Cụ Chiểu nằm thở hộc hệch ngay trên sàn nhà, đôi mắt bu bám đầy ghèn… Chúng tôi tự vào nhà cụ, đánh thức cụ trong cơn “nửa tỉnh, nửa mê”.
Lay gọi mãi, cụ cũng tỉnh nhưng cứ gọi đòi nước. Xung quanh chẳng có giọt nước nào. Một bạn chạy đi mua chai nước ngọt, cụ Chiểu uống ngon lành. Qua cơn khát, cụ liên tục đòi ăn trong lời khẩn cầu tha thiết. Chúng tôi lại đi mua một tô cháo vịt, cụ bập chập ăn. Đã rất lâu rồi cụ chưa có gì vào bụng thì phải.
Cụ Chiểu bị liệt. Khi chúng tôi hỏi về con cái, những dòng nước mắt cứ tràn ra từ đôi mắt mờ đục của cụ.
Chị Thủy Thị Bảy - hàng xóm của cụ Chiểu cho biết: “Thỉnh thoảng chúng tôi đến mua thức ăn, tắm giặt, dọn dẹp cho cụ. Cụ có con cũng như không, ăn uống bữa có, bữa không nốt. 3 người con trai, 1 đứa thì theo ông bà đã chục năm nay. 1 đứa không bình thường, đi đâu đâu, lâu lâu mới về. Đứa ở với cụ cũng ngớ ngẩn nốt không nuôi thân được…”.
“Trước đây mặc dù không thể đi được vì bị bại liệt nhưng để có được miếng ăn, hàng ngày cụ Chiểu đều bò, lết mấy cây số ra chợ xin ăn. Nay yếu quá nên cụ không thể đi xin ăn được nữa. Sự sống của cụ Chiểu hiện trông chờ vào sự cưu mang, đùm bọc của bà con chòm xóm mà thôi” - chị Hà Thị Phần (45 tuổi, phật tử chùa Giác Nguyên, huyện Thăng Bình hay đến chăm sóc cụ xót xa.
Nhưng nhiều khi cụ Chiểu vẫn bị đói, cả tuần không tắm, không thay quần áo. Móng tay, móng chân dài cả tấc. Đôi khi, đi vệ sinh xong để đó không ai dọn, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Bà Nguyễn Thị Vân cán bộ UBND thị trấn Hà Lam cho biết: “Cụ Đặng Thị Chiểu đơn độc và thật là khốn khó. Gia đình cụ đã được chính quyền thị trấn xếp vào diện hộ nghèo đặc biệt. Cụ được hưởng 180.000 đồng/tháng theo chế độ hỗ trợ người cao tuổi. Và xã chỉ có thể làm được như vậy…”.
Hà Kiều - KTO