;
Chúng ta thường nghe nói cờ Phật giáo là cờ ngũ sắc, gồm 5 màu: xanh dương (nila), vàng (pita), đỏ (lohita), trắng (odata), cam (manjestha). Có người bình giải rằng đó là tượng trưng cho ngũ căn và ngũ lực: tín, tấn, niệm, định, huệ. Có đúng thế không?
Thật ra, cờ Phật giáo có 6 màu, 5 màu đầu tiên được liệt kê như trên, và màu thứ sáu là màu sáng chói (prabhasvara), do 5 màu kia kết hợp lại. Do đó, cờ có 6 vạch đứng, vạch thứ sáu có 5 phần ngang tượng trưng cho sự kết hợp của 5 màu kia.
Cờ nầy do Ủy ban Bảo vệ Phật giáo (Buddhist Defence Committee) ở Colombo, Sri Lanka, cùng với ông H. S. Olcott (Phật tử Mỹ), thiết kế và dùng trong dịp lễ Vesak, vào năm 1885. Về sau, vào năm 1950, lá cờ này được các đại biểu tham dự hội nghị PG, do Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WBF, World Buddhist Fellowship) tổ chức, chấp thuận sử dụng như là lá cờ Phật giáo chung cho các cộng đồng Phật tử trên toàn thế giới.
Sáu màu nầy là dựa theo truyền thuyết ghi lại trong quyển Atthasālīnī (Chú giải bộ Pháp tụ). Trong tuần lễ thứ tư sau ngày Thành Đạo, Đức Phật ngồi thiền, chiêm nghiệm về Vi diệu pháp (A-tỳ-đàm, Abhidhamma), toàn thân Ngài phát hào quang gồm 6 màu nêu trên. Vì thế, 6 màu đó tượng trưng cho Đức Phật của chúng ta.
----------------------
“Cờ Phật Giáo” soạn bởi K. D. G. Wimalaratne
Sư Tuệ Tàm dịch tháng 5 năm 2016
https://hiripanno.wordpress.com/…/co-phat-giao-k-d-g-wimal…/
Trích trong quyển Bách Khoa Toàn Thư Phật Giáo (Encyclopedia of Buddhism), quyển 5 (Earth – Japan), tổng biên tập W. G. Weeraratne, chính phủ Tích Lan ấn hành năm 1990, Bộ Phật Giáo Buddhasasana tái bản năm 2000, trang 250–251.
*
Lá cờ Phật giáo, và cũng là biểu tượng cho Phật giáo đồ đảo quốc Tích Lan lần đầu tiên được Ngài Migettuwatte Gunananda Thera thượng kỳ trang trọng và đại chúng tại chùa Dīpaduttārāma, vùng Kotahena trong dịp lễ Vesak ngày 28 tháng 4 năm 1885. Lá cờ này được xem là thành quả gián tiếp từ phong trào canh tân Phật giáo trong nửa cuối thế kỷ 19 trước thách thức của các hoạt động truyền giáo Âu Châu tại đảo quốc này.
Lá cờ Phật giáo biểu trưng cho sự hợp nhất chúng đệ tử Phật cũng như là thắng lợi của phong trào canh tân Phật giáo. Ý tưởng này đã được thai nghén bởi các thành viên Hội Đồng Colombo tổ chức lễ Vesak năm 1880.
Các thành viên này bao gồm Ngài Hikkaduwe Sri Sumangala Thera (Chủ Toạ), Ngài Migettuwatte Gunananda Thera, Don Carolis Hewavitharana, Muhandiram, A. P. Dharmagunawardena, William de Abrew, Carolis Pujitha Gunawardena (Thư Ký), Charles A. de Silva, N. S. Fernando, Peter de Abrew and H. William Fernando.
Dẫn lời của đại tá Henry Steele Olcott, “Khoảng thời gian đó, các cộng sự chúng ta tại Colombo đã rất mừng vui với phát kiến lá cờ mà thiết nghĩ các quốc gia Phật giáo nên chọn làm biểu tượng chung cho đức tin của họ. Những người anh em Colombo của chúng ta đã tình cờ mày mò ra ý tưởng khá độc đáo và đặc biệt này qua việc hoà hợp trong lá cờ bằng sáu màu được tin là hiển hiện trong hào quang của đức Phật.”
