;
Cần sự kiểm soát chặt chẻ của cơ quan quản lý văn hóa trong các chương trình gameshow, đặc biệt những chương trình có nội dung liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng.
Sau tác phẩm cải lương Lan Và Điệp đã để lại không ít hệ lụy trong lòng người yêu nghệ thuật và nhiều thế hệ sau về hình ảnh người tu trong Phật giáo. Đó là một lớp người bi quan yếm thế, tìm đến thiền môn vì thất tình hay gặp những cảnh trái ngang trong cuộc sống.
Làm mất đi hình ảnh cao thượng của người xuất gia vì sự phát Bồ đề tâm tìm đạo giải thoát. Tuy nhiên, quan niệm ấy đến nay đã được xoá mờ nhờ vào sự hoằng dương chánh pháp của chư tôn đức Tăng Ni. Giúp cho quần chúng tin tưởng vào con đường giác ngộ, hơn là những nhận thức sai lệch.
Tuy nhiên, gần đây lĩnh vực văn hoá nghệ thuật nước nhà, lại tiếp tục xuất hiện một số tác phẩm xúc phạm đến Phật giáo và đem tín ngưỡng tâm linh ra đùa cợt trên sân khấu.
Bài Couver Độ Ta Không Độ Nàng được chuyển tải từ nội dung phim hoạt hình ngôn tình Trung Quốc. Được báo chí cho là xuất phát từ tiểu thuyết Đức Phật và nàng của tác giả Chương Xuân Di người Trung Quốc, chuyển thành 20 tập phim Bất Phụ Như Lai Bất Phụ Khanh, từ năm 2018.
Nội dung hư cấu về cuộc tình của đại sư Cưu Ma La Thập, người có công truyền bá Phật giáo Đại thừa vào Trung Quốc. Tuy nhiên, đã làm hình ảnh ngài rơi tình cảm bi lụy thế tục, trái với tinh thần Phật giáo chân chính. Dù Độ Ta Không Độ Nàng, có nguồn gốc từ Bất Phụ Như Lai Bất Phụ Khanh hay không, đã trở thành chủ đề hot nhất trong thời gian vừa qua.
Được nhiều bạn trẻ Couver lại, hát vô tội vạ, khi vẽ nên truyện tình của tiểu hoà thượng vì yêu công chúa mà tuyệt vọng, trở thành kẻ giết người báo thù cho nàng và phỉ báng tam bảo. Nếu là người hiểu và tôn trọng Phật giáo, có lẽ sẽ không dịch và ủng hộ bài hát đó.
Dù rằng, trong kinh sử Phật giáo cũng ghi nhận có rất nhiều câu chuyện tình đầy xúc động như ngài Ma Ha Ca Diếp với Diệu Hiền vào thời Phật tại thế, Ngọc Lâm Quốc Sư & Vương Tiểu Thư, Hoà Thượng Hư Vân & Hai người vợ được đính hôn tại Trung Quốc, Hoà Thượng Liên Hoa và công chúa Long Thành ở Việt Nam, đều là những câu chuyện thực tế, đề cao ý chí hướng thượng của bậc xuất trần, không hề có một chút gì hoen ố.
Mặc dù Ca sĩ Phương Thanh đã Couver lại bằng lời nhạc của thầy Thích Đồng Hoàng với tựa đề Tự Thân Nàng Hãy Cứu Độ Nàng, được sự ủng hộ nhiệt tình của dư luận và cộng đồng Phật tử. Tuy nhiên, không có nghĩa là những tác phẩm nghệ thuật thiếu nghiêm túc như bài Độ Ta Không Độ Nàng sẽ không tiếp tục xuất hiện.
Trong một đoạn hài ”Thị Mầu Lên Chùa”, được cải biên do nghệ sĩ Khánh Nam biểu diễn được phát lên VTV9, xúc phạm Phật giáo rất phản cảm, trái với tâm tư của chú tiểu trong là hoá thân cải trang của Thị Mầu trong chính kịch. Gần đây đã được POPST TV Vietnam đăng tải vào ngày 5/6/2019 với nội dung màn đọc kinh bá đạo nhất từng có trên sân khấu. Nghĩa là đem tín ngưỡng ra làm trò cười.
Điều ấy đã vi phạm vào Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo của nước CHXHCNVN, gây bức xúc cho đồng bào Phật tử trong và ngoài nước.Trong các bình luận bên dưới đều bày tỏ quan điểm không tán thành vì một màn trình diễn vô đạo đức vô văn hoá nhìn rất ư nham nhở.
Nhưng tại sao khán giả trường quay VTV9 lại cười và chương trình ấy được phát lên truyền thông chính thống cả nước. Vậy ai chịu trách nhiệm về nội dung kiểm duyệt chương trình này?
Phải chăng bây giờ cứ muốn nổi tiếng hay hút khách thì cứ dựa vào Phật giáo, kiểu đem sự trang nghiêm của đạo Phật ra làm trò cười? Nếu như nền văn học nghệ thuật của một đất nước được phổ biến bằng những nội dung phản cảm thiếu tính nhân văn và lệch lạc như thế thì trình độ cảm thụ nghệ thuật, cũng như nền văn hoá dân tộc sẽ đi về đâu.
Chưa nói đến là dấu ấn khinh lờn Phật giáo để lại trong tâm thức quần chúng là tôn giáo của dân tộc, đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc suốt hơn 2000 năm dựng nước và giữ nước.
Truyền thông lá cải có thể dập tắt sau một thời gian ngắn, nhưng dấu ấn của một tác phẩm nghệ thuật sẽ là mãi mãi. Sau dư âm bài xích cúng sao giải hạn, xây chùa to Phật lớn, muốn quản lý tiền công đức của nhà chùa đánh phá Phật giáo, thì “Độ Ta Không Độ Nàng”, “Màn Đọc Kinh Bá Đạo Nhất Trên Sân Khấu”, sẽ là một hậu quả khó lường, làm lung lạc niềm tin của quần chúng Phật tử trước hạnh nguyện giải thoát của hàng xuất sĩ.
Hàng chục ngàn lượt like (thích), chia sẻ trước trò đùa cợt vô đạo đức.
Nhiều ý kiến bất bình với trò đùa cợt xúc phạm tôn giáo của những kẻ vô ý thức.
Thiết nghĩ, đã đến lúc GHPGVN cần phải lên tiếng cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tuýt còi những tác phẩm xuyên tạc giáo lý đạo Phật và nghiêm cấm các tác phẩm xúc phạm đến Phật giáo trong tương lai.
Ngay cả trao đổi với Kênh VTV9 và các trang mạng xã hội liên quan, cần tháo gỡ và lên tiếng xin lỗi cộng đồng Tăng Ni Phật tử vì những tác phẩm thiếu cân nhắc.
Cần lắm một quy định chặt chẽ về những tác phẩm nghệ thuật vay mượn hình ảnh Phật giáo.