sinh. Chiếc hộp phát lộ do máy xúc thi công đào ra từ sườn một quả đồi thấp.
Sau khi phát hiện chiếc hộp quý, nhà sư Thích Quảng Hiển đã giao cho UBND H.Đông Triều quản lý.
Theo các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu kinh thành, bảo vật hình hoa sen chắc chắn có niên đại từ thời Trần, khoảng thế kỷ 14.
Cái tên “hộp hình hoa sen” do các nhà nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu kinh thành đặt dựa theo mô phỏng hình 11 quả núi nổi hình cánh sen trên thân hộp.
Theo tiến sĩ Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành, chiếc hộp được chia thành 2 phần: nắp và thân.
Chiều cao toàn thân là 4,20 cm. Trong đó phần thân cao 2,84-3,20 cm, chân đế cao 0,60 cm; đường kính miệng 4,90 cm, đường kính thân (chỗ lớn nhất) 5,10 cm, đường kính chân đế 3,50 cm.
|
Sau khi mời giám định chất liệu và cân trọng lượng, UBND H.Đông Triều cho biết, chiếc hộp này được chế tác hoàn toàn bằng vàng ta, có trọng lượng tương đương khoảng 15,04 chỉ vàng.
Toàn thân hộp cũng được trang trí văn cánh sen. Tất cả tạo cho chiếc hộp vẻ của một bông sen đang độ mãn khai.
Giữa nắp hộp là một đài sen được tạo tác rất công phu với 4 lớp cánh xếp thành vòng tròn đồng tâm. Lớp cánh ngoài cùng có 11 cánh, lớp thứ hai 33 cánh, lớp thứ ba 28 cánh, lớp trong cùng 15 cánh. Ở tâm, núm nắp hộp như đài sen nhỏ. Xen kẽ giữa các lớp cánh sen là đường chỉ nổi và diềm văn chấm tròn như nhuỵ hoa tạo nổi rất tinh tế.
|
Nhưng độc đáo và đặc sắc nhất của chiếc hộp này là bên trong tất cả các cánh sen (từ nắp đến thân) đều được chạm khắc chìm hoa chanh 4 cánh. Xung quanh hoa chanh điểm xuyết những cành lá mềm, các vòng tròn nhỏ để tạo kiểu nền gấm. Bao quanh các đường diềm của từng cánh sen cũng được trang trí hoa văn dây lá mềm rất công phu và đẹp.
“Chúng mang đậm dấu ấn đời Trần, một triều đại chống ngoại xâm hiển hách trong lịch sử Đại Việt”, TS Trí cho biết.
Theo nghiên cứu, “nhiều khả năng chiếc hộp này được chế tác bởi các thợ kim hoàn khéo tay tại kinh thành Thăng Long”, TS Trí cho biết.
Các chuyên gia cũng cho hay, những đồ vật làm bằng vàng, bạc phát hiện được tại các di tích khảo cổ học lịch sử ở Bắc Việt Nam không nhiều, thậm chí rất hiếm hoi, phổ biến nhất là các loại đồ dùng làm bằng đồ gốm sứ.
|
Những năm 60 của thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu mới tìm thấy 5 đĩa vàng trang trí văn dây lá tại tỉnh Hưng Yên. Các đĩa vàng này đã được các nhà khoa học nghiên cứu và xác định đây là những di vật quý, thuộc hàng Quốc bảo của Việt Nam và hiện nay nó đang bảo quản tại Kho bạc Nhà nước Hưng Yên, chưa có dịp trưng bày quảng bá đến công chúng.
Trong các cuộc khai quật lớn năm 2002-2004 tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, cũng đã tìm được một số di vật bằng vàng, nhưng đều là những mảnh vỡ nhỏ, không xác định được hình dáng cụ thể của đồ vật.
Chiếc hộp hình hoa sen bằng vàng vừa tìm thấy tại Quảng Ninh là phát hiện khảo cổ học hết sức quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc nghiên cứu về lịch sử, văn hóa nhà Trần.
Đươc biết, Đông Triều là nơi vương triều Trần chọn làm nơi xây dựng quần thể lăng mộ của các vua nhà Trần từ sau năm 1320.
“Chiếc hộp hình hoa sen vừa được phát hiện là di vật vô cùng quý giá không chỉ bởi được làm bằng vàng mà hình dáng, hoa văn cũng được tạo tác rất hoàn hảo, tinh mỹ, mang tính nghệ thuật cao, thể hiện tính đẳng cấp của loại hình đồ vật quý dùng trong cung đình”, ông Trí đánh giá.
Cũng theo vị tiến sĩ này chiếc hộp hình hoa sen rất xứng đáng được xếp hạng vào bảo vật quốc gia của Việt Nam.
Dự kiến, chiếc hộp vàng hình hoa sen sẽ được trưng bày tại khu di tích đền An Sinh phục vụ cho việc quảng bá giá trị lịch sử, văn hoá nhà Trần đến công chúng.
PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng viện khảo cổ cho biết, hiện vật bằng vàng thời Trần vô cùng hiếm.
Cận cảnh bảo vật hộp hình hoa sen thời Trần:
|
Theo Trinh Nguyễn - Lê Quân - TNO