;
HỎI :
Tôi là một Phật tử rất tâm huyết với sự nghiệp hoằng pháp. Kính hỏi hàng Phật tử có thể tham gia vào sự nghiệp hoằng pháp không, nếu được thì bằng những phương thức nào?
ĐÁP :
Hoằng pháp là đem giáo lý giải thoát, giác ngộ và các phương pháp tu tập nhằm chuyển hoá khổ đau truyền bá rộng rãi đến mọi người. Hoằng pháp là nhiệm vụ chung của toàn thể những người con Phật, cả xuất gia lẫn tại gia, trong đó người cư sỹ tuy không giữ vị trí chủ yếu như chư Tăng nhưng cũng có vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng.
Trước hết, xác định nhiệm vụ then chốt của người cư sỹ là hộ pháp, tức hỗ trợ cho chư Tăng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Phật pháp. Trong trọng trách hộ pháp vô cùng to lớn và đa dạng ấy, tất yếu có lĩnh vực hoằng pháp. Tuy nhiên, do giới hạn về chuyên môn (giáo điển và kinh nghiệm nội chứng) cùng với sự ràng buộc về các phương diện gia đình, sinh kế… nên hầu hết hàng cư sỹ chỉ có thể tham gia hoằng pháp trong chừng mực, khả năng và điều kiện nhất định.
Phương thức hoằng pháp đầu tiên mà bất cứ người cư sỹ nào cũng làm được, đó là thể hiện Phật chất trong cuộc sống của mình ở trong gia đình, ngoài xóm giềng, cơ quan và xã hội. Sự thể hiện những phẩm chất đạo đức của người con Phật như tam quy, ngũ giới, từ bi, bố thí, hoan hỷ và trí tuệ… trong cuộc sống là một bài pháp không lời nhưng cực kỳ sống động và có sức thuyết phục cao. Ở đây, Phật pháp được hoá thân qua thực tiễn đời sống của hàng Phật tử, thông qua đời sống của người cư sỹ để người khác có một phần nhận thức, đánh giá về Phật pháp.
Một khi đã hàm dưỡng và thể hiện được Phật chất trong đời sống, dựa vào uy tín cá nhân, người cư sỹ có thể truyền đạt kinh nghiệm sống quý báu ấy cho mọi người xung quanh. Mỗi người cư sỹ phải tham gia giáo hoá các thành viên trong gia đình là cha mẹ, vợ chồng, con cháu có niềm tin Tam bảo và sống theo Chánh pháp. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh khuynh hướng thực dụng, xem nhẹ đạo đức và lãng quên nguồn cội đang ngày một gia tăng trong giới trẻ hiện nay. Vì thế, sứ mạng hoằng pháp trong gia đình của người cư sỹ tức Phật hóa gia đình càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa rất quan trọng.
Ngoài việc Phật hoá gia đình, mở rộng ra các mối quan hệ trong đời sống và công việc thường nhật, người cư sỹ có thể nỗ lực giáo hoá bà con, bè bạn và đồng nghiệp bằng chính sự am tường Phật pháp cùng với tư cách, uy tín của người Phật tử. Vì đây là môi trường xã hội, do đó người cư sỹ muốn hoằng pháp thành công phải thực sự có bảnh lĩnh và kinh nghiệm, nhất là sự kiện toàn về tri thức và đạo đức. Có khá nhiều người “biết” Phật, đến chùa nhờ nhân duyên đầu tiên là tập học theo bạn bè hoặc qua những kinh sách, báo chí, băng giảng mà bạn bè giới thiệu. Chính lối sống lương thiện, minh triết đầy đủ chất liệu trí tuệ, từ bi cùng với nỗ lực giới thiệu kinh điển, sách báo Phật giáo người sư sỹ có khả năng cảm hoá người khác tìm đến Phật pháp.
Đối với đội ngũ cư sỹ tri thức thì sự nghiệp hoằng pháp của họ càng sâu rộng và đa dạng hơn, đặc biệt là phương diện nghệ thuật, văn hoá và giáo dục. Giới thiệu Phật pháp đến với mọi người thông qua nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, âm nhạc là công lao to lớn của những nghệ sỹ Phật tử. Bên cạnh nghệ thuật, những công trình nghiên cứu văn hoá, lịch sử, các sáng tác văn học Phật giáo của những Phật tử trí thức đã góp phần rất lớn trong công cuộc xiển dương Phật pháp.
Trong lãnh vực giáo dục, có khá nhiều cư sỹ tham gia giảng dạy Phật học trong các khoá huấn luyện Phật tử, chủ trì những cuộc thảo luận Phật pháp tại những đạo tràng đặc biệt có một số ít cư sỹ học giả rất uyên thâm Phật học hiện đang giảng dạy cho Tăng Ni ở một số trường Phật học. Những đại biểu cư sỹ trí thức đã góp phần vào sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp tại Việt nam trong thời cận đại như Lê Đình Thám, Đoàn Trung Còn, Cao Hữu Đính, Trịnh Công Sơn v.v…
Về kinh nghiệp tu chứng, một cư sỹ nếu thành công về phương diện này thực là một vinh hạnh cho Phật giáo nước nhà. Sự xuất hiện của các thiền sư cư sỹ như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ đã góp phần làm cho Phật giáo thời Trần hưng thịnh một thời. Hiện nay, có khá nhiều cư sỹ niệm Phật biết được ngày giờ và chủ động vãng sanh hoặc lưu xá lợi, tuy không tham gia vào ngành hoằng pháp nhưng sự vãng sanh của họ là một minh chứng hùng hồn về giác ngộ và giải thoát, xây dựng niềm tin Tam bảo cho rất nhiều người.
Tóm lại, năng lực hoằng pháp của người cư sỹ rất phong phú và đa dạng, tuỳ vào khả năng và hoàn cảnh của mỗi người mà có sự đóng góp khác nhau. Nhưng quan trọng nhất vẫn là những bài thuyết pháp sinh động từ thực tiễn cuộc sống của người Phật tử.