;
CÔNG TÁC THÔNG TIN - TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO TỈNH NHÀ
Tham luận của Ban TTTT GHPGVN tỉnh BR-VT
Tác giả: Quảng Chuyên – Lê Ngọc Cảm
Ủy viên Ban TTTT GHPGVN tỉnh BR-VT
Ngày 20 – 21/05/2017 Ban trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần VI nhiệm kỳ 2017 – 2022. Đại hội nhằm đúc kết hoạt động của Phật giáo tỉnh nhà trong nhiệm kỳ V và hoạch định phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ mới. Trong nhiệm kỳ mới, Ban Thông tin - Truyền thông (TTTT) trực thuộc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ được thành lập nhằm đáp ứng và thực hiện công tác chuyên sâu về thông tin và truyền thông cho Ban Trị sự.
Kinh Tăng Chi bộ có đoạn: “Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người...” (Tăng chi bộ kinh – Chương Một pháp - Phẩm Một Người).
Nếu dựa trên bản chất của truyền thông là “quá trình trao đổi thông tin” thì có lẽ “Truyền thông Phật giáo” đã xuất hiện ngay từ thời đức Phật và đoạn kinh trên cho chúng ta thấy chính đức Phật đã làm nhiệm vụ này rất xuất sắc. Ngay cả sự kiện Đản sanh của chư Phật từ quá khứ đến vị lai đều được chư Thiên loan báo rộng rãi đến với mọi loài, điều đó chứng tỏ rằng truyền thông đã xuất hiện từ rất lâu.
Có thể nói: Hoằng pháp và Truyền thông là những phương tiện chủ yếu của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ nhằm đưa Giáo pháp của Như Lai đến với mọi người. Chính vì lẽ đó, sau những hoạt động thành công của Ban Ngành TƯ qua các nhiệm kỳ, Ban TTTT cũng chính thức được HĐTS Trung ương nhiệm kỳ VII 2012 – 2017 thành lập vào năm 2013 (Tiểu Ban TTTT được thành lập vào năm 2011, qua quá trình tu chỉnh Hiến chương, Ban TTTT chính thức đã được thành lập vào năm 2013 và hoàn thiện cơ chế hoạt động bằng quyết định Số 270/2013/QĐ.HĐTS do HT Thích Trí Tịnh chủ tịch HĐTS ký ngày 29 tháng 7 năm 2013).
Ở Bà Rịa-Vũng Tàu nhiệm kỳ trước, vai trò TTTT được Thường trực BTS tỉnh phân công cho Ban Văn hoá đảm trách. Vì là công việc kiêm nhiệm nên giai đoạn bấy giờ công việc chủ yếu của TTTT tỉnh nhà chỉ đơn thuần là thông tin về các sự kiện hoạt động của tỉnh. Do nhân sự và phương tiện thiếu thốn nên các thông tin chỉ tập trung vào một số hoạt động chính của BTS GHPGVN tỉnh mà chưa thể đi sâu vào hoạt động của các huyện hay các Ban ngành trực thuộc. Cổng thông tin chính thức của Phật giáo tỉnh lúc bấy giờ là website: www.bantrisupgbrvt.net. (Website này đã chính thức đóng cửa vào cuối tháng 02/2017).
Kể từ Hội thảo Hoằng pháp Toàn quốc được tổ chức tại tỉnh nhà vào năm 2015, nhận thấy việc truyền thông của Phật giáo tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu chung. Chính vì vậy, đầu năm 2016 Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã có chủ trương tìm kiếm nhân sự, phân bổ kinh phí hoạt động để thử nghiệm công tác TTTT cho một số Phật sự năm cuối của nhiệm kỳ.
Qua những hoạt động đó, Thường trực BTS sẽ có những đánh giá – sàng lọc rút ra những kinh nghiệm về tổ chức, quản lý, điều hành và hoạt động cần thiết của nhiệm vụ TTTT cho nhiệm kỳ mới.
Như tên gọi có thể xác định được chức năng chính của Ban TTTT là Thông tin và Truyền thông. Mọi nhiệm vụ và chức năng cũng như quyền hạn của Ban TTTT đã được quy định cụ thể trong Nội quy của Ban TTTT TƯ GHPGVN đính kèm quyết định Số 270/2013/QĐ.HĐTS.