Lá cờ Phật giáo ra đời ngày 17 tháng 4 năm 1885 và xuất hiện lần đầu trên mặt báo Sarasavi Sandares ngày hôm đó. Bài công bố không nói rõ ai thiết kế, nhưng có thể là đã có nhiều người vẽ kiểu. K. H. M. Sumathipala nhận định: “Có thể là ý tưởng lá cờ xuất phát từ một người, còn màu sắc thì từ một người khác, vâng vâng.” Trong tập san kỷ niệm một trăm năm của mình, Hội Thần Trí Phật Giáo cho rằng Carolis Pujitha Gunawardena, thư ký Hội Đồng Colombo, là người thiết kế nên lá cờ Phật giáo. Năm 1928, tờ Sudanamina dẫn cùng một dữ kiện và xác minh người vẽ kiểu lá cờ này. Tuy vậy, nhật san này lại nhìn nhận công trạng chung các thành viên Hội Đồng tổ chức lễ Vesak năm 1885 trong công cuộc thiết kế lá cờ.
Lá cờ Phật giáo khi được công bố năm 1885 gồm có sáu màu, đó là nīla (lam ngọc), pīta (vàng kim), lohita (đỏ thẫm), odāta (trắng), māñjeṣṭha (đỏ tươi) và prabhāsvara (hoà chung năm sắc sáng lạng và rực rỡ). Nguồn gốc những màu sắc này được quy cho sáu tia sắc màu phát ra từ kim thân đức Phật tạo nên một vầng hào quang rộng cả sải tay. Theo đại tá Olcott, những màu tương tự như thế này được dùng trong cờ hiệu của đức Đạt-lai-lạt-ma, Tây Tạng với hình dạng chữ nhật.
Đại tá Olcott ở Ấn Độ khi Phật giáo đồ Tích Lan tổ chức lễ Vesak đầu tiên dưới sự quản lý của người Anh, và ông trở lại đảo quốc này ngày 28 tháng 1 năm 1886. lần đầu tiên nhìn thấy lá cờ Phật giáo tại chùa Dīpaduttārāma, vùng Kotahena, ông không khỏi xúc cảm rằng: “Hội Đồng Colombo phác thảo lá cờ nhưng với hình dạng lá cờ đuôi nheo trên tàu thuỷ khá là bất tiện và không phù hợp trong các cuộc diễn hành hay treo tại nhà.” Ông gợi ý lá cờ nên được làm với hình dáng thông thường và kích cỡ của lá quốc kỳ và khi bản mẫu hoàn tất đã được các vị tôn túc nhất trí chấp thuận.
Cho nên, lá cờ Phật giáo cải tiến đã được xuất hiện trên tờ Sarasavi Sandares ngày 8 tháng 4 năm 1886. Lá cờ cải tiến này được thượng kỳ trong lễ Vesak năm 1886 ở hầu hết các chùa và nhiều ngôi nhà tại Tích Lan.
Lá cờ được Anagarika Dharmapala và đại tá Henry Steele Olcott giới thiệu đến Nhật Bản năm 1889 và sau đó đến Miến Điện. Qua lời đề nghị của cố giáo sư G. P. Melalaseke, lá cờ được công nhận chính thức như là cờ của Phật giáo đồ toàn thế giới và được Hội Thân Hữu Phật Giáo Đồ Thế Giới thông qua trong cuộc họp mặt tại Colombo năm 1950. Và ngày nay, lá cờ đóng vai trò của một biểu tượng Phật giáo quốc tế.
*
Sách Tham Khảo (của tác giả):
H. S. Olcott, Old Diary Leaves, third series, 23rd edition, pp. 351, 363, 374;
B.T. S. Centenary Volume (1980), p. 80;
Sudanamina Vol. 5, 1928.01.05, p. 80;
K. H. M. Sumathipala “The Kotahena Riots and their Repercussions,” Ceylon Historical Journal, Vol. 19, Nos. 1-4, July (1966–70), p.76.
-----------------------------------------------------