1. Nhận định về công tác Thông tin - Truyền thông:
Thông tin - Truyền thông là một hoạt động mang tính quá trình. Đó không phải là hoạt động nhất thời, gián đoạn mà mang tính liên tục. Đó là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các thực thể tham gia truyền thông. Vì lẽ đó, người làm công tác TTTT cần làm cho quá trình truyền thông diễn ra liên tục và thường xuyên. Không nên xem nó như là phong trào hay chiến dịch.
Thông tin - Truyền thông phải đạt tới mục đích hiểu biết lẫn nhau, từ đó đem lại sự thay đổi trong nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng. Người làm công tác TTTT Phật giáo cần ý thức rõ mục đích này để hoạt động. Có như vậy mới tạo nên sự thay đổi của toàn xã hội. Người làm công tác TTTT cần ghi nhớ đến các đặc tính căn bản của truyền thông đại chúng: công khai, mục đích, phong phú và đa dạng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, nhanh nhạy, kịp thời, tính tương tác và hiệu quả. Nắm rõ những đặc tính này người làm công tác TTTT sẽ nghĩ ra cách truyền tải đến với đại chúng tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Thế kỷ XXI này là thời đại của công nghệ và thông tin - truyền thông. Không chỉ có báo, đài, tạp chí, pa-nô, áp phích, tranh cổ động, băng rôn, biểu ngữ,… mà hiện nay các phương tiện mới như mạng và các kênh xã hội Facebook, Youtube, Twitter, Zalo, Google+ … đang hoạt động rất hiệu quả. Truyền thông thời nay qua cả âm thanh, hình ảnh, ánh sáng, … để thông tin đến với người nhận thông qua cả 5 giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Thế giới ảo của truyền thông đã đi vào cuộc sống thường ngày và ảnh hưởng toàn diện đến toàn nhân loại. Mạng xã hội đã chính thức trở thành quyền lực số 5. Và Phật giáo không thể đứng ngoài.
Với sự trợ giúp về công nghệ làm cho hoạt động TTTT có thêm nhiều lợi thế. Những người làm báo chí, làm truyền thông sẽ thuận lợi rất lớn trong việc đáp ứng những nhu cầu phức tạp và đa dạng của công chúng. Hoạt động TTTT ngày nay không chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin, các loại hình giải trí mà đòi hỏi sự trực quan và tương tác cao.
Nhờ công nghệ, họ có thể có được những sản phẩm sáng tạo thỏa mãn xã hội ở những khu vực khác nhau một cách nhanh chóng, kịp thời và thuận tiện nhất. Truyền thông đa phương tiện là một phương thức hoạt động mới, và chắc chắn nó sẽ là chủ đạo trong tương lai rất gần. Do vậy những người hoạt động TTTT thời đa phương tiện phải là người có những kỹ năng tổng hợp trên cơ sở ứng dụng sáng tạo các thành tựu công nghệ thông tin. Tuy nhiên, từ sự tiến bộ về mặt Khoa học - Kỹ thuật, ứng dụng trong công tác TTTT lại nảy sinh ra nhiều vấn đề cần xem xét:
Điều quan trọng nhất lại nằm ngay trong chính sự phát triển những kỹ năng tổng hợp để đáp ứng những đòi hỏi của mô hình hoạt động đa phương tiện ngày nay. Có rất nhiều cái có thể bàn đến tuy nhiên sự quan trọng nhất lại là sự mâu thuẫn nhất giữa tốc độ phát triển và chiều sâu của sự phát triển. Mâu thuẫn giữa sự mở rộng các khả năng hoạt động của con người và những đòi hỏi chính đáng đối với sự phát triển chiều sâu trí tuệ cần thiết trong từng khả năng của nó.
Đối với bản thân con người, mỗi bước tiến về văn minh là một bước thụt lùi về năng lực. Đi kèm với tiến bộ của nền văn minh, con người lại không còn giữ được những bản năng tự nhiên sau hàng triệu năm tiến hóa. Sự ra đời của phương tiện kỹ thuật đã thay thế cơ bản các hoạt động con người từ lao động cơ bắp đến năng lực giác quan hay trí não. Máy móc làm con người lười đi, máy móc làm cho con người phụ thuộc. Nhưng điều quan trọng hơn là con người dường như đến lúc tin vào máy móc hơn là tự tin vào bản thân mình. Chính sự phát triển vượt bậc về khoa học và công nghệ đã làm ra điều đó.
Tuy nhiên, dù khả năng con người nói chung được coi là vô hạn thì trong phạm vi từng cá nhân nó lại là hữu hạn. Công nghệ có thể giúp cá nhân thích ứng và mở rộng các kỹ năng trong những điều kiện nhất định, song cũng vì thế, nó rất có nguy cơ làm thui chột các năng lực tự nhiên ở con người. Lẽ ra, một sự kiện cần có sự tường thuật – nhận định – phân tích thì hiện tại chúng ta lại thấy một bản tin đơn giản và được hình ảnh hoá.
Thay vì tập trung mọi năng lực để sáng tạo bài viết chuyên sâu thì người làm công tác TTTT lại chỉ có thể viết được những phóng sự đơn giản bởi còn phải phân phối khả năng cho việc xử lý những công việc khác như chụp ảnh, quay phim, ứng dụng phần mềm công nghệ để xử lý sản phẩm. Bởi vì anh ta càng ngày càng phải tăng năng suất làm việc để kịp thời phục vụ công chúng đang đòi hỏi rất cao trong hưởng thụ.
Phần lớn công chúng vốn chỉ quen dùng những sản phẩm thiên về thỏa mãn giác quan trực tiếp và không phải động não nhiều (nhu cầu hưởng thụ phần lớn cũng bị tha hóa). Điều đáng nói ở đây là dường như ở cả hai phía, công chúng và những nhà hoạt động truyền thông dần trở nên tương hợp trong cùng một môi trường, cùng những tiêu chí.
Và như vậy, dường như không có cách nào khác, chúng ta đang trong tình trạng không thể cưỡng lại xu thế chung. Cái xu thế mà tất cả mọi sản phẩm phục vụ đời sống đều phải đòi hỏi nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Đây cũng chính là chỗ gợi mở cho chúng ta nhiều suy nghĩ mà trong phạm vi bài viết này dù rất muốn cũng không thể nói sâu hơn và giải quyết được thấu đáo vấn đề hơn nữa.
2. Công tác Thông tin - Truyền thông Phật giáo:
Có lẽ trong các ban ngành của Phật giáo hiện nay, Ban TTTT tuy còn non trẻ, nhưng đã có một bước đi khá vững, một hoạt động và tập huấn khá bài bản, báo hiệu một hiệu quả của ngành TTTT Phật giáo trước những nhiêu khê, phức tạp hiện nay đang hướng về Phật giáo sẽ được hóa giải theo chiều hướng tích cực.
Tháng 6/2015 lớp tập huấn TTTT lần thứ I của Trung ương GHPGVN đã diễn ra tại chùa Ba Vàng –TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Tháng 4/2016 lớp tập huấn TTTT lần thứ II được khai khoá tại Thiền viện Quảng Đức. Người viết bài có may mắn được Đại đức Thích Nguyên Thọ, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Xuyên Mộc tài trợ kinh phí và cử đi tập huấn trong 3 ngày để hoàn thiện hơn nữa khả năng đảm trách công tác TTTT cho Phật giáo huyện nhà.
Phát biểu chỉ đạo trong Lớp tập huấn Hoà thượng Chủ tịch HĐTS Trung ương có nhấn mạnh đến tính chân thật của người làm TTTT và nêu rõ một số điểm trọng yếu trong công tác truyền thông, trong đó có báo viết, báo hình và các trang mạng website Phật giáo khi phản ảnh đúng tính chân thật theo tinh thần nhà Phật thì không còn vấn đề tranh cãi. Vấn đề sự thật là vấn đề mấu chốt, đã là sự thật thì không còn gì phải nói ngược, nói xuôi. Nó biểu hiện một chân lý tương đối hay tuyệt đối tùy theo sự nhận hiểu của mỗi người. Như Đức Phật đã khẳng định trong Kinh A Hàm và Kinh Nikaya “Này thế gian, ta không tranh luận với ngươi đâu, chỉ vì các ngươi muốn tranh luận với ta thôi...”
Truyền thông cũng vậy, khi nói lên sự thật thì không còn vấn đề gì phải nói, chỉ sợ không phải sự thật mà thôi. Điều thứ hai là phải chân thật, không nói điêu ngoa, không nói thêm bớt... thể hiện chơn thật ngữ, như vậy sẽ được mọi người tin tưởng. Điều thứ ba là thấy, nghĩ và hiểu đúng sự thật đó là có chánh kiến, nếu không có chánh kiến sẽ bị bóp méo sự việc. Người làm báo cần nói đúng, nghĩ đúng thì hành động đúng, đó cũng là pháp tu trên tinh thần Bát chánh đạo.
Người làm công tác TTTT Phật giáo cần học hỏi và tích luỹ cho mình các kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông. Hai chức năng chính cần được chú ý và quan tâm là: Thông tin và Truyền thông. Chức năng và nhiệm vụ cụ thể của Ban TTTT và người làm công tác TTTT được quy định cụ thể và chi tiết trong Nội quy của Ban TTTT TƯ GHPGVN đính kèm quyết định Số 270/2013/QĐ.HĐTS.
3. Công tác Thông tin - Truyền thông Phật giáo tại tỉnh nhà:
Có thể nói tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ nhiệm kỳ trước Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã chú ý đến công tác TTTT. Tuy nhiên do điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất mà đến gần giữa năm 2016 công tác này mới bắt đầu phát huy hiệu quả. Sự thử nghiệm ban đầu của Ban Trị sự trong Đại giới đàn Đồng Huy và tiếp đó phối hợp cùng Văn phòng Ban Trị sự thực hiện Kỷ yếu Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2015 đã mang lại hiệu quả khá tích cực khi các thành viên trong nhóm có sự gắn kết và phân công, phân nhiệm cụ thể rõ ràng, là kết quả tuy chưa được như ý muốn nhưng đã có nhiều bước khởi sắc.
Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới, Thường trực BTS vào tháng 10/2016 đã chỉ đạo thực hiện cổng thông tin điện tử mới tại địa chỉ: http://phatgiaobariavungtau.org.vn và đang từng bước hoàn thiện giao diện cũng như nội dung. Trong 3 tháng cuối của năm 2016 tuy mới thử nghiệm nhưng đã có 367.877 lượt người đăng nhập và 4 tháng đầu năm 2017 có 479.101 lượt, số liệu thống kế như dưới đây:
Theo số lượng :
Năm 2017 |
Tháng 1 |
Tháng 2 |
Tháng 3 |
Tháng 4 |
669.540 |
141.008 |
184.204 |
152.156 |
192.172 |
Tỷ lệ |
21,06% |
27,48% |
22,72% |
28,70% |
Theo quốc gia: (Từ tháng 10/2016 đến tháng 04/2017)
Nước |
Đức |
Mỹ |
Anh |
Pháp |
Ucraina |
Việt Nam |
Khác |
SL |
394.119 |
239.236 |
169.741 |
143.197 |
59.832 |
40.026 |
57.042 |
Tỷ lệ |
35,73% |
21,69% |
15,39% |
12,98% |
5,42% |
3,63% |
5,17% |
Điều đó cho thấy nhu cầu tìm hiểu về thông tin Phật giáo tại tỉnh nhà không chỉ ở trong nước mà ngay cả kiều bào Phật tử ở nước ngoài là khá lớn.
4. Kinh nghiệm về Thông tin - Truyền thông và các đề xuất:
Từ những năm 2014 người viết đã được Ban Trị sự GHPGVN huyện Xuyên Mộc phân công đảm trách công tác truyền thông của Phật giáo huyện và đến giữa năm 2016 được Văn phòng Ban Trị sự tỉnh phân nhiệm thử nghiệm một số công việc. Qua một vài năm thực hiện công tác TTTT Phật giáo. Được sự chỉ dạy tận tình của Chư tôn đức và sự truyền thụ kinh nghiệm của những người đi trước xin mạn phép đúc kết một vài kinh nghiệm như sau:
a/ Trong nhiệm vụ TTTT, người được giao trọng trách cần chú trọng đến sự tương tác giữa hoằng pháp và truyền thông, nâng cao hiệu quả sự liên kết, phối hợp trong công tác truyền thông Phật giáo.
b/ Việc xử lý khủng hoảng truyền thông và truyền thông Phật giáo với các nội dung như: thông tin về Phật giáo trên báo chí và trang mạng xã hội; người tu hành tham gia mạng xã hội; góc nhìn của dư luận, xử lý khủng hoảng truyền thông liên quan đến hình ảnh Phật giáo cần có sự chỉ đạo chặt chẽ và cụ thể từ Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh. Cần nhận định chính xác: Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đảm trách việc phát ngôn chính thức mọi vấn đề liên quan đến Phật giáo tỉnh nhà.
c/ Truyền thông và những tác động của truyền thông tới dư luận xã hội là điều cần xem xét sau mỗi thông tin được đăng tải. Từ đó rút ra những kinh nghiệm, có hướng xử lý và hoàn thiện về phương pháp cũng như kỹ năng cần có để nâng cao hiệu quả truyền thông và truyền thông Phật giáo.
d/ Tận dụng những Phật tử trong tỉnh làm tuyên truyền viên cho công tác TTTT để tạo nên hiệu ứng lan toả. Đạo Phật chỉ có thể phát triển nếu như các thành viên trong cộng đồng Phật giáo hết mình và đoàn kết nhằm phát huy tinh hoa Phật giáo.
e/ Tận dụng tối đa các mạng xã hội: Thông tin từ nhiều nguồn (Facebook, Google, Youtube…) cho thấy giới trẻ tuổi từ 8 đến 18 vào các trang mạng xã hội từ 45 phút đến 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày; 64 % người sử dụng internet tại 32 quốc gia đang phát triển cho rằng trang mạng toàn cầu có ảnh hưởng tốt về mặt giáo dục. Ít nhất một nửa nói rằng rằng mạng xã hội có ảnh hưởng tốt về mặt quan hệ cá nhân (53%) và kinh tế (52%). Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, theo nghiên cứu của PEW thì 42% số người cho biết các trang mạng toàn cầu có ảnh hưởng xấu về mặt đạo đức, chỉ có 29% cho là có ảnh hưởng tốt(1).
Chính vì lẽ đó, việc tận dụng các trang mạng xã hội cần thiết phải được chú trọng nhằm quãng bá hình ảnh, tinh hoa Phật giáo và thông tin về các sự kiện. Đạo Phật là đạo Thiết thực hiện tại; Đến để mà thấy; Vượt thời gian; Hướng thượng; Dành cho người trí tự mình giác ngộ. Chúng ta tập trung truyền thông sâu sắc 5 đặc tính này để Phật tử biết, tránh bị lừa vào tà đạo, tà giáo. Truyền thông đúng là rất quan trọng. Chúng ta nên chọn tất cả các kênh truyền thông để có thể tác động vào con người thuộc tất cả các đối tượng.
5. Những đề xuất
Sự quản lý của Ban Trị sự tỉnh về truyền thông đối với Phật giáo được hiểu trong khuôn khổ thông qua các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Một đất nước có đạo là một đất nước có truyền thống và ý chí mang tính thống nhất, có cùng một niềm tin kiên định trong tinh thần.
Sự hòa hợp đó được thể hiện bằng ý thức con người qua những việc làm cụ thể, tốt đẹp như: nhường nhịn lẫn nhau, coi trọng chữ hiếu, tôn sư trọng đạo, tránh sát sinh và tạo nghiệp chướng... Tinh thần phụng sự rất quan trọng nhưng kiến thức chuyên môn cũng không kém phần quan trọng. Chính vì lẽ đó, mong rằng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh xem xét các yếu tố sau:
a/ Chọn lọc những thành viên nhiệt huyết nhất là các Tăng – Ni được đào tạo bài bản về nghiệp vụ Văn hoá – Báo chí tham gia vào Ban TTTT nhiệm kỳ mới.
b/ Chỉ đạo các Ban ngành và các Ban Trị sự Thành phố, thị xã, huyện định kỳ có bài viết về mảng mình đặc trách. Các thành viên Ban TTTT chỉ thực hiện các bài viết về các sự kiện trong tỉnh. Hiện tại Cổng thông tin điện tử chỉ mới có các thành viên nhóm TTTT tham gia nên lượng bài viết chưa thực sự phong phú. Văn phòng Ban Trị sự mỗi tháng tổng kết các hoạt động để chuyển tải lên Cổng thông tin.
c/ Do điều kiện chưa có máy chủ riêng để lưu trữ dữ liệu, nên cần cung cấp nhiều thiết bị lưu trữ di động (thẻ nhớ, USB gắn ngoài, ổ cứng di động) để lưu trữ toàn bộ dữ liệu về hình ảnh, bài viết của Phật giáo tỉnh...
Bài viết trên chưa thể hiện đầy đủ về góc nhìn của Truyền thông Phật giáo do khả năng người viết còn hạn chế cũng như chưa nắm bắt kịp chủ trương của BTS tỉnh. Tuy nhiên, với tâm ý hướng thượng và nguyện vọng muốn cho công tác TTTT của Phật giáo tỉnh nhà khởi sắc hơn trong nhiệm kỳ tới hầu đáp ứng kỳ vọng mà Thường trực Ban Trị sự giao phó, kính mong Chư tôn Thiền đức xem xét.
(1) http://www.phatgiaodongthap.vn/2015/06/suy-nghi-ve-truyen-thong-vaphat-giao.html.